Con người, xem ra là một sinh vật bất khuất, không chấp nhận sự điều khiển, bắt ép nào, kể cả những việc tốt đẹp cho xã hội hay cá nhân. Lịch sử liên tục ghi chép những khám phá mới như du hành trong vũ trụ, lên mặt trăng, thám hiểm Hỏa tinh… Các việc làm thay đổi thiên nhiên như đốn rừng đào kênh, khai thác hầm mỏ… Các khám phá, hoạt động thay đổi thiên nhiên kể trên đến từ sự tò mò và cả lòng tham. Hai yếu tố ấy dường như ẩn tàng trong mọi cá nhân, chỉ chờ cơ hội là xuất hiện.

Tranh vẽ của Charles Dana Gibson. PUBLIC DOMAIN

Chuyện thiên nhiên đã như thế nên việc “nhân tạo” không phải là chuyện lạ. Khi sinh sống hợp quần, con người tạo ra các cộng đồng lớn nhỏ và từ đó nảy sinh những “điều luật” xã hội để duy trì trật tự. Rộng rãi, quy mô hơn là các quốc gia và luật pháp. Bất kể đạo luật có lợi hay hại (cho cá nhân), con người cũng tìm cách né tránh, phần lớn để kiếm lợi và một chút “tự hào” về sự khôn ngoan cá nhân. Báo chí đăng tải hà rầm các bản tin về những con người tránh né luật pháp để lấy một chút tiện lợi như việc “trốn” cách ly, dối trá để đi lại trong thời đại dịch. Tất nhiên những việc làm ấy không có gì mới mẻ so với vài câu chuyện cũ: để “lách luật”, con người biến chế ra nhiều cách làm ăn kể cả các loại thức ăn “mới”, công việc làm mới. Nổi tiếng nhất có lẽ là chuyện ra đời của các tấm bánh mì sandwich Raines tại thành phố New York.

Vào cuối thế kỷ XIX, cư dân New York khi vào quán rượu và gọi một ly whiskey hay chai bia thì người dọn bàn tự động bưng ra một dĩa sandwich; món này thực sự chỉ để ngó, ăn không nổi vì đó là hai mẩu bánh mì khô cứng kẹp miếng thịt đã cũ mốc. Vài hàng quán khác, món sandwich kia làm bằng cao su và được chuyển từ bàn này sang bàn khác sau khi khách hàng gọi thức uống.

Tại sao có chuyện oái oăm như thế? Hàng quán “lách luật”, bạn ạ! Ðạo luật Raines năm 1896 chỉ cho phép bán rượu bia uống cùng với thức ăn để tránh việc khách hàng quá chén say sưa. Từ đó, xuất hiện món “Raines sandwich” như đã mô tả, chỉ để ngó cho phải phép và khách hàng cứ tự nhiên uống cho mềm môi. Luật pháp chỉ ép được nhà hàng bán rượu chung với thức ăn chứ đâu có bắt khách phải… ăn rồi mới được uống? Thế là bá tánh cứ việc thản nhiên buôn bán như cũ, miễn là theo luật định kiểu đại khái như trên.

Phe ta tò mò tìm hiểu gốc gác của đạo luật Raines thì mới vỡ lẽ. Thủa ấy, mấy nhà lập pháp Cộng Hòa (bảo thủ) tại tiểu bang New York đã từng cố gắng tiết giảm việc cư dân say sưa chốn công cộng nhưng không mấy thành công vì chính quyền thành phố New York chẳng mấy khi tuân hành luật Sabbath cấm uống rượu trong ngày Chủ Nhật. Thủ phủ của tiểu bang New York nằm tại Albany, chốn đồng ruộng và bao gồm nhiều thôn làng nhỏ; cư dân phần lớn “bảo thủ” trong khi thành phố New York là chốn kinh kỳ phồn hoa đầy ánh sáng quyến rũ những người năng động thích ăn uống, chè chén. Vì vậy, nên “phép thống đốc” thua “lệ thành phố”, luật pháp chỉ được tuân hành lấy lệ cho đến khi một vị dân cử tên Theodore Roosevelt, năm ấy mới 37 tuổi, lên làm sếp cảnh sát và thúc ép cư dân thành phố New York tuân hành luật lệ đàng hoàng. Ông ấy ủng hộ đạo luật Raines và cho rằng cứ áp dụng chặt chẽ đạo luật ấy thì cư dân thành phố hết say sưa trong ngày Chủ Nhật (ngày của Chúa).

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Ngày ấy, thành phố New York có khoảng 8,000 quán rượu, sang có và tồi tàn cũng có. Quán nghèo nằm trong ngõ tối và thường là nơi xảy ra tội ác. Sử dụng những hình ảnh tối tăm ấy, ông Roosevelt hô hào việc thay đổi bộ mặt thành phố qua việc áp dụng luật Raines.

Ðạo luật Raines 1896 nhằm đóng cửa các quán rượu tồi tàn qua nhiều cách: gia tăng lệ phí cấp giấy phép bán rượu (license) lên gấp ba lần, 800 Mỹ kim; không được mở quán rượu trong chu vi 200 bộ Anh nơi trường học hoặc nhà thờ hiện diện và tuổi được uống rượu trở thành 18 thay vì 16 như trước. Ðạo luật ấy cũng cấm hàng quán cho ăn trưa miễn phí, một yếu tố thu hút rất mạnh mẽ khách ăn uống. Chẳng hạn như tại quán McSorley’s, khách (uống) được ăn miễn phí một dĩa phó mát, bánh mì và hành tây. (Quán McSorley’s vẫn còn giữ một chút món quảng cáo ấy cho đến ngày nay). Vào ngày Chủ Nhật, hàng quán mở cửa phải mở màn che cửa kính để bá tánh và cả cảnh sát tuần hành đi ngang có thể quan sát khung cảnh bên trong (khó khăn cho con cháu thần Lưu Linh ăn nhậu và cả cảnh sát đi tuần, chẳng thể nhắm mắt làm ngơ!). Nhưng khó chịu (cho cư dân thích uống rượu) nhất là điều luật bãi bỏ “giờ vàng ngọc” (golden hour) cho khách ăn uống thêm một tiếng để sửa soạn ngừng mềm môi sau khi đồng hồ báo hiệu nửa đêm thứ Bảy. Nôm na là khách hàng vẫn có thể uống rượu trong khoảng một giờ nữa, cho đến 1 giờ sáng Chủ Nhật mới bị cấm hẳn! Ðạo luật “cấm đoán” này do Thượng nghị sĩ John W. Raines soạn thảo và được ban hành ngày 1 tháng Tư, năm 1896.

Người ủng hộ luật Raines hả hê vì quán rượu (đành) đóng cửa lúc nửa đêm thứ Bảy; tiệm rượu không thể bán rượu trong ngày Chủ Nhật và cả tiểu bang New York chịu nhịn rượu vào dịp cuối tuần (“dry” weekend). Người bằng lòng uống nước trà, nước chanh thay thế rượu thì không sao nhưng những người ưa mềm môi thì khó chịu lắm! Và họ hầm trong bụng nên phản đối rầm rĩ, tìm cách lách luật!

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Thế là cuộc “chiến tranh” về rượu xảy ra: Bên ủng hộ là nhóm người trung lưu, theo đạo Tin Lành, muốn làm đẹp bộ mặt thành phố trong khi phía phản đối gồm những di dân (mới) gốc Ðức, Ái Nhĩ Lan; họ cho rằng đạo luật Raines là một hình thức đè nén (di dân) không cho người lao động (chân tay) được thụ hưởng một ngày nghỉ cuối tuần sau khi vất vả làm việc! Ấy là chưa kể nhóm tín đồ Do Thái, những người đã cử hành lễ Sabbath vào ngày thứ Bảy, bây giờ phải “chịu” thêm một ngày lễ nữa thì o ép nhau quá!

Người chống đối bắt đầu chê bai, hài “tội” đạo luật Raines là “giả dối”, bất công vì đạo luật ấy cho phép khách sạn, quán trọ có 10 phòng trở lên được bán rượu với thức ăn đủ bảy ngày một tuần! Ðiều dễ hiểu là thủa ấy, người giàu của thành phố thường ăn tối Chủ Nhật tại các khách sạn đắt tiền vì Chủ Nhật là ngày nghỉ hàng tuần của người làm công ăn ở trong nhà chủ. Tạm hiểu là luật Raines có vẻ thiên về phía người giàu?!
Chưa hết, chủ quán rượu bực tức vì Chủ Nhật thường là ngày buôn bán rầm rộ nhất trong tuần; bây giờ phải đóng cửa thì sẽ… lỗ chỏng chơ (?) Thế là chỉ một vài tuần sau ngày luật Raines được áp dụng, chủ quán rượu bắt đầu tìm ra kẽ hở của luật pháp: Họ bắt đầu thành lập các hội quán (club), và thẻ hội viên được trao cho những khách hàng có mặt thường xuyên. Các căn hầm dưới nhà (basement) và các tầng nhà dưới mái (attic) được nhanh chóng hóa thân thành “phòng ngủ”; ngay cả việc kết nối với các quán trọ gần đó để có đủ số phòng mà buôn bán suốt tuần, vừa ăn vừa uống theo luật định. Rượu thì vẫn như cũ nhưng thức ăn thì món Raines sandwich ra đời cho đủ lệ bộ!

McSorley’s vẫn phục vụ bữa ăn nổi tiếng gồm phó mát, bánh quy giòn và hành tây. nguồn: Flickr

Cảnh sát cũng như chính quyền thành phố New York đều… hân hoan vì tòa án chấp nhận định nghĩa “sandwich là bữa ăn” nên được xem là hợp pháp, nhất là các quán rượu hóa thân thành quán trọ (và cũng bị bêu riếu là “Raines hotel”). Mùa Hè năm ấy, “quán trọ” Raines (xập xệ) mọc lên khắp nơi tại 5 quận của thành phố New York. Tính đến mùa bầu cử thì New York có trên dưới 500 quán trọ (kiểu Raines) trong khi tại quận Brooklyn, từ 13 quán trọ, con số này nhảy vọt đến 800 trong vòng 6 tháng và con số các hội quán (club) thì gia tăng đến 10 lần!

Xem thêm:   Mua đồ trang trí

Muốn kiểm soát việc say sưa của cư dân mà kết quả ngược lại nên phe bảo thủ bực mình lắm. Họ hè nhau đưa ra tu chính mới nhằm “sửa chữa”, “lấp” đầy các khe hở của luật pháp để chủ quán rượu hết bề lách luật. Cứ như thế, mỗi lần “vỏ quýt” dày hơn một chút thì “móng tay” lại được mài nhọn thêm một chút. Hai bên tiếp tục co kéo. Ðến năm 1902 thì hàng quán “khôn” thêm, không được cho ăn miễn phí thì chủ tiệm bắt đầu tính tiền, và tính rất đắt cho mỗi dĩa sandwich. Khách sạn hàng đầu Waldorf-Astoria dọn ra món thịt-nuốt-không-vô và tính gấp rưỡi giá mỗi ly rượu. Khách hàng cứ việc không ăn và tha hồ uống. Cảnh sát chẳng thế bắt bớ chi nữa vì món nào cũng tính tiền in như cách buôn bán thực sự. Nhưng tự dưng uống rượu ngày Chủ Nhật trở thành một thú vui đắt tiền, chỉ người khá giả mới có thể thụ hưởng. Dân nghèo thèm hơi men đành… uống chui trong mấy hàng quán tồi tàn, dấm dúi.

Luật Raines tiếp tục hiện hữu trong thế kỷ XX. Năm 1907, Tòa án Tối Cao của tiểu bang New York kết luận rằng: “Bữa ăn phải đi cùng với rượu uống trong ngày Chủ Nhật” mới hợp pháp. Bị bắt bớ, các lò cất ngưng cung cấp rượu cho những quán trọ Raines. Mười năm sau, 1917, luật pháp mới “dẹp” luôn điều luật “tối thiểu 10 phòng” và do đó chủ quán rượu khó lòng mở thêm các “mini-hotel” (trá hình) mới.

Cho đến năm 1919, tổ chức Chống Quán Rượu, Anti-Saloon League, ra đời. Họ đả phá mọi thứ liên quan đến rượu và xuất hiện đạo luật cấm rượu, Prohibition Law, thập phần chặt chẽ quy mô. Lúc ấy luật Raines mới đi vào quên lãng và việc buôn bán rượu rơi vào tay các băng đảng tội ác như Mafia cũng như mấy tay cổ trắng như ông Joseph Kennedy, người đứng đầu gia tộc Kennedy một thời lẫy lừng trong lịch sử Huê Kỳ!

Câu chuyện cũ cho Dế Mèn thấy vài điều thú vị. Khi con người đã “muốn” thì khó lòng cấm đoán bằng sức mạnh / luật pháp, bất kể chính phủ nào. Không công khai đả phá được thì người ta âm thầm chống đối bằng cách “lách” luật hoặc tiếp tục làm theo ý muốn. Ngày xa xưa thì rượu, ngày nay thì ma túy… ấy là những món hại sức khỏe nên khó lòng biện minh cho việc tự do sử dụng. Nhưng ngay cả đến việc dùng mask, chủng ngừa Covid 19 trong thời đại dịch… là mấy cách phòng ngừa bệnh tật hữu hiệu cho cá nhân và cho cả cộng đồng, ta vẫn thấy có những người từ chối tuân hành dựa trên ý kiến riêng! Và khi chung sống thì ta phải chấp nhận nhau?!

TLL