Đại dịch Vũ Hán khiến các khiếm khuyết xã hội tại Huê Kỳ trở nên rõ ràng hơn trong nhiều lãnh vực từ nhân công, chuyên chở, nhà ở đến ngành chăm sóc sức khỏe. Bài viết ngắn này chỉ đề cập đến ngành săn sóc sức khỏe con người.

Ngành chăm sóc sức khỏe bao gồm nhân công, bệnh viện, thuốc men, máy móc để chẩn bệnh cũng như chữa trị bệnh tật. Chẳng những Huê Kỳ thiếu bệnh viện mà thiếu cả người chăm sóc bệnh nhân, từ bác sĩ đến y tá. Bệnh viện ta có thể khởi công xây cất, lớn nhỏ theo nhu cầu địa phương. Thuốc men, máy móc thì các hãng xưởng có thể sản xuất và cung cấp trong một thời gian ngắn nhưng nhân công thì sao? Đào tạo nhân công trong ngành y tế thì không dễ dàng vì đòi hỏi thời gian và đủ tiêu chuẩn cần thiết.

Tại sao thiếu Y tá, Bác sĩ?

Câu hỏi đầu tiên là tại sao thiếu người và kế tiếp là làm thế nào để thu hút họ, trợ giúp học viên trong thời gian huấn luyện như trả lương, khi tốt nghiệp thì có việc làm với số lương bổng tương xứng với công lao hay mức “đầu tư” vào thời gian huấn luyện?

So với các quốc gia khá giả trên thế giới, chương trình huấn luyện bác sĩ tại Huê Kỳ dài nhất, tốn kém nhất và là nơi có tỷ lệ bác sĩ / cư dân thấp nhất! Ngành bác sĩ “tiền phong” (primary care) như nhi khoa, nội khoa, gia đình là những chuyên khoa thiếu người trầm trọng. So với các chuyên khoa khác, ngành “bác sĩ tiền phong” có mức lương bổng thấp nhất. Những người chọn các chuyên khoa này hẳn là những người muốn làm công việc ưa thích bất kể lương bổng?

Trở lại với câu hỏi chính là tại sao Huê Kỳ thiếu bác sĩ? Vài câu trả lời xem ra dễ thấy nhất như thiếu trường y khoa, không đủ chỗ để huấn luyện sinh viên muốn theo học. Số sinh viên tốt nghiệp mỗi năm không mấy thay đổi trong khi số cư dân tại Huê Kỳ gia tăng nhanh chóng.
Ðã thiếu người thì tại sao ta không tìm cách gia tăng số chương trình huấn luyện? Tiết giảm thời gian huấn luyện và tài trợ sinh viên theo học ngành Y để thu hút họ?
Trên thực tế, Huê Kỳ là quốc gia khá giả duy nhất đòi hỏi sinh viên phải tốt nghiệp 4 năm đại học trước khi vào trường Y, chương trình huấn luyện tại trường Y thêm 4 năm nữa, tổng cộng là 8 năm. Sau đó là chương trình huấn luyện bác sĩ [mới ra trường] hay nội trú và thường trú từ 3-7 năm trước khi được hành nghề chưa kể các kỳ thi khảo hạch để lấy bằng hành nghề và giấy phép từ tiểu bang sinh sống / làm việc.

Xem thêm:   Đêm trăng đầy

So sánh với Châu Âu

So với trường Y khoa tại Âu châu, sinh viên chỉ học khoảng 6 năm. Như thế hai năm đại học trong chương trình huấn luyện bác sĩ Huê Kỳ có lợi điểm gì không so với Âu châu, bác sĩ Huê Kỳ có “hay” hơn bác sĩ Âu Châu về điểm gì không khi chịu huấn luyện thêm hai năm nữa?  Tính toán theo những chuyên viên kế toán, thời gian huấn luyện bác sĩ Huê Kỳ 33% dài hơn so với thời gian huấn luyện tại Âu Châu. Bác sĩ Huê Kỳ có gia tăng 33% tuổi thọ hay sức khỏe bệnh nhân so với đồng nghiệp Âu Châu không? Câu trả lời là không. Mọi dữ kiện về tuổi thọ và sức khỏe con người sinh sống ở Âu Châu cho thấy cư dân ở đó mạnh khỏe hơn, sống lâu hơn so với người Huê Kỳ đồng tuổi trong mọi mức lợi tức!

Sau 11-12 năm huấn luyện, hầu hết các sinh viên tốt nghiệp đều cõng một món nợ khoảng 200 – 400 ngàn Mỹ kim khi bắt đầu hành nghề. Ðây có thể là lý do khiến các bác sĩ trẻ chọn những chuyên khoa có lợi tức cao như giải phẫu não bộ (neurosurgery), thẩm mỹ, gây mê, chỉnh hình (orthopedics) hoặc những ngành chuyên môn sau khi tốt nghiệp nội khoa như ung thư, tim mạch… để có thể gấp rút trả nợ và bắt đầu tích lũy tiền bạc cho ngày hưu trí. Tại Huê Kỳ, các ngành chuyên môn này mang lại mức lợi tức cao nhất so với các quốc gia khác trên thế giới. Một lý do khác nữa là số bác sĩ hành nghề ít oi so với mức cần thiết nên nghiễm nhiên mang đến mức thù lao cao. Thêm vào đó, không hiểu vì đâu mà xã hội vẫn tin rằng Huê Kỳ có quá nhiều bác sĩ nên các chính khách vẫn tiếp tục áp dụng các phương cách giới hạn số trường Y, giảm mức tài trợ cho sinh viên và bác sĩ thường trú, ngăn cấm các dự luật cho phép chuyên viên điều dưỡng, chuyên viên phụ tá bác sĩ hành nghề như bác sĩ và đòi các bác sĩ ngoại quốc đến Huê Kỳ phải trải qua một thời kỳ huấn luyện khó khăn để lấy bằng hành nghề!?

Xem thêm:   Khẩu súng săn

Theo Niskanen Center, một trung tâm chuyên nghiên cứu dịch vụ y tế, từ năm 1980 đến 2005, dân cư Huê Kỳ gia tăng 60 triệu người trong khi số sinh viên theo học Y vẫn không thay đổi. Kết quả là Huê Kỳ thiếu bác sĩ như ta thấy. Thiếu người nên dịch vụ y tế có bảng giá cao và chỉ những người khá giả mới có thể cáng đáng nổi.

Mặc dù bác sĩ Huê Kỳ có mức lợi tức cao hơn so với đồng nghiệp Âu Châu nhưng thực ra, tính theo số giờ làm việc, bác sĩ Huê Kỳ làm việc nhiều giờ hơn; do đó lợi tức không mấy khác biệt nhưng nếp sống không được thoải mái như các đồng nghiệp kể trên. Khuynh hướng “burnt out”, mệt mỏi vì công việc, thường thấy tại Huê Kỳ so với Âu Châu.

Ðại dịch Vũ Hán cho thấy rằng số bác sĩ hiện hành nghề vẫn không đủ để cung ứng các dịch vụ  thiết yếu. Ngay cả khi đại dịch chấm dứt, với số cư dân vào tuổi già mỗi ngày một đông; người già thường đau yếu và sẽ cần dịch vụ y tế nhiều hơn so với người trẻ. Theo cơ quan kiểm kê dân số Huê Kỳ, trong 12 năm nữa số người già sẽ đông hơn so với số trẻ em. Tạm hiểu là xã hội Huê Kỳ, như mọi cộng đồng Âu Á khá giả khác, sẽ là một xã hội già nua trong thập niên sắp tới. Ðông dân cư, thiếu dịch vụ y tế thì xã hội cần làm gì để cung ứng số bác sĩ cần thiết?

Cần làm gì?

Theo ông Robert Orr, một chuyên gia về chính sách y tế tại Niskanen Center, đầu tiên là ta cần khảo sát các chương trình huấn luyện bác sĩ vừa tốt nghiệp và vào chương trình nội trú / thường trú. Có thể đây là khúc đường “nghẹt” vì trường y khoa kêu la rằng họ không thể tiếp tục đào tạo sinh viên mà không có chỗ cho sinh viên tốt nghiệp thực tập để sau đó được hành nghề. Hiện nay ngân sách Huê Kỳ không đủ để trang trải cho các chương trình huấn nghệ này. Câu trả lời tương đối dễ dàng: Chính phủ cần tài trợ nhiều hơn cho các chương trình huấn luyện bác sĩ vừa tốt nghiệp. Khi các chương trình huấn luyện được mở rộng thì trường y khoa có thể đào tạo nhiều sinh viên hơn và ta sẽ có nhiều bác sĩ hơn trong thập niên sắp tới!?

Xem thêm:   Lăng Tự Đức

Các quốc gia khá giả trên thế giới thu hút bác sĩ qua sách lược: a) huấn luyện, b) “nhập cảng” bác sĩ huấn luyện từ ngoại quốc, hoặc cả hai. Huê Kỳ “dở” cả hai yếu tố kể trên. Phần (a) đã được đề cập ở trên, còn phần (b) thì sao?  Khi thương thảo hiệp ước NAFTA, Canada và Mễ Tây Cơ đều không muốn thất thoát chất xám vì lợi tức cao hơn ở Huê Kỳ; riêng Huê Kỳ thì lại lo bác sĩ Canada và Mễ Tây Cơ tranh giành với bác sĩ địa phương nên hậu quả là bác sĩ ngoại quốc phải vô cùng vất vả để lấy bằng hành nghề tại Huê Kỳ!
Bộ Quốc Phòng xem ra nhanh chân hơn qua chương trình MAVNI: Bác sĩ ngoại quốc chỉ cần phục vụ trong quân đội thì sau một thời gian sẽ được gia nhập quốc tịch. Nhờ đó, quân y Huê Kỳ có thêm bác sĩ và chuyên viên y tế cần thiết. https://www.usadiversitylottery.com/news/us-citizenship/us-citizenship-army-faq.php#:~:text=Upon%20enlistment%2C%20the%20doctor%20may%20apply%20for%20US,to%20move%20from%20J-1%20to%20lawful%20permanent%20resident.

Ngoài việc gia tăng số bác sĩ “tiền phong” (Primary Care) hành nghề, Huê Kỳ còn phải gia tăng số trung tâm Y Khoa (Clinics) và bệnh viện để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cư dân nhất là tại những vùng xa xôi, hẻo lánh. Gia tăng số bác sĩ ta cần thay đổi hệ thống huấn luyện hiện hành và tất nhiên việc thay đổi cả một hệ thống giáo dục sẽ cần nhiều năm. Trong khi đó, Huê Kỳ đã bắt đầu cho phép các chuyên viên (không phải là bác sĩ) khác như điều dưỡng và phụ tá bác sĩ (Physician Assistant) cung cấp các dịch vụ y tế thông thường với sự cố vấn của bác sĩ và sử dụng hệ thống viễn liên hay “telemedicine”, chuyên viên y tế tiếp chuyện với người bệnh qua màn hình điện thoại hay computer.
Nhìn ra khuyết điểm nhưng sửa chữa hoặc thay đổi cả một hệ thống giáo dục và đào tạo là một con đường khá dài. Cho đến khi phương cách đào tạo bác sĩ thay đổi và cung ứng đủ số chuyên viên cần thiết, hệ thống y tế Huê Kỳ sẽ tiếp tục “chắp nối” vá víu như hiện nay.

TLL