Trong bài trước, tôi đã kể với quý vị về bà Amanda Claypool (nhà văn, nhà báo tự do) nhận công việc là người phục vụ Waffle House với mức lương 2.92 Mỹ kim một giờ. Để làm nhân viên ở nhà hàng này, trước hết, bà Amanda Claypool phải chi ra 28 Mỹ kim để mua một đôi giày chống trượt, 10 Mỹ kim cho tiền đổ xăng xe mỗi ngày, 13 Mỹ kim cho bữa ăn trưa tại nhà hàng (không có bữa ăn miễn phí, nhân viên được giảm giá 3 Mỹ kim), 4 Mỹ kim cho tiền thuế/tuần.

nguồn: thenews.com.pk 

Bà Amanda Claypool không nói rõ đồng phục nhân viên phải mua hay nhà hàng phát cho dùng. Tính tới tính lui các khoản thu chi, mỗi ngày bà Amanda Claypool phải làm việc không công cho nhà hàng một giờ. Bù lại, nhân viên được nhận 100% tiền típ từ khách hàng. Mỗi ca làm việc 7 giờ, bà Amanda Claypool kiếm được 75 Mỹ kim tiền tip, nhưng bà cũng nói thêm một cách hài hước rằng “Tôi phải quét sàn nhà, rửa bát đĩa bàn của tôi, đổ đầy lọ muối và hạt tiêu vào bàn của tôi. Nhưng sàn nhà bẩn và chồng bát đĩa không để lại tiền tip.” Như vậy, trung bình bà kiếm được hơn 10 Mỹ kim tip cho một giờ làm việc.

Tháng trước, tôi có đọc một khảo sát trên mạng, trong đó nói rằng ở tiểu bang Cali khách cho tiền tip ít nhứt, đặc biệt ở khu vực có đông người Việt sinh sống. Người Việt có truyền thống văn hóa “tip” hay không? Xin thưa rằng không, được người bán hàng phục vụ, điều đó được coi là hiển nhiên và lại là truyền thống lâu đời theo hướng “Thuận mua vừa bán,” “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi.” Ðặc biệt là khu vực Nam kỳ thì “Khách hàng là Thượng đế” do dù khách chỉ tiêu xài, mua sắm rất ít, người bán luôn xởi lởi, chiều lòng khách, “mua cũng vui, không mua cũng vui”, để lần sau khách có nhu cầu thì nhớ mà quay lại tìm mình. Ở miền Nam, bước chân ra đường, chỉ cần đi gần tới một tiệm, quán nào đó là quý vị sẽ thấy nhân viên của quán chạy ra chào mời, chèo kéo quý vị vô quán của họ, được phục vụ tận răng, sử dụng restroom miễn phí và ít khi có mấy vụ “chặt chém” khách. Thỉnh thoảng cũng có khách rộng rãi tặng tiền “boa” bồi bàn theo kiểu Pháp, tức là khách hài lòng, vui vẻ thì thưởng tiền cho bồi bàn, thưởng cho đầu bếp, mà không phải là quy định bắt buộc. Nếu khách tức giận là không có tiền thưởng, mà khách sẽ “một đi không trở lại.” Môi trường kinh doanh cạnh tranh gay gắt dẫn tới ít khi các quán hàng nghĩ tới việc xin thêm tiền “boa”, yêu cầu khách nhớ tới mình và trở lại thì coi như đã là sự thành công rồi. Ở đây tôi chỉ đề cập tới những hàng quán đơn thuần sống bằng lợi tức buôn bán đàng hoàng, không tính những nơi núp bóng “buôn phấn bán hương.” “Miếng ăn là miếng tồi tàn” dù có ăn “khô lân chả phụng” mà thái độ khinh khỉnh thì người miền Nam không bao giờ bước chân vô quán đó. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi quán ăn vỉa hè giá bình dân ở miền Nam buôn bán rất phát đạt, sung túc, và không bao giờ có “đặc sản” “bún mắng,” “cháo chửi” như “thổ đu” xứ Ðông Lào thời nay.

Xem thêm:   Nhạc sĩ Văn Phụng đàn cùng ta reo khúc “Ô mê ly”

Khi người Việt định cư ở Mỹ, họ cũng hòa nhập lối sống Mỹ bằng cách vô hàng ăn thì để lại tiền tip. Trong các bill quán ăn Mỹ đưa ra (có phục vụ bàn), thường ghi tip từ 7% – 15% trên tổng số tiền khách phải trả, khách tùy ý chọn, có thể thấp hoặc cao hơn đến 20%. Tuy nhiên, phần lớn quán ăn Việt ở Little Sài Gòn luôn để bảng “Cash Only,” thậm chí có quán cơm đặt hẳn cây ATM trong quán để khách rút tiền mặt ra trả chớ không nhận trả bằng thẻ. Vì vậy, khách Việt cũng có thói quen tip bằng số chẵn, thí dụ: $1, $2, hoặc $3… Thông thường, cứ mỗi khách ăn tip $1/tô (bún, phở, cháo…) Trước đây, giá bán chưa tới $10/tô thì tip $1 coi như hơn 10%. Hiện nay giá bán đã tăng trung bình $13/tô nhưng khách vẫn tip $1 như cũ, vì tình hình tiền bạc eo hẹp, thậm chí người ta hạn chế đi ăn tiệm nên kiếm được $1 cũng gọi là “gian nan” trong thời buổi này. Có người cho rằng bồi bàn lấy order, bưng thức ăn nước uống ra, dọn dẹp bàn thì trách nhiệm của khách là phải đưa tip, ai không tip tức là “cướp công”, “ăn cướp.” Suy nghĩ này không đúng, người chủ thuê bồi bàn để làm những công việc ấy, nếu không thì người ta thuê mình vô tiệm người ta để làm gì?

Cash only

Tôi đã đi ăn hầu hết tiệm Việt ở Little Sài Gòn và rút ra kết luận là tất cả nhân viên bồi bàn tiệm ăn Việt đều “tay ngang”, không biết cách phục vụ bàn. Có những tiệm ăn Việt “giành” lấy hết phần tip hoặc “chia” một phần tip của bồi bàn, khiến cho bồi bàn “dằn mâm xán bát” làm khách không trở lại lần hai. Các lỗi thường gặp là: Bưng mâm đồ ăn, thức uống để trước bụng, vừa đi vừa cười nói, thở phà phà thoải mái vô mâm, có người cho hẳn ngón tay cái vô tô thức ăn, đũa trong ống để trần cắm (đầu ăn) xuống đáy ống kim loại, mà dưới đáy ống thì… Khách vô quán thì không chào khách, đặt tờ Menu lên bàn rồi đứng nhìn khách, bưng đồ ăn ra đặt lên bàn rồi thôi (không biết mời) từ đầu tới cuối không biết nói câu “cám ơn” khách, có khi mặt còn gằm gằm nữa. Ðặt thức ăn lên bàn xong là “biến mất,” muốn xin thêm thứ gì cũng khó. Và còn rất nhiều lỗi khác nữa. Có thể nói khách Việt rất dễ tánh, gặp khách Tây thì đừng hòng họ ngồi đó ăn. Ngay cả nhà hàng lớn nhận đặt đám tiệc, menu từ 5 đến 10 món mà từ đầu đến cuối khách chỉ được cung cấp duy nhất một bộ chén dĩa, restroom bẩn thỉu và thiếu giấy vệ sinh, dù không nói ra nhưng khách rất mất thiện cảm với nhà hàng đó.

Xem thêm:   Thác lửa ở California!

Khách Việt cũng hiểu bồi bàn là người làm công, nên phục vụ tệ thì họ vẫn để lại $1 vì “thông cảm” chớ không phải vì trách nhiệm, nghĩa vụ với người bồi bàn. Có lần, tôi và bạn tôi vô quán ăn chả cá Thăng Long phần 2 người ăn, khi dọn ra chỉ có một chén mắm tôm. Bạn tôi gọi 2 lần xin thêm chén mắm tôm (2 người bồi) thì họ lơ đi như không nghe, đến người bồi thứ 3 mới bưng ra một chén mắm tôm. Sau đó tính tiền chén mắm tôm $1.5. Sợ quá, tôi thề không bao giờ ăn chả cá ở quán đó nữa. Hỏi lại, hóa ra rất nhiều bạn Facebook (đang cư trú ở Little Sài Gòn) cười rộ lên, nói rằng đã hơn 10 năm họ không tới quán đó.

Tôi luôn tuân thủ nguyên tắc: Muốn được người khác tin cậy, trước tiên hãy chứng tỏ cho mọi người thấy bạn là người đáng tin. Không dùng tên giả, không nói dối, không khoa trương ngoài khả năng, không bép xép, không tò mò chuyện riêng của người khác, giữ chữ tín với bất kỳ ai. Tôi có may mắn được học một lớp phục vụ bàn dành cho khách sạn 3 sao trở lên và làm việc 5 năm trong ngành du lịch, điều đó giúp tôi hiểu rằng trong kinh doanh cũng vậy, muốn được khách hàng tip và sẵn sàng tip nhiều, trước hết chính mình phải là người bồi bàn phục vụ tốt, gây ấn tượng và thiện cảm với khách hàng. Ðôi khi, tiệm bán món ăn cũng sêm sêm với tiệm khác thôi, nhưng khách quay lại vì thích thái độ phục vụ của chủ tiệm và bồi bàn.

Xem thêm:   Đọc Kính Vạn Hoa của Nguyễn Nhật Ánh

“Ðồng tiền liền khúc ruột”, đừng chửi sau lưng khách, mà hãy chứng minh cho khách thấy bạn xứng đáng được họ tip và tip nhiều tiền. Trừ khách hàng nghèo, hoặc quá keo kiệt, thì phần lớn ai cũng muốn thưởng công xứng đáng cho người bồi tận tình, vui vẻ.

TPT