Nói đến máy bay, nơi nhiều nhất, chúng ta thường nghĩ đến các phi trường, những phi trường lớn như Hartsfield-Jackson Atlanta International Airport (Georgia); Tokyo International Airport  (Nhật) hay Dallas-Fort Worth International Airport (Texas) là những nơi tập trung vô số máy bay của các hãng khác nhau.

Nhưng nơi chứa nhiều máy bay nhất, dầu không chở bất kỳ ai, là nghĩa địa máy bay. Nghĩa địa máy bay lớn nhất thế giới nằm ở thành phố Tucson (Arizona), có sức chứa hơn 4,000 chiếc máy bay…

Đại bàng gãy cánh?

Gọi là nghĩa địa máy bay thì không chính xác lắm, vì những chiếc máy bay nằm ở đây, rất nhiều chiếc vẫn sử dụng ngon lành, chúng được bơm nhớt, bơm dầu và chờ cơ hội trở lại bầu trời. Ðúng hơn nơi đây là một “kho” máy bay đã ngưng hoạt động. Trong thời gian “tịnh dưỡng” ở đây, chúng được các chuyên viên lành nghề kiểm tra, chăm sóc, hoặc rã từng bộ phận để cung cấp cho “khách hàng”.

Nghĩa địa lớn nhất thế giới này nằm tại  Tucson, thành phố lớn thứ hai của tiểu bang Arizona, sau Phoenix. Nhờ thời tiết nơi đây rất khô, độ ẩm cực thấp khiến việc ăn mòn kim loại không đáng kể, chưa tính đến nền đất sét cứng như đá, chỉ ủi phẳng là sử dụng, không cần gia cố thêm.

Nếu có dịp bạn lái xe dọc theo Ðường South Kolb ở Tucson, Arizona, ngoài những ngôi nhà hay chung cư quen mắt, bạn sẽ nhận ra những hình ảnh lạ lùng: hàng hàng lớp lớp máy bay, đủ kích đủ kiểu, từ máy bay chở hàng bự sư đến những máy bay bỏ bom hạng nặng, nằm lặng lẽ phơi mình trong ánh nắng chói chang của sa mạc.

Máy bay quân sự ở nghĩa địa. nguồn Defense Visual Information Distribution Service/Picrlya

Ðó là khu vục “309th Aerospace Maintenance and Regeneration Group (309th AMARG)” [Nhóm Bảo trì và Tái thiết Hàng không Vũ trụ 309 (309th AMARG)], còn gọi là Boneyard, trực thuộc Căn cứ Không quân Davis-Monthan. Căn cứ này bao trùm một diện tích trên 2,600 mẫu Anh (10.5 km vuông), nơi đây là chỗ an dưỡng hơn 4,000 máy bay đủ loại, từ dân sự đến quân sự, như của Không quân Hoa Kỳ, Lục quân, Tuần Dương, Hải quân, Thủy quân lục chiến, thậm chí của cả NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Hoa Kỳ).

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

Tuy nhiên, những đại bàng nơi đây chưa hề gãy cánh, không phải chiếc nào nằm ở nghĩa địa cũng hết thời, có nhiều “em” còn mới tinh, có “em” được trùm mền kín bu, và một số được “đóng hộp” nghĩa là được tháo ra từng phần, cho vào các thùng để chở đến nơi lắp ráp, có thể là một quốc gia xa xôi nào đó, để tiếp tục sứ mệnh phục vụ dân sự hoặc quân sự.

Máy bay vận tải YC-14 của quân đội Hoa Kỳ

Tại sao lại là Arizona?

Căn cứ Không Quân Davis-Monthan không phải là kho chứa máy bay duy nhất trên thế giới, nhiều nơi cũng có “kho” chứa máy bay hết hạn sử dụng. Tuy nhiên do Tucson (Arizona) có điều kiện khí hậu lý tưởng nhất, nên ít tốn công bảo trì, bảo quản, chưa kể đất sa mạc rẻ như bèo, cứng như đá, khỏi mất công làm nền. Giảm được chi phí.

Trong thời gian đại dịch COVID-19, rất nhiều máy bay phải tạm mượn nơi này nằm “chờ thời” vì chi phí gởi gắm ở đây rẻ hơn bất kỳ nơi nào khác, đã tạo cho nơi này một sự nhộn nhịp chưa từng thấy. Không chỉ Tucson mà “nghĩa địa” Victorville, California, số “thân chủ” cũng tăng vọt trong thời gian đỉnh điểm của đại dịch năm 2020.

Những điều thú vị

Ðại tá Jennifer Barnard, người chỉ huy nghĩa địa máy bay ở Tucson cho biết, nơi đây có khoảng 1,000 thợ máy làm việc không ngưng nghỉ để bảo quản máy bay, chứ không đơn giản là để máy bay nằm phơi nắng ăn tiền.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/11/2024)

Trong số đó, có không ít chiếc sẽ sải cánh tung bay. Kể cả chiếc YC-14, là chiếc máy bay được xem là xấu xí nhất bãi. Nó là một chiếc máy bay chưa chính thức sản xuất, vừa sinh được 2 em là bị “triệt sản”.

Ngoài những máy bay dân sự, nơi đây có rất nhiều máy bay của các binh chủng của quân đội với khoảng hơn 80 loại khác nhau, thậm chí có cả máy bay tàng hình. Và chiếc ít người thấy là máy bay LC-130 có ván trượt để hạ cánh xuống vùng băng giá Nam Cực. Tổng giá trị của những “đống sắt vụn” này đến 35 tỉ đô la.

Máy bay LC-130 có ván trượt để hạ cánh xuống vùng băng tuyết

Ðại tá Jennifer Barnard nói thêm, một số máy bay chỉ cần “điều trị” trong vài tuần là có thể trở lại hoạt động. Có chiếc nằm lì đến nửa thế kỷ, như chiếc A-4 Skyhawk. Những máy bay khi đưa vào đều được bơm dầu, khử nhiên liệu, nếu “định cư” lâu dài sẽ được phủ một chiếc áo trắng, là những lớp bọc màu trắng vì độ hấp nhiệt thấp, không làm hư hại các bộ phận bên trong.

Những chiếc không thể sửa chữa, sẽ trở thành kho cung cấp phụ tùng, khi  cần gấp, có thể “xả thịt” lấy bộ “đồ lòng”.

Mỗi tuần, từ nghĩa địa này gởi đi từ 4,000 – 7,000 món phụ tùng cho “khách hàng” khắp thế giới. Các nhân viên bảo trì chọn những bộ phận thông dụng, tháo dỡ, chùi rửa, đóng thùng sẵn. Khi có nhu cầu là chúng được nhanh chóng ship đi. Trong đó có những bộ phận cũ xì của những chiếc máy bay già khú đế, chúng vẫn luôn cần thiết trong việc bảo tàng, cũng như so sánh ưu thế của các loại máy bay cũ và mới.

Chiến đấu cơ A-4 Skyhawk, sản xuất năm 1956. Hiện vẫn còn sử dụng ở một số quốc gia

Chưa kể một số quốc gia vẫn còn xài máy bay cũ, do nghèo ngân sách. Dĩ nhiên, những quốc gia mua phụ tùng cũ đều nằm trong danh sách “khách hàng an toàn” được giới quân đội và an ninh rà xét “lý lịch” kỹ lưỡng. Nhưng dầu là hàng “second hand” chúng vẫn được đội ngũ chuyên nghiệp kiểm tra kỹ từng sợi tóc trước khi giao hàng.

Xem thêm:   Mưa rừng & tiếng hú giữa đêm khuya

Những máy bay nào quá tệ hại, hoặc không thể khai thác gì hơn, mới bị rã thịt, bán nhôm nhựa cho nhà thầu tái chế. Trước khi giao cho nhà thầu các kỹ thuật viên phải tháo bỏ hoặc hủy những thiết bị hay vật liệu kỹ thuật cao.

Ðiều làm những người phục vụ tại đây vui lòng nhất không phải là rã phụ tùng, hay bơm dầu, thay nhớt, bơm xăng, mà khi trả những con chim sắt trở lại bầu trời,  chưa kể việc bán hàng “lạc xon” này đã tiết kiệm cho nước Mỹ vô số tiền đóng thuế của  dân chúng.

TA