Bukhara, còn có tên Bukhoro hoặc Buxoro theo tiếng địa phương, là một thành phố cổ theo hướng nam của Uzbekistan, khoảng 140 dặm từ phía tây Samarkand, dân số ngày nay khoảng 275 ngàn người. Bukhara nằm trong đồng bằng sông Zevrashan bên kênh Shakhrud, có nghĩa địa phương này là đất sống, có nước để trồng trọt, canh tác.

The Ark, tường thành cổ, là di tích nhiều tuổi nhất của thành phố – photo tranlyle/tre

Từ thế kỷ I, Bukhara đã là một trong những trạm buôn bán chính trên đường Tơ Lụa, giàu có nên Bukhara cũng nằm trong tầm ngắm của các đoàn quân xâm lăng để chiếm đất đai, cướp của cải, từ quân đội Ả Rập năm 709 (triều đại Samanid) đến triều đại Qarakhanid và Karakitais trước khi bị người Mông Cổ (Genghis Khan) chiếm lãnh và con cháu là Timur (Tamerlane) cai trị suốt mấy trăm năm. Năm 1506, dân Uzbek lập ra triều đại Shaybanid, đặt thủ đô tại đây và trở thành “hoàng triều Bukhara”.

Char-Minar Mosque- photo tranlyle/tre

Triều đại Shaybanid được thay thế bằng Mangit do Ðại Hãn Mohammed Rahim thống lãnh. Năm 1868, Bukhara bị người Nga chiếm làm thuộc địa, đất bảo hộ, và trở thành “the Bukharan People’s Soviet Republic” vào năm 1920. Chỉ vỏn vẹn 4 năm sau đó, Bukhara bị gom vào lãnh thổ Uzbek và là một thành phố của Uzbek S.S.R.

Tháp Kalyan (1127) và đền thờ (thế kỷ XIV) – photo tranlyle/tre

Thành phố được UNESCO nhìn nhận là “Di Sản Thế Giới” vào năm 1993 nhờ giữ được khá nhiều di tích, từ đền thờ, tu viện Hồi giáo (madrasa) đến các ngôi nhà xây bằng đất nung (qua sức nóng của mặt trời) cũng như các ngôi chợ, baazar.

Isma’il Samani Mausoleum (thế kỷ IX – X)- photo tranlyle/tre

Nhìn chung, phố cổ của Bukhara không lớn lắm, ta đi quanh nhìn ngắm khoảng một ngày là có thể “gặp” hầu hết các địa điểm chính. Dù Bukhara là đất dệt thảm, có những tấm thảm nổi tiếng thế giới mang nhãn hiệu “Bukhara” nên Dế Mèn tưởng rằng thảm xuất phát từ đây. Hóa ra bé cái lầm! Bukhara là tên một kiểu hoa văn, mẫu dệt được nhiều địa phương nhận là của họ, từ Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan đến Turkmenistan.

Một di tích khác – photo tranlyle/tre

Ðến viện bảo tàng thảm địa phương nào Dế Mèn cũng thấy kiểu mẫu dệt ấy, dù màu sắc pha trộn không giống nhau vẫn mẫu hình kỷ hà có tám góc hay sáu góc, từa tựa như nhau hoặc giả có sự khác biệt tinh tế nào đó mà phe ta mắt trần tục, “nghệ sĩ” loại tay mơ nên ngó hoài mà không nhìn ra sự khác biệt?!

Trung tâm thành phố là bức tượng đồng của người lái buôn mặt mũi hoan hỉ cưỡi lừa, bá tánh chen chân chụp hình ở đây suốt ngày nên lúc nào cũng rầm rập người qua lại – photo tranlyle/tre

Nhìn chung, Bukhara tuy nhỏ nhưng xem ra đã được “thay đổi” khá khá để thu hút du khách. Hàng quán, khách sạn đều “làm ăn” theo kiểu các thành phố du lịch trên thế giới nên mất khá nhiều vẻ “hương đồng cỏ nội”. So với Samarkand còn giữ được ít nhiều không khí “địa phương” và Taskent thì hoàn toàn theo kiểu Tây phương.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Trung tâm thành phố là bức tượng đồng của người lái buôn mặt mũi hoan hỉ cưỡi lừa, bá tánh chen chân chụp hình ở đây suốt ngày nên lúc nào cũng rầm rập người qua lại – photo tranlyle/tre

Trạm dừng chân có hầm nước Sardoba tuổi ngàn năm. Lừa ngựa uống nước thì chủ nhân phải trả tiền nhưng chủ lại được ăn ở miễn phí! photo tranlyle/tre

Trên đường đi Khiva, nhóm du khách dừng chân tại Karvon Saray nơi đoàn thương buôn năm xưa dừng chân nghỉ ngơi, cho lừa ngựa lạc đà uống nước và trao đổi hàng hóa – photo tranlyle/tre

TLL

Orlando, FL.