“Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất lên” là câu nói nổi tiếng của Archimedes (287-212 trước Công Nguyên). Ổng là một nhà toán học, nhà vật lý, nhà phát minh huyền thoại người Hy Lạp. Hình của Archimedes được in ở mặt trước của Huy chương Fields, giải thưởng danh giá được coi là “Nobel Toán học” (vì giải Nobel không bao gồm lĩnh vực toán học), được Hiệp hội Toán học quốc tế (IMU: International Mathematical Union) trao 4 năm một lần cho những nhà nghiên cứu nổi bật.
Ơ-rê-ca (Eureka, nghĩa tiếng Việt là “tìm ra rồi”) là một giai thoại nổi tiếng về cách ra đời của “lực đẩy Archimedes” và của mục.. này.
Alexander Fleming (sinh ngày 6-8-1881, tại Lochfield, quận Ayrshire, Scotland) theo đuổi ngành y tại Trường Y Bệnh viện St. Mary danh tiếng ở London (Anh). Sau khi tốt nghiệp, Fleming vào quân đội rồi thành đội trưởng Quân y trong Thế chiến I. Ông đã chứng kiến nhiều đồng đội chết vì chứng nhiễm trùng không kiểm soát được, vào thời điểm đó, thuốc sát trùng được sử dụng và thường gây hại nhiều hơn là lợi.
Nhận thấy tài năng của ông, cấp trên thuyết phục Fleming theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu thay vì phẫu thuật. Fleming được dẫn dắt bởi Almroth Wright, người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu miễn dịch và vaccine thời bấy giờ. Công việc của Fleming chủ yếu tập trung vào mục tiêu tìm kiếm một thứ “thần dược” diệt vi trùng.
Năm 1922, khi đang nghiên cứu một số vi trùng, Fleming bị sổ mũi và làm rơi một số giọt chất dịch vào một đĩa thí nghiệm, khiến vi trùng bị tiêu diệt. Fleming nghiên cứu và xác định chất lysozyme có trong nước mắt hoặc dịch mũi có thể giúp cơ thể chống lại vi trùng. Điều này dẫn tới nhận thức rằng có thể tìm được các chất diệt khuẩn không gây hại cho cơ thể người.
Duyên may tới vào năm 1928, trước kỳ nghỉ hè, Fleming quá mệt nên đã lười không rửa những đĩa thí nghiệm. Và sau khi trở về, khi Fleming đang kêu ca về khối lượng công việc thì chợt nhận thấy có gì đó khác thường. Khi ông đi vắng, nấm mốc đã mọc trong đĩa. Bản thân việc đó thì không có gì lạ cả. Tuy nhiên, loại nấm mốc đó dường như đã giết được Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) trong đĩa.
Sau thời gian thử nghiệm, Fleming xác định có loại nấm mốc “diệt trùng” ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn, quan trọng hơn, còn chống lại các bệnh truyền nhiễm thuộc họ Penicillium, ông đặt tên cho chất nó tiết ra là penicillin vào ngày 7-3-1929. Fleming công bố khám phá của mình trên Tạp chí Y học thực nghiệm của Anh nhưng không được chú ý.
Fleming gần như bỏ quên Penicillin đến khi những người khác biến nó thành sản phẩm hữu ích. Đầu những năm 1940, tiềm năng đầy đủ của penicillin mới được phát huy bởi nỗ lực hợp tác của Howard Florey (nhà dược học người Úc) và Ernst Boris Chain (nhà hóa sinh gốc Đức). Nhờ vậy, trong Đệ Nhị Thế chiến, Penicillin đã cứu vô số mạng sống. Không có nó, những người bị thương, dù rất nhẹ, cũng có thể chết vì nhiễm trùng. Ngoài ra, Penicillin còn chữa được cả bạch hầu, hoại tử, viêm phổi, bệnh giang mai và bệnh lao.
Tháng 3-1942, Anne Miller trở thành công dân đầu tiên được chữa khỏi bệnh nhờ thuốc kháng sinh.
Fleming và Florey đều được phong tước Hiệp sĩ năm 1944. Fleming, Florey và Chain cùng nhận giải Nobel năm 1945 về Y học.
Ngày nay, di sản của họ vẫn còn hiện diện trong từng lọ thuốc kháng sinh được sử dụng, trong mọi ca phẫu thuật thành công và trong cuộc sống của người dân trên khắp thế giới.