Ngày Ðộc Lập của nước Mỹ thường được gắn với ngày diễn ra sự kiện đại diện từ 13 thuộc địa đòi độc lập tại Bắc Mỹ đã cùng ký tên vào một bản văn có nhan đề: The Unanimous Declaration of the thirteen united States of America [sic]. Bản văn này sau đó thường được gọi là The United States Declaration of Independence (Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ) nhằm xác quyết ý chí của 13 thuộc địa tại Bắc Mỹ chính thức thoát khỏi sự quản trị của Ðại Anh để cùng thành lập một quốc gia mới có tên: The United States of America (Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ). Nội dung và tinh thần của Tuyên Ngôn Ðộc Lập Hoa Kỳ đã trở thành một di sản tinh thần vĩ đại của toàn nhân loại, là nguồn hứng khởi, tự hào cho nhiều triệu con người yêu tự do trên khắp địa cầu. Guillaume-Thomas Raynal, triết gia Pháp thuộc thời Ánh Sáng, khi theo dõi các diễn biến của Cách Mạng Hoa Kỳ đã không do dự thốt ra những lời thán phục: “leur cause est celle du genre humain tout entier et elle devient la nôtre”. (Công việc của các nhà cách mạng Hoa Kỳ là một sự nghiệp của toàn thể nhân loại và đang trở thành sự nghiệp của chúng ta).

Ðể chuẩn bị cho lễ kỷ niệm trọng đại lần thứ 200 ngày Ðộc Lập, Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson và Quốc Hội Mỹ năm 1966 đã ra một nghị quyết thành lập Ủy Ban đặc biệt cho sự kiện này. Trong số nhiều nguyên thủ thế giới tới dự lễ kỷ niệm có Nữ Hoàng Anh Elizabeth II mang theo quà tặng là phiên bản của quả chuông nổi tiếng có tên Chuông Tự Do (The Liberty Bell) nằm trong tòa nhà Hạ Viện của Tiểu Bang Pennsylvania tại thành phố Philadelphia. Ðây chính là nơi đã diễn ra lễ ký lịch sử Tuyên Ngôn Ðộc Lập ngày 04 tháng Bảy 1776.

Văn Khố Quốc Gia Hoa Kỳ (National Archives Building) tại thủ đô Washington D.C. đã quyết định để cửa ngỏ liên tục trong 76 giờ liền để công chúng và du khách dễ dàng tới chiêm ngưỡng tận mắt bản văn lịch sử – The Unanimous Declaration of the thirteen united States of America – nhân dịp sinh nhật lần thứ 200.

Song, sẽ thiếu sót nặng nề nếu nói đến ngày ký kết Tuyên Ngôn Ðộc Lập Hoa Kỳ, hoặc nói đến sự thành lập quốc gia Hoa Kỳ nhưng không nói tới ngày ký kết bản dự thảo Hiến Pháp Hoa Kỳ: 17 tháng Chín 1787.

Xem thêm:   Một đời lan

Nếu coi ngày đầu là dấu mốc cho khởi điểm để được độc lập, chia tay với một chính thể cũ để tự quản trị, thì ngày sau là dấu mốc cho khởi điểm của một chính thể mới sẽ mở ra những tự do, hạnh phúc hơn cho con người, xứng đáng với những nỗ lực, hy sinh đã phải cống hiến cho cuộc chia tay lịch sử 1776.

Vì lý do đó, vào tháng Chín năm 1987, Hoa Kỳ, dưới thời Tổng Thống Ronald Reagan, lại long trọng tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 200 cho sự Ðộc Lập của mình nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 200 bản dự thảo Hiến Pháp Hoa Kỳ được Hội Nghị Philadelphia thông qua. Sự kiện lịch sử này cũng diễn ra tại chính nơi đã diễn ra lễ ký Tuyên Ngôn Ðộc Lập: Tòa nhà Hạ Viện Pennsylvania tại thành phố Philadelphia. Văn Khố Quốc Gia Hoa Kỳ tại thủ đô lại quyết định để cửa ngỏ liên tục qua đêm cho công chúng tới chiêm ngưỡng bản dự thảo Hiến Pháp 1787, nhưng lần này với thời gian liên tục là 87 giờ.

Tại tòa nhà lịch sử tại Philadelphia nơi đã khai sinh ra bản Hiến Pháp thành văn còn hiệu lực lâu đời nhất của nhân loại, công chúng được đối diện với hai câu hỏi:

– Quý vị có sẵn sàng ký ủng hộ bản Hiến Pháp này?

– Nếu quý vị là người có mặt tại đây vào ngày 17 tháng Chín 1787, quý vị có ký tên ủng hộ bản Hiến Pháp này?

Nhiều khách viếng đã từ chối ký vì bản dự thảo Hiến Pháp không xác nhận các quyền phổ quát của con người.

Xem thêm:   Hổ Trướng Khu Cơ & danh tướng Đào Duy Từ

Chỉ thoáng nhìn vào Article 1 của Hiến Pháp chúng ta sẽ thấy ngay quan điểm phân biệt con người hiển hiện bất chấp bản văn đã được bắt đầu bằng những từ: We the People of the United States…  (Chúng tôi-Nhân Dân Hợp Chúng Quốc…) Article 1 có ba từ riêng biệt để nói về con người: free Persons, other Persons, và Indians. Ðối với các nhà lập quốc Hoa Kỳ, chỉ có loại người free persons mới có tư cách nhân dân (The People) để có thể trở thành cử tri hoặc được tính đếm là người dân cho việc lập ra các đại diện của dân, chưa nói tới tư cách được tham gia công việc quản trị xã hội. Chưa hết, đối với các nhà lập quốc Hoa Kỳ, còn có những phân biệt hiển nhiên bất thành văn khác: phụ nữ da trắng, và người da màu (bất kể nam, nữ), trừ một vài biệt lệ, đều không có các quyền tự do dân sự và chính trị như đàn ông tự do da trắng-gốc Âu.

Ðó là thực tế tại Hoa Kỳ vào thời lập quốc, cũng là những ý định mà các nhà lập quốc Hoa Kỳ (the founding fathers) không hề giấu diếm công luận. Tuy nhiên, các nhà lập quốc Hoa Kỳ không trói buộc tương lai vào họ. Bản dự thảo Hiến Pháp còn có Article 5 quy định quyền sửa đổi Hiến Pháp hoàn toàn thuộc về người dân, tức người dân có quyền thay đổi hoặc xóa hẳn những gì các nhà lập quốc đã muốn, đã lập. Ngay trong thời gian cầm quyền, tại thế của thế hệ lập quốc Hoa Kỳ, Article 5 đã được thực hiện bằng 12 bản tu chính. Ðây là những tu chỉnh không chỉ có ý nghĩa vĩ đại về tự do cho con người mà còn có giá trị đặt nền móng, tạo lập tư tưởng tôn trọng hiến pháp (constitutionalism) cho những người cầm quyền – tư tưởng sẽ mở đường cho mọi thay đổi vĩ đại sau này.

Chúng ta hãy cùng nhau xem sơ qua một số mốc liên quan tới hiến pháp Hoa Kỳ:

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/04/2024)

– 17 tháng Chín 1787: Thông qua dự thảo Hiến Pháp Philadelphia để chuyển cho các Tiểu Bang phê chuẩn.

– 21 tháng Sáu 1788: Dự thảo Hiến Pháp được 9/13 Tiểu Bang phê chuẩn, điều kiện tối thiểu để có hiệu lực.

– 04 tháng Ba 1789: Phiên họp đầu tiên của Quốc Hội Liên Bang theo Hiến Pháp 1787.

– 30 tháng Tư 1789: George Washington nhậm chức Tổng Thống Hoa Kỳ đầu tiên theo Hiến Pháp 1787.

– 29 tháng Năm 1790: Rhode Island, Tiểu Bang cuối cùng thứ 13, phê chuẩn Hiến Pháp 1787.

– 15 tháng Mười Hai 1791: Phê chuẩn Bill of Rights – mười tu chính án đầu tiên của Hiến Pháp – mười nguyên tắc căn bản cho các quyền con người có tính hiến định.

– 06 tháng Mười Hai 1865: Phê chuẩn Tu Chính Hiến Pháp 13 bãi bỏ chế độ nô lệ.

– 03 tháng Hai 1870: Phê chuẩn Tu Chính Hiến Pháp 15 mở đường cho đàn ông da màu có quyền bầu cử và tranh cử.

– 18 tháng Tám 1920: Phê chuẩn Tu Chính Hiến Pháp 19 mở đường cho phụ nữ có quyền bầu cử và tranh cử.

Các dấu mốc ít ỏi này đủ chứng thực các nhà lập quốc Hoa Kỳ là những người cầm quyền trung thực, họ tuyệt đối không coi hiến pháp là một thủ đoạn chính trị để lừa gạt dân chúng như trong nhiều cuộc “cách mạng” khác.

Lịch sử lập quốc, lập hiến và dựng nước của Hoa Kỳ không phải là con đường thẳng, dễ dàng. Phía trước Hoa Kỳ vẫn ẩn đầy khó khăn, rủi ro và luôn âm vang đủ mọi bất bình, chỉ trích từ trong ra ngoài. Song, một điều không thể phủ nhận, Hoa Kỳ là quốc gia phương Tây đầu tiên có con cháu của các nô lệ thời thế kỷ XVIII, XIX đã được nắm giữ các cấp bậc quyền lực, danh vọng cao nhất trong chính quyền. Ðây là kết quả của những nhà lập hiến, cầm quyền theo tư tưởng hiến định vĩ đại, tuy khiếm khuyết nhưng thành thật.

PHS

(11/06/2021)