Quê Hương Việt Nam qua lời kể của Mẹ. Ký ức vụn vặt của hơn 40 năm. Chuyển gởi quê hương Việt Nam cho Việt Khôi, Việt Khải, Việt Khuê, các cháu trong tương lai của Mẹ Diệp cũng như con cháu trong gia đình ở Việt Nam.

Nông dân gánh lúa (Nguồn: internet)   

Các con, các cháu thương!

Thỉnh thoảng đi ăn nhà hàng Việt Nam ở Mỹ nói riêng hay tại hải ngoại nói chung, chúng ta bắt gặp những nhà hàng hay trưng bày quang gánh. Hội chợ Tết của những cộng đồng người Việt tại hải ngoại cũng vậy. Cứ mỗi lần nhìn thấy là mỗi lần nó gợi lên cho Mẹ không biết bao nhiêu là kỷ niệm và niềm cảm xúc. Hôm nay, Mẹ sẽ kể về quang gánh cho các con, các cháu nghe.

Quang gánh là hình ảnh gợi bao nhiêu thương nhớ của tuổi thơ ở miền quê. Nó gắn liền với không chỉ tuổi thơ của tôi mà còn của rất nhiều người Việt Nam. Nó gánh gồng bao lo toan, nhọc nhằn. Nó trang trải cho cả gia đình, chạy miếng ăn cho bao cuộc đời với số phận trôi nổi. Nó gắn liền với buôn gánh bán bưng, đi đôi với nỗi truân chuyên, gian khổ, nghèo khó, trải dài qua hàng thế hệ của bao người Việt Nam mà nhứt là sự tảo tần, một sương hai nắng của người phụ nữ Việt Nam.

Quang gánh đầy đủ gồm có một đòn gánh, hai cái thúng mắc trong một cặp gióng. Đơn sơ đến thế nhưng sao nó gợi lại biết bao nhiêu là kỷ niệm và hình ảnh của bao người thân thương!

Thật xa xưa, hơn 70 năm, qua lời kể của Mẹ và Dì tôi là hình ảnh của Bà Cố (bà Nội của Mẹ tôi) gánh Mẹ và Dì Tư, từ Long Trì về Cầu Đình (sanh quán của Cố) ăn giỗ. Cố đi trên một tấm ván hẹp, hai cái thúng treo lủng lẳng ở hai đầu, dưới kia là sông sâu thăm thẳm. Mẹ và Dì sợ điếng hồn luôn nhưng đâu có nói Cố! Tới giờ Mẹ vẫn còn bị ám ảnh.

48 năm về trước là hình ảnh Bà Ngoại tôi rước Mẹ và em bé sơ sanh tôi từ nhà thương Tầm Vu về Long Trì. Tôi nằm một đầu gánh, đầu kia là đồ đạc. Bà Ngoại bước nhanh thoăn thoắt, đi như chạy, băng ngang qua những rặng thanh long nặng trĩu trái xanh xanh, đo đỏ, bông trăng trắng làm Bà Nội tôi ráng chạy theo sau nhưng vẫn theo không kịp bà Ngoại.

Bà Nội tôi vào thập niên 60.

Cũng là hình ảnh Dì Hai tôi những ngày sa cơ thất thế, về Ngoại ở rồi gánh tàu hủ non đem bán dạo tận trong đồng sâu của xã Long Trì. Mẹ kể Dì Hai học rất giỏi, giỏi nhứt nhà, phải nói là xuất sắc, cuối năm lớp đệ tam, dì tôi lãnh phần thưởng danh dự toàn trường Trung Học Tân An… sau khi đậu tú tài, Dì vào sư phạm và trở thành cô giáo nhưng cuộc sống của Dì cứ luôn lao đao, lận đận cho tới cuối đời.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại(03/06/2025)

Hình ảnh đôi quang gánh đó cũng theo tôi về tận quê Nội, Phước Tân Hưng. Xóm bánh, chợ Thâm Nhiên có thím Sáu Giáp, cô Ba Loan, bác Sáu Đê, mỗi sáng sớm tinh sương dậy lục đục làm bánh bò, nào là da lợn, xôi bắp, bánh ít trần, đủ các loại bánh. Xong, họ gánh xuống chợ Ngã Tư trong phiên chợ sáng, bán cho bà con ăn điểm tâm. Bà Nội tôi cũng bán bánh như họ. Cứ mỗi xế trưa là nhà nhà xay bột để chuẩn bị cho ngày hôm sau. Tiếng nghèn nghẹt, đùng đục, đều đều của cối xay bột bằng đá có thể ru người ta vào giấc ngủ êm đềm.

Xong, con nít cả xóm xúm lại, phụ se bánh sùng hoặc đổ bánh bèo. Tôi thường lân la qua nhà thím Sáu Giáp hay cô Ba Loan, cùng với mấy chị em Lành, Mi con cô Ba hay chị Dung, Hiền, Chi con thím Sáu. Mấy đứa con nít tụi tôi khoái se bánh sùng lắm vì nó như con trùn ngúc ngoắc, ngúc ngoắc. Thím Sáu bắt bột sẵn, bọn tôi lấy mỗi đứa một cái thớt me, ngắt ít bột, lấy chút bột áo, se se, nặn nặn. Lúc cao hứng, tôi nặn thành con vịt, con gà (tôi vẫn còn nhớ cách nặn ấy chớ).   Vui lắm đa! Mỗi bữa, cỡ 3, 4 giờ khuya, Ba Mẹ và Út tôi dậy phụ Nội làm bánh xong, Ba gánh phụ Nội lên chợ Thâm Nhiên bán mỗi buổi sáng vì nó gần hơn chợ Ngã Tư.

Một ngày kia, có ông Ba Xe (con ông Sáu B.) là một nguời bị tâm thần nặng, mới sáng sớm tinh sương đã  uống rượu say mèm. Ông ta lấy một chai rượu không đập vào đầu Nội tôi khiến Bà đổ máu, phải đi nhà thương may mấy mũi. Ông này gắn liền với tuổi thơ tôi vì cả làng trên xóm dưới ai cũng chạy dài! Ông hay chắp tay sau đít, đi từ làng trên xuống xóm dưới, vừa đi vừa lầm bầm, ca hát nghêu ngao. Chả ai hiểu ổng hát cái gì hay nói cái gì cả!  Người thì cao to, đen thui, đen thủi như cục than, cặp mắt đỏ ngầu và lúc nào cũng nồng nặc mùi rượu; quần áo thì lôi thôi, bê bết, nút áo gài so le, với chiếc quần tà lỏn dài không ra dài, ngắn không ra ngắn. Mỗi khi ông ta xuống gần xóm bánh là nhà ai có cửa rào thì lo mà đóng cho thật chặt. Tôi cùng Chị Oanh, chị Trang nhà cô ba Nết và bà Cô lo đóng cửa cho lẹ, vì đã nhiều lần đóng không kịp bị ổng vô quậy phá khiếp hồn!

Xem thêm:   Sài Gòn bò bía & bột chiên...

Kia là hình ảnh Cô Ba Mành hay chị Phúc đi chợ Ngã Tư ngang nhà. Họ mua đồ từ chợ Ngã Tư về bán lẻ tại tiệm chạp phô và đồ ăn sáng trên xóm chợ. Nội hay sai tôi lên mua đồ hàng bông, dăm ba bó hành, vài củ tỏi, mấy trái ớt sừng trâu trong tiệm nhà họ…

Chừng 10, 11 giờ sáng thì những gánh bánh nặng trĩu của Nội, thím Sáu, bác Sáu và cô Ba trở về từ hai hướng với gánh không hoặc với một ít đồ hàng bông để nấu ăn và chuẩn bị làm bánh cho ngày hôm sau.

Cối xay bột (chụp ở Tu viện Phước Đức (Houston) Tết Ất Tỵ 2025

Xế trưa, có bà Phục An gánh thịt heo ghé mời Nội tôi mua “thím Bảy mua giùm tôi ít thịt nhe, nay thịt ngon lắm! Nè, thím coi…” Bà Mười Ơn xóm chợ (lâu quá tôi không biết nhớ tên bà đúng không nữa) hay gánh tàu hủ non và bánh lọt. Với một đứa trẻ quê, cơm ngày ba bữa như tôi thì đó là món ăn vặt thường hay mơ ước.

Mùa cá linh, có những cô gái gánh cá đi đò từ bên Đức Tân qua, rao ó: “Cá linhhhhhh honggggggg!”  Bà con lo mà xách rổ chạy theo mua vài ký cá linh nhảy, búng sơi sởi, béo ngậy, về nấu canh chua bông so đũa hay lá me, kho hay chiên giòn ăn nước mắm, thả chút dưa leo cắt lát thật mỏng ăn là hết sẩy! Nói như dân quê tôi từng nghe là ăn ngon “bá chấy bù chét”!

Bà Tám Quăn ở trên cầu Eo Đéc cũng hay gánh đồ xuống bán trước cổng trường tiểu học xã. Tôi nhớ nhứt món xôi đậu đen.

Thủa xa xưa, thời còn chinh chiến, bà con gánh gánh gồng gồng chạy giặc. Một đầu là trẻ con, đầu kia có thể là nồi niêu soong chảo, gạo. Bấy nhiêu đó cũng có thể là tất cả tài sản mà họ có!

Thế nó còn gánh được những gì nữa? Chỉ nội cái đòn gánh làm từ cây tầm vông thôi có thể dùng để gánh rất nhiều thứ:

Xem thêm:   Bí ẩn cây ngải thật & bịa

Xa xa là hình dáng của một người đàn ông tháo vát, vạm vỡ, chánh hiệu một nông dân miệt vườn của Ông Ngoại tôi hay các cậu: cậu Năm, cậu Tám, cậu Chín, cậu Mười, gánh lúa bằng đòn gánh tầm vông. Hai đầu là hai bó lúa vàng nặng trĩu hạt đã được cắt sẵn, so lại cho ngay ngắn, cột ở giữa và dây thòng để mắc vô đầu đòn gánh. Họ đi thật tài, len lỏi qua những bờ đê hẹp tí teo. Vào mùa khô, có những thửa ruộng gặt rồi rơm được đốt, thơm phức mùi rạ, thơm nức cả mũi. Khói lam chiều xám xịt cả một vùng trời. Ông Ngoại gánh lúa về nhà cho trâu bò đạp tại sân trước nhà. Mỗi khi chúng ngừng lại, vảnh đuôi lên là ông kêu tôi lấy cái ky, chạy lại hứng cho lẹ…

Tác giả và quang gánh tại hội chợ Tết, Hoa Kỳ, tháng 8 năm 2024. Photo credit: Luy Doan

Cũng là hình ảnh ông Ngoại hay các cậu gánh cỏ về nhà cho trâu bò ăn. Trời mưa lâm râm, tôi với em Vững hay ngồi lan can trước nhà Ngoại coi trâu bò nhai cỏ, nhai đi nhai lại, đuôi chúng quất quất bù mắt trên người mà rầu thúi ruột tôi đây vì nhớ Mẹ và nhớ nhà (Nội).

Sau này, Trà Mi, con cô Ba Loan, nối nghiệp cô Ba Loan bán bánh nhưng không còn gánh như xưa mà giao hoặc chở bánh bằng xe Honda. Mi có một quầy hàng bánh ngay trước nhà. Mỗi lần tôi về thăm người thân là bà con chòm xóm quý lắm. Họ vẫn luôn nể trọng Nội tôi, một quả phụ suốt đời đảm đang, đức độ, tốt bụng, thương người, hay làm phước nhưng cuộc đời hình như đối với Nội tôi không được tốt cho lắm.

Quang gánh còn là hình ảnh của những người tù cải tạo gánh gỗ khi đi lao động trong khắp các trại tù tập trung, trải dài từ Bắc chí Nam sau 30 tháng 4 năm 1975. Có những người đã vĩnh viễn nằm lại tại đất Bắc giống như Dượng Tư tôi…

Quang gánh ngày nay được Honda hay những phương tiện hiện đại hơn thay thế. Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn bắt gặp những bà cụ lưng còng, tóc bạc, gánh cuộc đời còn lại trên đôi vai xương xẩu và hốc hác của mình.  Vẫn còn đó những nhà gánh hàng rong, chạy cơm từng bữa…

Bất  chợt, tôi ngậm ngùi nhớ những hình ảnh xa khuất của bao người thân thuộc, chỉ còn tồn tại trong ký ức mà nghe đăng đắng, nghèn nghẹn, đặc quánh trong cổ. Những giọt nước mắt bất chợt lăn dài trên má… Nhớ những hình ảnh của bao người mà tôi đã vĩnh viễn mất từ lúc đi Mỹ.

Ôi, nhớ Việt Nam… Nhớ lắm! Nhớ lắm!

Bài và hình ND