Một thế kỷ trước, cúm Tây Ban Nha, Spanish Flu, đã kéo qua địa cầu, trận đại dịch kéo dài suốt hai năm, gây tử vong cho 50 triệu người thế giới kể cả một triệu người Huê Kỳ. Số người nhiễm bệnh tiết giảm rồi gia tăng, lên xuống trồi sụt đến ba bốn lần. Mệt mỏi nhưng vẫn lạc quan, các viên chức y tế trấn an cư dân về việc đại dịch “sắp” chấm dứt, nhưng rồi chỉ vài tuần sau tại thành phố New York, City health commissioner Royal S. Copeland đã phải đối đầu với làn sóng cúm thứ tư. Chicago, Detroit và một số thành phố cũng trải qua các kinh nghiệm tương tự trong khi các địa phương khác “thoát nạn”!

Cúm trong lịch sử

Trận cúm Tây Ban Nha dường như đã ảnh hưởng nặng nề hơn với người trẻ tuổi. Lý do tại sao thì các chuyên viên y tế vẫn chưa đoan quyết được. Giả thuyết vững nhất là việc sinh sống trong khung cảnh chật hẹp nên cúm dễ lan tràn nhanh chóng: Trận cúm khởi đầu năm 1918 khi Thế Chiến I đang hồi dữ dội nên binh sĩ truyền bệnh cho nhau; ngoài ra, người trẻ thiếu sức đề kháng vì chưa hề bị nhiễm chứng cúm trước đó. Theo cuốn sách “The Great Influenza” của sử gia John M. Barry, khoảng 10% số người trẻ đã tử vong vì căn bệnh truyền nhiễm này. Bất kể nguyên nhân, cúm Tây Ban Nha đã giảm tuổi thọ của cư dân Huê Kỳ đến 12 năm!

Hai năm chung sống với siêu vi khuẩn cúm, 1919-1920, cư dân Huê Kỳ đã chán ngấy với các giới hạn trong sinh hoạt hằng ngày, từ đeo mask, cách ly đến việc đóng cửa trường ốc, công sở, nhà thờ, nhà chùa… và chính quyền địa phương đành bãi bỏ các biện pháp phòng dịch ấy để xoa dịu lòng người. Nhưng vừa bãi bỏ các biện pháp phòng bệnh thì số người nhiễm bệnh lại gia tăng; chính khách lại được dịp khen chê ồn ào rằng nhà cầm quyền ‘mị dân’ hoặc hô hoán là việc nhiễm trùng không trầm trọng lắm đâu!? Thế rồi làn sóng nhiễm trùng thứ tư kéo đến, báo chí chẳng buồn đăng tải các con số nhiễm trùng nữa hoặc nếu có, chỉ là vài dòng trên một cột báo nhỏ xíu nào đó dành cho những bản tin “chó cán xe”.

Xem thêm:   Grab Bike có ngày đây!

Mặc lời khen tiếng chê, các chuyên viên y tế vẫn lầm lũi tiếp tục công việc. Từ thủa ấy, ông Copeland đã ước đoán rằng chủng cúm biến thể tạo ra làn sóng thứ tư nhưng bệnh tình sẽ nhẹ hơn và những người đã nhiễm bệnh sẽ có sức đề kháng mạnh mẽ chống lại loại siêu vi khuẩn ấy. Xem ra chuyện đại dịch cúm Tây Ban Nha trong thập niên 20 của thế kỷ trước ‘giống giống’ kinh nghiệm của ta trong trận dịch cúm Tàu ngày nay với một vài khác biệt, phải không bạn?

Cúm thời hiện đại

Một trăm năm sau, khi đại dịch Vũ Hán bắt đầu năm thứ ba thì ta học được khá nhiều bài học về y khoa, về y tế công cộng, cách chế tạo thuốc chủng ngừa, thuốc chữa trị siêu vi khuẩn Covid-19 và nhất là cách “đối đầu” với bệnh truyền nhiễm. Vài bài học cũ từ trăm năm xưa [của cha ông] chưa thuộc nên bá tánh [con cháu] đành phải ôn lại, phải trải qua kinh nghiệm ê ẩm mới “thấm” và học thêm mấy bài học mới về khoa học. Bài học cũ vẫn là cách hành xử của cư dân trước hiểm họa bệnh truyền nhiễm. Xưa hoặc nay thì bá tánh vẫn cư xử in hệt như nhau, cũng vẫn nghi ngờ lời khuyến cáo của chuyên viên và chính quyền, cũng chống đối các biện pháp y tế công cộng như dùng mask, cách ly hoặc bỏ lờ và âm thầm làm theo ý muốn. Và bệnh tật tiếp tục kéo dài suốt mấy năm chưa dứt. Trận đại dịch cúm Tây Ban Nha kéo dài trên hai năm và trận cúm Vũ Hán cũng lê thê tương tự.
Bài học mới là cách chế tạo thuốc chủng ngừa và chữa trị loại siêu vi khuẩn biến thể vừa xuất hiện.

Siêu vi khuẩn cúm dù không bị tận diệt nhưng không còn nguy hiểm như những ngày đầu tiên. Chứng cúm ngày nay xuất hiện theo mùa, ngoài những người bị bệnh mãn tính, bá tánh nếu nhiễm bệnh cũng chỉ đau ốm qua loa và con người chấp nhận việc “sống chung” với siêu vi khuẩn cúm bằng cách chủng ngừa hằng năm. Câu chuyện của Covid-19 xem ra cũng diễn tiến tuần tự như chuyện cúm theo kinh nghiệm cho thấy. Do đó, giới truyền thông đã hè nhau cổ võ “Covid-19 rồi cũng như cúm” mà thôi theo ý kiến của những chuyên viên y tế lạc quan. Họ kêu gọi nhà cầm quyền nhìn nhận mức “bình thường mới”, ‘new normal,’ và liệt kê SARS-CoV-2 coronavirus vào nhóm siêu vi khuẩn gây nhiễm trùng đường hô hấp như influenza, respiratory syncytial virus (RSV), và các loại siêu vi khuẩn khác.

Tại ga tàu ở Vũ Hán. Nguồn: Reuters

Chích ngừa hay không?

Xem thêm:   Cái máy ảnh của con dế mèn

Bá tánh đã nhiều người đồng tình “sống chung” với Covid-19 nhưng cũng có những người cẩn thận hơn, tiếp tục hạn chế việc tiếp xúc gần gũi với kẻ lạ, vẫn dùng mask vì lo ngại ta sẽ nhiễm bệnh ồ ạt nếu sơ hở coi thường. Các con số nhiễm trùng, phải vào bệnh viện và tử vong do Covid-19 dù đang giảm sút nhưng không nên lơ là vì kinh nghiệm cho thấy trận sóng cúm thứ tư đã gây tử vong khá nặng nề cho cư dân trăm năm trước: Số người tử vong tại New York City cao hơn so với mấy trận sóng cúm trước đó. Sự kiện này cũng xảy ra tương tự tại các thành phố lớn như Detroit, St. Louis, và Minneapolis. Nghĩa là trận sóng sau chưa hẳn không nguy hại dù ta đã phòng bị. Học kinh nghiệm người xưa, dù siêu vi khuẩn cúm (Influenza) khác di tính với siêu vi khuẩn Corona nên khó ước đoán nhưng những chuyên viên y tế dè dặt vẫn đang chờ đợi trận sóng Covid-19 thứ tư, nếu xuất hiện thì có nguy hại như cúm ngày trước hay không; và nếu có thì nhóm cư dân nào chịu ảnh hưởng nặng nề nhất? Trẻ em chưa được chủng ngừa? Con nít đi học không dùng mask? Các vị cao niên sống hợp quần trong nhà dưỡng lão?

Một số chuyên viên dịch tễ / y tế công cộng khác lại cho rằng đại dịch hay thuốc lá / thuốc lào (gom chung là ‘tobacco’) đều có thể phòng ngừa một cách hữu hiệu qua một thay đổi trong việc hành xử. Theo giáo sư Andrew Noymer, ngành Y Tế Công Cộng tại UC Irvine, nếu Covid-19 [sẽ] tiếp tục gây tử vong cho 400+ người hằng năm theo ước đoán hiện nay thì việc gia tăng tuổi thọ cư dân Huê Kỳ suốt hai chục năm qua nhờ các chiến dịch bài trừ thuốc lá sẽ trở thành số không. Tạm hiểu là tuổi thọ con người sẽ tương đương như các con số [cũ] trước khi áp dụng cách bài trừ tobacco. Nhóm chuyên viên này cho rằng tỷ lệ tử vong trong những người không chủng ngừa Covid-19 tương đương với tỷ lệ tử vong của những người dùng tobacco, khoảng 400 ngàn người tử vong vì bệnh tật liên quan đến thuốc lá hằng năm.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 26 tháng 6 năm 2025

Cả hai đều mang bệnh tật đến người nhiễm bệnh và gây nguy hại cho người chung quanh. Người không chủng ngừa nhiễm Covid-19 sẽ truyền bệnh. Người hút thuốc lá / thuốc lào gây “second-hand smoking” bệnh tật. Các con số từ CDC cho thấy vài điểm tương đồng trong hai nhóm cư dân này: Mức rủi ro tử vong của người không chủng ngừa Covid-19 cao gấp 68 lần so với người đã chủng ngừa; tỷ lệ ung thư phổi của người hút thuốc lá khoảng 30 lần cao hơn so với người không dùng tobacco, chưa kể các căn bệnh phổi mãn tính khác. Tỷ lệ số người không chủng ngừa Covid-19 cũng tương đương với tỷ lệ số người dùng thuốc lá là 15% trên tổng số cư dân Huê Kỳ. Cả hai nhóm đều là những người nghèo và có mức học vấn thấp.

Ở chung với cúm

Nhìn chung, chịu “sống chung” với Covid-19 hay không, con người vẫn phải sống với nhau trong cùng cộng đồng. Trừ khi ta lên núi hoặc vào rừng sống cô quạnh không người chung quanh, trong nếp sống cộng đồng, người này sẽ ảnh hưởng đến người kia, không nhiều thì ít. Việc “lựa chọn” sẽ ảnh hưởng đến cách sinh sống. Người chọn việc tự bảo vệ sẽ tiếp tục dùng mask, tránh xa chốn đông người [lạ], giới hạn việc di chuyển khi sử dụng các phương tiện công cộng. Kẻ chấp nhận rủi ro sẽ tiếp tục xông pha, tham dự các sinh hoạt cộng đồng và mặc kệ …Covid-19. Cách hành xử nào cũng có những hay / dở, phải không bạn?

TLL