Hồi còn học phổ thông, mỗi lần viết bài nghị luận về những tác phẩm văn học của Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ… đến phần cuối bài, tôi vẫn thường tự đặt câu hỏi cho mình: “Trong lúc Việt Nam đang rên xiết dưới làn bom đạn chiến tranh thế này thì phần còn lại của thế giới kia đang làm gì? Liệu họ có quan tâm đến không?”. Rồi khi lớn hơn một chút, có điều kiện tra cứu Internet, tôi đã bắt đầu tự trả lời cho mình câu hỏi ấy qua những mốc thời gian lớn trong lịch sử.

Năm 1945, Nạn đói năm Ất Dậu. Một tổ chức được gọi là Việt Minh, cướp chính quyền thì khi ấy nước Mỹ đã hoàn thành công trình Ngũ Giác Đài (cơ quan đầu não của Bộ quốc phòng Mỹ), dân chúng thế giới bắt đầu quan tâm tới “graffiti”, xuất hiện khái niệm “coffee break” (một quãng thời gian nhỏ để nghỉ ngơi, thư giãn giữa sự kiện)…

Năm 1954, khi Việt Nam vừa xong trận đánh ở Điện Biên Phủ, thế giới vẫn bình thản quay cuồng với những rock and roll, theo dõi dòng phim khoa học viễn tưởng (science-fiction) mới xuất hiện, còn Trung Quốc thì trình làng Thái cực quyền (Tai chi) …

Năm 1968, biến cố Tết Mậu Thân ở Việt Nam, thì thế giới hào hứng ghi nhận việc phát minh ra nút Alt trên bàn phím, lực lượng đặc nhiệm SWAT mới bắt đầu ra đời.

Thân nhân của các nạn nhân trong cuộc thảm sát Mậu Thân Huế. nguồn: MPR News 

Năm 1972, Việt Nam chìm đắm trong “mùa hè đỏ lửa”, thì thế giới phát minh đĩa mềm (floppy disk) để lưu trữ dữ liệu, phát minh loạt sản phẩm tiện lợi cho người dùng (user-friendly), chính thức đặt tên nếp nhăn giữa trán là “worry line”!

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (06/19/2025)

Năm 1975, chiến tranh VN chấm dứt! Khi ấy thế giới  phát minh ra cây ATM, thẻ ghi nợ, điện thoại di động (mobile phone)… và hàng loạt những điều mới mẻ khác.

Có nghĩa là câu thành ngữ “Đèn nhà ai nấy rạng”, không chỉ đúng trong một xã hội, một đất nước mà hoàn toàn còn có thể mở rộng ở quy mô toàn cầu. Trong một số trường hợp, vấn đề ấy có thể gọi là vang dội, liên quan đến nhóm này, đất nước này, nhưng lại hoàn toàn có thể chẳng liên quan gì đến một quốc gia khác.

Cho đến những năm gần đây, rõ ràng là khi đọc tin trên mạng, chúng ta cũng sẽ hờ hững lướt qua những dòng tin chiến sự. Chúng ta vẫn cứ thấy chúng bình thường, rồi dần lọt tỏm trong những loạt tin thể thao, thời trang, mua bán bất động sản khác… trong khi đằng sau những dòng tin ấy là cảnh máu chảy đầu rơi, trường học, bệnh viện bị ném bom… Ví dụ như tin chiến sự ở dải Gaza suốt mấy năm nay hay xung đột nhà nước Israel/ Palestine…

Kyiv vào tháng 3, 2022. nguồn: Getty Images

Thậm chí, những tin tức về chiến tranh, với những thiệt hại, mất mát, đau thương… mà cũng dễ dàng được cộng đồng mạng hiện nay sử dụng để bơm lên, đồn thổi, ăn theo tạo fake-news, lên theo trend và rồi cũng dễ dàng bị bỏ qua không khác một hot-trend khác trong thế giới mạng vốn đã quá xô bồ.

Xem thêm:   Nghề vú em xưa và nay

Tháng 2/2022, Nga phát động cuộc chiến thôn tính Ukraine. Thế giới hầu như sôi sục ngay lúc ấy, chia phe phái, ủng hộ có, chống đối có, phân tích bình luận dự báo cuộc chiến các kiểu. Thậm chí đi sâu vào từng nhân vật cụ thể trong cuộc chiến, thần thánh hóa cũng có mà hạ bệ, nguyền rủa cũng có… Nhưng rồi vài tháng sau đó, khi Putin – người đứng đầu chính quyền Nga vẫn còn khư khư giữ nguyên quân lệnh tấn công, người dân Ukraine còn đang rên xiết dưới mưa bom, lửa đạn thì thế giới đã quay sang tập trung vào hành trình lên ngôi vô địch FIFA World Cup của Messi và đội tuyển Argentina trên đất Qatar!

Đến cuối năm 2023, khi lực lượng Hamas bất ngờ tấn công khủng bố vào Israel, khiến đất nước này phải huy động quân sự khẩn cấp để tổ chức đánh trả, giải cứu con tin… thì phần còn lại vẫn đang vui với những dự án countdown, thậm chí một vài chính trị gia còn dành thời gian lên án sự áp dụng quân sự quá mức cần thiết của nhà nước Israel – nạn nhân ban đầu của cuộc chiến khủng bố phi nghĩa này!

Nỗi buồn của chiến tranh, không chỉ đến từ sự đau thương, mất mát hiện hữu, chực chờ đe dọa từng ngày, từng giờ của bom đạn, mà còn đến cả từ sự thờ ơ của chính thế giới chung quanh!

Argentina vô địch World Cup. nguồn: Getty Images

LH