Bão Ian thổi qua Florida, chỉ 72 tiếng đồng hồ mà đã xảy ra bao tang thương mất mát. Người sống tạ ơn đất trời rồi lắc đầu tiếc người tiếc của đã mất. Nơi Dế Mèn sinh sống, vùng Orlando, chịu cơn bão suốt 20 tiếng. Gió thịnh nộ vật vã trên trời, dưới đất cây cỏ oằn mình chịu đòn, những ngọn roi vô hình rít lên từng cơn. Mưa ào ạt như cơn giận dữ của đất trời. Lúc gió lại đổi chiều và mưa xoáy theo gió khiến các khung cửa sổ run bần bật từng hồi.

Bão nổi lúc 12 giờ đêm, gió ào ạt, rầm rộ, không gian đang cơn thịnh nộ ầm ĩ nên phe ta chẳng tài nào chợp mắt chưa kể chuông điện thoại reo cứ hai tiếng một lần khi thành phố cập nhật tin tức. Dế Mèn lắng nghe để biết khi nào cần di tản. Chỗ nhận người cơ nhỡ là một trường trung học chỉ cách nhà khoảng hai dặm đường. Hoang mang và sợ hãi. Con người quả là nhỏ nhoi và bất lực trước ông Tặc Thiên.

Dế Mèn chờ đợi, chỉ mong cho trời mau sáng dù biết rằng trời sáng mà mưa bão đùng đùng thế này thì cũng chẳng biết làm sao!? Hẳn bóng tối khiến nỗi sợ hãi to lớn hơn sức tưởng tượng? Phe ta lo lắng nghĩ đến thân nhân, không biết anh em có an toàn [như mình] không? Hơn bao giờ hết, Dế Mèn ước ao có người thân quây quần bên cạnh; có người chung quanh khiến sự sợ hãi nhẹ đi một nửa?

Mưa suốt cả ngày hôm sau, gió vẫn vật vã dù đã bớt hung hăng. Dế Mèn nhìn ra vườn, cành cây gãy, lá rụng đầy sân xơ xác và nhận ra mình may mắn. Mọi gia đình lớn, gia đình nhỏ đều bình an vô sự.

Ðài truyền hình vẫn chiếu trực tiếp những hình ảnh tang thương tại các nơi lân cận. Chỉ cách xa vài dặm đường mà cũng vài nơi trong thành phố chịu lụt lội. Nước dâng nhanh quá nên nhà cửa ngập lụt, xe chết máy và cư dân phải tìm đường ra khỏi nơi cư ngụ. Người ta di tản bằng những chiếc xuồng nhỏ kéo bằng sức người lính cứu hỏa, sức người đi cứu trợ.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Dù trong tình trạng “báo động” nhưng Orlando không nằm trong danh sách những vùng cần di tản, Dế Mèn nhát hít nên lo hơi xa, cũng sửa soạn quần áo và vật dụng cá nhân cần thiết lỡ phải qua đêm ở nơi xa lạ. Và trong nhà thì đầy đủ đèn pin, nước uống, thức ăn vặt vãnh cho vài ngày giông bão.
Xem đài truyền hình tường thuật từng nơi mới thấy mình lo xa quá xá. Bá tánh trong vùng gặp nạn cứ tỉnh queo lắc đầu không chịu nghe lời khuyến cáo phải di tản của chính quyền thành phố… Nhà tui tui cứ ở, sống chết chi cũng ở lại đây… Thế rồi thôn xóm ngập sâu dưới nước cả thước, và họ đành leo lên mái nhà mà kêu người đến cứu. Xe cộ đi lại không xong nên chỉ còn cách dùng trực thăng để cứu người và chỉ cứu được một số người may mắn. Những người khác chết trong căn nhà sập ngập nước. Có người mạng lớn, không chịu di tản và nhất định đóng chốt trong du thuyền sau khi cẩn thận xích cả hai chiếc du thuyền với nhau để đánh cuộc với ông Tặc Thiên. Họ sống sót để kể lại rằng sóng quật hai con tàu vật vã trên sóng nước rồi quăng luôn hai chiếc tàu lên bờ, quất chúng vào tòa nhà gần bờ biển. Ông chủ tàu biểu rằng có lúc đã ngỡ mình chết mất xác trong biển cả, ngờ đâu số chưa tới nên gió chỉ cuốn con tàu lên bờ rồi mắc kẹt trong tòa nhà lân cận. Ông ấy kết luận… Trời cho tui sống để làm một việc chi đó!…

Quả là chủ quan và gan cùng mình!

Nằm trên đường Ngay trong thành phố, Orlando cũng có những con đường ngập nước, cống rãnh quá cũ và không đủ lớn để “chịu” một lượng nước khổng lồ ào ạt đổ về. Nước dâng cao đến thắt lưng và cư dân chịu trận lội bì bõm chờ nước rút hoặc dắt díu nhau di tản đến nơi tạm trú.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Bão tố không phải là chuyện mới mẻ chi với cư dân Florida. Năm nào cũng có bão, không lớn thì nhỏ thì kinh nghiệm phải đầy mình? Không, không, bạn ạ! Bá tánh vẫn phây phây chủ quan vì họ yêu chuộng nắng gió miền biển nên bỏ đi là chuyện không dễ dàng.

Ba chục năm trước, trận bão Andrew cấp 5 đã thổi qua, cuốn tan nát vùng Miami-Dade County, hủy hoại trên 60 ngàn căn nhà khiến 170 ngàn người lang thang một thời gian, thiệt hại lên đến 50 tỷ Mỹ kim. Chính phủ liên bang sau khi tài trợ cứu nạn đã ban hành các điều luật xây cất rất khắt khe để đối phó; từ đó, Florida có luật xây cất chặt chẽ nhất Huê Kỳ.

Ðiều luật xây cất chặt chẽ giúp tiết giảm thương vong và hư hại tài sản cho cư dân mỗi khi trời giông bão.Tuy nhiên, các yếu tố khác như sự phát triển thành phố quá nhanh chóng và thời tiết thay đổi (nên ta khó lòng ước đoán / liệu định mức nguy hại của giông bão) khiến mức thiệt hại cho con người vẫn gia tăng khi bão tố.

Việc phát triển thành phố không cẩn thận tại Florida bắt đầu từ những năm 1900 khi ông Carl Fisher “đánh hơi” được lợi nhuận từ tiểu bang này, bắt đầu là chương trình xây cất Indianapolis Motor Speedway và sau một lần nghỉ mát tại đây, ông ấy xây cất cả một thành phố được biết đến ngày nay là Miami Beach.

Ông Fisher đã bỏ công sức, tiền bạc đầu tư vào việc mua bán rồi dọn dẹp cả chục ngàn mẫu đất đầm lầy để xây cất dinh thự dọc bờ biển. Thế là các tài phiệt địa ốc hè nhau kéo đến làm ăn, thế là các tòa nhà bạc triệu đến khách sạn, hàng quán, khu xóm sinh sống… từ từ xuất hiện.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Các chương trình xây cất ồ ạt dọc theo bờ Ðại Tây Dương và vùng vịnh tiếp tục cho đến ngày nay. Thêm vào đó, cư dân Florida đã gia tăng gần 60% sau trận bão Andrew (gấp đôi mức gia tăng dân số so với các địa phương khác tại Huê Kỳ). Dân số gia tăng, nhà cửa xây cất mạnh mẽ hơn để đáp ứng với nhu cầu. Theo tài liệu của nha Kiểm Kê Dân Số (US Census Bureau), số nhà cửa tại Florida đã gia tăng từ 5.7 triệu (1990) đến 10 triệu căn nhà trong năm 2020.

Việc xây cất nhà cửa đã thay đổi hệ thống sinh thái dọc bờ biển của Florida. Các tài phiệt đã thay thế đầm lầy thiên nhiên (có tác dụng ‘thu hút’ bão tố và bảo vệ vùng đất liền lân cận) bằng đất đai, dễ ngấm nước và đổ sụp. Hậu quả là các thiệt hại bạc tỷ từ giông tố, hồi nọ là bão Andrew, mới đây là Ian. Bão tố thổi qua đất trống thì chẳng hề chi nhưng nhà cửa thì khác; càng đông cư dân, càng nhiều người chịu thiệt hại từ thiên tai.

Kinh nghiệm Ian mang theo nhiều câu hỏi. Với bài học đau thương này, ta cần phải làm chi để tiết giảm tai họa?

Bão tố sẽ tiếp tục thổi qua Florida và các vùng đất tương tự khác, sự thay đổi hệ sinh thái cũng như việc phát triển thành phố, xây cất nhà cửa… nhanh chóng cũng sẽ tiếp diễn. Chẳng những ta sẽ cần xây cất cẩn thận hơn mà sẽ cần lựa chọn địa điểm để xây cất, những nơi ít ảnh hưởng đến thiên nhiên. Phá vùng sình lầy, san bằng đầm/vũng để xây nhà cửa là những chương trình không nên tiếp tục. Sau các kinh nghiệm đau thương từ Ian, tiếp tục chọn việc sinh sống tại bờ biển là chấp nhận sự rủi ro từ thiên tai, bão tố?!

TLL