Tuần lễ thứ nhì ở Paris bắt đầu, ngày tháng trôi đi không có gì để ghi chép. Một ngày như mọi ngày, bình yên, dù chợ tài chánh đang lao đao sóng gió, cổ phần như những chuyến xe bay của gánh xiệc… Dế Mèn nhắm mắt bịt tai không nghe bàn chuyện tài chánh khi H. hỏi chuyện qua điện thoại. H đang ở Thượng Hải, bên Tàu vẫn sôi sục chuyện thức ăn trộn tạp chất, những bà mẹ trẻ vẫn tiếp tục mang con đến nhà thương để thử nghiệm. Trong cái xã hội mới dư ăn kia người ta tranh nhau làm giàu bất kể đến sinh mạng kẻ khác, chỉ vì cái bề ngoài sung túc khiến họ quay quắt?
Thứ Năm trời mây âm u, mùa thu Paris, yêu người độ lượng… Dế Mèn yêu người nhưng không tìm thấy sự độ lượng của người thơ ngày trước, và vẫn… trong em tâm tưởng giam tù. Phe ta vẫn chưa thoát ra khỏi vòng hệ lụy lẩn quẩn. Từ quán trọ ra vườn Luxembourg qua hai chuyến tàu, Dế Mèn đi quanh tìm ghế đá. Không biết thủa trước nhà thơ Cung Trầm Tưởng ngồi quen ghế đá ở chỗ nào?
Cây lá trong vườn còn xanh lác đác, chưa tàn héo hết nhưng buổi sáng mùa thu ảm đạm se sắt. Tòa nhà Senat nằm trong công viên đang được tu bổ. Paris là một thành phố xưa cũ nên người ta cứ phải sửa chữa liên miên, hết tòa nhà này sang tòa nhà khác để duy trì hình ảnh cổ xưa kia. Phe ta nhìn quanh nơi nào cũng thấy xe cần trục, thang sắt… ngang dọc.
Ngày trong tuần nên công viên vắng người ngồi quen ghế đá, không em, ôi buốt giá từ tâm. Mùa thu nơi đâu, ở đó trời đã sang mùa như lòng ta đang úa? Dế Mèn không chờ mong chi nên chưa bắt gặp trái sầu chín đỏ của bài thơ năm cũ.
Ðàn bồ câu no ăn đi đủng đỉnh trên sân cỏ, những con chim đuổi nhau, vừa bơi vừa lội, Dế Mèn cố đuổi hình ảnh chim xoải cánh trên mặt hồ nước kia mà máy ảnh quá chậm không bắt kịp. Trong tấm ảnh nào đôi cánh kia cũng đã khép lại, máy ảnh đời chậm lụt hay ta chậm lụt mà không theo nổi một cánh chim bay? Chim khép cánh thì tù túng quá, cái hình ảnh gò bó khiến Dế Mèn chùng lòng ái ngại.

Pho tượng “The Prophet” trong công viên không biết do tác giả nào tạc, hai con mắt sống không mấy thân thiết.
Phe ta rời công viên, trời mưa lất phất. Gió lạnh se. Rồi trời chuyển mưa tầm tã, phe ta chạy lúp xúp từ sân ga ra bến xe buýt. Trời mưa thì mặc trời mưa... Về đến nơi, Dế Mèn ướt nhẹp nên lạnh run. Dế Mèn loay hoay sấy tóc khô cho ấm. Rồi phe ta xuống phố xem thương xá ngoại ô. Ðây là thương xá đầu tiên của Tây, xây theo kiểu các thương xá bên Mỹ. Hàng quán không có chi, thời giá đắt gấp rưỡi bên Mỹ, món chi cũng đắt hơn nên chẳng có lý do chi để Dế Mèn khuân vác. Hôm nọ đã mua sắm một ít quần áo, và đã cần đến một chiếc xách tay nữa để lôi quần áo mới về. Bây giờ mà đa mang nữa thì chắc không thể nào khiêng nổi?! Nhất là hai chuyến tàu nữa rồi mới trở lại Hoa Kỳ.
Quán cà phê Starbucks bận rộn tìm mãi mới thấy chỗ trống, phe ta uống cà phê và nhìn quanh. Thứ Sáu trời mưa ào ạt từ sáng đến chiều. Dế Mèn làm xong một mớ công việc thì ngày cũng vừa tàn. Phe ta chọn quán X gần đó, vừa ăn vừa nói chuyện với bạn bè. Bà chủ quán như tên gọi, mặt mũi nhăn nhó khó khăn, không mấy thân thiện lại bất lịch sự quá xá. Họ dọn món ăn tới tấp, vừa buông đũa đã dọn bàn và đưa giấy tính tiền liền tay để đuổi khách. Mèn ơi, thức ăn không ra làm sao và còn vô lễ như thế thì làm ăn lâu dài sao đặng? Cái nhà hàng đó đâu có cái chi để bán? Chẳng lẽ Paris hết quán ăn rồi sao? Hôm nọ nhận được điện thư của J. hỏi rằng Paris có chi lạ, chàng sẽ qua đây vào tháng Mười Hai để dự một cuộc hội thảo. Dế Mèn gửi cho J. một danh sách những nơi đừng đến, và cái quán X (vừa chua vừa chát) lè này xếp hàng đầu. Hôm qua, J. gửi thư hỏi tiếp sao không đăng bài nhận xét trên mấy cái “Travelogue”, một loại mạng ảo của những người đi lang thang như Dế Mèn đây, nơi người ta phê bình phê lọ các khách sạn, quán ăn, chỗ để ngó… khắp nơi trên thế giới? Thỉnh thoảng Dế Mèn có dịp kiểm nghiệm thấy họ nhận xét khá chính xác nên từ đó tránh hẳn những nơi bị bà con lắc đầu chê bai.

Đầu tượng bên ngoài nhà thờ
Bị đuổi chỗ, phe ta kéo nhau qua quán cà phê Tây gần đó nói chuyện tiếp. Khung cảnh ấm cúng dễ chịu nên câu chuyện kéo dài đến 11 giờ khuya mới tàn.
Thứ Bảy trời âm u, thỉnh thoảng mặt trời mới ló dạng rồi lại ẩn sau mây mù. Phe ta leo đồi Montmartre để ngó nhà thờ Thánh Tâm (Sacre Coeur). Hình như đây là ngọn đồi cao nhất của thành phố. Ngọn đồi (mont) của Thánh Tử Ðạo (martyr), nơi Thánh Denis bị xử tử năm 250 và huyền thoại kể rằng ông Thánh cụt đầu này đi một mạch từ nơi này đến thôn làng phía Bắc của thành phố, và vùng đất kia được đặt tên St Denis từ ngày ấy. Nhà thờ Thánh Tâm được xây cất từ năm 1873. Quanh tường có những bức tượng khá sống động. Dế Mèn thấy khuôn mặt của một người không mấy vui vẻ, mắt lộ hung quang, đôi môi chu lại như sửa soạn phóng ra những lời dao kiếm, nhưng trên đầu lại có con bồ câu hòa bình đậu lại làm bạn nên chụp hình đem về ngó.
Cuối tuần nơi này không chỗ chen chân, bà con leo đồi, mỏi chân ngồi la liệt trên các bậc thang đá.
Dế Mèn vào nhà thờ đốt một ngọn nến nhỏ rồi đi ra. Ðông người quá, ồn ào quá dù người ta đã giữ ý thì thào. Ðây không phải là lúc trầm lắng để thủ thỉ bất cứ điều gì, bạn à! Chuyện riêng tư anh ạ, nói khẽ mình ta nghe…Từ trên đồi Dế Mèn nhìn xuống, những hàng cây đứng thẳng bên những cột đèn, trời chưa chiều nên đèn chưa sáng. Thành phố trong buổi chiều cuối tuần âm u trông khá nên thơ.

Nhà thờ Sacre Coeur
Ði một quãng ngắn, phe ta đến Place du Tertre, Dế Mèn không thấy nghệ sĩ lang thang đặt giá vẽ ở đây như những ngày trước, tại trời âm u hay vẽ vời trong khung cảnh hôm nay không còn thích hợp nữa? Và tự lúc nào thành phố có sự thay đổi ấy? Không biết, bạn ơi, không biết.
Dế Mèn đi tìm hình ảnh của một ngày mùa thu năm xưa, có người nghệ sĩ già nua, tơi tả đứng vẽ nóc nhà thờ. Bức tranh đó Dế Mèn mua tặng N. làm quà sinh nhật. Lâu rồi Dế Mèn không liên lạc với N., không biết bạn xưa bây giờ ra sao? Nhiều lần, Dế Mèn mua tranh tặng người thân, bạn bè làm quà đám cưới, quà sinh nhật, mừng nhà mới… Chưa bao giờ phe ta dám hỏi thăm xem tranh còn ở với người hay không. Bạn bè có người còn đủ đôi, có người đã chia tay để đi một con đường riêng lẻ, không biết tranh theo ai và đi về đâu; có những cuộc chia tay mà ta cần gượng nhẹ để tránh đụng chạm đến nỗi đau sâu đậm… Mối thâm tình còn không lưu giữ được, hỏi thăm chi về một bức tranh, phải không bạn? Bây giờ thấy cảnh xưa, không còn người cũ và cả một quãng thời gian thân thiết với N. trở về như một đoạn phim cũ trong trí óc. Chao ôi, bạn bè khiến đời sống ta giàu có biết bao!
Dế Mèn đi ngang ngôi nhà lẫy lừng Bateau Lavoir, 11 bis Place Emile Goudeau, là nơi những con người một thời vang bóng sinh sống, từ Kees Van Dongen, đến Amedeo Modigliani, và cả ông cụ Picasso khác người. Những mảnh đời không mấy hạnh phúc đã đi qua nơi này, và để lại dấu vết của họ qua những tác phẩm, từ tranh vẽ đến một tác phẩm văn chương. Người trần gian như Dế Mèn đây có chút cơ duyên nhìn qua cánh cửa tâm hồn hé mở kia mà đem lòng yêu quý tác phẩm. Cứ nghĩ đến Modigliani là Dế Mèn nghĩ đến những phụ nữ với cái cổ cao, đôi vai xuôi mềm mại thanh tú, đầy nữ tính. Phụ nữ trong con mắt của ông họa sĩ là con người đầy nét dịu dàng kia, làm sao mà không yêu cho được? Dĩ nhiên là ta yêu tác phẩm chứ không phải tác giả, tác giả, ai biết đâu?!

Chopin nằm ở đây. Hàng xóm của cụ Chopin, Dế Mèn không đọc ra tên nhưng nhận ra những nét khắc có hình dạng Maya
Phe ta theo metro ghé Père Lachaise, nghĩa trang nổi tiếng của Paris. Bạn bè nói nhiều lần về ngôi mộ của Jim Morrison. Dế Mèn không mấy ưa chuộng The Door nên bỏ qua, chỉ đi tìm xem Chopin gửi thân ở đâu, và hàng xóm láng giềng của ông cụ là những ai? Trong 800 ngàn người gửi nắm xương tàn, Dế Mèn đọc ra một số tên tuổi trong sách vở từ cụ Balzac, Molière, Apollinaire, Pissarro, Seurat… Dế Mèn đi tìm cụ Modigliani mà không thấy dù đã có cả tấm bản đồ của nghĩa trang. Những lô đất nằm lộn xộn, phe ta cứ đi lòng vòng mãi, rã hai cái cẳng mà vẫn không thấy. Hầu như cả một nền văn hóa nằm trong nơi an nghỉ cuối cùng của con người; cách chôn cất, trang hoàng mộ chí nói khá nhiều về cách sống của người đã chết và thân nhân.
Sáng Chủ Nhật mưa ào ạt, những hạt mưa quất vào khung cửa rào rào như những ngọn roi. Có lúc Dế Mèn cứ tưởng khung cửa kính kia sẽ vỡ từng mảnh. Ðất trời giận dữ thế này thì chắc chẳng đi đâu được?! Nhưng trời khóc hết nước mắt rồi thì cũng phải tạnh mưa, có thế chứ, chẳng lẽ cứ sụt sùi lèng èng hoài?
Phe ta khăn áo lướt thướt đi xem tượng của nhà điêu khắc Rodin. Viện bảo tàng nằm trong một khu vườn gần Les Invalides và viện bảo tàng Quân Ðội, chỉ cách một quãng đường ngắn.
(còn tiếp)