Ngày xửa ngày xưa, tu sĩ là những người chọn đời sống thoát tục để tu hành và thường thuộc giới “biết chữ” trong xã hội. Để truyền bá, giảng dạy đạo pháp, tu sĩ ghi chép, minh họa lời thần thánh và lồng thêm ý nghĩ cá nhân vào những cuốn vở [viết tay] hay “manuscript”. Cho đến khi kỹ thuật in ấn ra đời, “vở” trở thành “sách”, nhiều phiên bản nên quảng bá dễ dàng hơn.

Ngày nay, danh từ “manuscript” được hiểu rộng hơn, ngoài “bản viết tay”, manuscript còn có nghĩa là phiên bản chưa được “phát hành” dù được đánh máy hay đã in.

Nhiều cuốn vở được in thành sách; một số sách trở thành “kinh” truyền lại cho hậu thế qua việc giảng dạy trong môi trường tôn giáo và cũng được những tay sưu tầm buôn bán, lưu trữ tại những viện bảo tàng của thế giới. Vở [hiếm hoi hơn so với sách] thường được trân quý và đánh giá cao. Nổi tiếng lẫy lừng là quyển [vở] Book of Kells trưng bày tại Trinity College, thủ đô Dublin của Ái Nhĩ Lan.

Sách vở kể rằng từ Iona, một hòn đảo nhỏ xíu tại the Inner Hebrides, nơi các tu sĩ Thiên Chúa Giáo gốc Celt ẩn thân tu hành suốt mấy trăm năm. Trung tâm của hòn đảo là  Iona Abbey, hậu thân của tu viện do thánh Columba thành lập năm 563. Đây cũng là nơi the Book of Kells ra đời khoảng năm 800; quyển kinh dày cui do các tu sĩ ghi chép bằng chữ La Tinh bao gồm bốn Phúc Âm trong Tân Ước với những hình vẽ minh họa.

Lịch sử của Book of Kells khá ly kỳ, từ năm 795, quân Viking đã từng đánh phá hòn đảo Iona nhiều lần, và trong lần phá phách năm 806, đã giết 68 tu sĩ. Suốt mấy thập niên sau đó, các tu sĩ sống sót rời đảo, di tản qua Ái Nhĩ Lan, đến tu viện Kells. Quyển kinh ấy được mang theo và tiếp tục ghi chép tại đây.

Trong thập niên 50 của thế kỷ XVII, quyển kinh được âm thầm mang về Dublin để lưu giữ khi Kells bị chiếm giữ bởi quân lính của Oliver Cromwell. Giám Mục Henry Jones (1605–1682), viện phó của Trinity College, hiến tặng Book of Kells cho thư viện của trường năm 1661. Từ đó, quyển kinh được lưu trữ và trưng bày trong lồng kính khóa chặt tại thư viện này, sang trang mỗi tháng.

Xem thêm:   Không bám rễ

Quyển sách quý hiếm được chép tay trên da bò non (con bê), vellum, (loại da dành riêng cho các thư tịch quý giá, đặc biệt trong thời Trung Cổ) do 3 người khác nhau không rõ tên tuổi viết; dựa theo mẫu chữ, người đương thời nhận diện sự khác biệt giữa các mẫu tự và đặt tên người viết là Hand A, Hand B, và Hand C.

Book of Kells không lớn lắm, khổ 13×10 inches (33×25 cm), bao gồm mấy trăm trang; ngoài chữ viết, mỗi trang được “trang điểm” tỉ mỉ một cách riêng với hình vẽ hoa lá, người, thú vật, các nút thắt kiểu Celtic… Phúc Âm từ các Thánh Matthew, Mark, và  Luke được chép đầy đủ; riêng Thánh John thì chỉ có một phần; kèm theo phần tóm tắt và bình luận của người chép.

Hình vẽ trong The Canterbury Tales, một tập truyện về du lịch, với chân dung tác giả Chaucer: Lansdowne MS 851, f. 2r

Quyển sách quý thiếu một số trang, sử gia ước đoán là khi quyển sách bị ăn trộm từ nhà thờ tại Kells trong thế kỷ XI, kẻ cắp lấy đi những vật trang sức, đá quý cẩn trên sách và chỉ vàng dùng để khâu các trang sách với nhau bị tháo rời và khi tìm lại, quyển sách mất ít nhiều trang.

The Book of Kells ngày nay được xem như một tác phẩm nghệ thuật qua các hình vẽ với nhiều chi tiết tỉ mỉ, chữ viết nắn nót từng nét. Sử gia và các nhà sưu tầm đồng thuận rằng hình vẽ là tâm điểm của quyển sách và chữ viết là thứ yếu vì có cả những chữ viết sai không được sửa chữa. Với mục đích trình bày trước tín đồ khi tế lễ, quyển sách được đặt trên bàn thờ, những cảnh minh họa rực rỡ giúp giải thích lời kinh thánh thay cho chữ viết vì nhiều tín đồ không đọc được chữ. Cùng mục đích minh họa như những tấm kính màu trang trí trong nhà thờ, cảnh Chúa lên trời, các thánh tông đồ quây quần bên Jesus…

Trở lại với sách vở thời Trung Cổ, giới quý tộc có nhu cầu “đọc” sách thường dùng các cuốn vở chép tay đắt giá nặng phần tôn giáo. Những người biết chữ sang giàu thuở ấy thường thuê mướn nghệ nhân chép và minh họa những cuốn vở nọ kèm theo các hình vẽ “chua” nghĩa bên lề trang vở hay “marginalia”.

Xem thêm:   Chuyện ngày qua của bác và cháu nhỏ

Nghệ thuật “vẽ/viết bên lề” xem ra phổ thông trong thế kỷ XII-XIV; sách là những quyển vở chép tay từ trang đầu đến trang cuối. Công việc chép [và vẽ] thường dành cho tu sĩ, sinh sống trong tu viện; các “nghệ nhân” này cặm cụi ngày đêm nắn nót từng nét chữ và “trang điểm” mỗi trang vở bằng cách dát vàng bạc, dùng mực nhiều màu rực rỡ… để tác phẩm thêm phần quý giá. Nghệ thuật “marginalia” thịnh hành tại Âu châu, nhất là Anh và Pháp. Nghệ thuật “marginalia” nở rộ trong các cuốn sách chép tay từ đó với đầy đủ màu sắc của chuyện dân gian từ tình dục, bài tiết đến mỉa mai sự quá đáng của giới tu sĩ ngay cả trong những cuốn kinh sách.

Thiên thần, thú vật là các biểu tượng thường thấy trong cổ thư, khỉ xuất hiện khá nhiều trong các hình vẽ; đầu người mình thú hoặc đầu voi đuôi ốc cũng là những biểu tượng khác. Như thỏ cưỡi ốc, khỉ cưỡi thỏ giao tranh

Kỹ thuật in ấn bắt đầu từ năm 1450.

Ngoài mục đích chép kinh thánh, minh họa cảnh trí theo kinh sách, các tu sĩ cũng thoát tục, giải sầu (?) bằng cách vẽ [vời] nhiều hình ảnh, mô tả kể chuyện đời sống thường nhật, từa tựa như truyện bằng tranh thời cận kim. Chuyện kể qua hình vẽ bao gồm nhiều đề tài, từ đùa giỡn, quái thú đến thân xác con người; tình dục, chuyện tiểu tiện, trung tiện và cả đại tiện đều được vẽ trên lề, mép của trang vở, chung quanh chữ viết chép kinh thánh.

Đạo và đời sánh vai qua các tác phẩm viết & vẽ bằng tay, trang trí với quý kim lấp lánh như vàng bạc hay “illustrated manuscript”.

Ngoại trừ một vài trường hợp như ông Matthew Paris, một thầy dòng Benedictine tại tu viện St Albans, hầu hết nghệ nhân và tu sĩ chép và minh họa thuở ấy thường không được ghi nhận tên tuổi; tác phẩm được xem như tài sản của chủ nhân quý tộc hoặc giáo hội.

Cuối thế kỷ XII, khi sách vở được truyền tay trong giới quý tộc và thiểu số “biết chữ” thì văn chương thi phú bắt đầu xuất hiện, điển hình là The Canterbury Tales, chen chân với kinh sách; và thường dân [giàu có] đã có người muốn học chữ. Trước đó, đọc và viết chữ thường được giao phó cho hội thánh; tu sĩ được huấn luyện để đọc được kinh sách và có bổn phận chép kinh nên phải biết viết.

Hình vẽ này, một người xấu xí bắn mũi tên vào mông một kẻ dị hình khác, hiện diện trong cuốn the Rutland Psalter, c. 1260. British Library Royal MS 62925, f. 87v.

Chỉ khoảng 20-30 năm trở lại đây, chuyên viên nghiên cứu cổ thư mới chú tâm đến những hình vẽ, câu viết bên lề trang vở. Và khi nhìn ngắm thẩm định kỹ lưỡng, họ đoán rằng ngoài việc ghi chép thánh kinh, “tác giả” còn có các mục đích khác: giải thích câu viết chưa  rõ nghĩa, ghi chép thêm phần bỏ sót, chế giễu giáo hội hoặc đề cập đến các tiêu đề “nóng hổi” của xã hội thủa ấy. Dù ta chưa hoàn toàn khẳng định được ý nghĩa của những hình tượng “vẽ bên lề” trong cổ thư Trung Cổ nhưng một số đã được “giải mã”. Tạm hiểu là xã hội Trung Cổ cũng phức tạp như xã hội ngày nay.

Xem thêm:   Giấy & nghệ thuật

Theo bà Kaitlin Manning, một chuyên viên thẩm định cổ thư tại B & L Rootenberg Rare Books and Manuscripts, ta ưa chuộng nghệ thuật “vẽ bên lề” vì từng đánh giá cổ nhân là những người “bảo thủ”, hành xử cứng nhắc theo khuôn thước xã hội lễ nghĩa… nên khó ngờ rằng cha ông cũng dí dỏm hài hước đến thế.

Chuyên gia cổ thư Michael Camille và Lillian Randall cho rằng “Marginalia” xuất phát từ truyền thống “phụ chú” giúp giải thích ý nghĩa của câu văn trong sách; phụ chú dùng “lề” trang sách khác với “footnote” sử dụng ngày nay. Nghĩa là tác giả sử dụng với mục đích, không như người đương thời nghĩ về “marginalia” như chuyện thêm thắt nhảm nhí, vẽ vời hoặc tục tĩu, không dính dáng chi đến kinh sách cao quý.

Một số hình vẽ trong cổ thư là các thí dụ điển hình của nghệ thuật “vẽ bên lề” giúp người đương thời thêm hiểu biết về cổ nhân, bảo thủ, cứng nhắc nhưng vẫn dí dỏm thâm thúy.

Nhìn ngắm mấy tấm hình kể trên với con mắt thời @, Dế Mèn ngẫm nghĩ mãi mà chưa đoán ra ý tưởng của người vẽ, hẳn chỉ để đùa giỡn?

Nghệ thuật “marginalia” hay minh họa trên lề cuốn vở kết tinh từ óc tưởng tượng phong phú, tác giả tha hồ vẽ vời theo ý muốn vì không phải theo nguyên bản như chữ viết. Người đời nay, nhìn ngắm các công trình [ghi chép] vẽ vời ấy với sự kinh ngạc; hóa ra cổ nhân cũng khôi hài, cũng đầy máu tiếu lâm trong huyết quản kể cả các tu sĩ! Và điều đáng kể là một tấm hình kể thay ngàn chữ nếu ta “đọc” ra ý nghĩ của tác giả?

TLL