Nước Miến Điện (Burma) nay thường được biết đến với tên gọi là Myanmar, một quốc gia khá rộng lớn tại Đông Nam Á có biên giới với Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào và Thái Lan. 

Myanmar là quốc gia đa tôn giáo, đạo Phật chiếm đa số với tỉ lệ 89.3%, Thiên chúa giáo: 5.6%; đạo Hồi 3.8%; đạo Hindu 0.596; các tôn giáo khác như Do Thái giáo, Ða thần giáo, Vật linh giáo, chiếm khoảng 0.8%.

Người dân Myanmar sùng đạo Phật, tại bất kỳ thành phố, thị xã nào đều có ít nhất một ngôi chùa và một tu viện Phật giáo và du khách sẽ thấy chùa chiền khắp nơi nơi. Ðạo Phật ở Myanmar theo dòng Theravada, là Phật giáo Nguyên thủy – tức dòng Phật giáo Tiểu thừa, phái Nam Tông. Nơi đây nhiều di sản văn hóa nổi tiếng bao gồm các ngôi chùa cổ hàng ngàn năm, các đền đài, và nhiều lễ hội truyền thống.

Trang phục LongYi (váy dài)

Rời phi trường Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn, và chỉ sau 2 giờ bay là chúng tôi đến được phi trường Yangon của Miến Ðiện. Trước năm 2006, thành phố Yangon là thủ đô của Miến Ðiện, vì thế quang cảnh nơi đây khá hiện đại và đông đúc.

Tuy nhiên, chỉ vài chục phút, sau khi xe rời khỏi cố đô Yangon, quang cảnh yên bình với những ngôi Chùa cổ xưa và cảnh sinh hoạt đời thường của người dân Miến với những nét văn hoá đặc biệt dần hiện ra .

Trang phục truyền thống ngày lễ hội

Ðàn ông ở đây thường mặc váy dài (Longyi) với nút thắt ở giữa còn váy của phụ nữ thì nút thắt sẽ nằm một bên. Rất nhiều người vẫn nhai trầu chóp chép kể cả đàn ông và cả những bác tài xế taxi. Hầu hết phụ nữ có sở thích bôi mặt bằng bột của rễ cây thanaka mài ra trộn với nước hoặc sữa, với mục đích vừa để làm đẹp, vừa bảo vệ da khỏi các tác hại của môi trường.

Xem thêm:   Lời tạ lỗi

Miến Ðiện còn được mệnh danh là “miền đất Phật” vì có hơn 90% dân số theo đạo Phật, Phật giáo đã có ở đây từ thế kỷ thứ VI và hiện là tôn giáo chính của Miến Ðiện. Chúng ta có thể thấy những ngôi chùa ở khắp mọi nơi, từ thành phố lớn đến làng quê nhỏ. Những ngôi chùa được xây dựng với nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, nhưng đều mang nét đặc trưng của Phật giáo Miến Ðiện.

Phong tục bôi mặt của phụ nữ Miến Điện

Nổi tiếng nhất ở Miến Ðiện là ngôi chùa Shwedagon, còn gọi là Chùa Vàng vì có một bảo tháp được dát vàng ròng với tổng trọng lượng khoảng 90 tấn, bảo tháp còn được trang trí với hàng ngàn viên kim cương và hồng ngọc quý giá, bao gồm một viên kim cương 76 carat đặt trên đỉnh tháp. Ðây cũng chính là một bảo vật của đất nước Miến Ðiện

Ngôi chùa này đã tồn tại khoảng 1600 năm, khoác trên mình một màu vàng vừa cổ kính trang nghiêm nhưng cũng rất tráng lệ, rực rỡ trong ánh ban mai và được chiếu đèn sáng rực khi đêm về.

Chùa Shwedagon (Chùa Vàng)

Chúng tôi may mắn đến chùa vào lúc sáng sớm của ngày lễ Phật, và có dịp thấy từng đoàn người khắp nơi về đây lễ bái, một số gia đình quyền quý mặc những bộ trang phục truyền thống thật lộng lẫy và có người cầm lọng che dẫn lễ, nhìn ai cũng đầy vẻ trang nghiêm, thành kính…

Xem thêm:   Hát quán nhậu

Chùa Shwedagon là một biểu tượng Phật giáo của Miến Ðiện, và nó là một địa điểm thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi trên thế giới.

Khinh khí cầu đưa du khách ngắm đền tháp tại Bagan

Rời khỏi cố đô Yangon đi về phía Bắc, chúng tôi dừng chân tại phố cổ Bagan, một địa danh rất nổi tiếng của Miến Ðiện với khoảng 2000 ngôi đền, chùa và tháp được xây dựng trong thời kỳ hoàng kim của vương quốc Miến Ðiện, từ thế kỷ XI đến thế kỷ XII.

Vào lúc bình minh ló dạng, có rất nhiều “quả bóng bay” bỗng xuất hiện trên bầu trời tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp – du khách muốn ngắm nhìn bao quát quang cảnh của nơi đây chỉ có một cách là đứng trên những khinh khí cầu như vậy.

Linh vật (Chinthe) khổng lồ trước chùa Vàng

Ði xa hơn nữa về phía Bắc, cách Bagan khoảng 180km là địa danh Mandalay với Hoàng Cung thật tráng lệ đã được UNESCO đưa vào di sản của thế giới vào năm 1997. Cung điện này được xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống của Miến Ðiện, cạnh nơi ở của nhà vua và hoàng hậu là các ngôi đền với bức tượng Phật bằng vàng nguyên khối và bằng cẩm thạch. Chúng tôi vừa kịp ngắm hoàng cung khi hoàng hôn buông xuống và trước lúc người ta bắt đầu đóng cửa.

Dâng lễ tại chùa Shwedagon

Ngoài việc thăm thú các di tích lịch sử, đến với một làng nghề truyền thống để xem người dân làm ra các sản phẩm mỹ nghệ cũng khá thú vị, từ những nguyên liệu tre nứa biến thành những tác phẩm sơn mài thật đẹp.

Hoàng cung Miến Điện tại vùng Mandalay

Buổi tối chúng tôi đến một nhà hàng, vừa thưởng thức các món ăn ngon và vừa xem những màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống khá đặc sắc với âm thanh từ những nhạc cụ cổ truyền của Miến Ðiện.

Xem thêm:   Phát minh này hao… người

Ẩm thực của Miến Ðiện rất đa dạng và phong phú, chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau, bao gồm Trung Quốc, Ấn Ðộ và Thái Lan, nhưng đặc điểm nổi bật là số lượng món ăn, trong các bữa ăn theo truyền thống thường có đến hàng chục món ăn được bày ra trên bàn.

Mỹ nghệ sơn mài của Miến Điện

Ðặc điểm giao thông ở Myanmar là, tuy xe chạy bên lề phải, nhưng đa số các xe đều có tay lái bên phải, trái với quy tắc chung. Ðiều này gây ra một số khó khăn cho khách du lịch khi lái xe ở Myanmar, và với nhóm du khách chúng tôi khi bước lên taxi, thường vào nhầm ngay ghế của tài xế, và ngồi vào vị trí này. Ai cũng có những phen hoảng hồn khi xe lạng lách vượt nhau trong cảnh giao thông hỗn độn ở xứ này.

Múa rối truyền thống

Vùng đất bình yên Miến Ðiện tuy có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhưng hiện nay vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng, và sự bất ổn về chính trị đang làm trì trệ sự phát triển của cả đất nước.

Tài xế ở phía ghế phải trên đường chạy cùng bên phải

NNH

Myanmar (Miến Điện), tên chính thức là Cộng hòa Liên bang Myanmar, là một quốc gia tại Đông Nam Á. Myanmar có biên giới với Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào và Thái Lan. Một phần ba tổng chu vi của Myanmar là đường bờ biển giáp với vịnh Bengal và biển Andaman. Myanmar có diện tích 676,577 km2 (261,288 mi2) rộng gấp đôi Việt Nam nhưng dân số ít hơn, khoảng 51 triệu. Thủ đô là Naypyidaw, thành phố lớn nhất là Yangon.