Cơ quan Kiểm Kê Dân Số (the US Census Bureau) của Hoa Kỳ chỉ chính thức “đặt tên” cho thế hệ “Baby Boomer”, những người ra đời sau Thế Chiến II (1945-1956) nhưng những người cùng lứa tuổi khác vẫn được sách vở, báo chí “gom” thành nhóm và đặt tên cho mỗi nhóm hay mỗi thế hệ (generation / cohort) để tìm hiểu các thay đổi trong xã hội, các phát minh kỹ thuật… và cách thích ứng của cư dân trước những thay đổi ấy.

Chuyên viên nghiên cứu về dân số như Pew Research Center đã “đặt tên” cho những nhóm người ra đời trong một khoảng thời gian nhất định. Như thế hệ Millennials (còn gọi là thế hệ Y, 1981-1996), thế hệ Z (1997-2012) những người bước chân vào thị trường nhân công, và mới nhất, thế hệ Zillennials, “lơ lửng” giữa Millennials và Z. Zillennials gồm những người ra đời trong khoảng thời gian giữa những năm 1992 – 2000. Họ khoảng 20 – 25 tuổi, trẻ hơn millennials nhưng lớn hơn thế hệ Z; nhóm 2 này tương đối nhỏ so với các nhóm khác nên được gọi là “micro-generation”.

Những người ra đời trong cùng khoảng thời gian sẽ có kinh nghiệm tương tự nhất là trong cùng một địa phương. Ngày nay thế giới thu nhỏ qua liên mạng nên ranh giới không gian xem ra không quan trọng như trước nữa. “Gom” lại thành nhóm, thế hệ, để dễ dàng nhận dạng các tương đồng cũng như khác biệt giữa các nhóm tuổi tác. “Greatest Generation” là thế hệ tham gia Thế Chiến II. “Baby boomers” là những người khôn lớn trong những xáo trộn của thập niên 60 trong thế kỷ trước, ngày nay vào tuổi hưu trí và nắm trong tay phần lớn tài sản của thế giới. Thế hệ X ra đời sau đó, khoảng 1960- cuối 1970. Millennials (gen Y), gen Z… như đã nhắc đến phần trên.

Những thế hệ trước xem ra chẳng mấy để ý đến việc bị xếp loại đặt tên theo năm sinh nhưng millennials và các người trẻ về sau thì hơi khó chịu. Họ nghĩ rằng mỗi người là một vũ trụ riêng nên gom chung như thế có phần bất công. Như nhãn hiệu “millennials thì ngại khó ngại khổ, không gắn bó với sở làm như cha anh họ, sẵn sàng khăn áo ra đi khi hết vui với việc làm…” Thực ra, millennials chiếm số đông trong thị trường nhân công và là thế hệ đang giữ vai trò điều hành trong nhiều công ty lớn nhỏ. Nhãn hiệu khác như “thế hệ Z hình như mất phương hướng…” dù họ chịu dấn thân, có khuynh hướng bảo tồn môi sinh mạnh mẽ hơn các thế hệ trước… Ðại khái là người trẻ xem trọng sự khác biệt cá nhân và chối bỏ khuôn mẫu.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Zillennials có gì đặc biệt để được “chia” nhóm riêng rẽ như thế? Theo các nhà xã hội, thế hệ này gặp biến cố lớn như 9/11 và phải đương đầu cũng như thích nghi với đời sống sau biến cố ấy khi còn rất trẻ. Biến cố 9/11 xảy ra khi các zillennials còn trong tuổi thơ ấu, không hề biết đến cách ra vào phi trường thong thả dễ dàng ra sao. Họ chỉ biết xếp hàng dài chờ đi qua máy kiểm soát vũ khí, biết không mang theo trong hành lý xách tay những thứ chất lỏng nhiều hơn mức cho phép là 1 oz… Trong tuổi trưởng thành zillennials lại đối mặt với trận đại dịch, những cuộc xả súng bắn giết vô tội vạ… toàn những biến cố đảo lộn xã hội và đời sống trở nên bất ổn; họ chưa hề được nếm mùi “thanh bình”! Ngay cả khi ra trường, người trẻ chẳng “thấm” được cái hân hoan, hãnh diện của tuổi thành nhân vì trong suốt mấy năm, lễ tốt nghiệp chỉ được cử hành vắn tắt, giản tiện và gia đình thân quyến đã chẳng được tụ họp để chúc mừng người trẻ. Những bực thang đánh dấu mức quan trọng trong đời sống bị mờ nhạt và trở thành “không đáng kể”?!

Khi được phỏng vấn, người trẻ gật đầu mô tả rằng họ là những người không nằm trong thế hệ Z, khôn lớn với chiếc điện thoại di động và mạng truyền thông xã hội. Thập niên trước đó, iPod đã được dùng để lấy về các bản nhạc trên liên mạng, dùng cách chuyển hệ thống YouTube sang mp3 nhưng zillennials lại chẳng sử dụng những kỹ thuật ấy nữa. Ðối với họ, những thứ ấy là chuyện đã cũ và là đồ bỏ! Zillennials chỉ muốn săm soi đến những kỹ thuật mới, càng mới càng tốt, hay hoặc dở thì tính sau, kẻo bị xếp vào nhóm “lỗi thời”. Tạm hiểu là kỹ thuật trở thành “mốc” chia ranh giới giữa các thế hệ. Millennials là những người “khai phá” kỹ thuật số, quen thuộc với mạng xã hội MySpace trong khi thế hệ Z là những người không biết gì về cuộc sống trước khi có… màn hình, ưa chuộng TikTok và zillennials là những người đứng giữa hai thế hệ kể trên, sính kỹ thuật truyền thông nhưng với liên mạng xã hội riêng như Zillennial Zine.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 4 tháng 4 năm 2024

Từ thủa thơ ấu, thế hệ non trẻ ấy đã trực tiếp chịu ảnh hưởng của khí hậu thay đổi, những trận thiên tai dữ dội và trái mùa khiến họ lo âu về sự an nguy của trái đất và đã đứng dậy để nhắc nhở cha anh về sự hâm nóng toàn cầu như cô bé Greta Thunberg và bạn hữu. Sự quan tâm ấy đã khiến những người trẻ [hơn], Gen Z, cũng tham gia các hoạt động bảo vệ môi sinh, tiết giảm việc sử dụng plastic và chú tâm đến các chương trình tái sử dụng.

Theo ông Jason Dorsey, sếp lớn của Center for Generational Kinetics, một công ty chuyên việc nghiên cứu về các thế hệ trong xã hội, zillennials có khuynh hướng xa rời những “nhãn hiệu” đặt cho millennials và tránh các vết xe đổ ấy trong khi tránh né những thị hiếu của nhóm dậy thì vì quá “trẻ con”. Zillennials không “vừa vặn” trong khuôn mẫu thế hệ Z hoặc millennials, nhưng có lợi thế là nhận ra các ưu và khuyết điểm của hai nhóm trước / sau nên dễ dàng hội nhập và có thể thành công hơn.

Trên khía cạnh thưởng ngoạn, Zillennials ưa chuộng tài tử, ca nhạc sĩ như Zendaya, Sabrina Carpenter, Taylor Swift, Harry Styles; trò chơi Nintendo Switch và chế biến các công thức ăn uống mới như món “Utah dirty soda”, bỏ sữa/kem bột vào soda… Những sở thích ấy được các công ty quảng cáo khai thác triệt để vì họ sẽ là những người tiêu thụ mới, tiêu xài tiền bạc để mua sắm ăn uống trong mấy năm sắp tới. Duy trì thị phần hiện tại đã đành nhưng công ty nào cũng nhắm tới khách hàng tương lai để tiếp tục mở mang thị phần kiếm bạc kẻo lỡ tàu và bị bỏ lại sau lưng.

Xem thêm:   Lối đi trong vườn (kỳ 2)

Tất nhiên không chỉ các tay buôn bán mới chăm chỉ nhìn ngắm tìm hiểu thị hiếu của khách hàng tương lai, những nhà nghiên cứu xã hội cũng tìm hiểu từng thế hệ, thế hệ đang lên, thế hệ đã trưởng thành và cả các thế hệ đang lùi dần vào quá khứ. Tìm hiểu để làm chi? Nhiều lý do lắm bạn ạ, từ mục đích xã hội đến khuynh hướng chính trị, cách sinh sống, tiêu xài, sức khỏe…

Chia nhóm, gom chung và đặt tên các thế hệ cũng chỉ là những công việc tìm hiểu và theo dõi đà tiến hóa (hoặc thối lui) của xã hội. Phụ huynh, thầy cô, người dẫn dắt có thể áp dụng nhiều / ít các chi tiết nghiên cứu ấy để chia sẻ kinh nghiệm, trợ giúp con em, chê bai hay chỉ trích họ chỉ đưa đến sự chia cách và xa lánh giữa các thế hệ người trẻ và người chưa già! Sự hiểu biết dẫn đến cảm thông và chia sẻ hữu hiệu hơn?

TLL