Tuần lễ vừa qua, cái chết của ông Thompson, sếp lớn của công ty United Healthcare, đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi về hệ thống bảo hiểm y tế tại Hoa Kỳ. Tiếc một đời sống bị cắt ngắn thì ít mà mỉa mai chê trách các công ty bảo hiểm y tế thì đầy rẫy. Sự căm phẫn của khách hàng dẫn đến việc giết người để giải quyết vấn nạn. Hai cuộc đời bị hủy hoại, hai gia đình đau khổ vì mất mát.

Thấy bá tánh rùng rùng ủng hộ người trẻ tội phạm Dế Mèn chạnh lòng lắm nên mày mò tìm hiểu. Bài viết này chỉ đề cập đến một số chi tiết về bảo hiểm y tế tại Hoa Kỳ.

Dù được xem là “tiến bộ” nhất nhì trên thế giới nhưng hệ thống y tế của Hoa Kỳ không được hoan nghênh cho lắm. Người thế giới lắc đầu và ngay cả cư dân trên đất nước này cũng không mấy hoan hỷ khi cần sử dụng các dịch vụ y tế.

Y tế là một hệ thống bao gồm nhiều lãnh vực: y học (nghiên cứu, phòng ngừa & chữa trị bệnh tật), chuyên viên (bác sĩ, nha sĩ, điều dưỡng, y tá…), bệnh viện & phòng mạch (công & tư), và bảo hiểm. Mỗi lãnh vực liên quan đến y tế đều phức tạp, người tò mò như Dế Mèn đây ngó qua chỉ thấy chóng mặt vì lạc vào ma trận, nhiều chi tiết và các “con đường” tròng tréo loằng ngoằng trên “bản đồ” chỉ dẫn.

Không mấy bệnh nhân /khách hàng biết rõ chi tiết về hệ thống y tế của Hoa Kỳ. Khởi đầu là chuyên viên, những người cung cấp dịch vụ, hầu hết đều làm việc trong các tổ hợp/ công ty lớn nhỏ, làm chủ cũng như làm công. Những tổ hợp / công ty này thường làm ăn theo hợp đồng với công ty bảo hiểm y tế. Giản dị, vòng tròn “dịch vụ – lệ phí” bao gồm chuyên viên, bảo hiểm là hai thành phần và khách hàng / bệnh nhân là thành phần … thứ ba.  Chuyên viên thương lượng với hãng bảo hiểm về lệ phí cho mỗi dịch vụ cung cấp [cho thân chủ của hãng bảo hiểm]. Hãng bảo hiểm rao bán các dịch vụ theo hợp đồng, các chương trình bảo hiểm từng phần hoặc “trọn gói” với giá cả khác nhau, khách hàng theo đó mà lựa chọn.

Với chuyên viên [y tế], thành phần thứ ba là “bệnh nhân”, người đau ốm, cần chữa trị trong khi với hãng bảo hiểm, thành phần thứ ba là “khách hàng” và chuyên viên là “đối tác” làm ăn. Để kiếm bạc, hãng bảo hiểm cần tiết giảm phần “chi” [trả lệ phí cho chuyên viên càng ít càng tốt] và gia tăng phần “thu” [bán nhiều “gói” bảo hiểm và bán cho nhiều người]. Tạm hiểu, công ty bảo hiểm là người trung gian, làm ăn với hai “thành phần” kia để kiếm tiền. Cung cách làm ăn là thắt chặt các món chi tiêu và quảng cáo kịch liệt về những cái “hay” của công ty họ. Đây là việc làm ăn buôn bán nên công ty bảo hiểm tỉnh rụi, thong thả cò kè thương lượng, so sánh các con số. Khách hàng và “đối tác” [chuyên viên/bệnh viện] chẳng bao giờ “thắng” trong mối giao tiếp này.

Xem thêm:   Thẩm mỹ thời @

Khách hàng / bệnh nhân sử dụng dịch vụ y tế nhưng không mấy khi thấu hiểu chi tiết về các dịch vụ ấy. Lúc mua bảo hiểm ta mạnh khỏe nên thường chọn món rẻ nhất cho đến khi cần sử dụng mới nhận ra những hay /dở của “gói” bảo hiểm nọ. Giá thấp đi đôi với ít dịch vụ và khi cần sẽ phải trả tiền túi nặng nề chưa kể những khiếm khuyết khác. Bác sĩ gia đình / chuyên viên trong danh sách của hãng bảo hiểm thay đổi hằng năm, kiểu nay còn mai mất, khó lòng “giữ” mối giao tình quen thuộc với chuyên viên. Các chi phí y tế và thuốc men hay bị công ty bảo hiểm từ chối hoặc chỉ trả phần nhỏ… Lúc cần dịch vụ chuyên môn / specialist sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Khi đi xa chẳng may đau ốm thì phiền phức vô cùng vì bệnh viện/chuyên viên không nằm trong “hệ thống” [làm ăn] của hãng bảo hiểm và chi phí tất nhiên là cao vì “out-of-network” chưa kể những giấy tờ lôi thôi…

Theo KFF, một tổ chức nghiên cứu về y tế tại California, phần lớn cư dân Hoa Kỳ đã than phiền về việc sử dụng bảo hiểm y tế vì khi cần thường bị hãng bảo hiểm từ chối. Lượng than phiền tăng cao hơn nữa với những người bệnh mãn tính. Họ cần dịch vụ nhưng các dịch vụ ấy ít khi được công ty bảo hiểm chi trả đầy đủ. Tạm hiểu là dịch vụ y tế cần nhất lại là những [người gặp] trở ngại nhiều nhất.

Khó khăn trở ngại khi dùng bảo hiểm y tế là chuyện cũ, từ những năm 90 của thế kỷ trước Quốc Hội Hoa Kỳ đã ban hành đạo luật “Patient’s Bill of Right” để khách hàng dễ dàng phản đối khi bị hãng bảo hiểm từ chối chi trả dịch vụ cần thiết và có thể thưa kiện khi bị “xử ức”.

Xem thêm:   Nữ quyền ngày xa xưa

Công ty bảo hiểm tất nhiên là bảo vệ cách làm ăn, lập luận rằng bằng cách giới hạn các dịch vụ y tế, họ loại bỏ các dịch vụ “không cần thiết” hoặc “tai hại” [cho bệnh nhân] và do đó tiết giảm chi phí y tế [có lợi cho ngân sách cá nhân / quốc gia?!] qua việc “điều hành dịch vụ y tế” hay “managed care” . Bằng không bệnh nhân phải chi tiêu nhiều hơn khi trả tiền chữa bệnh, mua thuốc men hoặc bỏ luôn việc chữa trị bệnh tật vì thiếu tiền. Nghĩa là công ty bảo hiểm đang làm một công việc ích quốc lợi dân?!

“Managed care” xuất phát từ khái niệm “chăm sóc sức khỏe toàn diện” chú trọng đến việc duy trì sức khỏe, phòng ngừa và khi bệnh tật thì các chuyên viên phối hợp với nhau trong việc chữa trị bệnh nhân. Kiểu mẫu “nonprofit cooperative” được đề xướng từ nông trại, hãng xưởng tại Hoa Kỳ trong thế kỷ trước; ngày nay hóa thân thành “Health Maintenance Organization, HMO, điển hình là Henry Kaiser, một công ty bảo hiểm sức khỏe “có giá” [hữu hiệu] nhất tại Hoa Kỳ. Cư dân mua bảo hiểm. Chuyên viên được trả lương nhất định, không dựa trên số lượng dịch vụ cung cấp. Từa tựa như hệ thống y tế “universal healthcare” tại nhiều quốc gia Âu châu.

Dịch vụ y tế Hoa Kỳ đắt đỏ nhất thế giới mà cư dân chẳng “khỏe mạnh” hơn chút nào. Một trong những yếu tố chính của bảng giá ngất ngưởng kia là lệ phí của chuyên viên/bệnh viện. Bệnh viện tha hồ tính tiền nếu không bị nhìn ngắm kỹ lưỡng bởi bệnh nhân và cả hãng bảo hiểm. Chuyên viên cung cấp dịch vụ “đặc biệt” (ít người làm việc trong ngành chuyên môn) thường đặt lệ phí rất cao, nguyên tắc cung / cầu được áp dụng triệt để. Đôi khi các dịch vụ đặc biệt kia chưa hẳn là cần thiết hoặc hữu hiệu trong việc chữa trị bệnh tật, ta thấy mấy chữ “misuse” và “overuse” được nhắc đến thường xuyên trong bài bản của công ty bảo hiểm. Và bài bản ấy có đôi phần chính xác.

Để kiểm soát việc chi tiêu, công ty bảo hiểm đòi khách hàng phải “hỏi ý” trước khi sử dụng các dịch vụ bên ngoài danh sách định sẵn qua mục “prior authorization”. Theo ông Wendell Potter (trước đây là sếp lớn của một công ty bảo hiểm sức khỏe) từ Center for Health and Democracy (một tổ chức chuyên việc phân tích chính sách y tế) mỗi ngày một gia tăng, công ty bảo hiểm sử dụng cung cách kiểm soát này thường xuyên hơn.

Xem thêm:   Kêng [đào] Panama

Trang nhà ValuePenguin, chuyên phân tích tài liệu về công ty bảo hiểm y tế, tường trình rằng Kaiser từ chối chi trả khoảng 7% dịch vụ và UnitedHealthcare (ông Thompson là sếp lớn lúc sinh tiền) từ chối 32% dịch vụ [so với mức trung bình của kỹ nghệ bảo hiểm y tế là 16%]. Nghĩa là UnitedHealthcare từ chối chi trả dịch vụ y tế thường xuyên.

Ngoài số lượng “từ chối” chi trả, kỹ nghệ bảo hiểm y tế còn bị chê trách bởi cung cách giao tiếp với khách hàng khi [bệnh nhân] tiếp xúc với họ, khó lòng được tiếp chuyện chỉ dẫn … Cứ nhìn ngắm các con số và chi tiết của những vụ kiện tụng, mấy cuộc điều trần trước Quốc Hội và nhiều bài điều tra trên báo chí là ta có thể hiểu ra ít nhiều những vấn đề của bệnh nhân /khách hàng và kỹ nghệ bảo hiểm y tế.

Bà Miranda Yaver, giáo sư môn chính sách y tế tại University of Pittsburgh, viết cả một cuốn sách (sắp xuất bản) về kỹ nghệ bảo hiểm y tế tại Hoa Kỳ và cách “thắt chặt” các dịch vụ y tế. Hậu quả là tình trạng sức khỏe của nhiều bệnh nhân trở nên tệ hại vì không được [phép] sử dụng dịch vụ cần thiết kể cả mua thuốc men và vào bệnh viện.

Đối đầu với công ty bảo hiểm là việc có thể nhưng mấy ai đủ khả năng để làm việc ấy? Thời giờ, tiền bạc và cả sự hiểu biết cần thiết để thu góp chứng từ mà trình bày trước ba tòa quan lớn?!

Nhìn chung, hệ thống y tế Hoa Kỳ đang tuột dốc, phí tổn cao mà kết quả lại thấp. Câu hỏi nặng ký là làm thế nào để thay đổi? Tất nhiên sự thay đổi cần thiết phải xuất phát từ cả ba thành phần, chuyên viên, kỹ nghệ bảo hiểm và khách hàng / bệnh nhân nhưng quan trọng nhất vẫn là sự kiểm soát [giá cả] của chính phủ về các dịch vụ, mua / bán bảo hiểm y tế.

Ý tưởng “bán cái” bảo hiểm y tế cho người già, chương trình Medicare, cho kỹ nghệ bảo hiểm (privatize, chuyển “công” thành “tư”) khiến phe ta rùng mình. Giao trứng cho ác?

TLL