Để thu hút lá phiếu của các cử tri còn nghèo khó (chiếm khoảng 11.8% theo thống kê của cơ quan Kiểm Kê Dân Số [US Census Bureau] của Huê Kỳ) và của các cử tri khá giả nhưng nặng khuynh hướng xã hội (muốn tiết giảm sự khác biệt giàu nghèo), các ứng viên đã ra sức quảng cáo món hàng “ích quốc lợi dân” của mình. Một trong những món hàng ấy là đề tài “giảm nghèo”.

Tất nhiên giảm nghèo đói là việc nên làm và cần làm. Ðất nước nào cũng thế, dân có giàu nước mới mạnh. Vị lãnh đạo nào có tài kinh bang tế thế, giúp cư dân có đời sống an vui, no đủ là được yêu chuộng và ngưỡng mộ, lúc sống cũng như khi chết. Nhưng Huê Kỳ là một quốc gia thay đổi liên tục, cứ mỗi 4 hoặc 8 năm là ta thấy một khuôn mặt mới, tổng thống và nội các mới, nên chính sách nào hầu như cũng thay đổi theo nhiệm kỳ tổng thống. Ngoài quốc phòng và ngoại giao, kinh tế và giáo dục xem ra cũng là những chính sách cần theo đuổi lâu dài, một vài kết quả ngắn hạn chưa hẳn là “thành công”. Và các con số thống kê ngắn hạn lại thường được đem ra trưng bày để quảng cáo.

Huê Kỳ là một quốc gia giàu có nhưng sự khác biệt giữa giàu và nghèo là một khoảng cách khá xa. Thiểu số 5 -10% cư dân nắm giữ 85% tài sản trên đất nước này, phần còn lại (15% tài sản) chia không đều cho 90-95% cư dân. Tạm hiểu là giàu có như thế nhưng Huê Kỳ không thiếu người nghèo, và câu hỏi đặt ra là họ sinh sống ra sao? Có tạm đủ ăn mặc và có đủ các nhu cầu tối thiểu như nhà ở, y tế? Câu trả lời dường như là vẫn có những người không đủ sống, lang thang không nhà và cậy nhờ vào các chương trình trợ cấp xã hội. Việc chu cấp cho người nghèo là chuyện trước mắt, có tính cách nhất thời, nhưng một chính sách xã hội lâu dài để trợ giúp người nghèo thì sao? Làm thế nào để cư dân có công ăn việc làm hầu có thể tự túc nhất là trong thời kỹ thuật chạy vùn vụt như ngày nay, máy móc thay thế con người trong khá nhiều công việc và hậu quả là con người mất dần việc làm và rơi vào hoàn cảnh khó khăn?

Một trong những ứng viên tổng thống đã dùng đề tài này làm mục đích tranh cử: Ông Andrew Yang dùng bài bản “universal basic income” hay UBI làm mục tiêu. Tạm hiểu là với khái niệm UBI, chính phủ sẽ trả một số tiền nhất định hàng tháng cho mỗi công dân. Ông Yang tuyên bố rằng nếu thắng cử, chính phủ của ông ấy sẽ “tặng” 1,000 đô la hàng tháng cho mỗi công dân Huê Kỳ trên 18 tuổi [không nhắc chi đến việc Quốc Hội có phê chuẩn hay không], người giàu cũng như kẻ nghèo. Nếu người nghèo nọ đang nhận trợ cấp (nhà ở và thực phẩm), họ có thể chọn số tiền “lương” kể trên hoặc tiếp tục các trợ cấp đang thụ hưởng.

Xem thêm:   Nghệ sĩ Chí Tâm

Khái niệm cung cấp một số tiền nhất định, UBI, để giảm nghèo khó và sự bất bình đẳng xã hội  không phải là một điều mới mẻ. Canada đã [và đang tiếp tục] thí nghiệm này trong mấy thập niên vừa qua. Phần Lan đã thử chương trình “lương tối thiểu” nọ trong hai năm gần đây và Ý cũng đã bắt đầu chương trình “lương tối thiểu”. Các kết quả sơ khởi cho thấy cư dân khỏe mạnh và an vui hơn; họ tin tưởng vào xã hội chung quanh (bớt tội ác?) hơn.

Ngay tại Huê Kỳ, tiểu bang Alaska đã trả “lương” hàng năm cho cư dân qua chương trình Alaska’s Permanent Fund Dividend (PFD). Alaska’s PFD là một chương trình của tiểu bang; Alaska đầu tư lợi tức từ dầu thô và tiền lời được chia cho mọi cư dân kể cả trẻ em từ năm 1982; số tiền đầu tư lên đến 66.3 tỷ Mỹ kim. Năm 2015 khi giá dầu thô lên cao, tiền lãi từ quỹ đầu tư này lên đến 2,072 Mỹ kim cho mỗi đầu người hoặc 8,288 Mỹ kim cho một gia đình bốn người. Ðến năm 2017 thì số tiền “lương” kể trên đã bị tiết giảm, chỉ còn 1,100 Mỹ kim; phần vì chính phủ tiểu bang sử dụng ngân sách vào những chương trình xã hội khác, phần vì dầu xuống giá. Trong mấy năm dầu xuống giá, số tiền này chỉ còn khoảng 800-900 Mỹ kim.

Số tiền kể trên tất nhiên không đủ để sinh sống (theo định nghĩa “universal basic income” nhưng Alaska’s PFD vẫn là một chương trình trợ cấp đồng đều [cho mọi người] từ chính phủ, và là chương trình trợ cấp đồng đều vô điều kiện duy nhất tại Huê Kỳ, cũng như cung cấp “đủ” cho mỗi gia đình theo tiêu chuẩn dành cho các trường hợp “túng quẫn” tận cùng với hai Mỹ kim mỗi ngày. (Survey of Income and Program Participation (SIPP) data in 2012, Johns Hopkins’ Kathryn Edin and the University of Michigan’s Luke Shaefe – $2.00 a Day.)

Phía chống đối đã chê bai dè bỉu chương trình PFD rằng ‘cho tiền khiến người nhận lười biếng, không chịu làm việc kiếm sống và gây ra cảnh suy sụp kinh tế’. Nhưng các bài tường trình từ những chuyên viên kinh tế xã hội đã chứng minh rằng số tiền từ PFD không ảnh hưởng đến lượng nhân công Alaska. Số nhân công và công việc làm tại Alaska vẫn không thay đổi cho mấy trước và sau khi có chương trình PFD. Nói giản dị là Alaska đã tìm ra cách dùng lợi tức từ tài nguyên thiên nhiên để chia đều cho cư dân và giảm nghèo đói trong khi vẫn duy trì nền kinh tế của tiểu bang. Chính xác hơn, các chuyên gia kinh tế đã kết luận rằng việc trả lương đồng đều và vô điều kiện [như Alaska] kể trên không gây ra sự “bỏ việc” hoặc làm việc ít đi.

Xem thêm:   Hành lang hẹp

Mặt trái của việc cung cấp tiền bạc vô điều kiện [qua lợi nhuận từ tài nguyên thiên nhiên] như Alaska là … cạn tiền, chưa kể những hệ quả khác! Dầu thô, khí thiên nhiên hay quý kim không phải là cái kho không đáy, khai thác mãi rồi cũng cạn. Và khi cạn tài nguyên thì món tiền trợ cấp hàng năm sẽ chấm dứt. Những hệ quả khác bao gồm sự huỷ hoại môi sinh từ việc khai thác dầu, và cả việc chính khách muốn dùng quỹ “dầu thô” vào các chương trình kinh tế/xã hội khác; các chương trình ấy chưa hẳn là có lợi cho cư dân hoặc cho tiểu bang, mà chỉ có lợi cho một nhóm người khôn ngoan, giỏi đánh hơi, giỏi mùi lợi nhuận.

Tiền bạc, nhất là các món tiền bạc tỷ thường là mầm mống của tham nhũng. Tiền xài sau một thời gian ngắn, vài tháng hoặc vài năm, sẽ hết nhưng môi sinh hư hoại thì cả trăm năm sau vẫn chưa hồi phục nổi.

Ngoài Texas và North Dakota, chẳng tiểu bang nào khác tại Huê Kỳ có nhiều tài nguyên để khai thác như Alaska; do đó, hiện tượng PFD khó có thể thực hiện được ở mức liên bang. Tuy nhiên, ngoài dầu thô hoặc quý kim, chính phủ Huê Kỳ vẫn có thể thu thuế từ lợi tức cá nhân, công ty… để tài trợ chương trình “trả lương” vô điều kiện. Nhưng khái niệm này rất… phản Huê Kỳ (“Unamerican”), vì đa số người Mỹ cho rằng “có làm mới có ăn”. Ít cư dân, nhất là những người đóng thuế, chấp nhận việc cho tiền khơi khơi từ ngân sách quốc gia. Chỉ được thiểu số ủng hộ nên chẳng mấy ứng viên “mặn mà” với khái niệm này, cho đến năm nay, mùa bầu cử 2020, ta mới thấy ông Yang xuất hiện với khái niệm xem ra mới mẻ nhưng rất cũ ấy.

Chẳng là năm ngoái, 2018, Thượng Nghị Sĩ Mike Dunleavy khi ra ứng cử đã hứa hẹn sẽ gia tăng số tiền lương từ PFD đến 6,700 Mỹ kim cho mỗi đầu người. Cư dân Alaska nghe sướng tai, vừa mắt quá nên dồn phiếu cho ông ấy. Ông ta thắng cử vẻ vang nhưng đến bây giờ vẫn còn loay hoay chưa biết làm sao để thực hiện lời hứa [lèo] mà kiếm cho ra số tiền ấy, trừ phi cắt giảm các chương trình xã hội khác. Ðại khái là lo chuyện “chung” như giáo dục, y tế, giao thông… hay cho “riêng” mỗi người một số tiền nhưng không thể chu toàn cả hai vì tiểu bang không đủ sở hụi trang trải, nhất là Alaska lại chẳng hề muốn đánh thuế lợi tức và thuế hàng hóa.

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

Riêng ông Yang thì hứa hẹn sẽ dùng thuế để trang trải số “lương” vô điều kiện cho mỗi đầu người hoặc mỗi nóc gia. Ngân sách từ thuế má xem ra dễ duy trì hơn so với ngân sách từ khai thác tài nguyên, nghĩa là kiểu mẫu PFD của Alaska có thể bền vững hơn, số tiền “lương” nọ xem ra ít “trồi sụt”, khi áp dụng ở mức liên bang.

Hứa hẹn là như thế, nhưng chưa thấy ông ứng viên kể trên đưa ra biện pháp thực tiễn chính xác nào để tài trợ chương trình “trợ cấp cho mọi người”. Chẳng hạn như ngân sách quốc gia hàng năm là bao nhiêu? Số thu (tiền thuế) và số chi mỗi năm là những gì? Huê Kỳ “chi” tiền vào những chương trình nào và bao nhiêu cho mỗi thứ như xã hội, quốc phòng, nội an, nghiên cứu, y tế…? Quan trọng nhất là mức thâm lạm ngân sách là bao nhiêu? Con cháu ta sẽ phải cong lưng trả nợ bao nhiêu năm nếu ta tiếp tục vung tay quá trán?

Ấy chỉ là vài “chi tiết” sơ khởi, chưa kể tình trạng phân hóa của chính trường Huê Kỳ hiện nay, mỗi phe nhóm có mục đích [riêng], và chỉ muốn tiêu xài tiền thuế [chung] vào mục đích của họ. Gia tăng ngân sách cho một chương trình có nghĩa là phải cắt giảm một hoặc vài chương trình khác. Nhóm nào sẽ “thắng” trong việc tranh giành quyền lợi (tiêu xài $)?

Mùa bầu cử đã đến nên ứng viên nào cũng mặc chiếc áo đẹp nhất để quảng cáo món hàng “kinh bang tế thế” của họ. Ăn thua là cử tri nghe xong có thể nào thẩm định xem món hàng trưng bày có phải đồ “thật” hay “giả”, và hy vọng lá phiếu của mình phản ảnh ước vọng của cư dân như một cộng đồng chung?

TLL