Karakalpakstan hay Qaraqalpaqstan là tên gọi của vùng đất độc lập (tự trị?) the Republic of Karakalpakstan, nằm về phía Tây Bắc trên lãnh thổ Uzbekistan. Thủ đô là Nukus nằm trên Con Đường Tơ Lụa năm xưa mà Dế Mèn đi qua.

Savitsky Museum. Photo: TLL/trẻ

The Republic of Karakalpakstan rộng khoảng 160,000 cây số vuông, chiếm trọn lãnh thổ Khwarezm, vùng đất được mô tả trong sách vở Persian xa xưa là   Dân số ngày nay khoảng 1.8 triệu người.

Từ năm 500 trước Công Nguyên  đến năm 500, Karakalpakstan đã là một vùng đất nông nghiệp, trồng trọt được nhiều loại hoa màu; cư dân sinh sống bằng nghề đánh cá và nuôi thú, du canh.

Khi vùng Trung Á chịu sự cai trị của khối Liên Xô, Karakalpakstan chịu cùng chung số phận và bị sát nhập vào lãnh thổ Uzbekistan năm 1936. Sau khi khối cộng sản Liên Xô tan rã, Uzbekistan được độc lập và Karakalpakstan cũng được độc lập. Tuy nhiên, “quốc gia” này chọn giải pháp “liên minh” với Uzbekistan và giữ quyền “tự trị”, quyết định những yếu tố liên quan đến lãnh thổ họ, quyền tách rời theo ý muốn trong khi vẫn sử dụng hệ thống tiền tệ (tài chánh, kinh tế) và hành chánh của Uzbekistan.

nguồn: uz.usembassy.gov/our-relationship/our-ambassador/24154579-republic-of-uzbekistan/

Khi nhắc đến “gốc gác”, cư dân Karakalpakstan nói rằng họ là người “Karakalpak” (không nhận là “Uzbek”), ngôn ngữ chính thức là “Karakalpak”, gần gũi nhiều với ngôn ngữ Kazakh hơn là Uzbek dù các nhóm dân này vẫn hiểu nhau dễ dàng. Dưới thời cộng sản, cư dân dùng chữ Cyrillic để viết (theo phiên âm) và bắt đầu sử dụng mẫu tự La Tinh từ năm 1996. Không lạ là ta thấy trên đường phố vẫn còn bảng chỉ đường bằng cả hai loại chữ viết kể trên.

Ngoài thủ đô Nukus, các thành phố lớn khác là Xojeli, Taxiatosh, Shimbai, Konirat và Moynaq, một vùng đất bên bờ biển Aral ngày nay chỉ còn là đất hoang khi biển cạn khô.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Sông ngòi bị hút cạn nước nên nghề đánh cá biến mất và đất canh tác bị thu hẹp, cư dân chỉ còn trồng được ít bông gòn, lúa gạo và dưa.

Khí hậu Karakalpakstan là khí hậu sa mạc, ngày nóng đêm lạnh. Tháng Tư ở đó trời vào Xuân nên thời tiết dễ chịu, không quá nóng nực.

Người diễn giải Yulia với tấm hình ông Savitsky thủa còn trẻ. Photo: TLL/trẻ

Từ Khiva nhóm du khách theo xe bus đến Nukus sau 4 tiếng è ạch đi qua sa mạc. Thủ đô nên đường sá rộng rãi, toàn những tòa nhà xi măng, có cái hình hộp theo kiểu Liên Xô, có cái theo kiểu mẫu Islam dù không dát gạch men tỉ mỉ. Nhìn thoáng, Nukus không có chi hấp dẫn.

Sở dĩ Nukus được tách riêng vì vị thế địa lý, nằm giữa sa mạc hoang vu, nên người Nga xây cất trung tâm thí nghiệm the Red Army’s Chemical Research Institute, nghiên cứu và thử nghiệm vũ khí hóa học. Năm 2002, qua chương trình Cooperative Threat Reduction, bộ Quốc Phòng Huê Kỳ ra tay xóa sổ cơ sở thí nghiệm này (có thể hiểu là tháo dỡ máy móc và khử trùng, trung hòa (decontamination) các hóa chất nguy hại).

Vài hình ảnh trong nhóm Russian Realism, hình ảnh công nhân đặt ống dẫn khí, người cày cấy và bức tranh Besmach, kẻ khủng bố (“Besmach” có nghĩa “tấn công”, mô tả quân kháng chiến Uzbek nổi dậy chống Hồng Quân Nga, mặt mũi hung dữ). Photo: TLL/trẻ

Hẻo lánh xa xôi như thế nên Nukus trở thành nơi cất giấu cả kho tàng nghệ thuật của các nghệ sĩ bị đuổi bắt, tru diệt dưới thời cộng sản, Nukus Museum of Art còn có tên là the Igor Savitsky Museum.

Ông Savitsky (1915-84) sinh trưởng trong một gia đình phú hào tại Kiev (thủa ấy nằm trong tay Nga, ngày nay là đất của Ukraine) được du học, tìm hiểu về nghệ thuật tại Âu Châu như Pháp, Áo, Ý… Khi nghệ thuật (văn hóa) bị kiểm duyệt gắt gao, và những họa phẩm đầu tay bị các nghệ sĩ cha chú “chê bai” khiến ông Savitsky chán nản, bỏ mộng thành họa sĩ.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Trong thập niên 50 của thế kỷ trước, ông Savitsky theo đoàn khảo cổ the Khorezm Archaeological and Ethnographic Expedition do ông Sergei P. Tolstov dẫn đầu, làm công việc phác họa các di tích, cổ vật tìm thấy.

Từ các khám phá, ông Savitsky say mê tìm hiểu văn hóa & nghệ thuật (vải vóc, nữ trang, thảm dệt, đồ gốm…) Karakalpakstan nên âm thầm mua bán, đổi chác rồi cất giấu cổ vật.

Từ cổ vật, ông Savitsky lần mò cất giữ các sản phẩm nghệ thuật khác, mua rẻ các bức tranh bị dùng để che nắng, khung hình bị dùng làm củi đốt lò hoặc được con cháu hiến tặng để lưu trữ. Nhất là các tác phẩm của các nghệ sĩ bị truy đuổi, tru diệt như M Sokolov, V Komarovskiy, và nhóm Amaraveila chưa kể các nghệ sĩ không tên tuổi thủa xưa như R Mazel, P Sokolov, A Sofronova, E Ermilova-Platova và K Red’ko; tác phẩm của họ chỉ được nhân gian quý trọng từ những năm 70 của thế kỷ trước!

Cuộc đời và công việc thu góp vĩ đại của ông Savitsky được thể hiện qua cuốn phim tài liệu “The Desert of Forbidden Arts”.

Thành lập một viện bảo tàng nghệ thuật giữa vùng đất hoang vu là một công trình ly kỳ và độc đáo. Karakalpakstan là vùng đất nghèo khó nhất của liên bang Xô Viết, và vì nghèo khó nên bị chính quyền thủa ấy bỏ lờ, ít để mắt đến nên nền văn hóa nghệ thuật Karakalpakstan còn nguyên, không bị đào xới, phá nát để xóa sổ như những nơi khác.

Qua sự trợ giúp của một vài nhân vật cầm quyền, viện bảo tàng được thành lập năm 1966, phần chính là bộ sưu tập của ông Savitsky. Kiến tha lâu, tẩn mẩn thu góp suốt mấy chục năm ròng nên ngày nay, the Karakalpakstan State Museum of Art, Savitsky Museum hay Nukus Museum trở thành nơi lưu trữ và trưng bày bộ sưu tập giá trị nhất nhì thế giới về nghệ thuật tân thời của Nga (Russian avant garde art), chỉ thua Russian Museum tại St. Petersburg chút đỉnh.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Nơi này cũng lưu trữ các bộ sưu tập lớn nhất thế giới về các tác phẩm xuất phát từ vùng Trung Á, cổ vật, sản phẩm nghệ thuật dân gian, nghệ thuật đương thời (tranh vẽ, tượng gỗ, tượng đá, đồ gốm, đồ sứ…) trên dưới 90 ngàn tác phẩm trong năm tòa nhà cạnh nhau!

Dế Mèn ngồi trong lều da (yurt) của dân du mục, tổ tiên người Karakalpak. Photo: TLL/trẻ

Suốt 4 tiếng, người dẫn giải là một phụ nữ dạy Anh ngữ tại trường trung học địa phương nhưng yêu chuộng nghệ thuật nên làm nghề tay trái, chỉ trỏ, kể chuyện gốc gác từng nghệ sĩ… Phe ta nghe mà hai tai lùng bùng, quá nhiều thứ để nhìn ngắm và thu nhận nên đến tòa nhà thứ ba thì đầu hàng.

Cả tuần lễ thì may ra mới “thấy” hết những món quý giá ở đó. Nhìn thoáng thì phe ta chỉ nhận ra vài điều, viện bảo tàng này có lẽ là nơi duy nhất trưng bày nghệ thuật tân thời [của] Nga Sô ngay bên cạnh các tác phẩm “hiện thực” Socialist Realism cùng thời. Thủa ấy, nghệ thuật tân thời bị miệt thị, cấm đoán trong khi những tác phẩm đề cao nông dân, thợ thuyền đang làm việc… thì được xưng tụng, tác giả được cất nhắc.

Nhìn ngắm công trình của ông Savitsky mà Dế Mèn tâm phục khẩu phục con người tài ba, dùng hết sức lực để thu góp kho tàng thế giới giữ lại cho hậu sinh! Ðằng sau mỗi tác phẩm là một câu chuyện, não nề cay đắng của nghệ sĩ tác giả. Không lạ là cư dân địa phương nhớ ơn ông ấy và báo chí thế giới đặt tên nơi này là viện bảo tàng “Louvre thứ nhì”.

Biết mình là người chụp ảnh hạng bét nên Dế Mèn bán cái cho một người đồng hành, Rob Squire. Mọi hình ảnh từ viện bảo tàng Savitsky là tác phẩm của Rob Squire Photography, phe ta đăng lại với sự đồng ý của tác giả.

TLL

Orlando, FL