“Plastic surgery” theo gốc Hy Lạp plastike (tekhne)] có nghĩa là [nghệ thuật] “nhào nặn”, “sửa chữa” xương da. Tạm dịch là giải phẫu “chỉnh hình” dù ngày nay, “plastic surgery” thường được hiểu như “làm đẹp”.
“Plastic surgery” chuyển ngữ qua tiếng Việt là “Giải phẫu thẩm mỹ”, nôm na là dùng dao kéo để làm đẹp. Thực ra, plastic surgery bao gồm hai loại giải phẫu: 1) Tái tạo (reconstructive) hay chỉnh hình để phục hồi công năng và 2) Thứ yếu là làm đẹp (aesthetic/cosmetic).
Danh từ “Plastic surgery” xuất hiện trong Anh ngữ từ năm 1598 dù sách vở Ai Cập (cuốn the Edwin Smith papyrus) đã mô tả việc sửa chữa một chiếc mũi gãy từ 1600 năm trước Công Nguyên. Nghĩa là người xưa đã làm công việc sửa chữa mặt mũi từ lâu lắm rồi. Sau đó, sử gia La Mã Aulus Cornelius Celsus ghi chép các kỹ thuật giải phẫu kể cả giải phẫu chỉnh hình trong thế kỷ I.
Bên Á Châu, sách vở Sanskrit cũng ghi nhận một số kỹ thuật giải phẫu thẩm mỹ của hai ông tổ Sushruta và Charaka. Khi người Hồi giáo chiếm lãnh Ấn Độ thì sách vở được chuyển dịch sang tiếng Ả Rập (khoảng thế kỷ VII), từ đó lan truyền sang Âu Châu và các kỹ thuật giải phẫu của cụ tổ Sushruta được rao truyền.
Trong vùng Âu-Á, cụ Serafeddin Sabuncuoglu, người Thổ Nhĩ Kỳ, sinh sống trong thế kỷ XV được xem là tổ sư của ngành giải phẫu chỉnh hình trong vùng. Ông cụ là người đầu tiên ghi chép các kỹ thuật sửa chữa bộ phận sinh dục, từ cách nong rộng ống tiểu đến tái tạo bộ phận sinh dục không rõ ràng [do tật bẩm sinh] nam hoặc nữ.
Tại Âu Châu, giữa thế kỷ XV, cụ Heinrich von Pfolspeundt mô tả kỹ thuật dùng da cánh tay để tái tạo lỗ mũi bị chó cắn nát nhưng vì các biến chứng từ giải phẫu, mãi về sau, đến thế kỷ XIX -XX, kỹ thuật này mới thông dụng. Năm 1794, tạp chí Gentleman’s Âu Châu ghi chép việc sửa mũi của một người Ấn chuyên nghề nắn đồ gốm. Từ đó, các bác sĩ từ Âu Châu đã đến Ấn Độ để tìm hiểu và học hỏi các kỹ thuật chỉnh hình như cụ Joseph Constantine Carpue, sau 20 năm học hỏi, ông cụ thực hiện cuộc giải phẫu tái tạo lỗ mũi; những dụng cụ giải phẫu từ Ấn Độ cũng được dùng và tân trang tại Âu Châu.
Tuy nhiên, bác sĩ Johann Friedrich Dieffenbach, được xem là ông tổ của ngành giải phẫu thẩm mỹ, người đã thực hiện và ghi chép về các cuộc giải phẫu ghép da và sửa chữa lỗ mũi cho đẹp vào năm 1845. Cụ là người đầu tiên chú trọng đến khía cạnh thẩm mỹ trong các cuộc giải phẫu chỉnh hình.
Bác sĩ giải phẫu chỉnh hình đầu tiên tại Huê Kỳ là cụ John Peter Mettauer, người đã sửa chữa chứng sứt môi năm 1827.
Với dòng lịch sử kéo dài cả ngàn năm của ngành giải phẫu chỉnh hình, tạm hiểu là người xưa đã ít nhiều chú trọng đến thẩm mỹ ngoài mục đích phục hồi công năng, tái tạo các bộ phận khiếm khuyết. Trong Thế Chiến I, bom đạn hủy hoại thân thể con người kể cả khuôn mặt nên các kỹ thuật giải phẫu ấy đã trở nên tinh vi hơn và đạt mức thành công cao hơn. Vào thời bình, giải phẫu chỉnh hình từ từ phát triển để bao gồm cả giải phẫu thẩm mỹ.
Việc làm đẹp ngày trước bị gọi là “phù phiếm”, “xa hoa” và khá tốn kém nên không mấy phổ thông, chỉ dành riêng cho giới nghệ sĩ trình diễn như tài tử, ca sĩ, những người giàu có. Quan niệm ấy ngày nay xem ra đã lỗi thời, quý bà quý cô ưng làm đẹp dù ít tiền nhưng cũng chịu vay mượn, dành dụm chi tiền mua các cuộc giải phẫu thẩm mỹ. Gần đây thì các nam tử già cũng như trẻ đều tham gia phong trào làm đẹp qua dao kéo, phổ thông nhất là ở Nam Hàn. Các mỹ nam, mỹ nữ Nam Hàn đều có một khuôn mặt diễm lệ từa tựa như nhau, cùng một khuôn mặt, sống mũi, khóe môi, đôi mắt… trong khi các mỹ nam Huê Kỳ thì thường dùng các cuộc giải phẫu thẩm mỹ để giúp khuôn mặt trẻ lại (căng da, kéo phẳng cằm / cổ, cắt bỏ bọng mắt…) chứ không mấy khi xông pha đến các việc làm đẹp khác.
Tại Huê Kỳ, cả mấy chục triệu người đã trải qua các cuộc giải phẫu thẩm mỹ. Năm 2020, theo thống kê của Hội Bác Sĩ Giải Phẫu Thẩm Mỹ Huê Kỳ, đã có khoảng 2.3 triệu cuộc giải phẫu thẩm mỹ và 13.3 triệu cuộc tiểu phẫu (dùng kim chỉ khâu vá, chích thuốc…) làm đẹp của cư dân trong nước. Phổ thông như thế nên bá tánh được nghe khá nhiều ý kiến: Người hài lòng với kết quả và cũng có kẻ thất vọng nhưng ta chỉ nghe nhiều về những lời chê bai. Liên mạng là nơi bá tánh “giải tỏa” cơn tức giận, nỗi ấm ức khi không ưng ý. Tiền xài một mớ mà chẳng “được” gì, chẳng những không “đẹp” hơn mà [có thể] còn “xấu” hơn” …
Với con số “cung” lớn như thế, và số “cầu” vẫn tiếp tục gia tăng thì những lời phàn nàn, hối tiếc nọ có chút khách quan nào không? Theo bài tường trình trên tạp chí Plastic and Reconstructive Surgery (năm 2018), 26 ngàn cuộc giải phẫu được thực hiện trong khoảng thời gian 1995-2017, 1% đã xảy ra biến chứng; biến chứng thông thường nhất là tụ máu (hematoma) và nhiễm trùng hậu giải phẫu; các “biến chứng” khác bao gồm “kết quả không vừa ý”, “để thẹo”. Tạm hiểu là ta chỉ có thể thẩm định những biến chứng khách quan, những thứ có thể nhìn thấy, sờ mó hay đo đạc được, còn chuyện đẹp xấu thì khó lòng lắm!?
Giải phẫu thẩm mỹ mỗi ngày một phổ thông nên bài bản quảng cáo để lôi kéo khách hàng cũng nhanh chóng thay đổi, người “bán” dùng những tấm ảnh “trước” và “sau” [cuộc giải phẫu] của khách hàng để quảng cáo và dùng cả các kỹ thuật sửa chữa hình ảnh (photoshop) mà thu hút thân chủ khác. Kiểu quảng cáo gọi là “misleading”, “sự thật” được trang điểm [quá tay] cho vừa mắt hơn. Hệ quả trước mắt là việc người mua xem hình ảnh mà say mê ao ước rồi … dấn thân làm đẹp. Sau khi tiêu xài một món tiền lớn mà không được diễm lệ như người mẫu thì bực tức lắm; ấm ức khó chịu rồi chê bai nặng lời.
Theo Bác Sĩ Melissa Doft, một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ tại New York, ngày trước, thân chủ thường mang theo tấm hình hồi còn trẻ hoặc tấm hình người mẫu ưa chuộng với lời yêu cầu bác sĩ sửa chữa cho mình giống như thế. Thời nay, chỉ một thập niên sau, khách hàng mang theo các tấm hình đã được máy điện toán “sửa chữa” như Facetuned, Photoshop… để đưa ra “mục đích” của cuộc giải phẫu. Không mấy bác sĩ thực hiện thành công [theo ý muốn khách hàng] vì giải phẫu không dễ dàng như app (thảo trình điện toán)! Nôm na là ước muốn và thực tế không hẳn sẽ đi đôi với nhau; vẻ đẹp ước ao có thể không thành sự thật, bất kể tài năng của vị bác sĩ. Ước muốn không thực tế thì chỉ là ảo tưởng, đem lại sự thất vọng và bất an cho thân chủ lẫn bác sĩ?
Câu hỏi khách quan là người “bán” có thể biến khuôn mặt của khách hàng thành khuôn mặt của người mẫu [trong tấm ảnh quảng cáo] không? Cụ thể là sống mũi có thể nâng lên X centi mét không? Đôi môi [sẽ] dày mỏng bao nhiêu phân? Da mặt kéo căng cỡ nào, bao nhiêu mili mét, những nếp nhăn nào [sẽ] được kéo cho phẳng? Bụng có phẳng lì hay đôi mông có vun tròn như người mẫu trong mơ không?… Chẳng biết có bác sĩ nào phác thảo được các chi tiết như thế với khách hàng không hay họ chỉ nhìn vào hình ảnh người mẫu mà cố gắng làm theo?
Vừa ý thì thân chủ mách nhỏ với bạn bè, chẳng mấy người kê khai là tui làm đẹp bằng dao kéo. Không vừa ý thì khách hàng than phiền to tiếng, đăng đàn kể chuyện không vui kể cả một vài người mẫu nổi tiếng chưa kể việc thưa kiện bác sĩ. Nôm na là khách hàng (khởi kiện) thì kêu là bác sĩ “thiếu kinh nghiệm”, dám thực hiện cuộc giải phẫu ngoài khả năng (“negligent”), dám hứa hẹn những điều không thực hiện nổi hay “quảng cáo quá lời”…
Để tránh những chuyện đôi co, các bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ ngày nay thường yêu cầu khách hàng mang đến những hình thủa còn trẻ của chính họ để làm “mẫu”. Trong tương lai, hẳn ta sẽ có thảo trình AI “vẽ” ra được khuôn mặt sửa chữa từ bản gốc sẽ trông như thế nào?
Chuyện làm đẹp qua dao kéo ở bệnh viện / clinic đã thế nhưng chuyện làm đẹp tại các “Medispa” còn rầm rộ phổ thông hơn nữa. Medispa là những nơi làm đẹp với các kỹ thuật như chích botox, chất “độn” (filler)… Botox (Botulinum toxin) là độc tố ảnh hưởng đến thần kinh hệ, gây tê liệt bắp thịt (cơ). Để làm đẹp, ở một hàm lượng rất thấp, Botox được chích vào các cơ mặt để làm giảm vết nhăn quanh đuôi mắt, khóe miệng khi cười nói, cử động… Hiệu quả này có thể kéo dài vài tuần hay vài tháng. Chất độn (hóa chất) được chích vào da mặt quanh mũi, miệng để các vết nhăn [do tuổi tác] bớt sâu hoặc giúp đôi môi dầy hơn … Nhanh và gọn, khoảng 15-30 phút. Hiệu quả có thể kéo dài nhiều tháng.
Biến chứng từ các kỹ thuật làm đẹp kể trên bao gồm tê liệt mí mắt, cơ mặt, tụ máu …
Làm đẹp nhưng không cảm thấy đẹp thì thân chủ không vui. Tổn thương về thể xác thường đi kèm với tổn thương tâm thần nhất là những thân chủ bị ám ảnh, không vui với các bất toàn của thân thể nên tìm cách sửa chữa. Khi việc làm đẹp không như ý, tốn thêm mớ tiền thì sự buồn phiền bực bội là điều khó tránh?
Làm thế nào để tránh những chuyện không vui khi làm đẹp? Chuyên viên cần “thật thà”, rõ ràng và chi tiết hơn về kết quả có thể đạt được, không hứa hẹn quá thực tế. Thân chủ cũng cần thật thà [với chính mình] và nhất là thực tế.
Con người [nhân tạo] không mấy khi “thắng” thiên nhiên, và nếu “thắng” thì cũng chỉ là giai đoạn. Đâu có ai trẻ mãi không già?!
TLL