Dấu chân trên đá
Mấy tuần lễ liền, hết tuyết đến mưa đá, trời buốt giá lạnh lẽo. Trên sân cỏ, mặt đất đóng băng. Tuần qua, sở làm đóng cửa luôn 2 ngày vì thành phố chìm trong trận mưa tuyết cuối mùa. Dế Mèn không đi đâu được nên đành ngồi nhà ngó trời ngó đất.
Ngó trời trời xám xịt, nhòe nhoẹt những mảnh tuyết trắng xóa. Ngó mãi phát chán nên phe ta ngó đất. Đất cũng mênh mông một màu trắng rợn người. Trong vườn sau, giữa các bụi gai là những vết lõm khá rộng và sâu. Chân nai là những vệt nhỏ, hai hay ba lõm cạn, chân thỏ là những vệt lõm cạn hơn nữa. Con chi mà vết chân to bằng dấu chân người đi giày số 10? Chẳng lẽ gấu mò ra đến đây, chắc phải đói lắm nên mới phải lang thang đi kiếm ăn xa rừng như thế này? Các vết chân nằm giữa các bụi gai thấp, con gấu kia chắc phải đi lom khom để chui qua các lỗ hổng thấp và hẹp?
Nghĩ đến gấu, Dế Mèn ái ngại, con người đốn rừng, bạt núi xây nhà cất đường s á, đuổi thú rừng đi mãi tận đâu. Không biết loài gấu này ăn uống những gì? Thức ăn trong rừng đã cạn? Bây giờ Dế Mèn bưng ra mấy gói cà rốt hay khoai tây có giúp nó bớt đói? Nuôi dưỡng thú rừng như thế có trở thành việc khuấy rối làng xóm không vì gấu không phải là loài thú hiền lành như nai như thỏ? Hổng biết, bạn ơi, hổng biết? Băn khoăn như thế nên Dế Mèn cứ chờ, chờ gặp mặt con thú để lại vết chân rất sâu trên băng đá kia.
Trời ngưng đổ tuyết nên phe ta xông pha mò qua nhà Mẹ Mìn thăm Dưa Muối. Nghỉ học không có bạn nên con bé buồn xo. Nó không thể ngồi yên một chỗ quá 5 phút nên cuồng chân cuồng cẳng, chạy lên xuống cầu thang liên tục, vừa chạy vừa la hò rủ rê Dế Mèn chơi trò đuổi bắt với nó. Hết đuổi bắt là màn trồng cây chuối, từ trên ghế con bé ngả người cho đầu đụng xuống đất và bác Dế Mèn giơ hai chân nó lên trời.
Hai bác cháu vừa đùa vừa la hét om sòm. Mấy tuần nay Dưa Muối ôm ấp mấy con ngựa nhồi bông, đặt tên con ngựa màu trắng là “Run”, con màu nâu là “Bronco”, xếp hàng mấy con ngựa rồi bắt Dế Mèn chụp hình. Dưa Muối đã bắt đầu thích chụp ảnh, và chỉ chụp những thứ nó muốn. Con bé nhìn ngắm và chụp ra mấy tấm ảnh có bố cục khá đẹp, không biết vì may mắn hay Dưa Muối đã biết nhìn ngắm? Cháu nhất định đòi đặt hai con ngựa lên đầu bác Dế Mèn để chụp ảnh, giải thích thế nào cũng không xong. Phe ta biểu rằng ngựa để chạy đua, để kéo xe, để thồ hàng hóa … chứ không thể nào đặt trên đầu trên cổ. Con bé lắc đầu quầy quậy rồi chơi màn ôm cổ năn nỉ, auntie, please. Không biết từ bao giờ mấy đứa con nít đã biết trò dỗ ngọt như thế? Chắc bắt chước cha mẹ đã quen tai?
Buổi chiều xuống rất nhanh, khi con bé đi ngang bác G., thường thì nó phải ôm cổ bác hôn một cái để “đóng thuế” nên con bé tìm cách trốn tránh, vừa né vừa khúc khích. Lần này Dế Mèn mách nước con bé đi vòng nên vừa qua khúc quanh, Dưa Muối reo lên đắc thắng “all right” và la hét “cám ơn bác”. Nàng thắng lớn nên thích ý reo hò.
Thế rồi buổi tối ngừng hẳn khi bác G. vô tình ôm Dưa Muối nhấc bổng lên đầu. Con bé òa khóc, tiếng khóc uất ức giận hờn như thể bị lừa gạt, ức hiếp. Hóa ra trò chơi vẫn tiếp tục, nó đã thắng nhưng bây giờ lại “thua” vì bất cẩn, bị bác ôm cứng. Dế Mèn ôm cháu dỗ dành, giữa tiếng khóc, nó nức nở phân trần “Uncle G. trapped me”. Nghe Dưa Muối nói, Dế Mèn lặng người, bàng hoàng ngẩn ngơ mất mấy giây. Ở tuổi non dại kia, làm sao nó hiểu và biết dùng chữ “trap” hay “gài bẫy” như thế? Tình huống nào tại sân chơi bé nhỏ nọ, việc gài bẫy đã xảy ra? Trong sách vở hay trong những cuộn phim hoạt họa mà Dưa Muối xem hàng ngày? Người ta đã “gài bẫy” nhau như thế nào?
Sự quan sát kia xảy ra quá sớm để con nhỏ ghi nhớ bài học và bây giờ đem ra giải thích, bác G. “thắng” nhờ gạt cháu? Hình ảnh kia sâu đậm như vết chân trên băng đá trong đầu óc của đứa nhỏ 4 tuổi?
Chao ôi là băn khoăn, vết chân trên đá của con thú lạ và tiếng la hét phản đối sự “gài bẫy” của con nhỏ Dưa Muối trong buổi chiều cuối tuần, mấy hình ảnh cứ vướng víu, theo đuổi Dế Mèn …
Hoa đào vẫn nở
Tối thứ Sáu mệt mỏi sau một tuần lễ cày cuốc, xem tin tức mà phe ta ngồi ngó màn hình và chỉ thấy những hình nhân đối thoại, không hiểu và không nhớ họ đã nói những gì. Hình như ta cần thoát khỏi bức tường vô hình bao bọc chung quanh, thay đổi không gian may ra sẽ giúp ta hồi sức? Thế là đặt phòng và Dế Mèn qua Washington DC 2 ngày cuối tuần. Hình như hoa đào ở đó sắp nở? Chuyến đi không sửa soạn.
Thứ Bảy cuối tuần mà thành phố chật cứng, dường như ai cũng có cùng ý nghĩ, đi ngắm hoa đào nở?
Ở quảng trường rộng, người lớn con nít thả diều và có những quầy chữa bệnh cho những con diều quặt quẹo không bay không lượn, kite’ s doctor. Người đông quá xá là đông.
Phe ta tránh đám đông đi bộ ra bờ hồ ngắm hoa. Trên đường, Dế Mèn đi ngang vườn uất kim hương, tulip library, hoa mới nở một khoảnh nhỏ, phần lớn khu vườn, gốc hoa mới nhú màu lá xanh non.
Năm nào hoa đào cũng nở, mặc thời tiết thay đổi lúc ấm lúc lạnh. Những cành hoa khẳng khiu chia nhánh từ thân cây già cỗi. Có những thân cây đã mục, đã rỗng và vết cắt cứa còn tươi. Cây đau ốm rỗng ruột được con người giải phẫu, chữa bệnh. Mấy gốc cây già thân đã bị cưa gần nửa, từ hốc mắt sâu trổ những nụ mảnh mai hàm tiếu. Đang mùa hoa nở nên cây đầy hoa, không có lá. Giữa những nụ hoa tươi, bừng bừng sức sống là những nhánh cây gầy ốm trơ xương. Sự tương phản giữa sức sống và cái chết không thể nào rõ ràng hơn được nữa.
Ba năm liền, Dế Mèn đến đây để ngây ngất với đất trời trong mùa xuân, trong ánh nắng tươi và những cội hoa đào. Tuyết giá thế nào, đau ốm sầu não thế nào, cây vẫn đơm hoa những nụ phơn phớt hồng. Mùa đông ảm đạm dài quá nên phe ta khao khát nắng ấm, thèm hơi mặt trời bừng bừng trên sân cỏ. Có cái chi rất nhiệm màu về những cội anh đào già cỗi trổ hoa, như thể thân cây già nua kia cố gắng, một lần nữa tặng hết sự sống cho cuộc đời sự sống đơm hoa.
Anh đào màu phơn phớt nhẹ nhàng, hình ảnh của đôi má tươi hồng không phấn son rực rỡ, nét đẹp của chuyện tình nhẹ nhàng nhưng đằm thắm mà rưng rưng hoài. Như phe ta quay đi mà vẫn tần ngần ngó lại từng cội hoa lả mình bên hồ. Đẹp quá xá là đẹp chẳng trách bá tánh chen chân mà đi ngắm hoa.
Bạn ạ, màu hoa dáng hoa hình như không khác năm ngoái, nhưng năm này nỗi ngây ngất kia có nhuốm một chút bùi ngùi. Ngày tháng đi qua, anh đào vẫn nở, chỉ có ta… thay đổi?
Khi công chúa đáng ghét
Thứ Bảy mưa tầm tã. Hôm nay Dế Mèn đưa công chúa đi chích ngừa cúm H1N1 lần thứ nhì. Con nít dưới 10 tuổi cần chích hai lần để có đủ kháng thể mà chống chỏi với giống cúm lan nhanh như gió thổi. Tuần lễ vừa rồi có 35 đứa trẻ chết vì cúm, cha mẹ không biết nên cứ giữ ở nhà không đem đi khám bệnh kịp thời.
Dưa Muối khá lì, nó không khóc tiếng nào, cũng như lần chích ngừa đầu. Bà Y Tá vừa rút kim, nó đã nhảy khỏi lòng Dế Mèn, chạy đi tìm rổ kẹo. Mấy đứa con nít chích xong là được gắn “huy chương” đỏ lấp lánh (I got a shot) và được thưởng một cái kẹo xanh đỏ tùy ý. Hình như việc tưởng thưởng là điều quan trọng. Trước khi rời nhà, Dưa Muối đã mặc cả đòi đi chơi sau khi đi chủng ngừa. Phe ta đồng ý sẽ dắt nó đến Chuck E Cheese, một loại sân chơi trong nhà, nơi đủ mọi thứ đồ chơi dụ khị con nít và dụ tiền bố mẹ. Mỗi trò chơi là 25 xu, kéo dài trên dưới 2 phút!
Đang chơi trò đi trốn đi tìm với con bé thì Mẹ Mìn bước tới và vô tình thò mặt vào căn nhà gỗ nhỏ xíu để «hù» con. Thế là Dưa Muối lăn ra khóc vì mẹ nó không biết chơi và «phá đám». Chao ôi, con nhỏ vừa khóc vừa la, mặt mũi đỏ ké, nước mắt nước mũi chan hòa, đập chân đập tay trên sàn nhà. Ẵm nó khỏi mặt đất thì Dế Mèn ẵm không nổi một đứa nhỏ 40 cân Anh đang vùng vẫy, giãy giụa. Công chúa dễ yêu xinh xắn mọi ngày hiện nguyên hình nữ chúa bù loa xấu xí. Dỗ thế nào cũng không được ngay cả sau lúc Mẹ Mìn nói xin lỗi rồi biến luôn chờ con bé nguôi cơn hờn giận.
Nửa tiếng rồi 45 phút ngồi cạnh một đứa trẻ la hét không ngừng khiến Dế Mèn muốn điên đầu. Không ưa nước mắt lại càng khó chịu khi gặp người bù lu bù loa, khóc kể, con nhỏ này gõ đúng vào nỗi khó chịu của Dế Mèn nên phe ta bực bội vô cùng. Nó mới có 4 tuổi mà tai ngược thế này thì lúc lớn làm sao kham?
Một tiếng trôi qua, con nhỏ vẫn gào thét dai dẳng. Đã bù lu bù loa lại còn lè nhè, dai nhách. Bây giờ thì phe ta hết kiên nhẫn. Bỏ con bé gầm thét trên sàn nhà, Dế Mèn đứng dậy ra hiệu cho bố nó đứng đàng xa. Phe người lớn đành chơi trò «xa luân chiến» xem chừng nào con nhỏ này gào thét hết hơi?
Dế Mèn rút ra một góc riêng vì bắt gặp mình nổi giận. Có cái chi về một con người kêu la, kể lể, vật vã ăn vạ khiến ta bực bội? Sự bất kham của chính mình hay cái thói dùng nước mắt và sự giận dữ để thúc ép người khác làm theo ý nó? Và từ lúc nào công chúa dễ yêu học được cái thói quen đáng ghét kia? Làm thế nào để nó ngưng cái trò ăn vạ nọ?
Dế Mèn lên cơn nhức đầu, và 2 viên ibuprofen chẳng ăn thua gì!
TLL