Sách vở, bá tánh thường xuyên nói về ngựa, cưỡi ngựa, nuôi ngựa, đua ngựa… những thứ bạc ngàn bạc triệu mà chẳng mấy khi nhắc đến anh em thân thiết với ngựa là lừa.

Lừa chịu thương chịu khó, chở nặng nên được (bị?) người xưa dùng làm các việc nặng nhọc từ kéo xe đến chuyên chở. Được nông gia cho là loài thú khôn mà không hiểu tại sao ông bà mình lại biểu “thân lừa ưa nặng” kiểu “lì đòn”? Ngoài sự thông minh và mạnh mẽ (hơn ngựa), có thể tự lượng định và tự giải quyết các tình huống khác thường, lừa còn được biết như loài vật hiền lành, tốt tính, nhẫn nhịn, không phản ứng nhất thời khi không cảm thấy an toàn và nhờ các đặc tính ấy mà lừa được xem như kẻ đồng hành đáng tin cậy!

Lừa hiện diện lâu lắm rồi, không biết từ bao giờ nhưng sách vở cho thấy lừa giúp đỡ con người rất nhiều trong các công việc nặng nhọc, nhất là chuyên chở trên đường dài, leo đồi núi, dẫn con người đến nơi có nước … Nhưng con người khá bất công với lừa, khi nhắc đến lừa, bá tánh chỉ nói sơ sài về cái… cứng đầu, bướng bỉnh của con vật như câu ngạn ngữ “chỉ có thể dẫn lừa đến mạch nước chứ không thể ép nó uống”?

Gần đây thì vai trò của lừa trong xã hội con người được đề cập đến khá nhiều sau khi đoàn khảo cổ từ Centre for Anthropobiology and Genomics of Toulouse, tại Purpan Medical School, Toulouse, Pháp, khám phá được di tích thời La Mã ở thôn làng Boinville-en-Woëvre. Họ tìm thấy khá nhiều các bộ xương lừa, các bộ xương ấy rất lớn, khổng lồ, so với các giống vật thời nay. Ông Ludovic Orlando, sếp lớn của trung tâm kể trên nói rằng theo di tính, các con lừa kia xuất phát từ Phi Châu và lớn hơn nhiều loài ngựa. Chương trình khảo cổ dùng khoa học di tính (phân tích DNA) để tìm hiểu dòng giống nguồn gốc các loài lừa đã được thuần hóa và sự phân tán khắp thế giới của chúng. Các khám phá ấy cho ta nhìn ra phần nào lịch sử của loài người, cách sử dụng loài vật trong đời sống hằng ngày.

Xem thêm:   Cúm gia cầm chuyện cũ nhưng vẫn mới

Các con lừa từ thôn làng La Mã nọ cao đến 61 phân Anh (inch) đo từ vai xuống đất so với lừa ngày nay cao trung bình cỡ 51 phân Anh; giống lừa gần gũi nhất là American Mammoth Jacks, giống lừa đực to lớn dùng trong việc gây giống. Tạm hiểu tổ tiên của giống lừa ấy to lớn hơn con cháu ngày nay; khác với con người, ta thân thể to lớn hơn ông bà nhờ dinh dưỡng đầy đủ. Từ thế kỷ thứ II đến thứ V, người La Mã lai giống lừa bằng cách cho sống chung với ngựa để tạo ra con la, mule, cha lừa mẹ ngựa. La là loài thú dai sức, mạnh mẽ như ngựa cộng thêm bản chất kiên trì, khôn ngoan và hiền lành như lừa. Con la không thể sinh sản nhưng la cái vẫn có sữa. Người La Mã dùng la vào việc chuyên chở trong quân đội. Khi đế chế La Mã tàn lụi, đất đai bị thu tóm thì cách lai giống la cũng từ mất dấu vì chẳng còn lợi ích cho con người nữa.

Giống lừa Âu Châu xuất phát từ Phi Châu. Lừa được thuần hóa khoảng 7 ngàn năm trước tại Kenya và the Horn of Africa, vùng Đông Phi, và có thể từ Yemen. Từ đó lừa hiện diện trong đời sống con người với đủ màu lông, kích thước khác nhau theo địa phương và cách gây giống. Lừa được nuôi dưỡng để chuyên chở qua các vùng đất xa xôi hiểm trở. Nhu cầu này thay đổi theo thời gian và địa phương; cư dân nuôi lừa để làm việc; khi “di tản” qua các vùng đất khác, không còn cần lừa nữa thì việc nuôi lừa tiết giảm. Cứ như thế, số lừa gia tăng rồi giảm sút theo mức cần thiết của con người.

Xem thêm:   Đảo Quốc Xanh Greenland

Kết quả từ chương trình phân tích di tính của nhóm chuyên gia kể trên cho thấy lừa từ Đông Phi chuyển sang Sudan rồi Ai Cập từ 6,500 năm trước. Khoảng 2,500 năm sau, giống lừa ấy hiện diện tại Âu Châu và Á Châu rồi tiếp tục đến ngày nay.
Ngoài việc chuyên chở nặng, lừa còn dùng để kéo xe ra trận hoặc chở quân lương

Tại Ai Cập và Mesopotamia, lừa chiếm một vai trò quan trọng trong đời sống nên được chôn cất theo chủ nhân kể cả vua chúa. Ta cũng tìm thấy những bộ xương lừa chôn trong nền dinh thự, đem tế thần, như một cách ký kết các hiệp  ước (?).

Sự gần gũi giữa lừa và người dường như chặt chẽ hơn so với ngựa vì lừa trợ giúp con người trong nhiều công việc hơn. Cho đến khi con người bớt dùng lừa, và ngựa được thuần hóa (khoảng 4,200 năm trước) thì việc dùng ngựa trở nên phổ thông hơn.

Lông lừa ngắn, thường màu nâu nhạt, màu đen hoặc xám và hiếm hơn, màu trắng, vàng đậm / nhạt; đôi khi có sọc dọc hoặc ngang trên thân mình dù không rõ rệt như ngựa vằn. Đôi tai dài [nên có chuyện thần tiên “Công Chúa Tai Lừa”?]; tai la ngắn hơn tai lừa nhưng dài hơn tai ngựa. Dường như mỗi con la có tiếng kêu khác lạ (?), không “hí” như ngựa nhưng “hầm hừ” tựa tiếng lừa.

Xem thêm:   Cúm gia cầm dưới mắt khoa học gia

La không thể sinh sản vì lai giống từ lừa và ngựa, chỉ có 63 nhiễm sắc thể (chromosome) trong khi lừa có 62 và ngựa có 64 nhiễm sắc thể dù la đực (gọi là “john” hoặc “jack”, có thể chữ “jackass” mô tả một người nam khó chịu?) hay vẫn có thể “hâm” con cái nhưng tinh dịch không chứa tinh trùng. Để diệt dục và để con vật bớt cứng đầu dễ dạy, chủ nhân thường “thiến” la đực. La cái vẫn có thể hành kinh dù không mang thai.

Lừa và la là giống vật thông minh (dễ huấn luyện?) trong khi ngựa không thông minh cho lắm so với “ngoại tộc”.

Lừa và la đều ăn cỏ và rơm, người nuôi tránh các thức ăn chứa nhiều chất đạm hoặc nhiều tinh bột như bột mì, gạo … những thứ khiến con vật bị thoái hóa khớp xương chân (hết làm việc). Lừa sống khá lâu, 30-50 năm trong khi la sống được 30-40 năm; ở những vùng khó nghèo, lừa chỉ sống khoảng 15 năm vì phải làm việc nặng và ít thức ăn. Lừa có thể chuyên chở một sức nặng 20-30% trên trọng lượng của thân thể.

Để bảo vệ súc vật, nghề chăn nuôi lừa ngày nay được theo dõi và cấp giấy phép tại những quốc gia khá giả.

Cho đến khi đọc bài tường trình của các nhà khảo cổ kể trên, phe ta vẫn tưởng rằng lừa đần độn và bướng bỉnh nên mới có các câu chê bai khinh miệt để đời như thế. Hóa ra bé cái lầm và lầm to, tội cho lừa quá! Thay đổi được ý nghĩ qua việc học hỏi thì vẫn hay và nhất là đỡ tủi thân cho giống vật hữu dụng kia?!

TLL