Trung Á hay Central Asia là vùng đất bao bọc bởi Caspian Sea về phía tây, Trung Hoa về phía đông, Nga Sô về phía bắc và các quốc gia Iran, Afghanistan về phía nam. Cả năm (5) quốc gia vùng Trung Á, Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, và Turkmenistan đều chịu sự cai trị của khối cộng sản Nga cho đến ngày được độc lập (sau khi liên bang Xô Viết tan rã năm 1991); “stan” có nghĩa là “đất của [người]”, như Kazakhstan = đất của người Kazakh. Đường Tơ Lụa năm xưa đi ngang qua các vùng đất Trung Á và để lại khá nhiều dấu vết đặc thù.

Lịch sử cho thấy dấu vết của con người từ 25,000 – 35,000 năm trước, nhưng rõ ràng hơn là thời đại Cimmeria và Scythia trong thế kỷ I trước Công Nguyên. Ðến thế kỷ VI thì vùng đất này trở thành cung điện của giống người Thổ, “Turkic peoples”, tổ tiên của đa số cư dân Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Giống người này sử dụng ngôn ngữ “Turkic”, một chi nhánh của gốc ngôn ngữ Altai. Turkic rất gần gũi với ngôn ngữ Tujue, tên gọi trong sách vở Trung Hoa dùng để mô tả bộ tộc du mục cai trị vùng đất mênh mông trải dài từ Mông Cổ, phía bắc Trung Hoa đến Black Sea.

Dòng tộc Turkic hầu hết sinh sống tại Á Châu trừ một vài bộ tộc nhỏ hiện diện tại Âu Châu và vùng Volga. Ngày nay, ngoài các bộ tộc kể trên, nhóm “Turkic” cũng bao gồm các nhóm cư dân sinh sống tại Altai, Azerbaijanis, Balkar, Bashkir, Dolgan, Karachay, Karakalpaks, Kazakhs, Khakass, Kipchak, Kumyk, Kyrgyz, Nogay, Shor, Tatars, Tofalar, Turkmen, Turks, Tyvans (Tuvans), Uighurs, và Uzbeks. Ngoài ngôn ngữ, Hồi giáo là sợi dây nối kết các nhóm cư dân này với nhau.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Người Thổ cai trị vùng Trung Á suốt 200 năm, tạo nên nhiều ảnh hưởng sâu đậm về văn hóa, phong tục và cách sinh sống. Ðến thế kỷ VIII thì nhóm Uighuir, cũng cùng dòng tộc Turkic, nổi dậy và chiếm được lãnh thổ, tạo nên các triều đại Khitan và Karakhanid về sau. Ðạo Hồi được lan truyền mạnh mẽ trong vùng Trung Á từ thế kỷ XI-XII và đến thế kỷ XV thì trở thành tôn giáo duy nhất ở đó.

Người Mông Cổ chiếm trọn vùng Trung Á trong thế kỷ XIII, đặt các “sứ quân” (con cháu, thân tộc) cai trị từng vùng đất riêng biệt (khanate, tạm dịch là “bộ tộc”) để thu thuế cho đến khi sứ quân Timur (Tamelane), cũng dòng dõi Thành Cát Tư Hãn, nổi dậy thu tóm mọi lãnh thổ riêng rẽ về một đất nước vào năm 1400. Khi Timur qua đời, con cháu tranh giành đất đai, và vùng Trung Á lại chia năm xẻ bảy, mỗi sứ quân hùng cứ một phương. Ðến cuối thế kỷ XV, thì bộ tộc Uzbeks thắng thế, chiếm trọn vùng Trung Á.

Quân đội Nga Hoàng đánh chiếm vùng Trung Á vào đầu thế kỷ XVII và tiếp tục cho đến khi vùng đất tự trị cuối cùng Uzbek thất thủ vào năm 1870. Từ đó, toàn cõi Trung Á trở thành thuộc địa của Nga Sô. Sau cuộc cách mạng 1917, triều đại Sa Hoàng chấm dứt, vùng Trung Á thuộc về liên bang Xô Viết. Trong thập niên 20 – 30 của thế kỷ trước, Xô Viết chia Trung Á thành năm quốc gia chư hầu: the Kazakh S.S.R., the Uzbek S.S.R., the Kirgiz S.S.R., the Tajik S.S.R., và the Turkmen S.S.R.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Chịu ảnh hưởng của khối cộng sản, các quốc gia chư hầu theo chính sách “kinh tế kiểu mẫu” định sẵn, mỗi vùng đất sản xuất một loại sản phẩm theo lệnh chính phủ trung ương, vùng Trung Á trở thành nơi trồng và sản xuất bông gòn.

Khi liên bang Xô Viết tan rã năm 1991, không phải trải qua các cuộc tranh đấu đẫm máu như Lithuania, Latvia…, cả năm quốc gia Trung Á đều được độc lập và trở thành Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan, và Turkmenistan.

Về mặt địa lý, Trung Á nói chung được chia thành từng vùng khí hậu; núi rừng xanh tươi Kazakhstan phía bắc và biển Aral phía nam nơi các nguồn nước đổ về.

Khoảng 60% đất đai là sa mạc, hai sa mạc lớn nhất là Karakum (thuộc về Turkmenistan) và Kyzylkum, nằm ở phía tây Uzbekistan. Ngoại trừ các vùng tây bắc quanh hai con sông Amu Darya và Syr Darya uốn quanh Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và Turkmenistan, hầu hết sa mạc là đất bỏ trống vì không thể trồng cấy.  Hai con sông kể trên cung cấp nước cho các quốc gia vùng Trung Á. Lạ một điều là ta chưa thấy chiến tranh giành nước xảy ra giữa các quốc gia Trung Á kể trên, người còn thưa nên chưa thiếu thốn đến độ phải tranh giành?

Khí hậu Trung Á rất khô, mùa Hè thì nóng và Ðông thì lạnh. Mưa ít nên cư dân hoàn toàn trông cậy vào nguồn nước từ hai con sông kể trên. Ðiều dễ hiểu là bá tánh sống quây quần quanh vùng sông ngòi Syr Darya và Amu Darya và các nơi khác bị bỏ hoang.

Xem thêm:   Ngộ độc thực phẩm

Sinh sống tại Trung Á là năm bộ tộc, sắp hạng từ lớn đến nhỏ: the Uzbek, Kazakh, Tajik, Turkmen, và Kyrgyz. Hầu hết đều dùng ngôn ngữ Thổ, trừ nhóm Tajik nói tiếng Ba Tư (Persian). Cư dân theo đạo Hồi, chi nhánh Sunni. Sau hai thế kỷ chịu đô hộ, cư dân Trung Á đã pha trộn ít nhiều với dòng tộc Nga và Ukraine, sinh sống theo các phong tục, sinh hoạt chứa màu sắc Á và Âu. Trong thế kỷ qua, Trung Á chịu một số vấn nạn về môi sinh vì nhiều lý do: Dân số gia tăng khá nhanh nhờ các phương tiện y tế Âu Châu, sử dụng cạn kiệt các nguồn nước để trồng tỉa và gánh chịu hậu quả của các chương trình thí nghiệm vũ khí nguyên tử của Xô Viết.

Kinh tế vùng Trung Á trước đây chủ về nông nghiệp và khai quật hầm mỏ. Dưới thời Xô Viết, vùng Trung Á cung cấp cô-tông, than và khoáng chất dùng trong kỹ nghệ. Ngày nay, mức sản xuất cô-tông đã sút giảm nhưng vẫn là nguồn xuất cảng quan trọng của Uzbekistan trong khi ngành khai thác khí thiên nhiên, natural gas và dầu khí là nguồn xuất cảng làm giàu cho Turkmenistan và Kazakhstan nghiêng về ngành sản xuất nông phẩm như lúa mì.

Mấy khái niệm sơ lược kể trên cho Dế Mèn chút hiểu biết về lịch sử, địa lý và văn hóa của vùng Trung Á; giúp phe ta có cái nhìn rộng rãi hơn về cư dân ở đó và giải thích phần nào câu hỏi tại sao Trung Cộng khai thác con đường Tơ Lụa “mới” này.

TLL

Orlando, FL