“Selfie” không còn là một hình ảnh mới mẻ, lạ lẫm vì ngày nay bất kể người già, em nhỏ, nam hay nữ, ai cũng “selfie” ít nhất là một lần trong mấy năm vừa qua.

Photo: Priscilla Du Preez on Unsplash 

Không chỉ ở những miền đất khá giả mà ngay giữa sa mạc xa xôi vùng Trung Á, Dế Mèn cũng thấy những phụ nữ trong tuổi 60, 70 loay hoay tự chụp hình (selfie) mình và kẻ đồng hành bằng điện thoại di động. Nghĩa là điện thoại di động đã phổ thông lắm rồi và các công việc có thể làm bằng dụng cụ ấy cũng phổ thông quen thuộc không kém. Selfie đã trở thành một thói quen, việc làm thường nhật như ăn cơm uống nước. Chẳng có gì đáng nói. Nhưng thật ra khi phân tích thói quen ấy, ta lại thấy vô số các hiện tượng khác; hành động chỉ là “diện” của một trong vô số “điểm” của các ý tưởng, mục đích của người thực hiện.

Selfie được định nghĩa là một hình ảnh “tự chụp” của chủ nhân tấm ảnh, thường là dùng điện thoại di động hoặc đi kèm với một cây gậy, selfie stick, nối với điện thoại vì tay không thể vói xa hơn. Những tấm ảnh tự chụp này thường được đăng trên liên mạng qua các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Snapchat và Instagram.

Các tay chụp hình “nhà nghề” đã phân biệt “selfie” với các tấm hình tự chụp khác; selfie là tấm ảnh được chụp bằng máy hình nắm trong tầm tay người chụp, hoặc dùng một vật dụng thay thế cánh tay và vươn xa hơn. Một tấm selfie có thể chụp nhiều người, miễn là một trong những người ấy là kẻ chụp hình. Tấm hình [tự] chụp bằng máy ảnh qua cách xếp đặt thời khắc (timer) hoặc qua dụng cụ (remote) không phải là “selfie”.

Phân biệt rạch ròi như thế, các tay ảnh nhà nghề đã nhắc đến cụ Robert Cornelius, một người tiền phong trong ngành nhiếp ảnh, vào năm 1839 đã tạo ra tấm ảnh của chính mình. Ðây là lần đầu tiên thế giới “thấy” con người qua nhiếp ảnh. Phó bản của tấm ảnh này được đặt trên bia mộ ông cụ tại Laurel Hill Cemetery, Philadelphia, Pennsylvania. Từ năm 1900, khi chiếc máy ảnh có thể di chuyển dễ dàng Kodak Brownie ra đời, việc tự chụp hình trở nên phổ thông hơn qua kỹ thuật như dùng gương, và sau này, tối tân hơn, các máy ảnh đều có cơ phận giúp việc xếp đặt thời gian (timing) để phó nhòm có thể đứng vào tầm ngắm của máy ảnh.

Khái niệm đăng các tấm ảnh tự chụp lên mạng ảo hiện diện từ năm 2001 (đăng cả các tấm hình cũ trong thập niên 90 của thế kỷ trước). Nhưng tấm selfie như ta biết ngày nay xuất hiện ngày 13 tháng Chín, năm 2002, trên một trang mạng tại Úc, ‘Dr Karl Self-Service Science Forum’, của ông Karl Kruszelnicki và người đăng là Nathan Hope. Nathan Hope là người đầu tiên gọi tấm hình là “selfie”, theo lối nói nôm na, đùa giỡn giữa những người quen biết.

Xem thêm:   Cuối Đông

Hiện đại hơn, khi chiếc điện thoại di động Sony Ericsson Z1010 ra đời năm 2003, “cõng” theo máy ảnh đối mặt để người dùng có thể tự chụp hình và thu hình dùng cho các cuộc thảo luận mắt thấy tai nghe, video calls. Với những cải tiến trong kỹ thuật chụp hình, sửa chữa và đăng hình ảnh, việc tự chụp hình xem ra dễ hơn ăn cơm sườn ta thấy ngày nay. Ðó là kết quả của cuộc chạy đua giữa các trang mạng xã hội nổi tiếng Facebook, Facebook Messenger, Instagram, và Snapchat cũng như những công ty chế tạo điện thoại di động đời mới như Apple, Samsung…

Chụp ảnh, đăng hình hà rầm như thế cả chục năm nhưng mãi đến năm 2013, chữ “selfie” mới chính thức xuất hiện trên tự điển Anh ngữ, cuốn Oxford English Dictionary và xuất xứ được ghi nhận là từ Úc châu.

Từ cảm hứng của một người trẻ, tự chụp hình mình sau khi vồ  ếch, mặt mũi sưng vù, đăng hình ảnh để tự chế giễu (?), tự an ủi (?), hay để thu góp chút ái ngại của người đọc bàng quan, “netter”, (?) như Nathan Hope, selfie nhanh chóng trở thành thời thượng, lan tràn mạnh mẽ trong giới trẻ truyền qua giới sồn sồn và chuyện selfie trở thành các bài tính toán, cộng trừ nhân chia về lợi nhuận của các công ty truyền thông.

Dân buôn bán làm ăn hăm hở tính toán sau khi thu góp các con số liên quan đến selfie như 500 triệu người sử dụng Instagram hàng ngày để đăng selfie [với nhiều mục đích khác nhau] trong khi Snapchat công bố con số 178 triệu người sử dụng dịch vụ của họ.

Tại xứ thòi lòi, một bản thu góp ý kiến cho thấy 2/3 phụ nữ trong tuổi 18-35 tự chụp hình nhiều lần trong tuần để đăng lên Facebook! Samsung cũng đưa ra một con số đáng kể: 30% các tấm selfie đến từ nhóm người trong tuổi 18-24… Không lạ là các thứ “app” dính dáng đến selfie đều được cải tiến không ngừng!
Về mặt kỹ thuật, có ganh đua thì có tiến bộ. Selfie là một tâm điểm để các công ty truyền thông xã hội chạy đua xem ai bán được nhiều sản phẩm / dịch vụ nhất.

Ấy là những cái hay, cái lợi, từ tiền bạc đến kỹ thuật, còn chuyện dở thì sao? Selfie dính dáng đến một số vấn nạn. Người tự chụp hình mải mê chọn cảnh cho đẹp nên té xuống vực sâu chết tốt, không chỉ một vài người mà con số kia đã lên đến cả mấy trăm người thương vong từ Á sang Âu. Có người tự chụp hình trong viện bảo tàng, loay hoay thế nào không biết mà ủi luôn vào vật quý giá đang được trưng bày gây thiệt hại vô số bạc; chẳng biết người selfie nọ có bị chủ nhà túm áo đòi bồi thường hay không?

Global selfie mosaic Hình của NASA

Phổ thông như thế nên selfie trở thành một “hiện tượng” để các chuyên gia tâm lý, xã hội nhìn ngắm, tìm hiểu rồi phân tích. Tất nhiên là ta có cả chục câu hỏi về người chuộng selfie. Ðộng lực  nào khiến người ta loay hoay chụp hình? Tự chụp hình thì có gì vui sướng? Selfie cũng chỉ là một trong những thứ để… táy máy, bận rộn với tay chân? Những gì khiến các phó nhòm nọ say mê đến độ quên cả an nguy của bản thân? Cái sung sướng kia đến từ lúc tự chụp hình hay chỉ sung sướng lúc đăng hình và được bá tánh rối rít trầm trồ khen láo?

Xem thêm:   Chuyện hay, dở của năng lượng từ mặt trời

Thì ra selfie thỏa mãn khá nhiều ước muốn của con người. Ðầu tiên là việc dễ sử dụng, tự chụp hình và “chia sẻ” [chữ này xem ra bị lạm dụng nặng nề] với người quen và cả người không quen. Dùng selfie, ta điều khiển cách trình bày con người mình, ít ra là vẻ bề ngoài xinh xắn, dễ nhìn, quần áo bảnh bao…, lịch lãm, đi chơi chốn xa lạ, có bữa ăn ngon mắt. Và bá tánh đi ngang ghé mắt dòm, ghi vài câu khen lao bâng quơ rồi có thể… theo chân xem chủ nhân đi đâu, làm chi nữa ngay cả hăng hái làm quen, kết bạn?! Có người tự chụp hình đứng cạnh minh tinh điện ảnh, ca sĩ nổi tiếng rồi đăng lên mạng ảo cho mọi người cùng xem [mà ao ước?] nhưng cũng có kẻ tự chụp những tấm ảnh xấu xí để chọc cười, tự trào với bạn bè thân quen.

Người đăng selfie để khoe và đếm số lần được nhìn ngắm như Kim Kardashian được các nhà tâm lý xem là “narcisstic”, chú ý đến mình quá mức, tự yêu quá đáng! Và từ đó người đẹp kiếm bạc xài không hết nên không thiếu những kẻ bắt chước, cũng muốn nổi tiếng và muốn kiếm tiền qua việc trình bày con người và nếp sống [xa hoa] của mình! Mục đích là tự quảng cáo.

Ðể… chế giễu và đối chọi với trào lưu đăng hình thân thể hấp dẫn, thiếu vải hầu thu hút người xem đến rửa mắt, có người dùng selfie từ các cơ thể béo phì.

Xem thêm:   Chuyện rau cỏ

Tạm hiểu là người ta tự chụp và đăng hình với nhiều mục đích khác nhau!

Người ủng hộ selfie khá đông đảo nhưng kẻ chê bai cũng vô số. Tựu trung, selfie cho thấy sự khác biệt về thế hệ. Người thường dùng selfie là những người trẻ; chia sẻ hình ảnh với bạn bè chỉ là một trong những cách dùng dụng cụ điện tử trong khi thế hệ cha mẹ họ lại cho rằng “chia sẻ” như thế là kể lể về mình hơi nhiều, khoe khoang một cách lộ liễu.

Trên sách vở về tâm lý học, đã có nhiều bài phân tích về sự liên quan giữa cá tính và thói quen đăng hình tự chụp: Ðây là những cá nhân hướng ngoại, thích giao thiệp rộng rãi, đăng selfie là một cách tự giới thiệu và làm quen với người chưa quen biết.

Trong DSM-5, một loại “tự điển” về bệnh tâm thần, danh từ “Selfitis” được dùng để mô tả một tình trạng tâm lý, ưa chuộng việc tự chụp hình quá mức bình thường dù ngành tâm lý học chưa nhìn nhận đây là một chứng bệnh tâm thần. Tự chụp và đăng hình rầm rộ trên mạng ảo liên quan đến một số triệu chứng của bệnh tâm thần như “narcissism” (tự yêu quá mức), “low self-esteem” (tự ti mặc cảm), “loneliness” (cô đơn), “self-centeredness” (ta là tâm điểm của vũ trụ), và “attention-seeking behaviors” (hành động gây chú ý).

Theo thống kê của Google, năm 2018 có 93 triệu tấm selfie ra đời mỗi ngày và cứ 10 giây là bá tánh được nhìn ngắm 10 tấm selfie mới! Con số kể trên xem ra không mấy thay đổi từ khi selfie góp mặt trên liên mạng.

Tất nhiên khi còn kiếm được bạc, các công ty truyền thông sẽ tiếp tục cổ võ các hoạt động liên quan đến selfie. Về mặt xã hội, các nhà giáo dục băn khoăn tự hỏi làm sao để thích nghi với sinh hoạt mới mẻ của người trẻ tuổi hầu có thể hướng dẫn chúng một cách hiệu quả? Có thể nào selfie sẽ rơi vào quên lãng như mọi hiện tượng xã hội nhất thời khác? Hoặc giả Selfie có thể trở thành một phần của nếp sống của thế kỷ XXI như mọi vật dụng liên quan đến kỹ nghệ truyền thông? Và rồi bá tánh sẽ quen mắt, quen tai với các tấm hình tự chụp, các khúc phim tự thu hình về từng bữa ăn, buổi hẹn hò, lúc đi ngủ …của các tài tử thích chia sẻ đời riêng tư với mọi người chung quanh? Chỉ khi nào chẳng còn ai rảnh rỗi để rong chơi không gian ảo để nhìn ngắm các tấm selfie thì lúc ấy người ta sẽ ngừng đăng hình?

TLL

Orlando, FL