“Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất lên” là câu nói nổi tiếng của Archimedes (287-212 trước Công Nguyên). Ổng là một nhà toán học, nhà vật lý, nhà phát minh huyền thoại người Hy Lạp. Hình của Archimedes được in ở mặt trước của Huy chương Fields, giải thưởng danh giá được coi là “Nobel Toán học” (vì giải Nobel không bao gồm lĩnh vực toán học), được Hiệp hội Toán học quốc tế (IMU: International Mathematical Union) trao 4 năm một lần cho những nhà nghiên cứu nổi bật.
Ơ-rê-ca (Eureka, nghĩa tiếng Việt là “tìm ra rồi”) là một giai thoại nổi tiếng về cách ra đời của “lực đẩy Archimedes” và của mục.. này.
Chuyện là Vua Hiero II đặt một thợ kim hoàn làm một cái vương miện bằng vàng ròng. Vài tuần sau, người thợ kim hoàn báo đã dùng hết số vàng vua đưa. Vua Hiero II nghi ngờ thợ kim hoàn đã “xén” bớt, trộn kim loại khác vào vương miện. Vua giao cho Archimedes kiểm tra, tuy nhiên với điều kiện không được làm biến dạng chiếc vương miện.
Archimedes đã rất đau đầu với nhiệm vụ hóc búa này. Một bữa nọ, Archimedes bước vào bồn tắm thì nước trong bồn tràn ra ngoài. Càng chìm xuống, ông cảm thấy thân thể nhẹ hơn và nước tiếp tục tràn ra. Tới khi thân thể của ông chìm hẳn xuống nước, nước mới ngưng chảy ra ngoài nữa. Khi bước ra, mực nước trong bồn xuống thấp. Một tia sáng lóe ra: Archimedes ngờ ngợ suy đoán: số nước tràn ra có thể bằng với thể tích phần thân thể của ông chiếm trong bể nước. Ông lập tức đổ đầy nước vào lại bồn tắm và bước vào, để xác định lại suy đoán của mình.
Thấy được kết quả, ông mừng quýnh chạy ra ngoài la lên: “Eureka! Eureka!” (Tìm ra rồi, tìm ra rồi!) mà lúc ấy chưa mặc quần áo. Mọi người trong phố không hiểu chuyện gì, nhưng thấy buồn cười cũng hét ầm “Eureka”.
Trước mặt quần thần và vị quân vương, Archimedes đưa tới 3 vật: một cục sắt, một cục vàng, và chiếc vương miện. Cả 3 vật có trọng lượng bằng nhau. Ông lần lượt nhúng ngập chúng vào ba chiếc bình bằng nhau đã được đổ đầy nước, và đo lượng nước trào ra. Kết quả là lượng nước trào ra khi nhúng chiếc vương miện nhiều hơn khi bỏ tảng vàng vào, và lượng nước còn ít hơn so với tảng sắt. Archimedes giải thích: “Chiếc vương miện không làm bằng vàng ròng, cũng không phải bằng sắt! Chúng đã được trộn bạc vào đó”.
Người thợ kim hoàn đứng hình tại chỗ!