Từ NurembErg (Đức)
Sông nước là chốn Dế Mèn thường tránh xa. Chẳng là những ngày trước, mỗi lần phải lên thuyền bè lớn nhỏ là phe ta lắc lư, nôn nao muốn ói; cái cảm giác nhộn nhạo quay cuồng vô cùng khó chịu. Ði rong thuyền buồm (sailboat) cũng như lên tàu qua lại trên sông trên biển. Lần lên tàu ăn tối (dinner cruise) trên sông Hudson năm nọ khiến Dế Mèn nhớ đến bây giờ; không những chẳng ăn uống được một thứ gì mà còn ói mửa đến mật xanh nên đành trốn trong phòng vệ sinh cho đến khi tàu về bến. Mấy tiếng đồng hồ chịu trận như dài vô tận!
Bạn bè cũng như người thân đều khuyến khích, cứ thử đi, thử tàu nhỏ chạy lè è chừng chục dặm mỗi tiếng trên sông rạch thì êm ru. Và lần này thì phe ta dấn thân, thử chuyến đi bảy ngày trên dòng Danube, nhìn ngắm các chợ phiên mùa Ðông tại mấy thôn làng nhỏ nhỏ nằm bên dòng sông, từ Vienna (Áo) đến Nuremberg (Ðức). Tất nhiên là Dế Mèn dùng máy bay từ Huê Kỳ qua Âu Châu, đi về chuyến nào cũng lê thê cả chục tiếng đồng hồ. Mấy chuyến bay mang lại cảm giác mê mỏi, mệt nhọc, đầu óc lờ đờ… khiến phe ta không mấy hoan hỷ. Hẳn con dế mèn thích lang thang ngày xưa bây giờ đã… già nên chồn chân, ngần ngại?!

Melk Abbey
Vienna lần này âm u giá buốt, bức tượng Mozart thếp vàng trong công viên thành phố vẫn được bá tánh bu quanh nhìn ngắm, thành phố không mấy thay đổi. Chợ phiên mùa Ðông nằm trước Tòa Thị Chính; các hàng quán [tạm] quây quần trong công viên nhỏ nhỏ, bán từ thức ăn uống đến các món trang trí cây thông và cả mấy món lặt vặt như mũ áo, khăn quàng [cho du khách không mang theo quần áo ấm?]… Ðây là phiên chợ mùa Ðông cổ nhất thế giới (từ 1200 nhưng không được nhìn nhận?) và lớn nhất tại Áo. Ðất nước nhỏ xíu này khá gần gũi với Ðức về cổ tục, văn hóa; cư dân nói tiếng Ðức, một loại tiếng Ðức đặc biệt của người Áo, từa tựa như dân Thụy Sĩ dùng “High German”.
Một chút về chợ phiên mùa Ðông: Từ thời Trung Cổ, vào mùa Ðông, những nơi cư dân theo đạo Thiên Chúa tại Âu châu thường có những buổi họp chợ ngoài trời, mua bán đủ thứ. Chợ phiên mùa Ðông được tổ chức trùng ngày với mùa Vọng, Advent, hay “trông chờ Chúa giáng trần”, khoảng 4 tuần lễ trước ngày Giáng Sinh. Chợ phiên mùa Ðông hay “December Market” cũng được gọi là “Christmas market” hoặc “Christkindlmarkt”. Cổ tục này khởi đầu từ vùng Bavaria nhưng lan truyền dần đến các quốc gia khác, nhất là những nơi đông tín đồ Thiên Chúa giáo như Áo và miền đông nước Pháp.

Tòa Thị Chính tại Vienna
Sách vở ghi chép rằng buổi chợ phiên đầu tiên gần gũi với Giáng Sinh được tổ chức tại Dresden vào năm 1434 và có tên “Striezelmarkt”; trước đó cư dân các thành phố khác như Vienna, Munich, Frankfurt… đều gọi phiên chợ mùa Ðông ấy là “December Market”. Ngày nay, chợ phiên mùa Ðông thường bắt đầu từ tháng 11 và kéo dài đến giữa tháng Giêng năm sau.
Chợ phiên mùa Ðông được tổ chức ngay trong trung tâm thành phố, đường sá và vỉa hè được sử dụng là nơi dựng quầy để bày và bán hàng. Phổ thông nhất là các món ăn (bánh ngọt, xúc xích…), thức uống nhất là rượu nóng (Glühwein) cũng như các thức ăn phổ thông của từng địa phương, từ xúc xích, phó mát, bánh trái cây tẩm rượu (fruit cake) đến các món trang hoàng trong dịp lễ cuối năm. Các ban hát, ban nhạc đi quanh chợ ca hát giúp vui khách đi xem và sắm sửa.

Chợ phiên tại Vienna
Năm nay, chợ phiên tại Vienna không có chi độc đáo, cửa hàng bán những món trang hoàng Noel (ornament) chưng nhiều thứ chế tạo từ… Hoa Lục. Chẳng có chi đặc biệt vì nơi nào cũng bấy nhiêu thứ. Ðã qua rồi một thủa chế tạo các món đồ chơi bằng gỗ theo cổ tục? Trời lạnh quá xá, chỉ nửa tiếng đi bộ mà mấy ngón chân đã tê cứng nên Dế Mèn vào quán cà phê Einstein uống trà cho ấm bụng và để ngó người qua lại đằng sau khung kính.
Ðêm đầu tiên trên con tàu nhỏ, phe ta ngủ mê mệt vì đã trải qua gần một đêm thức trắng trên chuyến bay từ Huê Kỳ đến Áo.
Tàu đi ngang thung lũng Wachau, hai bên sông là những ruộng nho nơi cư dân chế biến ice wine, loại rượu dùng nước cốt nho đông lạnh, và một vài thành quách, nhà thờ cổ.

Thung lũng Wachau với các tòa nhà Trung Cổ
Con tàu cặp bến tại Melk, thôn làng nhỏ xíu, không có chi ngoài nhà dòng tuổi 900 năm, Melk Abbey, xây cất theo kiểu Baroque. Khá đẹp nhưng những món quý giá đều được cất giấu, không đem trưng bày cho bá tánh vui chân nhìn ngắm. Dế Mèn chỉ nghe nói mà không được “thấy” tận mắt những cổ vật vô giá như sách vở tuổi tác 1500 năm ngoài một ít tượng trưng. Phe ta nhìn ngắm các khung cửa sổ, 365 cái cả thảy, mỗi ngày các tu sĩ cầu nguyện (?) tại một nơi khác nhau và luân chuyển suốt năm?
Ðến Linz thì trời đã sáng. Ðây là một thành phố đông cư dân thứ nhì của Áo (sau Vienna) nhưng đã chọn chuyến đi chơi Salzburg nên đành bỏ qua việc thăm thú Linz. Từ Linz Dế Mèn dùng xe bus đến Salzburg, 2 tiếng rưỡi đồng hồ dưới trời mưa tuyết lất phất.
Salzburg là nơi thiên tài Mozart ra đời và cũng là “quê hương” của cuốn phim “The Sound of Music” lừng lẫy. Nhiều cảnh trong phim được thu hình từ nơi này.
Viện bảo tàng nhỏ nhỏ nơi gia đình Mozart sinh sống trưng bày các nhạc khí thiên tài sử dụng lúc sinh tiền:

Điển hình nhiều cảnh trong phim được thu hình là nơi này.
Chuyện kể rằng Mozart có một người chị / em gái cũng tài ba không kém nhưng khả năng thiên phú về âm nhạc ấy không được phát huy vì thủa ấy phụ nữ chỉ nên biết nấu ăn và làm việc nhà. Cô gái Mozart chỉ được tấu nhạc quanh quẩn trong nhà dù được các cái tai tinh tế khen lao hết lời, và trần gian mất cơ hội thưởng thức tài năng của một Mozart thứ nhì? Nhà thờ cổ Franciscan cũng theo kiến trúc Baroque và chợ phiên trong thành phố cũng… chẳng có chi đặc biệt ngoài mấy món chocolat mang tên Mozart; phe ta không thử nên không biết mùi vị ra sao.
Bữa ăn trưa tại nhà hàng được quảng cáo là xưa nhất thế giới xem ra… chẳng có gì. Món Schnitzel (tại Áo thì làm bằng thịt bê non trong khi tại Ðức thì đầu bếp có thể chế biến bằng thịt heo lạng mỏng, bọc bột rồi đem chiên) cũng tàm tạm như mọi quán ăn khắp nơi. Có lẽ tên tuổi đi xa hơn phẩm chất thực sự?
(còn tiếp)