Samarkand (Samarqand) là cố đô, một thành phố nằm trong thung lũng sông Zerafshan, phía đông bắc của Uzbekistan, chiếm địa thế quan trọng về tài nguyên thiên nhiên như nguồn nước và đất đai nhiều hoa màu. Do đó, nơi này đã có dấu vết của cư dân từ những năm 1,500 trước Công Nguyên.

Tượng Timur ngồi trên bệ cao giữa công viên chính của thành phố, cứ bị con nít rắn mắt trèo lên đầu lên cổ để chụp hình. Photo: TLL/trẻ

Ðất lành, dễ sinh sống nên con người quây quần ở đây và vì thế, Samarkand nằm trong tầm ngắm của nhiều đoàn quân xâm lăng. Quân đội của Ðại Ðế Alexander đã chiếm lãnh vùng đất này từ năm 320 trước Công Nguyên. Sau đó là những người Sogdia (xuất phát từ Iran) đã đến đây buôn bán (xâm lăng bằng kinh tế?), tiếp tục xa hơn tận Pakistan, rồi đến người Hán từ Hoa Lục (năm 206 trước Công Nguyên – năm 220) cũng đến đây làm ăn. Buôn bán rầm rộ như thế nên thành phố trở thành một trong những địa điểm dừng chân chính của các đoàn thương buôn trên đường Tơ Lụa.

Registan. Photo: TLL/trẻ

Triều đại Sogdia thua trận, Samarkand bị quân đội Hồi giáo chiếm lãnh trong thế kỷ IX thành lập triều đại Samanid (cũng gốc gác Iran), từ đó Hồi giáo trở thành quốc giáo tại vùng đất này.

Ðến thế kỷ XII, Samarkand bị tàn phá dưới chân quân Mông Cổ do Genghis Khan lãnh đạo, các đền đài cũ hầu như bị hủy hoại hoàn toàn. Con cháu Ðại Hãn Mông Cổ, sau khi tranh giành và chiếm được đất đai từ các hoàng thân khác, Timur (Tamelane) lập nên triều đại Timurid, đặt thủ đô tại Samarkand. Ngày nay, người Uzbek tôn xưng Ðại Hãn Timur (Amir Timur) như ông tổ lập quốc và gìn giữ các lăng tẩm của dòng họ này.

Xem thêm:   Chuyện hay, dở của năng lượng từ mặt trời

Ðại Hãn Timur (sinh ngày 9 tháng Tư, 1336, mất ngày 17 hoặc 18 tháng Hai, 1405) hay TimurIn, Temur, Temur, Amir Timur, Timur-i lang, hoặc Tamerlane trong sách vở, dòng giống Mông Cổ lai Turk, thống lãnh vùng đất rộng lớn trải dài từ Persia đến vùng Trung Á ngày nay. “Timur” có nghĩa là “sắt thép” theo Thổ ngữ; “Timur-i lang” có nghĩa “Temur, người què” theo Persian.

Lăng mộ nằm trên đồi, Shah-i-Zinda, cũng kiến trúc kiểu Islam. Leo mỏi cẳng trên dưới trăm bậc thang đá thì đến nơi. Ngoài hoàng tộc Timurid, vợ, chị em, con cháu của Đại Hãn Timur, đây cũng là nơi chôn cất những Imam nổi tiếng như anh em họ của giáo chủ Muhammed, Kusam ibn Abbas… Photo: TLL/trẻ

Suốt cuộc đời chinh chiến, Timur được biết đến như một nhà quân sự tài giỏi, chiếm được nhiều đất đai, chỉ thua có Ðại Ðế Alexander. Quân đội của Ðại Hãn gieo rắc kinh hoàng, khiếp đảm khắp Âu Á và cả Phi châu, phía đông, từ Delhi đến Moscow: phía tây, từ núi Tien Shan vùng Trung Á đến núi Taurus của Anatolia. Sử gia ngày nay đưa ra một con số tử vong khủng khiếp: trên đường chinh phục thành quách, Ðại Hãn đã giết khoảng 17 triệu người, cỡ 5% dân số thủa ấy!

Sách vở mô tả Ðại Hãn là một người cao lớn, đầu to trán rộng, da trắng; bị thương tật tại chân phải, tay phải cũng bị co cứng từ tuổi 20, bị tên bắn khi đi ăn cắp gia súc! Tàn tật nhưng Timur vẫn là một người giỏi võ nghệ và có tài điều khiển quân đội. Dù không biết đọc hoặc viết nhưng Timur vẫn nói thông thạo tiếng Thổ và Persian, sách vở được đọc cho Ðại Hãn nghe khi ông này ăn uống. Ðại Hãn vô cùng thông minh, chơi cờ tướng rất giỏi và đã chế ra loại cờ tướng có 110 quân cờ, ngày nay có tên “Tamerlane Chess”.

Xem thêm:   Cuối Đông

Là một người khôn ngoan, Ðại Hãn sử dụng Hồi giáo để duy trì quyền lực và tự xưng là “Thank kiếm [của] đạo Hồi” cũng như kể lể rằng ông ta là con cháu của “Ali”, trợ giúp việc tạo dựng đền thờ Hồi giáo và khuyến dụ người ngoại quốc theo đạo Hồi!

Giữa thành phố là các công trình kiến trúc tuổi 600-700 năm như Registan, Gur-e-Amir, Bibi-Khanym Mosque và Shah-i-Zinda, xây cất theo kiểu mẫu Islam. Dế Mèn đến đó vào ngày cuối tuần, con nít người lớn đi thăm viếng lăng tẩm rầm rộ nên di tích nào cũng đông người qua lại.

Bibi Khanum Mosque. Photo: TLL/trẻ

Registan là một công trường rộng gồm ba tòa nhà vĩ đại, mặt tiền là những bức tường lát gạch men xanh, xanh dương và cả xanh lục theo hình kỷ hà, phe ta phải dùng các hoa văn cẩn trên cổng để phân biệt các tòa nhà với nhau. Chính giữa là sân trống, đủ chỗ cho vài ngàn người tế lễ. Ðằng sau là các khoảng vườn nhỏ, tháng Tư nên hoa đào nở trắng cây. Những người dọn dẹp phải quét dọn liên tục, bỏ lại cái chổi dựng trước cửa đền.

Gur-e-Amir, lăng mộ Amir Timur, là một tòa nhà lớn, nhưng nơi chôn cất thực sự lại nằm phía sau, lẫn trong vùng mộ chí, cửa khóa chặt. Chuyện kể rằng dưới thời Xô Viết, các nhà khảo cổ Nga đã đào xới mộ để tìm hiểu và khẳng định rằng xương cốt trong phần mộ là của một người bị què chân và lọi tay phải, in hệt như sách vở mô tả hình dạng Ðại Hãn. Tuy nhiên khi còn sống, Ðại Hãn đã có lời nguyền đại khái rằng nếu xương cốt ta [bị] trỗi dậy, thì thế giới sẽ không yên… và người Uzbek tin rằng tổ phụ họ bị mạo phạm nên chiến tranh tiếp diễn rầm rầm!

Nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Samarkand. Photo: TLL/trẻ

Dù Hồi giáo là quốc giáo nhưng tại Samarkand cũng có vài ngôi nhà thờ Thiên Chúa Giáo, St John the Baptist là ngôi nhà thờ Thiên Chúa giáo La Mã duy nhất, nhỏ xíu, chỉ chứa khoảng 50-60 người là hết chỗ.

Xem thêm:   Chuyện rau cỏ

TLL

Orlando, FL.