Chì, “lead” hay “plomb” (gốc Latin plumbum) là một kim loại “nặng”, trên bảng “Element” là Pb, nguyên tử lượng là 82. Chì mềm và dễ nóng chảy, ở dạng nguyên thủy, chì sáng có sắc xanh xám, khi gặp không khí trở thành xám xịt.
Người tiền sử đã khám phá từ đất đai và sử dụng chì, chì thường pha trộn với bạc, hợp chất galena. Để lấy bạc, cổ nhân tìm cách tách rời các kim loại này. Thu góp bạc xong thì người ta dùng luôn cả chì vào nhiều việc, từ in ấn đến chế biến sơn, dầu xăng … Có thể nói chì có khá nhiều công dụng nhờ tính chất vật lý, hóa học của kim loại ấy.
Hữu dụng như thế nhưng chì lại là một kim loại khá độc hại, nặng nhất là ảnh hưởng của chì đến hệ thần kinh. Khi vào cơ thể, chì tích tụ trong các mô và xương; gây những tác hại từ nhiễu loạn công năng của nhiều phân hóa tố đến các bệnh tật liên quan đến thần kinh hệ, tim mạch và cả hệ tiết niệu.
Sách vở từ thời cổ La Mã – Hy Lạp đã đề cập đến tác hại của sự nhiễm độc chì nhưng các tác hại này được ghi chép chi tiết hơn từ thế kỷ XIX nhất là trong trẻ em đang trong tuổi phát triển.
Cho đến nay, ta vẫn chưa đoan chắc được mức “an toàn” của chì khi xâm nhập cơ thể, tạm hiểu là ở mức độ nhiễm độc nào, chì cũng vẫn có thể tác hại cho trẻ em. Càng nhỏ tuổi, tác hại của chì càng lớn, nhất là trong thời ấu thơ, nhỏ hơn 6 tuổi khi trí não đang phát triển nhanh chóng. Chì ảnh hưởng rất nặng đến sự phát triển của não bộ trẻ em, khi bị nhiễm độc, có thể gây chứng thiểu năng, chậm phát triển về ngôn ngữ, cử động, giảm mức tập trung [nên khó học hỏi]. Các tác hại này có thể ảnh hưởng suốt đời nhưng khi được chẩn đoán sớm, ta có thể cứu vãn và phục hồi phần nào các công năng của trí tuệ.
Nhiễm độc chì xảy ra khi trẻ em sờ mó, ăn uống thực phẩm nhiễm chì hoặc hít thở bụi chì. Sự nhiễm độc xảy ra âm thầm, khó phát hiện vì hầu như các triệu chứng không rõ ràng lúc sơ khởi. Khi chì vào cơ thể, lượng chì trong máu gia tăng từ từ, và khi ngừng nhiễm độc, lượng chì trong máu cũng từ từ sút giảm, cơ thể đứa trẻ bài tiết chì qua nước tiểu, mồ hôi và phân. Xương cũng là nơi chứa chất chì khi bị nhiễm độc, và cần cả chục năm để tiết giảm lượng chì trong xương.
Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự nhiễm độc trong cơ thể trẻ em: tuổi tác, tình trạng sức khỏe tổng quát, nguồn chì và bị nhiễm độc bao nhiêu lâu. Nhiễm độc chì có thể từ sơn trên tường vách (nhà xây trước năm 1978, có thể được sơn quét bằng các loại sơn chứa chì), khi sơn bong tróc tạo ra bụi sơn, con trẻ ăn hoặc hít thở bụi sơn và bị nhiễm độc. Nước uống ô nhiễm vì chì trong ống dẫn; nữ trang hoặc đồ chơi có thể chứa chì; cha mẹ làm việc ở nơi chế tạo kính màu (stained glass) có thể mang chì từ hãng xưởng về nhà; sinh sống gần phi trường có thể hít thở không khí và đất cát ô nhiễm chì do dầu xăng của máy bay. Đôi khi thức ăn, uống ô nhiễm chì; gần đây cơ quan FDA đã thông báo về một số thực phẩm bị nhiễm độc chì; đặc biệt là món apple sauce đóng gói pha chế với bột quế sản xuất tại Ecuador (Austrofoods) và bán sang Hoa Kỳ dưới nhãn hiệu của WanaBana, Weis and Schnucks.
Trong các món quế đã thử nghiệm, hàm lượng chì từ 2 – 3.4 parts per million; hàm lượng chì trong các gói cinnamon applesauce pouches từ 2,300 – 5,100 parts per million, nghĩa là cao gấp ngàn lần.
Tại Hoa Kỳ đã có 460 ca nhiễm độc chì vì trẻ em ăn apple sauce. Apple sauce là món ăn quen thuộc của trẻ em Hoa Kỳ.
Khi nghi ngại, cha mẹ nên đưa con em đi khám bệnh và thử nghiệm máu.
Theo bác sĩ Diane Calello, New Jersey Poison Control Center, thực phẩm như lúa gạo, và táo có thể bị nhiễm độc từ cây cỏ trồng tỉa tại những vùng đất cát lẫn các kim loại như chì, chromium, thủy ngân … và các thứ khác.
Ô nhiễm thực phẩm có thể vì sơ ý, không cẩn thận trong tiến trình chế biến nhưng đôi khi cũng do cố tình, hãng xưởng sản xuất bỏ thêm kim loại để gia tăng trọng lượng như bột nghệ, bột cà ri … Do đó, phụ huynh cần cho con em thử nghiệm máu hằng năm trong tuổi ấu thơ.
TLL