Trên chiếc xe điện đang chạy vòng vòng dọc theo con đường trải đầy đá sỏi tiến dần lên phía đỉnh đồi, đưa du khách đến thưởng ngoạn cụm Tháp Po Klong Garai (*), Thảo My kéo áo tôi, gọi giật giọng: “Trái xương rồng chín kìa anh Bình!”. Thoáng nhìn theo tay My chỉ, tôi gật gật đầu.

Sinh ra và lớn lên từ nhỏ ở vùng đất địa đầu miền Trung nắng gió, tôi còn lạ gì với thứ trái cây quê mùa này. Tuổi thơ lúi húi cùng đám trẻ con lòng vòng bờ tre gốc rạ, món ăn thường là những thứ trái cây mọc dại mà chúng tôi vớ được trên đường ruộng, đường làng. Từ trái me keo đỏ rực, quả táo chát ngắt, quả duối dại vàng ươm… cho đến những trái xương rồng chín mọng mà bám đầy gai như thế này. Trưa nắng cháy rát da vậy chứ đám chúng tôi vẫn chịu khó lòng vòng quanh mấy bụi xương rồng, mặc cho mấy mũi gai nhọn hoắt lại thỉnh thoảng chích cho mấy phát nhức nhối nếu vô ý đụng trúng. Cuối cùng cũng khều được, vặt được mấy trái xương rồng chín, sau khi chịu lãnh thêm mấy cái gai nhỏ xíu trên trái cắm ngay vào lòng bàn tay.

Xương rồng mọc đầy ở quê tôi, đi dọc đường làng, đường bộ đều dễ dàng thấy những mảng xanh nho nhỏ này giữa cái nắng khô khốc đặc trưng của miền Trung. Quanh đó thường là hình ảnh những chú dê đang mon men tìm cách gặm mấy đọt non, mấy lá cây nhỏ vừa mới nhú. Xương rồng sinh trưởng khỏe mạnh trong nắng cháy như vậy và vẫn bình thản đơm hoa kết trái. Hoa xương rồng đẹp, nhưng người ta cũng chỉ biết đứng xa nhìn, tắc lưỡi bởi ngần ngại trước đám gai nhọn hoắt của chúng. Và hình như, tôi cũng chỉ thấy hoa xương rồng nở rồi tàn luôn trên cây, thỉnh thoảng lại thấy trong một vài tấm ảnh đẹp trên báo quê nhà, rồi hết! Chắc chưa ai nghĩ đến việc trang trí cắm hoa xương rồng, nó mềm oặt, mau rũ và muốn hái nó, thì phải đủ can đảm vươn tay qua một rừng gai dày.

Xem thêm:   Cần gạt nước xui xẻo

Lũ trẻ chúng tôi ngày ấy thì khác. Không có nhiều món ăn, hiếm có gì chơi thì hái xương rồng cũng là một thú vui giản đơn. Xương rồng mọc tràn ngoài đường, có thể thoải mái hái như là một loại quả dại bất kỳ, không sợ bị người lớn la mắng như khi tìm cách hái trộm ổi, vú sữa trong vườn họ … Đặc biệt, trái xương rồng vẫn ăn được và là những món mà đám chúng tôi lúc ấy sẵn sàng cho vào mồm, nào có sợ gì!

Thảo My nói: – Em ở An Giang, quê em không thấy cây này, mà em coi trên mạng nghe người ta nói ăn được!

Tôi cười: – Ừ ăn được chớ, ngày trước anh cũng ăn quài… Chút anh hái cho em ăn thử.

Xe dừng ngay đỉnh đồi cho mọi người xuống, chuẩn bị leo bộ từng bậc xi măng lên ngắm tháp. Tôi nhảy tót ngay tới bụi xương rồng đã nhắm sẵn nãy giờ. Ngắm nghía chụp vài tấm hình với hoa xương rồng, rồi tìm cách vói tay hái mấy trái chín đỏ. Thảo My đứng ngoài nhìn chừng, hồi hộp đợi. Loay hoay vẹt đám gai dày một hồi tôi cũng hái được 3 trái đỏ mọng.

Quả xương rồng nhỏ xíu, tầm cỡ nắm tay em bé, mọc ra ngay thân, nên cũng dễ vặt ngang, chỉ có điều trên thân quả vẫn còn rất nhiều đốm gai lởm chởm, đâm ra tua tủa. Ngày trước, để hái quả xương rồng, chúng tôi phải bọc tay vào trong cái áo dày để không bị gai nhỏ trên thân trái châm vào. Vậy mà nay quên mất, hái xong 3 trái chín, thấy cảm giác gờn gợn giữa lòng ngón tay cái mới biết mình đã bị gai đâm vào, nhưng nhức.

Xem thêm:   Tháng 9 mộng mơ

My xuýt xoa đón lấy trái xương rồng từ tay tôi, cẩn thận lột nhẹ vỏ, né những đốm gai và đưa vào miệng nếm thử phần ruột chín bên trong. Nó cười khì: “Ngon, ăn được, ruột như thanh long đỏ mà vị lạ lắm anh Bình!”.

Tôi cũng cười, lướt lướt xem lại mấy tấm hình xương rồng vừa chụp trên điện thoại, vừa thấy vui vui vì đã làm được một điều nho nhỏ: hái món trái dân dã miền Trung cho đứa em miệt thứ nếm thử.

My cười hồn nhiên: – Hồi nhỏ, em cũng từng ăn mấy thứ trái cây quê mùa kiểu vầy. Chùm bát, bình bát gì em cũng ăn tuốt!

Bất giác, My làm tôi chợt nhớ đến những buổi trưa nắng của ngày xưa quay quắt. Nay dù đã lớn rồi, đi nhiều nơi, đã có thể làm ra đồng tiền để tự mua lấy món bánh, món trái cây mình thích, vậy chứ tôi vẫn chùng chình nỗi nhớ, mỗi khi thấy hình ảnh quả dại nào đó lại bất chợt lướt qua đánh thức miền ký ức. Ngón tay cái hãy còn đau nhức, chưa nặn ra hết được phần gai gãy chìm bên trong, vậy mà những ký ức của những buổi trưa nắng ngày nào cùng với đám bạn quê vẫn dậy lên thắm đậm, ngọt ngào.

Như nhà văn Tống Phước Bảo đã từng viết trong một truyện ngắn của mình: “Ký ức, suy cho cùng, như dòng máu luôn tuôn chảy trong huyết quản chúng ta, nuôi sống chúng ta từng ngày. Chỉ là chúng ta cố tình lãng quên nó mà thôi. Nhưng chắc chắn trong đời, không chỉ một lần, mà rất nhiều lần, mớ ký ức ấy lại trỗi dậy mạnh mẽ, khiến ta thêm lần nữa khắc khoải, mông lung và da diết nhớ”.

Xem thêm:   Nữ điêu khắc gia "Camille Claudel" bước ra từ bóng tối

Thì đây, dưới cái nắng chói chang ở đất Phan Rang và nụ cười tươi rói của em gái miền Tây sau khi nếm thử món xương rồng dân dã, vô tình khiến tôi trỗi dậy thêm một lần nữa cái cảm giác “khắc khoải, mông lung và da diết nhớ” về những kỷ niệm của ngày xưa.

NTB (Tháng 6.2024)

(*) Tháp Po Klong Garai: cụm tháp Chăm độc đáo ở phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Ninh Thuận hiện nay.