Lời tòa soạn: Nhân sự kiện nhà sách Nhã Nam trong nước in lại tác phẩm Vòng Tay Học Trò của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, một tác phẩm thực sự ăn khách khi nó xuất hiện vào thời điểm 1964-1966, với 4 lần tái bản sau đó, và với vô số lời chỉ trích phê bình về luân lý. Trẻ xin giới thiệu bài phỏng vấn tác giả do Nguyễn Hoàng Diệu Thủy thực hiện.

Thưa nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, bà nghĩ gì khi tác phẩm của mình sau hàng chục năm vắng bóng nay được in lại hết sức trang trọng?

Trong suốt mấy mươi năm chôn vùi tự ý, đã có lúc cảm thấy lạc loài khi thoáng qua những quầy sách ngập tràn sắc màu và tên tuổi mới. Những lúc khác, nhận ra phương vị mình bên lề đời có lẽ thích hợp hơn được xếp hàng vào tầng bậc một thời gian và nhịp điệu khác. Bởi tự nghĩ mỗi người chỉ có một thời thôi.

Tuy nhiên, đôi khi vì những tiếng gọi từ độc giả gần xa, từ những âm vang ngân nga không dứt trong cảm niệm riêng mình về từng khúc viết qua đời, mong muốn nao nức bầy con mình, những tác phẩm không quên lãng mà vùi chôn, được cách nào đó hồi sinh…

Thế rồi bỗng nhiên nhà xuất bản gõ cửa.

Con đường đôi khi chỉ bắt đầu ở đoạn cuối, nên tiếp tục nếu còn có thể không phải chỉ là viết, mà viết để làm gì. Nên ở trường hợp tôi, việc in lại sách sau mấy mươi năm vắng bóng hoặc làm sống lại tác giả tác phẩm không còn quan trọng bằng hệ quả ấy lay tỉnh được cơn ác mộng hoặc quay đều lại một thứ động cơ tắt ngấm từ lâu.

Nên in lại, không phải là hồi sinh tác phẩm cũ, mà cuộc mở đường cho tác phẩm mới nếu có.

Bà có trên ba mươi tác phẩm đã in, những cuốn được chọn tái bản lần này là do bà gợi ý?

Trừ Vòng tay học trò là nhà xuất bản tuyển chọn, những cuốn khác tự ý kiến tôi, vì chủ đề hay nội dung là quan niệm hay thái độ, đúng hơn chỉ là xúc động và cảm nhận của tác giả về một giai đoạn… Riêng cuốn Một ngày rồi thôi là không gian thời gian những năm 1950 của Huế và trường Ðồng Khánh, với chỉ một vài phần trăm những câu chuyện tình thơ dại hay thâm trầm, bóng dáng thời xa vắng khi tác giả học đệ ngũ, viết bài thơ Chi lạ, thiên hạ vẫn cho là thơ của ngày nay.

Ba cuốn Tiếng chuông gọi người tình trở về, Tuần trăng mật màu xanh và Cuộc tình trong ngục thất, cùng chung một chủ đề và không khí của những năm đầu 70, thời gió mưa và chiến trận tơi bời, tâm trạng tình thế và thái độ của những người trẻ khao khát sống một mùa xanh thái bình.

Xem thêm:   Nghề “The Squatter Hunter” - “Gậy ông đập lưng ông”

Bà từng là nhà văn được thế hệ thanh niên trước đây vô cùng yêu mến, vậy bà có ngần ngại về khả năng tiếp cận của người trẻ bây giờ đối với những tác phẩm của bà không?

Chỉ siêu phẩm của những thiên tài, mới không phân biệt thể loại đẳng cấp và tuổi tác nào. Ngoài ra, tất cả mọi tác phẩm, dẫu cùng chung một thế kỷ, cũng phải chịu cách biệt thế hệ. Cho nên giới trẻ ngày nay, vì không nhận được hay nhận ra những gì quá khác xa mình rất có thể khó cảm nhận mến yêu những tác phẩm của thời xưa trước.

Tuy nhiên, nếu vì nhu cầu nghiên cứu cho chương trình học hoặc nhẹ nhàng hơn, một phương tiện tiêu khiển hay giải trí, thì văn học nghệ thuật vẫn là một bộ môn song hành với những khám phá và   khai triển khác cho sinh hoạt tinh thần lẫn thực tế.

Thế nên, tôi không nghĩ giới trẻ ngày nay phản ứng thế nào khi tiếp cận những tác phẩm đã già hơn tuổi họ quá nhiều. Nhưng những nhan đề, những thông tin và những gì khác nữa… nếu có thể là những tín hiệu phát sáng từ cõi tối, chỉ gợi chút chú ý hoặc lưu tâm và sau đó, họ mở dần từng trang tìm thấy phản chiếu tâm hồn mình trong đó. Cuộc tiếp cận, không phải người đọc và tác phẩm, mà gần gũi và thân ái hơn, người đọc và người viết, khi ấy, không phải xưa nay gì, chút đồng cảm chan hòa đủ xóa bỏ biên cương thời gian không gian.

Khi đôi bên tìm thấy nhau, một hấp lực tương tác xảy ra. Hiệu ứng là xúc động tâm hồn hoặc cao hơn, tâm linh, sẽ đánh thức căn tính cội nguồn của mỗi con người.

Bà là một nhà văn có sự nghiệp sáng tác khá đồ sộ đáng ngưỡng mộ, làm sao để có thể nuôi dưỡng bút lực dồi dào như vậy?

Dứt khoát, những gì có và làm ở trường hợp tôi không thể gọi là sự nghiệp. Sự nghiệp đích thực là những gầy dựng lớn lao, bằng cách nào tùy đẳng cấp và khả năng, cho xã hội, đất nước hay gì hơn thế nữa. Vì, viết không phải là sự nghiệp ở trường hợp tôi mà là một ước nguyện, tất nhiên vô hình trừu tượng, một hành trình tâm tưởng, không thể hiện vì thế chẳng biết đến bao giờ thành tựu.

Mấy mươi năm, nếu viết là sự nghiệp, tôi đã đeo đuổi tới cùng những cơ hội, những phương tiện thường tình, với chút tên tuổi phù du, để đạt tới một mục đích hay một vị trí nhỏ nhoi nào đó trên văn đàn. Ngược lại, tôi đứng mãi hay đi hoài cũng một mình bên lề đời, không phe nhóm không hội hè, không lễ lạt, không kết giao…

Xem thêm:   Kẻ ngốc

Chuyện ngưỡng mộ thì như một thiện cảm hay sắc phong thái quá, tôi tự hỏi mình có đúng và đáng được thế hay không. Vì quen sống rất yên và rất riêng trong góc đời mình, tôi rất xa lạ và ái ngại với những biểu lộ ân cần của những độc giả từ mấy mươi năm tìm gặp lại, và cả giới trẻ ngày nay, với tràng pháo tay, lời bày tỏ, những bông hoa, chồng sách cũ đi tìm chữ ký… Dù vô cùng cảm kích những người yêu mến nồng hậu ấy, tôi băn khoăn không biết đền đáp lại cách nào đúng đủ.

Về bút lực thì có. Nhưng nuôi dưỡng bút lực thì không. Vì bút lực ấy không hề cũng không cần được nuôi dưỡng. Nơi tôi, phần dung chứa vốn tự nhiên sẵn có và mãi hoài như thế. Như lòng giếng sâu, có thể nhìn thấy hoặc không nhìn thấy nước. Múc lên thì có được nước. Giếng có lúc cạn lúc sâu, nhưng múc hay không múc, mạch nước vẫn lặng thầm mạch sống.

Vấn đề là, mạch sống ấy gần như hơi thở, chan hòa được thì thở, ngưng trệ là nhịn thở. Tích lũy thì mạch sống ấy trở thành ngọn lửa.

Ngày xưa tôi viết bằng máy chữ với giấy pelure mỏng. Riêng cuốn đầu tiên, Vòng tay học trò, chỉ viết tay. Tay hay máy cũng cần nhanh bằng hoặc nhanh hơn tốc độ những gì chất chứa tuôn tràn hay phóng tỏa. Một hơi hàng chục trang, vất bề bộn giữa nền nhà. Khi cơn viết ngừng, nhặt lên sắp vội, xong chuyện, giao luôn cho nhà xuất bản. Không đọc, không sửa cũng không nghĩ gì đến xấp bản thảo trao đi, vì những chuyện khác việc khác cấp bách bao vây chờ đợi. Cũng có khi, đến một khúc đoạn nào đó, cảm thấy không hứng thú, dừng lại, bỏ ngang để viết qua một chuyện khác bỗng nhiên cảm thấy ưa thích hơn, sau đó bắt lại mạch lạc viết tiếp khúc bỏ dở. Vì cách viết ấy, tôi thường viết một lúc hai hay ba cuốn. Cứ tháo xấp này ra, bỏ xấp khác vào máy chữ… không sai lạc không lẫn lộn bao giờ.

Bà đã được hưởng cả những vinh quang và lẫn nếm trải những cay đắng của nghề viết. Nhìn chung bà có hài lòng với sự nghiệp của mình không?

Với tôi, viết như thế hoặc nhiều hơn cũng không gọi là nghề viết. Còn phiền nhiễu hơn cả nghề. Với tôi viết là nghiệp, trong những loại nghiệp khác nhau phải cưu mang theo suốt đường đời. Và biết đâu, nếu trả chưa xong thì còn nhiều kiếp khác… Người ta vẫn nói chữ nghiệp hành. Nghiệp hành tâm trí xao xuyến, ưu tư thao thức, băn khoăn, ngày và đêm triền miên hậu trường của một sân khấu đời ngoài phải tính toán, tương giao, đối xử.

Xem thêm:   Thịt lợn không heo

Nếu có điểm dừng, hay hồi kết mới có thể nhìn lại phần trải qua để ngẫm xem như thế có đáng hài lòng hay bất mãn. Nhưng sau khoảng vắng mấy mươi năm, tôi vẫn là người đi qua và bây giờ đang đi, chút tên tuổi chẳng qua chỉ là mảnh vé đi vào cõi tạm. Con đường ấy không phải từ sinh đến tử, từ khởi đến tàn. Mà từ Không đến Có rồi từ Có trở về Không. Không đầu tiên là Không rỗng. Không cuối cùng là Không đầy. Ðời hiện tại cũng như đời sau trước, chỉ là những cây số trên đại lộ kiếp. Nhiều kiếp hay vô số kiếp triền miên cho tới thời chuyển kiếp mới có điểm dừng hay hồi kết. Ðó là lúc người đi qua không cần nhìn lại nữa, mà nhìn lên.

Bà có suy nghĩ gì về nền văn học Việt nói chung?

Sau cuộc trải qua, người viết không còn thản nhiên yên vui với cuộc đoàn viên với người đọc. Cần ý thức và trách nhiệm đối với văn hóa nói chung và văn học nói riêng, hiện tại và mai sau những thời kỳ phát triển toàn diện và trọn vẹn.

Trên khúc quanh của thế kỷ này, văn học đợi chờ tác phẩm, tác phẩm đợi chờ phê bình và ngược lại phê bình đợi chờ tác giả. Cách nào đáp ứng nhu cầu cho mỗi chủ thể liên quan? Về tác phẩm, những sách ngoại nhập dịch thuật giá trị đông đảo hơn sách hay nội bộ, thiếu vắng những tên tuổi và sáng tác tầm cỡ, (riêng về thể loại tiểu thuyết) nhân chứng cho đoạn hành trình leo dốc của tiến hóa. Cần thiết hơn là nhà phê bình khách quan và chân chính không theo một quan điểm lập trường chủ thuyết nào có kiến thức và phẩm cách cùng cảm thức, cao rộng bao trùm được tác giả cùng tác phẩm, để soi rọi toàn bộ những khía cạnh của vấn đề từng trường hợp, phân tích và tổng hợp về nội dung, tư tưởng, văn chương cùng mọi yếu tố khác của tác phẩm. Từ đó, phê bình là giới thiệu hướng dẫn người đọc đến tác phẩm chọn lọc đồng thời sưu tầm tuyển lựa kết nối những tác phẩm như là những viên ngọc quý vào xâu chuỗi giá trị văn học.

Tuy nhiên, không chỉ quyết định của phê bình, tác phẩm nào như hạt ngọc có tầm cỡ có sắc màu và phẩm chất ứng hợp với xâu chuỗi, sẽ tự định vị theo cùng và trường lưu. Từ đó mới có thể gầy dựng được một giá trị văn học nền tảng cơ bản và đích thực cho mọi loại kiến thức chuyên môn phong phú khác, chính là bản sắc hay thể tính văn hóa của dân tộc.

NHDT thực hiện

Hà Nội 2021