Tháng Hai, phe ta kịp một chuyến rong chơi trước khi Covid-19 rần rần tràn qua Âu Châu và những nơi khác mang theo biết bao tang thương đổ vỡ.

“The Rock” nhìn từ xa. Ảnh do tác giả cung cấp        

Suốt mười ngày, Dế Mèn đi loanh quanh miền nam Tây Ban Nha, từ Madrid đến Granada, Costa del Sol, Sevilla. Trên đường đi có dịp dừng chân tại Gibraltar. Thành phố này không đủ lớn để giữ chân du khách nhưng có một vài di tích cổ đáng giá. Lâu lắm rồi, cả chục năm, phe ta mới có dịp trở lại đây và thủng thẳng nhìn ngắm những thôn làng nhỏ xíu. Tháng Hai, thời tiết ở đây mát mẻ dễ chịu. Ban ngày nắng ấm, nhiệt độ chỉ khoảng 60-70 độ Fahrenheit nên leo đồi, lội bộ khá thoải mái.

Khi dừng chân tại Costa del Sol, Dế Mèn mua vé đi ngó hòn đảo chơ vơ giữa trời, Gibraltar, trên bờ Địa Trung Hải. Nơi này là lãnh thổ của Anh, và người dẫn đường (Tây Ban Nha) biểu rằng hòn đảo ấy là một vết nhơ trong lịch sử quốc gia họ, con cháu không giữ được đất đai của tiền nhân để lại!

Gibraltar được bao bọc bởi biển cả. Ảnh do tác giả cung cấp

Lịch sử Gibraltar khá dài, tài liệu khảo cổ khám phá từ các hang động trong núi đá cho thấy Gibraltar đã có dấu chân người tiền sử sinh sống ở đó. Huyền thoại Hy Lạp kể rằng, The Rock of Gibraltar là một trong hai cột chống trời Pillars of Heracles (Hercules). Với cư dân vùng Địa Trung Hải thủa xưa (các bộ tộc Phoenician, Carthaginian và Roman), Gibraltar (tên cũ Mons Calpe) là nơi thờ phượng quan trọng. Họ dùng Gorham’s Cave (hang động trong núi) làm nơi chiêm bái thần thánh.

Từ Bắc Phi, sau khi chiếm được bán đảo Iberia, quân đội Hồi giáo của tướng Tariq ibn Ziyad chiếm được Gibraltar năm 711, đổi tên thành núi Tariq và tự đó ngọn núi trở thành tiền đồn của các lãnh chúa kế nghiệp.

Gibraltar vào tay người Tây Ban Nha năm 1462 bởi Hầu tước Juan Alonso de Guzmán, 1st Duke of Medina Sidonia, rồi Henry IV of Castile trở thành vị vua đầu tiên của bán đảo the Campo Llano de Gibraltar. Nhưng chỉ ít lâu sau, mua qua bán lại, Gibraltar trở về với Tây Ban Nha. Đến năm 1704, trong giai đoạn tranh giành ngôi vua (the War of the Spanish Succession) giữa các hoàng thân Tây Ban Nha, Gibraltar lọt vào tay người Anh (Sir George Rooke). Thua trận liền liền nên Tây Ban Nha đành cắt đất giải hòa theo hiệp ước the Treaty of Utrecht năm 1713. Mất đất đai nhưng vẫn căm hờn, uất ức nên các cuộc chiến tranh nhỏ nhỏ vẫn tiếp tục giữa Anh và Tây Ban Nha trong suốt giai đoạn 1713-1783. Năm 1830, Gibraltar chính thức trở thành thuộc địa của hoàng gia Anh và từ đó trở thành doanh trại do không quân và hải quân Anh tuần phòng chặt chẽ để bảo vệ Strait of Gibraltar, thủy lộ duy nhất vào biển Địa Trung Hải từ Đại Tây Dương. Do đó, bán đảo bé xíu ấy trở thành biểu tượng sức mạnh của hải quân Anh. Họ gọi Gibraltar là “the Rock” theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng. Nhìn từ xa, Gibraltar in hệt một tảng đá chơ vơ.

Đi bộ qua biên giới; ra khỏi sở Di trú là ngõ vào phi trường. Ảnh do tác giả cung cấp

Khi kênh đào Suez mở cửa năm 1869 thì Gibraltar trở thành một hải cảng với vị trí chiến lược quan trọng. Sau Thế Chiến II, Gibraltar là quân lao cũng như nơi đồn trú của hải quân Anh và trung tâm vận hành hải quân của the North Atlantic Treaty Organization (NATO). Là hải cảng quân sự lẫn dân sự nên những dịch vụ liên quan mang lại nguồn tài chánh chính thức của bán đảo này.

Xem thêm:   Chuyến Tầu Tập Kết

Trong thập niên 60, người Tây Ban Nha tiếp tục đòi đất, và trong cuộc tổng tuyển cử năm 1967 để cư dân lựa chọn thì Tây Ban Nha thua đậm; số người chọn theo Anh là 12,138 so với 44 theo Tây Ban Nha. Cư dân đi xa hơn bằng cách lập hiến pháp theo Anh quốc dù vẫn duy trì việc tự trị về hành chánh. Tức mình, chính phủ Tây Ban Nha đóng luôn cửa biên giới. Mãi đến năm 1985, Tây Ban Nha mới mở cửa biên giới để dân chúng đi lại làm ăn như cũ!

Lý do tại sao cư dân Gibraltar muốn giữ tình trạng thuộc địa Anh là điều dễ hiểu. Ta cứ đi lang thang từ Anh đến Tây Ban Nha là nhận ra ngay. Hạ tầng cơ sở do Anh tạo dựng có phần “bền chắc” hơn so với Tây Ban Nha, cuộc sống lại tương đối dễ dãi, sung túc hơn cư dân Tây Ban Nha ngay sát bên cạnh.

Trung tâm thành phố. Ảnh do tác giả cung cấp

Về mặt địa lý, Gibraltar nằm về phía đông bắc của rẻo đất Strait of Gibraltar, trên vịnh Gibraltar (tên Tây Ban Nha là Bay of Algeciras) và phía nam của tỉnh La Línea, Tây Ban Nha. Mảnh đất nhỏ xíu, dài khoảng 5 cây số, rộng 1.2 cây số, nối liền với Tây Ban Nha bằng một rẻo đất cỡ 1.5 cây số, có lẽ gọi là “bán đảo” thì chính xác hơn.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 4 tháng 4 năm 2024

Bán đảo Gibraltar là một ngọn núi đá vôi (limestone) thoai thoải, đỉnh cao nhất, 426 thước, nằm về phía nam; nhìn từ biển Địa Trung Hải. Gibraltar là những dốc đá chọc trời nhưng từ phía tây thì núi đá bớt dốc ngược, nhà cửa được xây cất san sát nhau.

Bao bọc bởi biển cả, Gibraltar không có sông hoặc suối nước ngọt. Ngày trước cư dân hứng nước mưa quanh vịnh Catalan và Sandy, dự trữ trong những hầm đá khổng lồ để uống quanh năm. Họ pha nước mưa thêm với nước đã lọc bớt muối để dùng cho đến khi tạo dựng được cơ sở lọc mặn (desalinization) trong thập niên 90 của thế kỷ trước.

Nhà thờ, đền thờ đều nằm trên đồi. Ảnh do tác giả cung cấp

Khí hậu trên bán đảo khá ôn hòa. Mùa Đông không lạnh lắm và cũng là mùa mưa, mùa Hè nóng nực nhưng không đến nỗi thiêu đốt dù bán đảo trơ trọi, ít cây cối. Phía đỉnh núi cao, Upper Rock, có những bóng cây ô liu và thông dại nơi trú ẩn của thú hoang như thỏ, chồn nhưng đặc biệt nhất là giống khỉ Barbary macaques. Dế Mèn nghe nói chính quyền nuôi dưỡng và chăm sóc giống khỉ ấy, con nào cũng có chip điện tử gắn trong mình để người trông nom có thể đi tìm và cho ăn uống đầy đủ.

Ngày nay, bán đảo tí xíu ấy có diện tích 6 cây số vuông và dân số khoảng 30 ngàn người, Gibraltarians. Danh xưng này dành riêng cho những người sinh trưởng tại đó trước năm 1925 và con cháu cũng như người hôn phối của họ. Các sắc dân còn lại là “ngoại kiều” và thân nhân của những người Anh làm việc trên đảo. Hầu hết cư dân Gibraltar là những người có dòng máu pha trộn giữa các giống dân Ý (Genoese), Anh, Tây Ban Nha, Maltese, và Bồ Đào Nha. Ngoại kiều phần lớn bao gồm những di dân từ Morocco và Ấn Độ.

Tôn giáo đông tín đồ nhất là Thiên Chúa La Mã, một số nhỏ theo Anh giáo và Do Thái giáo. Người Gibraltar dùng tiếng Tây Ban Nha và Anh; loại tiếng Anh địa phương có tên ‘Yanito’ (Llanito) pha trộn với tiếng Tây Ban Nha, Genoese, và Hebrew. Anh ngữ là ngôn ngữ chính thức giảng dạy tại trường học.

Tác giả chụp hình lưu niệm. Ảnh do tác giả cung cấp

Nguồn lợi kinh tế tại Gibraltar hầu như được tài trợ bởi Anh quốc. Thu nhập chính ở đây là từ du lịch và thuế má từ các tàu bè qua lại và dừng chân lấy nhiên liệu tại hải cảng. Gibraltar dùng Gibraltar pound, tương đương với trị giá của Euro. Ta có thể dùng Euro hoặc bảng Gibraltar trên bán đảo này.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Từ Torremolinos (Costa del Sol) phe ta đi xe bus khoảng 2 tiếng thì đến biên giới Tây Ban Nha-Gibraltar, tốn khoảng 100 Mỹ kim /người, bao gồm tiền chuyên chở, người dẫn đường, vé vào thăm động Gorham và cả bus tour tại Gibraltar. Tại biên giới, sân đậu xe trước tòa nhà Di trú, bá tánh từng người xuất trình sổ thông hành trước khi nhập cảnh. Bên kia bãi đậu xe là lãnh thổ Gibraltar, du khách được tour bus đón ngay tại cổng ra.

Người dẫn đường Gibraltar là cựu chiến binh nhảy dù của quân đội hoàng gia Anh. Ông lái xe khá bạo khiến nhóm du khách xanh mặt vì sợ. Đường núi eo hẹp lại quanh co, lề đường chẳng có rào chắn mà ổng cứ đi phom phom bạt mạng. Đi tới đỉnh núi thì xe ngừng, du khách được xuống xe, lang thang trên đồi. Phe ta có dịp nhìn quanh, có đài kỷ niệm của quân đội đồng minh kể cả Huê Kỳ trong Thế Chiến II; nhà thờ, đền Hồi giáo… đều nằm trên đồi. Ngọn dốc đâm thẳng xuống biển sâu, ngó muốn chóng mặt! Những tàu buôn đậu lềnh khên trong vịnh, có cả những con tàu du lịch dừng chân ở đây. Bên kia eo biển, cách mấy dặm, là lãnh thổ Morocco.

Đền thời Hồi giáo và Đài kỷ niệm Thế Chiến II. Ảnh do tác giả cung cấp

Động Gorham khá rộng so với kích thước ngọn núi, cũng thạch nhũ nhưng không đẹp như động Phong Nha bên mình và thua xa hang động Postojna của Slovenia. Đi một vòng cỡ 20 phút là hết cái để ngó nhưng bên ngoài hang động, giữa những lùm cây lớn, ta tha hồ nhìn ngắm, chụp hình bầy khỉ dạn dĩ chuyền từ cây này sang cây kia. Có cả những con khỉ gan lì, giằng luôn thức ăn trên tay khách!

Trung tâm thành phố chỉ có khoảng chục con đường ngang dọc, cũng quán ăn, tiệm bán đồ gia dụng, quần áo, nữ trang… Món ăn phổ thông nhất là “Fish & Chips”, cá bọc bột chiên giòn và khoai tây chiên, một ít thức ăn Tây Ban Nha như tapas (từa tựa như dim sum của Tàu), cũng những dĩa thức ăn nhỏ nhỏ để ta nếm thử. Phố xá đi tới đi lui chỉ một tiếng là hết. Giá cả sinh hoạt ở Gibralta không rẻ, một bữa ăn trưa xoàng xoàng cho hai người khoảng 45 Euro, ly cà phê nhỏ ở quán bên đường cỡ 5 Euro (khoảng 7 Mỹ kim theo hối suất hôm ấy).

Gibraltar không có chi đặc biệt. Chưa đến đó thì Dế Mèn tò mò muốn biết tại sao hòn núi đá nhỏ xíu lại bị tranh giành kịch liệt, đến nơi nhìn ngắm thì hiểu chút xíu về vị thế chiến lược của hải quân. Để giữ một vị thế chiến lược, chính phủ Anh tiêu xài khá bộn để duy trì sinh hoạt của bán đảo ấy.

TLL