Kỳ 1

Phải thận trọng khi bài bác Mỹ

Chỉ vài tuần sau khi Mỹ (và đồng minh phương Tây) rút quân, chính thể dân chủ tại Afghanistan đã nhanh chóng sụp đổ. Cũng giống như Sài Gòn, cách đây gần nửa thế kỷ, Kabul đã sụp đổ tất yếu trước sự tấn công của lực lượng phi dân chủ. Cũng như Việt Nam Cộng Hòa, chắc chắn sẽ có nhiều người Afghan oán thán nước Mỹ. Những kẻ độc tài chống Mỹ, sợ Mỹ lại có thêm một cơ hội thuận lợi.

Nhưng Afghanistan không phải là trường hợp duy nhất khi cái Ác ngang nhiên đè bẹp cái Thiện trước sự bất lực của toàn nhân loại trong thời gian gần đây. Chính quyền cộng sản tại Bắc Kinh đã thản nhiên thu hồi các quy chế tự do, khai phóng của đặc khu hành chính Hong Kong và lần lượt tống giam các nhà hoạt động dân chủ bất chấp các phản đối (có tính hình thức) của các cường quốc dân chủ. Chế độ độc tài hậu cộng sản thân Nga tại Belarus còn xâm phạm cả luật hàng không quốc tế, chặn bắt một máy bay nước ngoài phải hạ cánh khẩn cấp chỉ để bắt giữ một nhà đối lập trẻ tuổi. Những kẻ giữ quyền độc tài đảng trị tại Hà Nội cũng không kém hung hăng khi liên tục bắt giữ các nhà đối kháng chính trị, trấn áp, thậm chí tiêu diệt, các đồng đảng đối nghịch.

Những người vốn tin tưởng hay quá tin tưởng vào sức mạnh phương Tây, vào các nền dân chủ hàng đầu không thể tránh khỏi một cảm giác hẫng hụt, thất vọng nhiều ít trong thời điểm hiện nay. Cùng với những xung đột, phân ly chính trị, xã hội gay gắt tại Mỹ – nền dân chủ ổn định, hùng cường nhất thế giới – và những thiên tai, do tự nhiên hay do chính con người khích động, ngày càng nghiêm trọng hơn, bất ngờ hơn, nhằm vào toàn nhân loại, không dung tha bất kỳ cá nhân, quốc gia nào như đại dịch Covid-19, bão lụt, cháy rừng, nhiều người trong chúng ta có thể còn cảm tưởng nhân loại như đang ở trong một con tàu nhỏ không có la bàn, lại chết máy ngay giữa đại dương tối sầm giữa ban ngày.

Xem thêm:   Panatnikhom nhớ Bidong

Tuy nhiên, cuộc sống thực tế ngay trước mắt của đa phần chúng ta, nhất là những độc giả của Trẻ, thật may mắn, không bi thảm như thế. Các trò giải trí tiêu khiển nhằm đem lại vài chốc sung sướng cho con người vẫn tồn tại, nở rộ khắp nơi. Nhiều người vẫn hào hứng hoặc ráo riết cho các mục đích tích trữ, gia tăng không ngừng về của cải, danh vọng cho bản thân bằng mọi cách. Các đảng phái, tổ chức và nhiều cá nhân vẫn tiếp tục hoạch định các dự án nhằm giành quyền lực, chiếm ghế trong các cơ quan công quyền bằng những cách hợp pháp hoặc phi pháp. Con người vẫn đôn đáo tìm cái ăn, săn đón ái tình và kiếm tìm nhiều thứ khác hòng đáp ứng các dục vọng vô bờ của mình.

Người ta vẫn giận hờn, hiềm khích, kình địch và thù oán nhau đôi khi chỉ vì những thứ rất nhỏ mọn. Nhưng, nếu thật mộc mạc, thật chân thành với chính mình, chúng ta phải thừa nhận trong tất cả vài liệt kê tầm thường/bình thường vừa nói đều có lấp ló nhiều ít bản mặt của mỗi con người chúng ta. Theo người viết, đó mới thật là mặt cơ bản trong cuộc sống nói chung của toàn giống người. Có lẽ, chỉ có bậc thánh mới luôn luôn vướng bận với sự đau khổ, bất hạnh của tha nhân, mới luôn luôn dành hết/phần lớn thời gian của đời mình để nghĩ lớn, nghĩ cao cho cộng đồng, cho người khác. Hệ quả, chỉ có quốc gia-thánh, dân tộc-thánh mới luôn luôn hành động trên cơ sở lợi quyền, hạnh phúc của quốc gia khác, dân tộc khác.

Trên cái bản thể nói chung không lấy gì làm cao thượng hay tự hào như thế của nhân loài, chúng ta sẽ thấy hết sức tự nhiên và bình thường khi các cuộc can thiệp quân sự, phát động chiến tranh của Mỹ (hoặc của bất kỳ cường quốc, nhược quốc hiếu chiến nào khác) đều nhằm vào mục tiêu trước tiên là bảo vệ an ninh, quyền lợi của Mỹ (của quốc gia, chính quyền phát động chiến tranh). Chúng ta sẽ thấy những sự rút quân, rút chạy, tháo lui hay bỏ cuộc ngang chừng của Mỹ tại Việt Nam, Afghanistan, hay sẽ còn ở bất kỳ đâu đó, là chuyện bình thường, là chuyện sớm muộn tất yếu phải xảy ra trừ khi nước Mỹ có ít nhất một trong hai điều kiện sau: Một, chính phủ Mỹ có tham vọng chiếm giữ các vùng đất khác. Hai, tất cả các công dân Mỹ đều là những con người-thánh nhân có khả năng chịu đựng các thiệt hại, mất mát cho tha nhân vô giới hạn.

Xem thêm:   Hổ Trướng Khu Cơ & danh tướng Đào Duy Từ

Về điều kiện thứ nhất, từ sau Thế Chiến II cho tới nay, chính quyền Mỹ hoàn toàn không có tham vọng tìm thuộc địa. Về điều kiện thứ hai, đây là điều kiện không bao giờ có thể xảy ra trừ khi có một đột biến vô cùng huyền bí trong vũ trụ.

Nước Mỹ không chỉ là quốc gia của nhân loài, nước Mỹ còn là một quốc gia có cơ quan quyền lực công vận hành theo nguyên tắc dân chủ vào hạng nghiêm ngặt nhất thế giới. Mà cơ chế căn bản của dân chủ là các quyết định công đều phải dựa trên sự ưng thuận của số đông nhân quần. Ðáng tiếc, số đông nhân quần ở mọi nơi, trong đó có chúng ta, đều chỉ nghĩ trước tiên đến quyền lợi riêng tư của cá nhân mình, gia đình mình, quốc gia, xứ sở của mình.

Chỉ trong các chế độ độc tài, chính phủ và các nhân viên công quyền mới có thể hành động bất chấp mong muốn của số đông nhân quần. Ðặc tính này của chế độ độc tài có thể làm nảy ra một khả năng tốt đẹp cho nhân loại: một chính phủ độc tài có thể huy động cao nhất mọi nguồn lực và theo đuổi đến cùng cho một mục tiêu tốt đẹp của cộng đồng bất chấp sự phản đối (ích kỷ, hẹp hòi) của một số đông nhân dân. Nhưng khả năng (có tính giả thuyết) này đã bị thực tế bi thảm bác bỏ vào thập niên 1980 qua sự sụp đổ của khối quốc gia cộng sản với sự tồn tại trong ¾ thế kỷ.

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Về phương diện lý thuyết, giả thuyết này đã bị bác bỏ ngay trong nửa cuối thế kỷ XVIII khi thế hệ lập quốc Mỹ bác bỏ khả năng về một chế độ độc tài lương thiện vì họ có nhận thức rằng: Những kẻ cầm quyền là con người và quyền lực làm tha hóa con người vì vậy những kẻ cầm quyền buộc phải bị kiểm soát để hạn chế tối đa những nguy hiểm cho xã hội.

Theo triết lý chính trị này, chính quyền là một đối tượng cần phải bị để ý và kiểm soát. Vì vậy, việc phê phán, chỉ trích chính quyền Mỹ đối với thế hệ lập quốc Mỹ nói riêng hay đối với dân Mỹ nói chung là điều đương nhiên, bình thường và có lợi cho quốc dân Mỹ, quốc gia Mỹ. Chúng ta không thấy, hoặc rất khó thấy, công dân Mỹ bị xử phạt vì chỉ trích, phê phán lãnh đạo quốc gia hay bài bác chính quyền, chính thể Mỹ.

Trong các quốc gia đồng minh của Mỹ, việc chỉ trích, bài bác Mỹ, chính quyền Mỹ cũng là chuyện bình thường vì đây không chỉ là quyền tự do ngôn luận mà còn là phản ứng có tính dân tộc chủ nghĩa khó tránh trong bang giao quốc tế. Ðây cũng là phản ứng có lợi cho cả Mỹ và quốc gia sở tại vì nhờ thế mối quan hệ đồng minh luôn được cân nhắc và điều chỉnh trên cơ sở quyền lợi thực của cả hai.

Nhưng người dân Việt Nam chúng ta, dù đã ra hải ngoại, cần rất cẩn trọng khi muốn chỉ trích chính quyền Mỹ. Tại sao?

(còn tiếp)

PHS (19/08/2021) Tưởng niệm ngày Đế Quốc Việt Nam bị Việt Minh cướp chính quyền cách đây 76 năm