Nhà Xưa 

Không hiểu cô bạn tôi chen lấn cách nào, vượt qua hết những họ hàng thân thuộc và rất đông bạn bè, những vị đang thứ tự xếp hàng nói lời từ giã với anh Nghiêu Ðề nằm im trong lạnh lẽo, âm u, anh có nghe được những thì thào, nguyện cầu và lời nhắn gửi?

Nhưng tôi, tôi nghe được tiếng cô bạn nhắc nhở, gay gắt: «Khóc đi, sáng giờ sao chưa thấy khóc!!»

Té ra quanh đây vẫn đang có những «thám tử tình yêu». Nghe lời bạn hối hả, tôi rờ lên đôi má. Mắt tôi khô và lòng tôi tím tái. Nước mắt, một nhân chứng của những thiếu phụ phải gào thét, phải rên siết, kể lể lê thê. Nước mắt, để cho ai cũng thấy yên tâm rằng, goá phụ này rồi sẽ về nhà ngồi im đó, mỗi sáng và mỗi chiều tỉ tê khóc chồng với tấm lòng thuỷ chung và mãi mãi…

Ai nói rằng nếu đó là người nhà, chúng ta sẽ không khiếp sợ? Tôi đã không được như thế, tôi sợ mùi hương khói, tiếng kinh mõ rên rỉ, và ngay cả những lẵng hoa màu sắc rực rỡ chung quanh…

Ðể hết những ân cần chào hỏi và cám ơn khách thăm viếng cho chị Trâm Anh, cô em dâu là tôi đã được anh chị cho phép ra ngồi bên con suối nhỏ cạnh nhà quàn. Một mình tôi rục rã ngồi nghe tiếng nước véo von cứ như có ai đó đang hát những lời nỉ non, ai oán.

Bốn mươi bốn tuổi, tôi sẽ một mình, sẽ loay hoay làm sao và làm gì cho hết những tháng ngày còn lại?

Thời thiếu nữ, ngoại trừ những giờ ở trường lớp, suốt ngày tôi quanh quẩn với ông anh, người có cái bàn học nhỏ hơn rất nhiều so với cái tủ đầy những sách được dịch ra từ nhiều thứ tiếng. Bắt chước rồi say mê lúc nào không hay, tôi đọc hết cả trăm cuốn sách ấy và … đọc đi đọc lại, càng đọc càng thấy mình tăm tối, u mê, và nhất là đã chẳng hiểu được chút gì.

Những điều được thế giới cho là minh triết đó, những Krishnamurti, Kafka, hay Henry Miller… Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy tuổi thơ của mình đã bị khủng bố! Bởi thay vì mơ mộng rong chơi, tôi đã dại dột ngồi ôm mấy quyển sách đến nỗi điên hết cả cái đầu …

Xem thêm:   Hoài cổ đầu Xuân

Khi anh tôi rủ đi cafe với cô bạn gái của anh, tôi điệu đà tìm chiếc áo dài lụa trắng ngà, len lén thoa chút má hồng và son môi. Tóc tôi đã đẹp sẵn, mượt mà ngang vai, tôi lúng liếng ngắm mình trong chiếc gương nhỏ rồi tự khen mình duyên dáng…

Phấn Thông Vàng, quán cafe thơ mộng nằm ngay ngã tư Nguyễn Thông và Hiền Vương, nhìn cách trang trí bên ngoài với những dây lá xanh mát leo thẳng tắp trên mặt tường bằng gỗ nâu, tôi nghĩ chủ quán chắc phải là người đặc biệt. Chúng tôi bước lên mươi bực thang gỗ, quán không có cửa nên cảm giác thênh thang, mát mẻ.

Nhạc Phạm Duy đã làm tôi muốn ở lại luôn dù đã sắp nửa đêm. Tôi ngồi uống giọt coca cuối cùng, đợi anh đưa cô bạn ra taxi về trước…

Chợt có một người lạ, sau câu chào hỏi, ông đưa tôi tấm thiệp, nói rất vắn tắt: «Mời cô, ráng tới nhé». Cùng lúc đó anh tôi trở lại và chúng tôi ra về.

Phòng tranh cho những buổi triển lãm của Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam luôn tổ chức tại Alliance Française  nằm trên đường Gia Long, Sài Gòn.

Tôi ôm quyển thánh kinh, trốn lễ nhà thờ, tới tham dự như thiệp mời của anh Nghiêu Ðề hôm gặp ở Phấn Thông Vàng. Hôm đó tôi quanh quẩn với tranh của một Velázquez, một Rembrandt Việt Nam, anh Ðỗ Quang Em, Hoạ Sĩ có bức «Tăng» vẽ theo lối cổ điển rất đẹp.

Trong bộ sách Baroque, Renaissance Art World rất quý của Khai Trí order từ Pháp về, tôi mê những bức tượng với bố cục đẹp vô cùng của Bernini và đặc biệt là tranh của Caravaggio, ông vẽ hiện thực qua cách vẽ như chém, như một tử hình tàn bạo…

Nghiêu Ðề, một hoạ sĩ nghèo nhất thế giới. Vậy mà tôi đã quyết liệt gắn bó cùng anh, bất chấp hết chuyện Ba Mẹ doạ đuổi đi hay đăng báo từ bỏ. Tôi say mê với những câu chuyện anh nói cùng bè bạn. Những «minh triết thâm u» trong sách mà tôi đã đọc nhưng chẳng hiểu gì, đã được anh nói ra, bàn tới … Cách nói chuyện khơi khơi của anh không bao giờ thấy có bất cứ vấn đề gì quan trọng, cho dù trái đất này có sắp biến mất ngày mai. Anh lý luận sắc bén mọi thứ rất ý nhị, khôi hài và dí dỏm. Ðiểm thêm một chút đắng cay rất thâm thúy về những phù phiếm, những bèo bọt của cuộc đời.

Xem thêm:   Cục sắt 2,000 năm

Không phải chỉ riêng tôi, tất cả bạn bè của anh đã cùng cười tung cười toé khi ngồi nghe anh rì rà bàn chuyện trên trời, dưới đất. Những chuyện thường tình của nhân gian hay mênh mang, xa vời, chìm khuất tận những đâu đâu.

Những lần hò hẹn, phở chỉ một tô, nước mía lề đường có mỗi một ly. Tôi ngồi ăn hồn nhiên, uống y chang một cô bé đã khát nước đâu từ tháng trước.

Dễ thương nhất là có một chiều chúng tôi và Trần Tuấn Kiệt ngồi ở La Pagode, anh TT Kiệt màu mè hỏi nếu tôi muốn uống thêm một ly sữa tươi thứ hai? Thích sữa, tôi ngây thơ «Dạ». Ðến lúc tôi hối anh Nghiêu Ðề cho về, vì giờ hẹn hò của tôi phải chấm dứt khi Thánh Lễ hết và nhà thờ sắp đóng cửa. Anh chần chừ lần khân. Mãi sau này anh mới khai,  vì cái ly thứ nhì tôi uống thêm mà anh phải ngồi đồng trong hồi hộp, chờ TT Kiệt đi mượn chút tiền từ một «văn nghệ sĩ» nào đó lảng vảng quanh nhà sách XuânThu…

Những ngày sau tang lễ, điều tôi nhớ như điên là cái mùi nồng nồng ngai ngái của sơn dầu. Tôi mang tranh Nghiêu Ðề đang vẽ dở dang trước ngày anh đau ốm ra tính vẽ tiếp. Tự nhiên mà vẽ ngang xương thấy không xong, tôi ghi tên học một khoá hội hoạ.

Sơn dầu, hương từ những bức tranh của Nghiêu Ðề, chắc sẽ hoài là nỗi ám ảnh cho đến ngày tôi tắt thở.

Nhưng tranh tôi vẽ chẳng bức nào ra bức nào, thôi để cho nhanh và tiện việc, tôi «múa»  tranh trong thơ.

Chân dung

 

Ðỏ,

Rất đỏ

Ta tung màu lên tóc

Và, xám xanh

Lấp đầy hai con mắt

Ta vẽ ai đây?

Giữa đêm tàn

Thắp sáng trong tranh

Trăm ngọn nến

Réo hồn ai bằng tiếng thở khan

Phải rất trắng, như lòng ta thanh khiết

Vẽ như điên

những ai oán muôn trùng

Vẽ như điên 

tiếng khóc ta, rất nhỏ

Bằng chút màu như của

đất chôn…

(LCG, 1999)

Bài thơ đã được Nhạc Sĩ Trần Duy Ðức phổ nhạc sau đó.

Xem thêm:   Máy cứu rỗi hôn nhân

«Duyên», thiên hạ thích bàn tới. Tôi cũng chẳng kiêng gì cái chữ thường tình đó. Trong một họp mặt bạn bè, anh Lê Tất Ðiều khuyên bảo, dặn dò: «Duyên! thì cô phải rời khỏi nhà, chứ cứ ngồi mãi ở cái đất San Diego này thì biết bao giờ cô mới thấy «nó» ?

Và thưa anh Lê Tất Ðiều, tôi đã bỏ luôn cái đất San Diego để đi khá xa và đi rất xa…

Kinh nghiệm để khỏi phải khóc chồng thêm một lần nữa, nên Anh chỉ cùng trang lứa, tài hoa và lịch lãm…

Tranh Nghiêu Đề 1977

Chúng tôi đã có với nhau mười bảy năm thơ mộng và đẹp tuyệt vời. Sống trên một ngọn đồi có căn nhà ngói đỏ với kiến trúc European, căn nhà mà anh dùng scaffold vẽ mural trên một dome 25’, vẽ ngàn chiếc lá vàng rơi rụng của mùa Thu. Thêm cái thác trước nhà rạt rào nước đổ, nơi chúng tôi ngồi với café mỗi sáng, rượu đỏ mỗi chiều, cùng với gió lộng thổi bay hết những lá vàng lao xao trước hiên nhà…

Có lần tôi đọc ở đâu đó rằng: «kết thúc cho một hạnh phúc sắp tàn, hay nhất là cái chết của một trong hai»

Sau mười bảy năm, tôi và anh chẳng có ai chết, chỉ là sự ra đi của tôi.

Ra đi, đã là một chuỗi dài rất buồn và đau lòng cho cả hai, nhưng kỷ niệm còn lại đã phải là những ấn tích. Ðẹp muôn đời, và đẹp mãi mãi…

Trong những email qua lại từ muôn phương, tình cờ tôi tìm lại được cô bạn thời trung học đang sống tại Pháp. Ðặng Mai Lan mơ mộng hơn tôi nên theo nghiệp văn chương, quyết sống và chết cùng chữ nghĩa.

Chúng tôi hẹn sẽ gặp nhau ở Paris, ghé Berlin, Budapest  rồi tung tăng ở Warsaw… Nhưng tất cả toan tính đã bị Mr.Tập Cận Bình phá đám.

Nhưng dù có bị phá đám cách nào thì cuối cùng chắc tôi cũng phải tới nơi đã hẹn với bạn. Ðây cũng lại là một chuyến đi xa.

Trong chuyến đi sắp tới, sẽ không phải là những gặp gỡ, những nhân những duyên như của mười chín năm trước.

Người duy nhất mà tôi sẽ gặp, trong những hồn ma bóng quế và khói hương nghi ngút của lịch sử nước Pháp, chắc chỉ còn là Monsieur Charles De Gaulle!

LCG

(July 2020)