Kỳ 4

Khó khăn của Dân Chủ

Ngày 6 tháng Ba 1908, anh em nhà Michelin, một trong những “ông tổ” của ngành chế tạo lốp (vỏ) xe trên thế giới, công bố một giải thưởng có tính thách đố nhằm tạo ra cú hích cho ngành chế tạo máy bay: 100 000 quan Pháp sẽ dành cho người đầu tiên bay từ Paris và hạ cánh an toàn trên đỉnh núi Puy de Dôme trong thời gian dưới 6 giờ đồng hồ. Phải đợi hơn hai năm sau mới có hai nhóm thử cuộc, nhưng cả hai đều thất bại. Nhóm đầu tiên khi còn cách đích 15 km đã tiêu hết 6 giờ. Nhóm thứ hai suýt bỏ mạng sau khi mới cất cánh. Phải chờ thêm 5 tháng nữa, vào ngày 07 tháng Ba 1911 Eugène Renaux mới giật được giải thưởng (tương đương khoảng 39 triệu euro hiện nay) sau khi bay (cùng 01 trợ lý kỹ thuật) mất 5h10 phút để vượt qua khoảng cách gần 400 km. Năm 1923 người ta đã tạc tượng Eugène Renaux trên đỉnh núi Puy de Dôme để đánh dấu kỷ lục phi thường.

Chưa tới 50 năm sau, máy bay Concorde chở hàng trăm khách (do Pháp và Anh chế tạo) có thể cán đích 2000 km tuyệt đối an toàn chỉ trong 01 giờ; con người còn bay lên tận cung trăng rồi trở về nhà. Chúng ta còn thấy những kỳ tích gấp nhiều lần những thành công này nếu nhìn vào nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên, cơ khí, công nghệ hay kể cả sinh học.

Tuy nhiên, nếu kể từ bản Hiến Pháp Mỹ 1787, trong hơn 230 năm qua, bộ khung chính thể dân chủ của toàn nhân loại không thay đổi.

Nền móng của chính thể Ý DÂN, được bày tỏ qua Phiếu Tự do và Chính Trực một cách Định Kỳ.

Dựng trên nền đó là BA TRỤ CÁI sừng sững đứng ba nơi, nhưng không hoàn toàn tách rời nhau như chúng ta vẫn nghĩ: Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp.

Với bộ khung có tính cố định đó, mỗi quốc gia, thậm chí mỗi thời kỳ trong một quốc gia, chính thể dân chủ sẽ có những thay đổi, cải tiến, thụt lùi hoặc thích nghi với tập quán, kinh nghiệm, hoàn cảnh và cả những nhu cầu mới, xu thế mới rất đa dạng và khác nhau nhưng không thể phá bỏ bộ khung kể trên nếu muốn còn là: Chính Thể Dân Chủ.

Xem thêm:   Đồ chơi của người lớn

Ví dụ, nhìn vào nền móng Ý DÂN tại Mỹ, dù trong lịch sử việc bỏ phiếu đã chỉ được dành cho giới đàn ông và chỉ là đàn ông hội đủ một số điều kiện nào đó như tài sản, màu da nhưng việc bỏ phiếu trong giới hạn đó luôn được thực hiện định kỳ một cách công bằng, chính trực, hoàn toàn không có tính chất giả dối để che đậy một kết quả đã có trước.

Về sự xuất hiện của đảng phái, đây chỉ là kết quả tất yếu của nền móng Ý DÂN thông qua Lá Phiếu Tự Do và Chính Trực một cách Ðịnh Kỳ. Một khi chấp nhận ứng cử tự do và lá phiếu tự do, hệ quả tất yếu sẽ là hình thành các nhóm người cùng góp sức theo đuổi một đường lối cầm quyền khác nhau để giành được Ý DÂN cho nhóm của mình, đó chính là đảng chính trị. Hệ quả tất yếu này hiển nhiên tới mức ngay cả các nhà lập quốc Mỹ, những người ban đầu rất không ưa bè đảng, cuối cùng cũng phải chấp nhận và chính họ đứng ra lập đảng. Trên cái nền Ý DÂN này, chúng ta sẽ thấy có những ngôi nhà dân chủ chỉ có hai đảng hay nhiều hơn, thậm chí có tới hàng chục đảng chính trị là tùy thuộc vào ý muốn, kinh nghiệm, tập quán, lịch sử của «mỗi nhà» nhưng tuyệt đối không có chính thể dân chủ (thực sự) chỉ có một đảng chính trị.

Về HÀNH PHÁP, chúng ta thấy có sự hiện diện của chế độ tổng thống, chế độ thủ tướng và chế độ hỗn hợp tổng thống-thủ tướng (còn gọi là chế độ tổng thống, chế độ đại nghị, chế độ tổng thống-đại nghị). Trong hai chế độ sau chúng ta có thể thấy, dễ dàng hơn, hai cột trụ cái Hành Pháp và Lập Pháp lại tương giao có cái vẻ chồng lấn nhau (vì thành viên của hành pháp cũng là thành viên của lập pháp…). Song, sự tương giao, chồng lấn này chỉ có ý nghĩa như các vì kèo giằng chống giữa các cột trụ trong một ngôi nhà, không phải là sự nuốt chửng hay hủy hoại lẫn nhau giữa các TRỤ CÁI, đúng như yêu cầu của bộ khung cơ bản đã nêu.

Xem thêm:   Pháp khí

Ngay cả đối với TƯ PHÁP, chúng ta thường nghĩ rằng bộ phận này phải tuyệt đối tách rời với hai nhánh kia, HÀNH PHÁP, LẬP PHÁP. Nhưng thực tế lại có thể khiến chúng ta ngỡ ngàng, khi thấy có những chính quyền dân chủ (có chỉ số đánh giá rất tốt, như một số nước Bắc Âu) có hệ thống tư pháp, một phần, do chính nhánh hành pháp nắm giữ. Song, nếu xem lại bộ khung của chính thể dân chủ đã nêu, chúng ta sẽ thấy những chính quyền đó vẫn là dân chủ (thậm chí dân chủ cao) vì TƯ PHÁP của họ vẫn bảo đảm vai trò độc lập về chức năng – công tâm trong việc phán xử và bảo vệ pháp luật, không bị ảnh hưởng, chi phối bởi hai cột trụ kia.

Nhìn vào chính thể Anh quốc chúng ta không chỉ thấy có sự tương giao rõ giữa cả ba nhánh Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp mà còn có sự hiện diện của một quân vương/nữ vương. Ðặc biệt hơn, chính thể Anh quốc chưa bao giờ có hiến pháp bằng văn bản. Tuy nhiên, chính thể này từ nhiều thế kỷ đến nay vẫn giữ được danh tiếng cùng giá trị thực thuộc loại tốt đẹp nhất của chính thể dân chủ bởi nền móng Ý DÂN và BA TRỤ CÁI được thiết lập rất sớm và được bảo trì, bồi đắp không ngừng.

Tới đây, chúng ta đã đi quá xa ý tưởng đầu kỳ và quên mất câu hỏi cần phải đặt ra: Tại sao con người đã đạt rất nhiều tiến bộ, khám phá trong lĩnh vực khoa học tự nhiên nhưng trong lĩnh vực chính quyền chúng ta lại giậm chân tại phát kiến: Ý Dân, Chia Tách Quyền Lực?

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Trong bài viết ngắn gọn này, người viết xin nêu ra một câu trả lời riêng và ngắn gọn: Sở dĩ con người đã đạt được những phát kiến có tính đảo lộn trong lĩnh vực khoa học tự nhiên bởi đối tượng của nghiên cứu, quản lý, tác động trong trường hợp này là các vật chất, sự vật không có ý thức do đó chúng ta được tha hồ, tùy thích khám phá, nhào nặn, thử nghiệm. Ngược lại, trong lĩnh vực chính quyền, đối tượng của sự quản lý, nghiên cứu lại chính là con người-chúng ta, vì vậy sự tiến triển trong lĩnh vực này luôn gặp hai rào cản: Một, tính nhân bản không cho phép những thử nghiệm quá mạo hiểm có thể tiêu diệt con người; Hai, như một định lý nào đó đã được phát hiện trong toán học, con người không thể tự vượt qua được bản thể của con người.

Về điểm thứ hai, đã từng có những vĩ nhân vừa than thở vừa biết chấp nhận giới hạn này của con người:

“Many forms of Government have been tried, and will be tried in this world of sin and woe. No one pretends that democracy is perfect or all-wise. Indeed it has been said that democracy is the worst form of Government except for all those other forms that have been tried from time to time …” (Qua rất nhiều mô hình chính quyền đã và sẽ còn được thử nghiệm trong thế giới đầy tội lỗi và may rủi của chúng ta, không ai dám cho rằng chính thể dân chủ là hoàn hảo hay tuyệt đối khôn ngoan. Tuy nhiên, cần phải nói rằng dân chủ là mô hình Chính Quyền tồi nhất nếu không kể tới tất cả các mô hình đã biết.) – Winston S Churchill, 11 November 1947

Nhưng thực tế thường làm cho chúng ta quên mất, thậm chí không tin vào những nhận định như của Churchill.

(còn tiếp)