1. Câu ca dao cũ: “Qua cầu ngả nón trông cầu; Cầu bao nhiêu nhịp dạ em sầu bấy nhiêu” nghe thật não lòng! Nhưng, với tôi, những chiếc cầu lúc nào cũng gợi lên một điều gì đó thật ấm áp, một niềm vui đoàn tụ, sum họp. Xin đừng yêu cầu tôi phải giải thích. Nó chỉ đơn thuần là một cảm xúc giống như lúc ngắm hoàng hôn trên biển vắng hay đón bình minh trên rẻo cao. Trước biển, cảm nhận sự cô đơn, bé nhỏ trước mênh mông đại dương. Cô đơn nhưng không buồn bã. Ðôi lúc, nó xui ta nghĩ đến lẽ vô thường của đời người. Lại có lúc, nó khiến ta bật dậy những mạnh mẽ như con sóng bạc đầu ngoài kia. Bình minh trên rẻo cao lại mang một ý nghĩa khác. Nó không có những suy nghĩ phiền muộn mà ngược lại, tạo ra sự phấn chấn, lạc quan. Thế nhưng, những hạt sương đầu ngọn cỏ hay trên những cánh hồng trắng muốt từng lúc tan biến đi lại khiến lòng người nao nao…

Vì thế, tất cả chỉ là cảm xúc. Mà, phải chăng, chúng ta đang sống bằng cảm xúc đó sao?

Chiếc cầu, với tôi, không chỉ nối hai bờ của dòng suối, dòng sông hay nối cả hai bờ đại dương mà còn nối cả niềm vui, nỗi nhớ. Ðứng bên bờ sông này, quê nhà sẽ vời vợi nếu không có chiếc cầu bắc ngang. Ðứng bên này bờ sông, người yêu dấu sẽ muôn trùng ngăn cách nếu không có nhịp cầu đưa duyên. Nỗi nhớ cũng vậy! Ừ, chỉ còn qua chiếc cầu này nữa thôi là có thể nắm tay em rồi! Nỗi nhớ tự nhiên tan biến đi, chỉ còn lại niềm vui trào dâng!

Bảo Huân

2. Cầu Tam Kỳ ngày xưa dài lắm. Mỗi lần đi ngang qua, tôi luôn thấy thời gian dài dằng dặc. Bên này sông là Tam Kỳ. Bên kia là Kỳ Hưng. Bên này là nhà tôi. Bên kia là vùng đất lạ lẫm, đầy kích thích sự tò mò. Vì thế nó rất dài. Nó dài còn vì một lý do khác. Ðó là nó nối thời thơ ấu của tôi với chặng đường gian nan vì mưu sinh, nhất là thời gian lao đao nơi xứ người. Những lần về thăm quê, khi chiếc xe lăn bánh qua cầu Tam Kỳ, lòng tôi nao nức như trẻ nhỏ ngày Tết. Nhà tôi đang từng lúc hiện ra. Cha mẹ tôi đang gần lại từng giây. Nếu trước đó, còn thấy xa tít tắp thì chỉ cần nhìn ra cửa, thấy cầu Tam Kỳ thì thiên lý mệt nhọc cũng tan biến cả.

Xem thêm:   Móng sư tử

Thuở theo học tại trường Tiểu học Vân Côi, cầu Tam Kỳ như một biên giới khiến tôi bao lần phải tần ngần bước chân. Vượt qua bên đó sẽ là một khung trời với bao nhiêu niềm vui tuổi nhỏ. Niềm vui tuổi nhỏ nhưng sẽ là hành trang theo suốt một đời người. Nhưng, nếu tôi không vượt qua cám dỗ thì chắc chắn khi về nhà sẽ bị một trận roi quắn đít. Sợ roi của mẹ nhưng cũng lắm lúc, tôi liều theo đám bạn, xuống sông tắm. Từ dưới sông, nhìn lên, cầu Tam Kỳ thật hùng vĩ. Nó nằm hiền lành, nhẫn nại và cam chịu để những dòng xe băng qua nó. Nhìn bóng dáng nó in trên bầu trời xanh lơ, bất giác, tôi nghĩ tới những bài học từ Luân lý giáo khoa thư hay những câu chuyện trong Tâm hồn cao thượng. Ðó là sự hy sinh vì người khác, vì cuộc sống.

Một chiếc cầu khác đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Ðó là cầu Tràng Tiền ở cố đô Huế. Những ngày học tại Ðại học Sư phạm Huế, từ cư xá Huỳnh Thúc Kháng của Hội Ðồng châu Quảng Nam, tôi theo đường Phan Bội Châu, qua cầu Tràng Tiền để đến trường. Mỗi lần qua cầu, tôi hay đếm thầm bước chân mình nhưng chưa một lần đếm trọn vẹn. Khi thì một chiếc áo dài tím làm tâm trí xao lãng. Khi một chiếc thuyền lững lờ dẫn tâm hồn mông lung. Cầu Tràng Tiền với những bông phượng đỏ thắm, nằm nghiêng nghiêng, soi bóng xuống dòng sông luôn gợi lên trong tôi hình ảnh cô gái Huế vừa lãng mạn thơ mộng, vừa kiêu sa đài các. Trong màu xanh của sông Hương, sắc đỏ hoa phượng như những điểm xuyết. Nó giống hệt cô gái Huế vừa thâm trầm vừa cháy bỏng. Ðằng sau vành nón là cả một khát khao bị kìm nén, giam hãm. Có lẽ, tình yêu của tôi với Huế có thêm những nhịp cầu cong cong của Tràng Tiền làm phong phú hơn.

Xem thêm:   Quả ngọt

Nếu cầu Tam Kỳ là chiếc cầu trẻ thơ thì Tràng Tiền là chiếc cầu của thanh xuân. Ðó là nơi lưu giữ những gì quý giá nhất của một thời tôi trai trẻ.

3. Còn có những chiếc cầu tôi thoáng gặp trên đường đời, ở đâu đó trên đất nước. Thoáng gặp nhưng cũng kịp ấn dấu trong trí nhớ và cả trong trái tim tôi. Ðầu tiên, là chiếc cầu Sắt bắc qua sông Hồng ở Lào Cai. Xét về lịch sử, chiếc cầu này không sao sánh được với cầu Long Biên hay Bến Hải. Xét về tình cảm, cầu Sắt Lào Cai không thể nào bằng cầu Tam Kỳ, Tràng Tiền. Nhưng, đó lại là chiếc cầu mà từ lâu, kể từ lúc biết xao xuyến với những âm giai, tôi đã mong được một lần đặt chân lên. Tôi yêu nhạc Phạm Duy và bài hát Bên cầu biên giới, cũng như nhiều bài hát khác của ông, theo tôi vào đời. Khi tôi đến đây, chiếc cầu vẫn còn đó, vẫn nối hai bờ sông Hồng. Dòng đời vẫn lặng lẽ trôi và người đẹp Tô Châu thì vẫn nằm trong mộng. Tôi nghĩ, khi viết những câu hát này, Phạm Duy chưa đặt chân đến Tô Châu, chưa ngắm nhìn dòng Danube nhưng điều đó có hề gì! Vẻ đẹp từ tâm tưởng và nối với nhau bằng sợi dây vô hình. Tôi trầm ngâm bên dòng sông và từ đây, tôi nhớ về…

Xem thêm:   Chống "Parky hóa" tiếng Việt

Một chiếc cầu khác, đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn nhưng gây cho tôi một cảm giác thật kỳ lạ: vừa tràn ngập thương yêu vừa lo lắng sợ hãi. Tôi phân vân rất lâu, hít thở sâu để gom hết bình tĩnh trong người nhưng vẫn không dám qua cầu. Nhìn những người dân, nam thanh nữ tú, đã đành, những người lớn tuổi thoăn thoắt qua lại như đi trên đất bằng tôi không thể không trầm trồ khen ngợi.

Ðó là chiếc cầu khỉ ở Bến Tre! Và lần đó, tôi cũng qua được bên kia bằng cả hai tay và hai chân. Nhưng cũng chỉ được một nửa đường. Phần còn lại phải nhờ một thanh niên địa phương giúp đỡ.

Những chiếc cầu khác lần lượt hiện ra trong trí nhớ, bềnh bồng như say, lãng đãng như mơ nối tôi với những bến bờ yêu thương…

LVB (OK. Tháng 8/2020)