Chuyện lớn và chuyện nhỏ
Cái khuy đã đứt nên lỗ hổng chơ vơ, không nối liền được cổ áo. Trời lạnh áo cổ hở xem ra không đúng mùa, không hợp thời. Áo cổ hở chỉ dành cho những vùng đất miền nhiệt đới. Áo cổ hở giúp ta tháo nhiệt, và người mặc áo hở cổ, nhất là những con người kiều mỵ, áo cổ hở rộng trưng bày đồi núi khiến kẻ bàng quan nóng hơn. Mùa hè tự dưng đổ lửa tự nơi nàng đứng. Cái nút nhỏ xíu dẫn đến cả một cơn cháy rừng, cháy rừng là chuyện rất lớn, cần cả một đội ngũ phòng hỏa kẻo nhà tàn cửa rụi thành tro.
Đội ngũ phòng hỏa bao gồm mẹ [già] bảo thủ, bà cô gắt gỏng khắt khe và cả những người hàng xóm khó tính. Họ xì xào, xa gần, qua lại đủ để bà mẹ nghe được những ý kiến, ý ong châm chích nọ… Đủ để người mặc áo hở cổ [hở ngực] bực mình, vặc lại hoặc nhún vai, tảng lờ bất cần … lời ve ra rả, sức đâu!?
Người chuộng tự do cá nhân thì thở ra bực bội, ai muốn ăn mặc ra sao thì kệ họ chứ, nếu bị … bốc hỏa thì nhắm mắt lại. Do mình đen tối chứ đâu phải tại ngoại cảnh, tâm động [đậy] thì ở đâu mà chẳng bốc hỏa?
Mùa đông nên cổ áo kín nút, có khuy nào cài chặt khuy đó, sắm thêm khăn quàng cho chắc ăn. Cổ lạnh thì thân thoát nhiệt, hết hơi ấm thì cơ thể phát run. Lúc nào cũng lạnh ngắt run rẩy thì khó lòng sống sót. Cái áo khuyết nút gây ra chuyện lớn nên chàng đi tìm Grant để hỏi cho ra cái nỗi mất mát nhỏ xíu nhưng chiếm cả một nỗi lo âu về sức khỏe. Nóng quá như khi gặp người đẹp kiều mỵ mặc áo hở cổ thì không hay cho lắm nhưng lạnh lẽo thế này thì qua được mấy trăng? Chỉ có sự ấm áp vừa đủ khiến ta thoải mái?
Điều lạ là chàng không tìm cái khăn quàng mà cứ lùng kiếm quần áo. À, vợ chồng [hay tình nhân] như áo quần? Áo khuyết nút dù có khăn quàng quấn cổ phụ giúp cũng thấy thiếu thiếu. Không có em ta như áo khuyết nút, như soda bay hết hơi, hết bọt… lúc nào cũng trống vắng, hình như đây là điều chàng muốn nói?
Khoảng cách giữa hai nút áo là nửa gang tay. Khoảng cách giữa các câu chuyện là một vài tuần nhưng trên mạng ảo, khoảng cách này thu gọn vài phân, bài này sang bài khác từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên.
Mỗi bài viết là một khoảng đời khác biệt, một cảm xúc tách rời. Hoa nhiều màu nở lẫn lộn nên chuyện vụn vặt có hình ảnh muôn sắc của thiên nhiên?
Từ thần tượng idol ta say mê thán phục, lòng yêu quý trổ hoa hồng. Lúc nào cũng muốn nhìn thấy thần tượng. Nỗi bực dọc viết thành lời của một thứ Sáu ngày 13 xui xẻo cho ta màu xanh tím. Khi trời mưa tầm tã lại gặp nữ chúa bù loa dai nhách thì hoa nào cũng xấu ỉn, xấu ình; cái mặt xinh đẹp đến đâu cũng không bù được cái nết khó ưa, khó chịu.
Ta cần học bài an nhiên tự tại để có thể dửng dưng như không còn ai…?
Quần và áo
Phu phụ tựa y phục. Nghĩa là cái áo luôn đi đôi với cái quần, như vợ với chồng, có đôi có cặp. Mặc áo thiếu quần thì người ta bảo là ở truồng, mặc quần thiếu áo thì gọi là ở trần, khi thiếu luôn cả hai món thì là trần truồng. Trần truồng thân xác thì xấu hổ lắm vì ra đường không có y phục thì mắc tội công xúc tu sỉ, nhưng cái món “sự thật trần truồng” thì rõ ràng minh bạch dù sự thật không mấy hay ho?
Như trong câu chuyện tiếu lâm về Cha Hòa đãng trí mặc áo chùng thâm quên cái quần, nhưng lòng Cha sáng, tâm Cha trong nên cái sự ở truồng kia cứ hồn nhiên phơi phới. Áo chùng dài đến gót thì chắc gì bá tánh đã thấy cái sự thiếu quần kia? Hay là ông linh mục đãng trí kéo áo chùng lên nên để lộ đôi chân?
Người đẹp cháy rừng Cali cũng hồn nhiên như thế, áo dài quấn khăn san như người thu Hà Nội năm xưa, nhưng lại thòng cái quần lót cho thêm phần hấp dẫn trong mẩu chuyện về cái hốt hoảng của một người chạy trốn bà Hỏa. Dân di tản trốn tránh bà Hỏa dừng chân lấy hơi ở một xưởng sửa xe khá lớn. Thế là chuyện cái áo không chịu đi đôi với cái quần lại rôm rả vì người nọ nhìn người kia dù chưa hết bàng hoàng. Chuyện chạy trốn chỉ là phụ vì phần chính là những đường nét hấp dẫn của phụ nữ chỉ mặc quần lót. Chàng Khục Khặc [vì khói] tiếp chuyện người đẹp thì hết khục khặc mà… tắt tiếng luôn trong khi các mỹ nam đứng quanh thẫn thờ vì nhức đầu mắt đổ ghèn. Mấy bà sơ che mặt bỏ chạy kêu Trời gọi Chúa và tiệm sửa xe im như tờ vì không ai chịu nhúc nhích trước thần Vệ Nữ, họ hóa đá hết trọi…
Câu chuyện quần áo lại xảy ra ở một khung cảnh khác. Cô hàng cà phê Hà Nội và chàng thi sĩ cũng… chòng chành vì người nói chuyện áo, kẻ kể chuyện quần. Người thực dụng, kẻ mơ màng. Người “mặc quần” trong gia đình thường được xem là “chủ”, nên kẻ mặc áo hẳn chỉ là “khách” hay “phó thường dân” xoàng xoàng không được quyết định những việc hệ trọng dưới mái nhà kia? Chàng ôm túi thơ ẵm thêm bầu rượu, thanh tao biết là bao mà em Hồ Tây lại chỉ muốn bán cà phê đặc sánh cho chàng uống chóng dã rượu để còn vào bếp mà cung cúc rửa chén trừ nợ. Cái sổ nợ đời dài lê thê, vài năm chắc chi đã dứt nợ nần?
Chuyện áo lành đã nhiêu khê như thế còn áo rách thì sao? Áo rách thì vá chứ da thịt hở ra thì xấu lắm? Áo cũ sờn vai, sờn khuỷu cũng có thể vá nhưng thay áo mới thì nhanh hơn, dễ hơn? Mặc áo vá, áo cũ dù thoải mái quen thuộc, không cần gìn giữ cẩn thận nhưng ra đường thì hình như ta thua kém kẻ chung quanh? Và để cho bằng người thì ta cần thay áo nhanh chóng, khá giả thì thay áo liên tục, mỗi ngày một áo mới cho bá tánh lé mắt khâm phục? Nhưng quần [đã] cũ [mèm] mà áo còn mới keng thì hơi vất vả vì thiếu tương xứng, hài hòa? Bộ quần áo cùng thời, cùng tuổi trông vẫn đẹp mắt hơn bất kể cũ hay mới!?
Khi đôi ta không cùng đi trên một con đường thì mỗi người mỗi ngả, anh thiếu thốn và em trống vắng. Không có nhau. Cái nỗi trống vắng thiếu thốn kia mênh mông biết là chừng nào? Như khi ta thiếu áo hay thiếu quần, thiếu món nào cũng lúng túng nên cần đắp đổi nhanh chóng?
Chuyện áo quần quan trọng như thế đâu phải giỡn chơi?
Lựa chọn
Bạn ta lựa chọn âm thầm, khi mợ sếp quá quắt, đòi hỏi ta làm việc trong cả giờ nghỉ ngơi thì đôi chân sẽ tìm đường đi về phía khác để lánh xa con người không tử tế. “Huấn luyện” mợ ấy biết tôn trọng thời giờ riêng tư hay biết tự lực chút xíu coi bộ hơi khó, vả lại ta phải đầu tư thời gian vào việc huấn luyện, tốn hơi quá, sức đâu? Nên đành thở dài thườn thượt mà bỏ của chạy lấy người! Trong khi chờ đợi thì đành nín thở qua sông, một ngày 8 tiếng. Bạn ta bỏ phiếu bằng đôi chân, và chạy … đi khi thời điểm chín muồi!
Như ông nọ chọn việc đeo kính đen để thấy bà già móm, chữa bệnh nhức đầu và thả hồn về đồng quê mà ngửi hương lúa chín và nhớ … bà ngoại.
Như bà cô nhắc nhở con bé Tân Thời ăn theo thủa ở theo thì, đi sửa xe thì mặc áo dài bảy nút, lúc ra phố Tiểu SaiGon thì hẵng theo mốt đời 3000.
Như cô hàng cà phê Hồ Tây chọn việc rửa bát trừ nợ cho nhà Thơ ngất ngưởng, chớ để ổng say sưa hoài, sổ nợ đời dài mấy mươi trang nữa thì đòi làm sao? Phe ta cắt dây chuông đúng lúc đúng điệu, trả hết nợ mới cho vay tiếp!
Như người chuộng thơ phú mà ở quán cà phê thì toàn chén bát nên mò qua tiệm sửa xe mà đề thơ dán vách. Khách sửa xe vừa chờ đợi vừa đọc thơ, một cõi thiên đường trong âm thanh chí chát của bù long đinh ốc?!
Như thi sĩ yêu tiếng Mẹ không chịu ăn Nho, uống (nước) Đường mà trách từ cụ Khổng đến cụ Mạnh, biểu rằng mấy ông hiếp đáp phụ nữ quá đáng. Rồi múa bút thả hồn thơ tự do, cho người đẹp lên cõi tiên quên luôn nồi niêu soong chảo.
Toàn những sự lựa chọn!
Sự lựa chọn xuất hiện hàng ngày, nhiều lần trong một ngày. Khi thức giấc ta chọn cho mình một khởi đầu. Đánh răng hay uống cà phê trước? Tắm rửa hay xem tin tức trước? Thứ tự của thứ Hai có khác chi thứ tự của ngày Chủ Nhật? Mà quái lạ, “Chủ Nhật” có nghĩa ngày đầu của một tuần, sao “nó” lại bị túm vào nhóm “weekend”, nôm na là “những ngày cuối tuần” hay lúc nghỉ ngơi? Tiếng Mẹ nên hiểu khác với tiếng Anh, “Sunday” là ngày của mặt trời, ánh sáng, sự bắt đầu? Đầu tuần được bắt đầu bằng sự “nghỉ ngơi” có nghĩa là “nghỉ ngơi” dưỡng sức đi đầu, ưu tiên một, sau đó mới đến “làm việc” ngày thứ Hai? Chẳng hiểu tiền nhân, mấy cụ làm lịch, nghĩ ngợi ra sao mà đặt tên như thế để con cháu như Dế Mèn đây thắc mắc nên kỳ kèo hỏi tới?!
Ngay cả việc “nghỉ ngơi hay “làm việc”, bất kể Chủ Nhật hay thứ Hai, ta cũng có sự lựa chọn như trăm ngàn thứ lựa chọn lỉnh kỉnh khác trong đời sống. Nói đến sự lựa chọn là có cái mất cái được, chọn thứ này là ta “bỏ” thứ kia. Với ta ôm đồm đa đoan thì sự lựa chọn nào cũng kèm thêm sự… mất mát, chẳng có thể nào ôm hết mọi sự?!
Khi làm việc, sự chọn lựa xuất phát từ tư tưởng, ý nghĩ. Ý nghĩ dẫn đến hành động. Hành động khi nhẹ nhàng, lịch sự, khi quyết liệt dứt khoát tùy theo ý nghĩ. Ngày ngày bận rộn, quay quắt ta cần một sự êm đềm vui vẻ bình an. Khi áp lực đè nặng, ta cần một chút không gian yên tĩnh riêng, cửa văn phòng khép lại, người quấy rầy cần gõ cửa và xin phép. Dứt khoát hơn, dán thêm cái bảng “khi cửa đóng, hỏi XYZ”, nghĩa là đừng gõ cửa, cần chi thì cứ hỏi ông/bà XYZ kia kìa, ta bán cái cho bà thư ký và lánh vào Cõi Không!
Công việc chiếm hết đầu óc, ít nhất là 8 tiếng một ngày. Ta dùng sức lực để làm việc và công việc tiêu xài thời giờ cũng như sức lực. Đã gọi là “việc” thì không thể là chuyện vui vẻ dễ dàng như ăn cơm sườn; “chơi” là chuyện vui đùa, dễ thực hiện. Chọn được công việc vừa ý, hợp với khả năng là ước mơ của mọi con người thích làm việc. Làm một công việc không mấy vừa ý nhưng có những tiêu chuẩn khác đủ để giữ chân ta tại chỗ cũng là một sự lựa chọn? Sự lựa chọn này có hương vị của nỗi bất ý âm ỉ, chấp nhận những thứ “được” để bù cho cái “mất”?
Lúc rảnh rang, cho phép mình thảnh thơi để vun bồi sức lực thất thoát. Đã gọi là giải trí thì có mấy ai chịu vất vả hay muốn bực bội khi chơi đùa? Lúc đùa chơi, sự lựa chọn dựa theo bản năng. Đọc một bài báo, nghe một khúc nhạc, xem một đoạn phim là những lựa chọn, vừa ý thì xem tiếp khúc sau, không ưa thì vứt sách, tắt máy… hoặc chọn một bài bản khác. Tóm lại là ta… ham vui. Chỗ nào hổng vui ta đi chỗ khác; người nào khó chịu ta bỏ quách cho hết bực mình. Sự lựa chọn thể hiện qua hành động rời bỏ xa lánh những thứ làm ta bất an. Vì bất an khó chịu là tốn sinh lực vào việc không cần thiết!
Khi chán ngán, bất an, không vui, ta… đi. Lúc Ngưu Lang Chức Nữ đạp đầu Ô Thước qua cầu sông Ngân để gặp nhau, họ cũng …đi, nhưng đi tìm hạnh phúc (?), đi đến với nhau? “Đi” hay “đến” trong những tình huống này cũng là sự lựa chọn, lựa chọn bằng đôi chân. Ta bỏ phiếu bằng đôi chân của mình.
Như thế việc “ở lại” là sự lựa chọn có màu sắc chấp nhận hay có hương vị nhẫn nhục cay đắng? Đôi chân chẳng có nhiệm vụ gì?
TLL