Ở quê nhà, ngày trước thỉnh thoảng người ta gửi nhau những tấm thiệp “hồng”, báo hỷ tín, thường là từ nhà gái phía cô dâu cùng với trầu cau, bánh trái. Rồi cứ đến mùa Tết là những tấm thiệp chúc Xuân xanh đỏ tím vàng được gửi đi xa thay cho lời chúc. Bên Châu Âu, Châu Mỹ thì thói quen gửi thiệp của bá tánh xem ra rầm rộ hơn nhiều. Chúc mừng, hỏi thăm, chia buồn…dành cho ngày sinh nhật, ra trường, lên chức, về hưu đủ mọi dịp chưa kể những ngày lễ lớn như Giáng Sinh, Tết Tây; tạm hiểu là người ta nhớ đến kẻ nhận mà mua thiệp, nắn nót ít dòng chữ viết tay rồi dán tem nhờ bưu điện con rùa / con ó khiêng đi.

Mùa lễ thì bá tánh bận rộn lắm lắm với thư từ & thiệp Tết, nhất là tại Huê Kỳ. Bưu điện bận rộn mà người gửi thiệp còn bận rộn gấp mấy mươi lần. Người gửi thì bận rộn lựa chọn kiểu thiệp, màu sắc, hoa văn, lời chúc tụng sao cho hợp thời hợp lúc. Chẳng lẽ người nhận theo đạo Do Thái mà ta lại gửi tấm thiệp “Mừng Chúa Giáng Sinh” thì vô duyên quá xá! Có những câu chúc chung chung mà gửi cho anh em trong nhà thì cũng không xong, lịch sự không đúng lúc thì hóa nhạt nhẽo? Ðại khái là như thế, dễ nhưng khó!

Ngày trước, mỗi tấm thiệp ngày lễ thường được nắn nót viết tay nhưng từ khi có máy in thì người ta thường viết một lá thư dài thòng, kể các mẩu chuyện xảy ra trong năm, rồi cứ thế mà in ra, gửi kèm với thiệp chúc. Ðôi khi còn kèm theo hình ảnh của cả gia đình và người nhận biết thêm về những thành viên trong gia đình ấy, những đứa trẻ từ lúc còn quấn tã cho đến khi tốt nghiệp, thành nhân lập gia đình nếu thân thiết với cha mẹ của người trẻ. Riêng Dế Mèn, phe ta thường chắt chiu cất giữ các bức ảnh nọ, mỗi năm đem ra ngó để so sánh với năm xưa. Ngắm nhìn người trẻ thay hình đổi dạng, đôi lúc gật gù tán thưởng thảng hoặc lại thở ra, chao ôi là thời gian!

Chưa hết việc, viết thiệp xong là bỏ phong bì, tìm địa chỉ để gửi cho đúng người đúng chỗ trước khi dán tem và khuân ra bưu điện.

Rồi điện thư, Facebook… các phương tiện truyền thông ra đời, mỗi ngày một phổ thông nên từ từ thay các tấm thiệp. Chỉ thân thiết lắm người ta mới viết thư tay cho nhau, và thói quen ấy cũng mỗi ngày một mất mát dần. Thiệp cầm [trên tay] được, gửi được (bị) thay thế bởi thiệp ảo, người ta dùng ‘virtual card’ và gửi điện thư cho lẹ, đỡ tốn thời giờ, đỡ tốn cả tiền bạc; và vì thế nên bưu điện con ó mới sập tiệm chăng?

Xem thêm:   Cuối Đông

Hiện đại hơn, bây giờ hình như người ta chỉ đăng đàn gửi hình ảnh với vài chữ thông báo ngày cưới, ngày sinh nhật, ngày qua đời … Chỉ việc lên mạng ảo là ta biết khối chuyện về bạn bè, những người thường xuyên cập nhật những mẩu tin cá nhân. Tiếc một điều là Dế Mèn lại chẳng dùng các phương tiện truyền thông xã hội, social media, nên mù tịt và lạc hậu quá xá. Vẫn thủy chung với những tấm thiệp cho những dịp lễ lạt quan trọng và vẫn lè è nắn nót viết mấy lời chúc mừng quen thuộc. Nhất định bơi ngược dòng, bạn ạ!

Mới đây, phe ta đọc một bài báo tường trình về mãi lực của ngành chế tạo thiệp ngày lễ, holiday cards. Công ty Hallmark công bố rằng cư dân Huê Kỳ tiêu xài khoảng 1.2 tỷ Mỹ kim hằng năm cho thiệp Giáng Sinh, Christmas Cards, và đó cũng là mùa lễ mà bá tánh gửi thiệp nhiều nhất.

Hình ảnh của Smithsonianmag.com

Với mức làm ăn bạc tỷ như thế nên không lạ là Hallmark khoe rằng họ có trên 2,000 mẫu thiệp Giáng Sinh và mấy trăm kiểu hộp đựng chưa kể các kiểu mẫu đặc biệt, in riêng theo ý người đặt, từ hình vẽ đến phim ảnh.

Một chút về “lịch sử” của thiệp ngày lễ. Ở bên nhà, thói quen gửi thiệp Xuân chúc Tết này không biết bắt đầu tự bao giờ cũng như “tục lệ” gửi thiệp báo hỷ? Hẳn theo tục lệ của Tàu, những người giàu có, quan quyền dùng “thiếp” để báo tin? Riêng bên Âu Châu thì ông Henry Cole người Anh là người đầu tiên nghĩ ra việc dùng thiệp mừng lễ vào năm 1843. Quá bận rộn để viết thư chúc mừng ngày lễ cho từng người quen biết, một “tập tục” cần thiết khi làm ăn vào thủa ấy, ông Cole bèn mướn ông John Callcott Horsley, một tay thiết kế nổi tiếng tại Luân Ðôn, vẽ kiểu thiệp Giáng Sinh để gửi cho bạn [và] bè. Kiểu thiệp đầu tiên có những hàng chữ “A Merry Christmas and a Happy New Year to You” đi kèm với hình ảnh một gia đình đang nâng ly chúc mừng nhau. Theo sách vở, tấm thiệp ấy được gửi đi cho 1,000 người!

Xem thêm:   Chuyện hay, dở của năng lượng từ mặt trời

Ông Louis Prang, di dân gốc Ðức là người đã mang ý tưởng thiệp Giáng Sinh đến Huê Kỳ. Năm 1875, ông ấy in tấm thiệp hình hoa hồng Killarney và mấy chữ “Merry Christmas” qua kỹ thuật chromolithograph và bán ra thị trường với giá “phải chăng”.

Thấy hay quá, bá tánh hè nhau bắt chước mua và gửi thiệp Giáng Sinh và ông Prang đã sản xuất khoảng 5 triệu tấm thiệp trong mùa lễ vào những năm 1880. Một thập niên sau, thiệp Giáng Sinh đã rẻ hơn và có nhiều kiểu hơn để người mua lựa chọn, từ hang đá với thiên thần và thánh giá đến hình ảnh phong cảnh mùa tuyết, thú vật, ông già Noel…

Riêng công ty Hallmark mới bắt đầu sản xuất thiệp Giáng Sinh vào năm 1915 và buôn bán rầm rộ. Ngoài Hallmark, ta còn có các công ty khác cũng in và bán ra các mẫu thiệp. Tạm hiểu là môi trường truyền thông xã hội dù phổ thông như thế nhưng vẫn chưa xóa sổ được ngành chế tạo thiệp [ngày] lễ.

Hình của NYhistory.org

Bận rộn bù đầu nhưng bá tánh (kể cả Dế Mèn) vẫn duy trì thói quen gửi thiệp chúc mừng Giáng Sinh & Năm Mới đến bạn bè thân quyến và vẫn chưa chịu dùng thiệp ảo kèm điện thư. Tại sao thế nhỉ? Vì cảm giác thân thiết ấm áp khi nhận được thiệp bạn ạ! Cầm trên tay tấm thiệp và đọc những dòng chữ quen thuộc khiến phe ta bồi hồi, đầu óc vẩn vơ nghĩ đến người gửi rồi tự dưng cười toe toét một mình! Biết như thế nên Dế Mèn không ngại công khó mà nghĩ đến người nhận. Hẳn họ cũng hân hoan, cảm động như mình khi nhận được thiệp lễ Tết?

Hình như mối tâm cảm ấy đã khiến người người tiếp tục tìm mua kiểu thiệp ưng ý, rồi viết kèm mấy dòng chúc tụng, hỏi thăm và dán tem rồi khuân ra bưu điện mỗi năm. Nhưng “người người” ở đây thường là quý bà quý cô. Công việc duy trì mối tương thân hình như là nhiệm vụ của người phụ nữ trong gia đình (?), tất nhiên ngoài việc gửi thiệp Tết còn bao gồm cả thăm viếng, gọi điện thoại, gửi quà cáp… đến người nhận.

Gửi thiệp Tết quan trọng như thế nên người làm công việc ấy cũng giữ vai trò quan trọng [trong gia đình]? Theo nhà nhân chủng học Micaela di Leonardo, duy trì mối thân tình thường được xem là công việc “nhà”. “Nhà” hay “gia đình” ở đây không chỉ là một “vật thể” mà là cả một không gian nối dài nhiều khoảng cách giữa các con người với nhau. Ông / bà, cha mẹ, cô dì, chú bác, anh chị em sinh sống khắp bốn biển năm châu.
Ngoài ra, việc duy trì tình thân còn được sử dụng rộng rãi trong môi trường sinh sống ngoài xã hội, một cách xã giao tiêu xài nhiều thời giờ và sự khéo léo. Cứ tưởng tượng, trên “danh sách” ta cần gửi thiệp kia tự dưng khuyết mất một cái tên mà cái tên kia là một người khá cần thiết cho công việc làm? Ta vô tình hay cố ý không gửi thiệp sau khi đã liên tục chúc Tết hằng năm? Hoặc giả một người thân bị bỏ lờ không được mời tham dự bữa tiệc gia đình; hẳn đó là tín hiệu không mấy thân thiết ta đã gửi đi? Ðể tránh sự [hiểu lầm?] “không hay” ấy ta đành … mời dù biết rõ rằng người được mời sẽ không tham dự?!

Xem thêm:   Ngộ độc thực phẩm

Bà di Leonardo cũng cho rằng lịch sử một gia tộc và việc “đi lại” giữa các thành viên tùy thuộc vào một phụ nữ [chính] trong gia tộc ấy. Khi hôn nhân tan vỡ, mối thân tình kia cũng đứt đoạn cho đến khi một phụ nữ khác “thế chỗ”, bà số 2. Khi phụ nữ quan trọng kia (mẹ / bà) qua đời cũng có nghĩa là tình gia đình / gia tộc cũng chấm dứt, các tấm thiệp cũng như các buổi họp mặt gia đình thu nhỏ lại và vắng dần. Tại sao thế nhỉ? Công việc này đòi hỏi một thâm tình từ người chủ động, phải cảm thấy có sự “liên hệ”, lòng quý mến người nhận ta mới nắn nót viết mấy lời ân cần. Một loại “trách nhiệm tinh thần”. Nhiêu khê quá nên chẳng có mấy nam nhân chịu làm công việc chọn thiệp, gửi thiệp và tổ chức các buổi họp mặt gia đình?!

Thế rồi ngày nay, thời buổi điện thư, thiệp ảo, một thiểu số vẫn giữ thói quen gửi thiệp chúc Tết hằng năm, và với những người thong thả tiền bạc, công việc này đã được giao cho người thư ký thân tín. Vừa nhanh vừa tiện mà người gửi không còn áy náy với sự khiếm khuyết “trách nhiệm tinh thần” nữa?

TLL