Người Việt xưa vốn thích chơi câu đối. Ngày Tết hai bên bàn thờ gia tiên phải có đôi câu đối. Tặng chữ, xin chữ, chơi câu đối là một cách thể hiện khả năng vận dụng linh hoạt chữ nghĩa, tài ứng đối, và đặc biệt là ai cũng chơi được mà không tốn tiền. Người thâm Nho thì chơi chữ Nho, người không thâm Nho chơi câu đối thuần Việt mà vẫn không làm giảm đi sự sắc sảo, sự biến hóa tài tình của câu chữ. Thậm chí, người miền Tây Nam Kỳ chơi câu đối còn nâng lên một “tầm cao” mới là đưa cách nói lái vô câu đối. Nói lái là một đặc trưng ngôn ngữ khôi hài của người Ðàng Trong mà người Ðàng Ngoài không biết.

Câu đối thuộc thể loại văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau, nội dung miêu tả, thể hiện ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả về một hiện tượng, một sự việc nào đó. Ðối có nghĩa là chọi nhau, ngang nhau, hợp nhau thành một đôi, nên câu đối là phải có cặp chớ không đi lẻ một mình. Câu ra đề cho người khác đối gọi là câu xuất, câu đáp lại mới là đối.

Nguyên tắc đối là động từ đối động từ, tính từ đối tính từ, đại từ đối đại từ, số từ đối số từ, liên từ đối liên từ, danh từ đối danh từ. Trong đó lại chia nhỏ ra, trong danh từ tên người đối với tên người, vật đối với vật, cảnh đối với cảnh… Có thể đối tương đồng (giống nhau) hoặc đối tương phản (chọi nhau.) Về âm luật thì thanh bằng phải đối với thanh trắc là bắt buộc, nếu cả hai cùng bằng hoặc cả hai cùng trắc thì đọc lên 2 câu nghe nó xuôi xị chớ chẳng thấy đối chọi gì hết.

Tiếu lâm dân gian kể, có thầy đồ nọ muốn khoe tài chơi chữ nên thường ra đề bắt học trò làm câu đối. Mà đã đối thì thầy đòi trò phải đối tương phản, gọi là “đối chan chát,” chọi kịch liệt, chớ không chịu đối tương đồng. Một hôm, thầy đọc câu xuất: “Thần Nông giáo dân nghệ ngũ cốc.” (Vua Thần Nông dạy dân nghề trồng ngũ cốc) Học trò biết ý thầy, nên thay phiên nhau cẩn thận hỏi: Thưa thầy, thần đối với thánh được không? Thầy trả lời: Ðược. Trò khác hỏi: Nông đối với sâu được không? Thầy đáp: Ðược. Lại hỏi tiếp: Gươm đối với giáo được không? Thầy trả lời: Ðược. Trò hỏi tiếp: Nghệ đối với gừng được không? Trả lời: Ðược. Lại hỏi tiếp: Ngũ đối với tam được không? Trả lời: Ðược. Trò hỏi tiếp: Cốc đối với cò được không? Trả lời: Ðược. Và thầy thầm nghĩ: Học trò ta hôm nay giỏi, chữ nào cũng đối chan chát cả. Hồi lâu, một trò đứng dậy nói: Thưa thầy, đối xong rồi. Thầy bảo: Ðọc to lên nghe coi. Trò đọc: Thầy ra đề “Thần Nông giáo dân nghệ ngũ cốc.” Ðối lại là “Thánh sâu gươm nước gừng tam cò.”

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/11/2024)

Chuyện kể tới đây là hết, tác giả không kể thêm là sau đó thì ông thầy có bị lên tăng xông máu, hay là cả lớp được trận cười nghiêng ngả còn ông thầy có cuốn gói nghỉ dạy hay không.

Giai thoại cũng lưu truyền câu “Da trắng vỗ bì bạch” là câu thách rất hiểm hóc, được cho tác giả là bà Ðoàn Thị Ðiểm “thử tài” Trạng Quỳnh. Tuy nhiên, Trạng Quỳnh là nhân vật không có thật nên tôi cũng nghĩ rằng tác giả câu “Da trắng vỗ bì bạch” không phải là bà Ðoàn Thị Ðiểm, mà là một người khác. Thực tế, câu thách đối này hiểm hóc tới mức độ rất nhiều văn nhân tài tử nước Nam trổ tài đối lại, nhưng tới hôm nay chưa có câu đối lại nào xứng đáng gọi là đối chuẩn chiếu theo nguyên tắc đối ở trên. Cái khó của câu xuất là ở chỗ da tức là bì (Hán Việt,) trắng tức là bạch (Hán Việt,) vỗ là động từ chỉ hoạt động, chính hoạt động “vỗ” lên da (có nước) phát ra âm thanh “bì bạch,” năm chữ kết hợp thành một câu có nghĩa miêu tả đầy đủ màu sắc, hoạt động, âm thanh, nhân quả.

Nghe đồn có vị học giả hậu sanh nào đó đối lại bằng câu “Rừng sâu mưa lâm thâm” và được vỗ tay khen nức nở. Theo ý tôi thì câu “Rừng sâu mưa lâm thâm” cũng lạc quẻ. Da thì phải đối với thịt, xương, mỡ, gân, cốt, răng, tóc… (bộ phận cơ thể,) trắng phải đối với đen, vàng, xanh, đỏ, hồng, tím. Vỗ là hoạt động có chủ ý của người, mưa là hiện tượng tự nhiên, không chủ ý… Mưa ở rừng thì phải ào ạt, nhờ ào ạt ta mới biết rừng có mưa, chớ mưa lâm thâm thì nước mưa không thấu nổi qua tán cây dày, thì ai mà biết rừng đang có mưa lâm thâm? Như vậy thì không tạo ra bất kỳ âm thanh gì hết. Nên “Rừng sâu mưa lâm thâm” là câu vô nghĩa và khiên cưỡng. Kiểu câu “Da trắng vỗ bì bạch” gọi là câu đối chết vì không có câu đáp.

Xem thêm:   Ai nhớ chăng ai

Mùng Một Quý Mão, tôi đăng Facebook câu xuất mời bạn bè làng Face đối vui: “Tất niên cọp bắt Xuân bay Phúc.” Tất niên là cuối năm Nhâm Dần (cọp,) Xuân vừa là mùa Xuân vừa tên lót của thủ tướng nhà nước cộng sản Nguyễn Xuân Phúc, vừa là tên của Võ Thị Ánh Xuân. Ngày 18-1-2023 (27 Tháng Chạp, Nhâm Dần) cọp bắt Ánh Xuân thay Xuân Phúc. Xuân Phúc bay chức, nên mùa Xuân này không có Phúc (bay Phúc.) “Cọp bắt” là nói lái, như ta nói “thủ tướng mà tưởng thú” vậy. Nếu tôi dùng chữ “Trừ tịch” (đêm giao thừa) thay chữ “Tất niên” thì dễ đối hơn một chút. Vì có thể dùng chữ “Nguyên đán” (Mùng Một) để đối với “Trừ tịch.” Nhưng tôi ra đề, nên tôi có lợi thế giành chữ trước nên người đối không thể dùng chữ Tân niên để đối với Tất niên được (năm phải đối với tháng, ngày,) mà Xuân đối với Niên thì không chuẩn. Cọp phải đối với Mèo (Quý Mão,) vừa phải là cặp chữ nói lái có nghĩa, và tương đương với hai chữ “cọp bắt.” Xuân phải đối với Hạ, Thu, Ðông. Bay (thuần Việt) phải đối với chạy, nhảy, bò, lết, bơi, lội. Phúc thì phải đối với Họa, Lộc, Thọ, Khang, Kiện, Cát, Tường, Lợi…

Cái khó nhứt ở chỗ tìm đâu ra tên của một người có chữ lót là một trong bốn mùa để đối với Xuân, tên lại có nghĩa tương đồng hoặc tương phản với chữ Phúc, thêm động từ vô giữa chữ lót và tên vẫn phù hợp ý nghĩa chính trị thời cuộc đang “nóng hổi vừa thổi vừa ăn” của nhà nước Việt cộng.

Xem thêm:   Vui buồn tháng Tư

Có nhiều bạn Face viết câu đối lại, thí dụ: “Tân niên Mão vồ Hà bay Ðam” (chú thích: Hà tài môi thay Vũ Ðức Ðam,) “Tàn xuân họa đến mạng vong thân,” “Tết đến mèo xơi Chính với Thường” (Chính là Phạm Minh Chính, Thường là Võ Văn Thưởng,) “Nằm đâu Thu Ðạm mất Bình Minh” (Thu vợ Phúc, Ðạm tức Ðam, Bình Minh là Phạm Bình Minh, tức không còn ánh sáng.)

Những câu này so nguyên tắc đối thì không chuẩn về ngôn ngữ lẫn âm luật. Chính với Thường là 2 nhân vật khác nhau. Xuân vừa là tên mùa vừa là chữ lót của Phúc, vừa là Ánh Xuân (3 nghĩa,) Chính (đơn nghĩa) không phải tên lót, nên không đối với Xuân được.

Facebooker Ban Mai đối: “Khai Xuân mèo đá Phú vùi Trọng” cũng đạt về ý nghĩa nửa câu đầu và nói lái, nhưng Phú vùi Trọng thì chưa được. Chưa thấy tên Phú nào “vùi” tên Trọng cả, còn Trọng thì đang phất to, nghe “giang hồ đồn” có khi Trọng “một đít 4 ghế” cũng nên??? Về mặt âm luật bằng trắc thì đọc lên nghe chỏi với câu đề.

Một bạn Face hỏi tôi đối lại như thế nào? Tôi trả lời: Tại thời điểm này người ra đề vẫn chưa có câu đáp.

Trong khi chờ các bậc thức giả, tao nhân mặc khách tiếp tục trổ tài “ba ngày Xưng bốn ngày Xẹp”, tôi mượn lời Facebooker Ban Mai tổng kết tình hình đấu đá xứ Ðông Lào:

“Tất niên cọp bắt Xuân bay Phúc”

Khai Xuân mèo đá Lú lộn lèo

Công cuộc đốt lò tôn mấy bậc

Già rồi thấy đá lại muốn leo…”

TPT