Trừ khi ta lên núi, vào rừng chọn lối sống tịch mịch, cô liêu vì không ưa thích người chung quanh, hầu hết con người sống quây quần với hàng xóm láng giềng. Theo các nhà xã hội, con người là động vật sống quây quần, “social animal”.

Ở những thành phố lớn, đông người thì bá tánh chen chân trong những chung cư chật chội. Hàng xóm là người chia chung vách tường, trần nhà của ta là nền nhà của ông hàng xóm tầng trên; nền nhà ta lại là trần nhà của bà láng giếng tầng dưới. Cứ như thế.

Chia nhau một không gian nhỏ bé nên “tình” lân bang đi kèm với luật lệ. Chung cư nào cũng có một số điều khoản riêng chưa kể luật lệ của thôn xóm, thành phố. Luật lệ được đặt ra để con người duy trì một số tiêu chuẩn chung để cùng sinh sống tương đối hòa thuận. Càng đông người, tiêu chuẩn sinh sống càng chặt chẽ trong cộng đồng ấy. Chặt chẽ, nghiêm nhặt nhất có lẽ là tại các chung cư ngàn nóc gia. Mỗi người chỉ được sử dụng không gian nhỏ bé của riêng mình như chỗ đậu xe, nơi đặt thùng rác, giờ giấc được làm ồn (chơi đàn, nghe nhạc ầm ĩ)… Lỉnh kỉnh những điều lặt vặt nhưng không thể thiếu ấy.
Tại cộng đồng rộng rãi hơn, các căn nhà riêng, khu xóm riêng thì luật lệ cũng buông thả hơn và nhất là khi ta một mình một cõi nơi đồng không nhà trống. Ði vài dặm đường mới thấy một căn nhà xa tít đường lộ. Trống trải như thế nên hàng xóm không là đề tài để thảo luận nữa vì cư dân mạnh ai nấy sống.

Sống biệt lập hay sống gần gũi hàng xóm đi kèm với những thứ hay, cái dở của lối sống ấy. Sống biệt lập cho ta một không gian riêng, tha hồ nghe chim kêu vượn hú, làm theo ý muốn, ung dung tự tác, chẳng ngại ai để tâm hay phiền hà. Ngược lại, ta không có người chung quanh để giao tiếp, mượn chén đường, xin trái chanh… hoặc qua lại trong ngày lễ lạt. Xa xôi như thế nên khi tối lửa tắt đèn, cần thiết thì gọi cảnh sát hay xe cứu thương, xe chữa lửa…
Sống chung trong một cộng đồng thì ta có hàng xóm, láng giềng và tùy theo lối sống của cộng đồng ấy, người ta thân thiết qua lại hay chỉ giữ đủ phép xã giao, lịch sự. Có hàng xóm thì ta có cơ hội trưng bày mức giàu có, thói quen thưởng ngoạn qua kiểu nhà, kiểu vườn tược, loại xe cộ sử dụng, trang phục mỗi khi ra khỏi cửa… Và láng giềng cũng có cơ hội thi đua (ngấm ngầm) qua các thứ trưng bày bên ngoài căn nhà!

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Qua lối sống, người khá giả thường có thói quen thích phô trương, trưng bày; “hơn người” xem ra là động cơ thúc đẩy con người phấn đấu, tranh giành, ganh đua. Theo truyền thống, nhà cửa dinh thự bề thế là điểm khởi đầu của cách trưng bày của cải. Lúc mới khởi nghiệp, bá tánh chịu sống chung với láng giềng nhưng khi sự giàu có gia tăng, con người có khuynh hướng phát triển tài sản, mở rộng đất đai qua việc dạm mua đất đai chung quanh. Khi láng giềng không chịu chuyển nhượng, bán xới thì xảy ra bất hòa, tranh chấp. Câu chuyện giản dị cứ xuất hiện đời này sang đời khác, vài mươi năm lại có một câu chuyện tranh giành để ta đứng ngoài chiêm nghiệm.

Nổi tiếng nhất có lẽ là câu chuyện giữa tài phiệt hỏa xa, Charles Crocker và người hàng xóm Nicholas Yung tại San Francisco trong thế kỷ XIX.

Ông Yung gốc gác di dân từ Ðức, chịu thương chịu khó làm lụng nên dần dà có đủ tiền để mua một mảnh đất nhỏ trên đồi tại California Street. Mảnh đất lý tưởng cho hai vợ chồng ông bà Yung ngày ngày hưởng ánh nắng mặt trời trong khu vườn vén khéo của họ.

Charles Crocker

Chẳng may, cuộc sống êm ả của ông bà Yung lại bị khuấy động, phá đám bởi ông hàng xóm Charles Crocker.  Là một con người kềnh càng, cao 6 bộ Anh, nặng 300 cân Anh (vào thủa ấy, nhân dạng kích thước như thế là to lớn lắm), ông Crocker dễ dàng gây sợ hãi cho người đối diện chưa kể túi tiền khổng lồ đi kèm. Tài sản kếch sù khiến ông ấy được xếp vào hạng “Tứ Ðại Nhân” của công ty Central Pacific Railroad. Ðến năm 1870 thì xem ra ông Crocker có thể mua tiên bằng tiền bạc, nhưng tai hại [cho ông bà Yung] là việc ông Crocker muốn ngự trên đồi cao nhìn xuống nhân gian vùng San Francisco.
Muốn như thế nên ông Crocker đi quanh, quan sát đất đai xem địa điểm nào ưng ý, vừa mắt lại vừa gần gũi trung tâm tài chánh của thành phố.

Một trong tứ đại nhân kể trên là ông Leland Stanford (một thời là Thống Ðốc California và cũng là gia tộc tài trợ việc thành lập trường đại học mang tên gia tộc họ, đại học Stanford), đã gợi ý và thành công trong việc đôn đốc thành phố xây cất đường xe điện. Có đường xe điện qua lại, đưa đón tài phiệt sống trên đồi cao khiến nhà cửa ở đó đắt giá hơn. Thế là thành phố có những căn nhà ngất ngưởng trên đồi và các tài phiệt đua nhau mua ráo các lô đất “đẹp” kể cả ông Crocker. Với các tòa nhà bề thế, California Street Hill đổi tên thành Nob Hill (hay Snob Hill?).

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Tòa nhà 12 ngàn bộ vuông hoàn tất, nhưng khi nhìn đến phía đông bắc cuối khu phố, thì ông Crocker ngứa mắt quá. Giữa khu phố toàn dinh thự to lớn, căn nhà khiêm nhường của ông bà Yung trở thành một cái “lều” bé xíu nên ông Crocker muốn mua quách. Yêu quý chỗ ở và khu xóm chung quanh nên ông bà Yung không chịu bán dù đã được dạm mua nhiều lần, giá cả từ 3 ngàn Mỹ kim lên đến 12 ngàn Mỹ kim trong một thời gian ngắn ngủi!

Mua bán không xong thì phá cho bõ ghét. Ông Crocker cho người phá đồi làm đường, tính toán việc đặt chất nổ sao cho các mảnh vụn bay về nhà theo hướng nhà ông bà Yung, mục đích để dọa nạt cho ông láng giềng cứng đầu bán xới mà đi cho rồi!? Bị dọa nạt, phá đám, ông bà Yung tức mình nhất quyết trụ lại; và cuộc chiến tranh giữa hàng xóm lại lên cao hơn nữa. Ông Crocker, với số tiền 3 ngàn Mỹ kim, đã cho người dựng một hàng rào cao 40 bộ Anh (cỡ 14 thước tây), che khuất ánh sáng, chắn luôn gió biển vào nhà ông Yung. Tạm hiểu là căn nhà của ông bà Yung bị “gói” lại trong hàng rào. Trong khi cây cối bên kia hàng rào xanh tươi mơn mởn thì khu vườn nhà ông Yung khô héo dần vì thiếu ánh sáng! Báo chí ngày ấy gọi hàng rào kia là “spite fence”, hàng rào thù hận. Ông Crocker đã thay đổi môi trường sinh sống của người láng giềng và việc làm ấy hoàn toàn hợp pháp.

Ðể đối phó và được báo chí ủng hộ, ông Yung dọa sẽ dựng cột cờ trong sân treo hình sọ và xương người như cờ của hải tặc và định mang cả cái quan tài đặt trên nóc nhà cho… xấu cả xóm! Tờ báo San Francisco Chronicle gọi ngôi nhà của ông bà Yung là “a memorial of malignity and malevolence.” Câu chuyện được xôn xao bàn tán khá lâu, du khách đến thăm San Francisco đều dùng xe điện để đến ngắm nhìn dãy hàng rào nọ! Mặc bá tánh chê bai, xì xào, ông Crocker không đổi ý, nhất định o ép người hàng xóm đến cùng.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Không thay đổi được tình thế, ông bà Yung căm hận dọn nhà nhưng vẫn không bán đất cho ông Crocker ngay cả sau khi ông Yung qua đời năm 1880. Bà vợ, Rosina, tiếp tục lắc đầu không bán đất, miếng đất bị bỏ hoang và trở thành bãi rác bẩn thỉu.
Ông Crocker qua đời năm 1888, con cháu tiếp tục thương lượng với bà Yung để mua đất nhưng không thành công. Bà này giữ nguyên ý nguyện, năm 1895, đã xin tòa án lệnh để phá huỷ hàng rào nọ, dãy hàng rào đã khiến mảnh đất mất giá trị. Bà Yung thua kiện vì chiều cao của dãy hàng rào ngày này chỉ còn 25 bộ Anh (cỡ 8 thước) sau nhiều lần bị gió lộng đánh sập.
Bà Yung qua đời năm 1902, mối căm hờn cũng theo bà cụ xuống mồ. Bốn người con bán đất cho con cháu ông Crocker năm 1904; chẳng còn ai để tranh chấp, thù hận nên dãy hàng rào kia bị dẹp bỏ năm 1905.
Cuộc “chiến tranh” giữa hai gia đình Yung và Crocker xem ra vô bổ vì chỉ một năm sau ngày kết thúc, năm 1906, trận động đất và hỏa hoạn đã phá huỷ hoàn toàn các dinh thự của ông Crocker và hàng xóm. Thay vì xây cất lại, con cháu ông Crocker tặng đất cho thành phố. Tòa nhà nơi ông Crocker dựng ‘hàng rào thù hận’ nay trở thành Grace Cathedral, nơi cư dân San Francisco đến thờ phượng, chia sẻ đức tin và lòng lân tuất.

Luật pháp từ từ thay đổi, năm 1956, California ban hành luật cấm xây cất hàng rào gây khó khăn hoặc ngăn trở láng giềng. Hầu hết các tiểu bang khác chỉ cho phép dựng hàng rào với chiều cao tối đa là 6 bộ Anh (cỡ 1.5 thước) với cùng mục đích.

Thù hận đến từ con người và hòa thuận cũng tự con người. Oán thù nào rồi cũng đến lúc chấm dứt? Luật pháp thủng thẳng theo sau để bảo vệ quyền tư hữu tối thiểu, ngăn trở “đầu gấu” bớt hung hăng?

TLL