Chỉ cần thay đổi vài cái tên địa phương, ngày tháng là ta được (bị?) xem một cuốn phim mới [nhưng đã cũ], chiếu lần đầu tiên khoảng cuối tháng Tư năm 1975 và tiếp tục chiếu đi chiếu lại khi báo chí nhắc đến một quốc gia đồng minh của Huê Kỳ đã bị xóa sổ. Cũng những cư dân hốt hoảng bơ phờ tìm đường chạy trốn làn lửa đỏ cuồn cuộn kéo đến. Cũng những khuôn mặt mệt mỏi, những ánh mắt thất thần… Bốn mươi sáu năm trước, cuộn phim ấy thu hình tại miền Nam Việt Nam, năm nay cũng bấy nhiêu hình ảnh được thu hình và trình chiếu nhưng từ A Phú Hãn. Ông tổng thống đăng đàn trấn an dư luận biểu rằng mọi sự [đã] xảy ra như dự định, chỉ có chút xíu bất ngờ (!) là dân quân Taliban nhanh tay nhanh chân hơn quân đội Huê Kỳ nên việc rút lui kéo theo sự hỗn loạn. Người Việt còn kéo nhau ra biển chứ dân A Phú Hãn thì biết chạy đi đâu? Pakistan hay các nước lân cận nơi chính phủ địa phương [âm thầm] ủng hộ Taliban?

Người dân Afghanistan vội vã chạy trốn khỏi Kabul, Afghanistan vào ngày 16 tháng 8 năm 2021. nguồn: Time.com

Dù ta hiểu và chấp nhận rằng người Huê Kỳ không thể và không nên tiếp tục đổ tiền bạc và quân đội vào miền đất xa xôi kia, bất kể mục đích / quyền lợi của đất nước là những gì. Bốn trào vua qua hai mươi năm dài mà vẫn chưa xong thì thêm một vài năm nữa cũng vô ích mà thôi? Trước người Mỹ, người Nga cũng lún xuống đầm lầy A Phú Hãn một thời gian dài rồi đành rút quân về. Chẳng biết họ có “được” cái chi không và mất mát những gì? Riêng dân Huê Kỳ thì đang tổng kết sự tổn thất nhân mạng, những vết thương thân thể và tinh thần của các thương phế binh sống sót trở về chưa kể số tiền kếch xù tiêu xài vào cuộc chiến tranh ấy… Mất cả chì lẫn chài như thế nên rút quân về chỉ là chuyện ngày tháng nhưng cung cách lui quân nọ quả là tệ hại, hệ thống tình báo của Huê Kỳ chẳng lẽ lại kém cỏi như thế nên bị dân quân Taliban cho vào tròng?

Dán mắt vào các chương trình truyền hình mà Dế Mèn tức mình quá! Bỏ ngỏ cửa ngõ vào thủ đô, chẳng ai đuổi mà rút quân ùn ùn để rồi phải quay lại mà vớt vát di tản công dân và những người cộng tác cần được bảo vệ?!
Năm xửa năm xưa phe ta đọc được một bài báo, không nhớ tên tác giả, so sánh người Tàu, người Pháp và người Mỹ trong cách đối xử với “đồng minh” qua câu chuyện ví von chàng trai tặng người đẹp một cái bầu tâm sự. Họ giải quyết món nợ “ân tình” ra sao? Ðại khái là tác giả mô tả tính cách người Hoa thì đem cô gái về làm nàng hầu, người Pháp thì đưa nàng đi phá thai, còn người Mỹ thì… bỏ chạy in hệt anh chàng Sở Khanh trong Truyện Kiều! Nửa thế kỷ trước, Huê Kỳ bỏ rơi VNCH như thế nào thì bây giờ cũng quăng cái gánh A Phú Hãn giữa đường in như thế.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Khi người Mỹ rút quân sau Hòa Ðàm Paris 1972 thì miền Nam Việt Nam giữ được đất nước trên dưới hai năm. Lần này cuộc hòa đàm Doha tháng Hai năm 2020 chưa nguội, ngày “chót” là 31 tháng Năm, 2021, dân A Phú Hãn “giữ” được đất nước vài tháng?! Với 300 ngàn quân và mấy trăm tỷ bạc tiếp liệu trong túi mà chẳng thấy người A Phú Hãn tranh giành chi với dân quân Taliban? Họ chẳng có lý do gì để chống giữ, quân cũng như dân im hơi lặng tiếng kể cả ông tổng thống mất tăm khi Taliban tấn công thủ đô.

Có lẽ còn quá sớm để thẩm định cái “giá” của cuộc chiến tranh này? Nhưng sơ sơ, hai mươi năm chiến tranh với trên hai ngàn tử sĩ và cả ngàn tỷ bạc (trillion) của cải đổ vào miền đất ấy, Huê Kỳ “được” cái chi? Cư dân A Phú Hãn  “được” cái chi? Một thế hệ người trẻ địa phương được “nếm” mùi dân chủ kiểu Âu Mỹ? Phụ nữ địa phương được đi học, đi làm ngoài xã hội trong một thời gian, rồi… chấm dứt ngang xương? Ta có hy vọng gì không với sự thay đổi ấy? Việc “trồng người” ngắn ngủi và thế hệ non trẻ kia có thể tự trưởng thành trong cổ tục tôn giáo hay sẽ bị bóp nghẹt trong trứng nước? Mạng ảo có giúp bầu trời sắp khép chặt ở A Phú Hãn hé mở chút nào không? Hay cư dân A Phú Hãn cũng chịu trận như các thế hệ cư dân Hoa Lục trẻ bị ép chặt vào khuôn phép như ông bà / cha mẹ họ?

Dế Mèn xem những khúc phim thời sự mấy ngày qua mà chạnh lòng lắm. Chạnh lòng nhớ đến những ngày tháng Tư năm nào và thấm thía một phần nỗi lo âu, bàng hoàng của cha mẹ mình. Buồn bực vì cảm được nỗi bất lực của mình như một công dân Huê Kỳ, cũng đi làm, đóng thuế, và góp tay xây dựng đất nước này nhưng chẳng mảy may ảnh hưởng gì đến chính sách đối ngoại của chính phủ. Vừa ý thì bỏ phiếu tiếp, không ưng thì bỏ phiếu cho đảng đối lập. Chỉ có vậy nên cám cảnh cái nỗi tháo chạy của kẻ… ‘sở khanh’! Buồn bực chán rồi phe ta tẩn mẩn tìm hiểu về dân quân Taliban cũng như đã nhiều lần tò mò tìm kiếm dữ kiện về người cộng sản Bắc Việt và đồng minh của họ. Những yếu tố nào khiến dân quân Taliban thắng cuộc chiến tranh dai dẳng 20 năm?

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Một chút về dân quân Taliban: Tổ chức này xuất phát từ miền Nam A Phú Hãn, do Mullah Mohammad Omar lãnh đạo. Ông này thuộc bộ tộc Pashtun, đứng dậy cầm đầu nhóm dân quân đuổi đánh người Nga thành công năm 1989. Năm 1994, Mullah Omar thành lập nhóm Taliban tại Kandahar với một con số 50 người theo chân để chống lại sự thối nát, tham nhũng của chính phủ A Phú Hãn địa phương sau khi người Nga rút quân.
Chính quyền bất tài nên cư dân chán ghét và nổi loạn; họ theo Taliban để chống đối; nhờ đó dân quân Taliban chiếm được Kandahar rồi chiếm luôn thủ đô Kabul vào năm 1996. Chiếm được đất nước Taliban nhanh chóng áp dụng Sharia, một đạo luật khắt khe dựa theo kinh Qur’an để điều hành đất nước. Phụ nữ ra đường phải che hết mặt mũi, thân thể từ đầu đến chân; trẻ em gái không được đi học, cấm tivi, ca hát… Chuyện A Phú Hãn và Taliban chẳng mấy ai trên thế giới để tâm cho đến khi họ chứa chấp nhóm khủng bố Al Qaeda của lãnh tụ bin Laden tấn công Huê Kỳ trong trận “Sept. 11”. Hẳn dân quân Taliban bất bình nỗi Huê Kỳ đổ quân vào Iraq năm xưa (Desert Storm) để bảo vệ quyền lợi dầu lửa ở Trung Ðông nên họ ủng hộ phe đối lập?

Người dân Afghanistan đi bộ sang Pakistan ở thị trấn biên giới Pakistan-Afghanistan của Chaman, Pakistan ngày 6 tháng 9 năm 2021. Nguồn: reuters.com

Khi Taliban từ chối lời yêu cầu của Huê Kỳ, không chịu bắt giữ và trao bin Laden thì người Huê Kỳ, dưới thời ông Bush II, đổ quân vào A Phú Hãn, đuổi Taliban đi và chiếm đất nước này như đã đổ quân và chiếm Iraq. Thua trận, Mullah Omar và quân đội Taliban tạm trú tại Pakistan và tiếp tục chiến đấu để giành lại đất đai. Cứ cù cưa như thế suốt hai mươi năm qua, bốn đời tổng thống, bốn nội các Huê Kỳ cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ. Cuối cùng Huê Kỳ rút được chân khỏi Iraq nhưng vẫn sa lầy tại A Phú Hãn cho đến khi ký kết với Taliban để rút quân “êm thắm”. Ngày “hẹn” của ông Trump là 31 tháng Năm, 2021 nhưng ông tổng thống kế vị chưa nóng ghế nên việc rút quân về còn chậm chạp (nội các mới, kế sách mới nên việc áp dụng còn lọng cọng?). Huê Kỳ đành “hẹn” tiếp đến ngày 31 tháng Tám mới rút quân; “chậm chạp” như thế mà vẫn không tránh được việc tháo chạy hỗn loạn mấy ngày qua?!

Xem thêm:   Thân thương hai tiếng "Mình ơi"

Ù té chạy như thế nên ta chẳng thấy cảnh hạ cờ để ông đại sứ mang về, hình tượng của việc chấm dứt mối bang giao giữa hai quốc gia, Huê Kỳ và A Phú Hãn; mảnh đất tòa đại sứ trên đất khách đứng bơ vơ không còn là “lãnh thổ” của Huê Kỳ nữa?
Giải thích thế nào cũng chẳng bớt ê chề, tủi lòng, nhất là những chiến binh sống sót trở về!? Trách cứ ai bây giờ? Mấy ông tổng thống chỉ nhìn gần 4-năm trước mũi? Chính sách đối ngoại bất nhất hay nguồn lợi / mục đích [cũ] không còn giá trị? Quân khủng bố [chống Huê Kỳ] lan tràn khắp nơi, A Phú Hãn hết giá trị? Dầu thô, khí thiên nhiên vùng Trung Ðông không còn hấp dẫn, mua xa không được thì ta về khai thác đất nhà hay hàng xóm Canada sát bên cạnh?

Chẳng biết các bộ óc tham mưu tài năng cùng mình tính toán ra sao mà mách nước cho ông tổng thống rút quân. Vừa xoay lưng đã phải quay lại vớt vát, 5,000 quân nhảy dù Huê Kỳ trấn đóng phi trường Kabul để di tản nhân viên và công dân, những người không kịp tháo chạy? Ấy là những người đã đến được phi trường, còn những người trong thành phố thì sao? Ðường phố đầy dân quân Taliban, mấy ai dám chưng giấy tờ chứng minh tui là người Huê Kỳ / nhân viên của chính phủ Huê Kỳ?

Xem đi xem lại cuốn phim A Phú Hãn, Dế Mèn thấy ra vài điều: Tiền đầy túi mà không biết tiêu xài thì cũng vứt đi? Thực hiện một dự án mà không biết rõ mục đích là những gì, các yếu tố định nghĩa như thế nào là thành công thì bao nhiêu năm cũng chẳng đi đến đâu? Nhưng một điều xem ra rõ ràng hơn cả là niềm tin tôn giáo, truyền thống địa phương và niềm hãnh diện dân tộc. Người A Phú Hãn cũng như các gốc dân nặng truyền thống Hồi giáo không ưa chuộng chủ nghĩa “tự do” kiểu Huê Kỳ, mua [hàng] thì họ bán, đưa bạc thì họ cầm chứ không bao giờ là người bạn “đồng minh” thực sự?!

TLL