Năm 1968 Ðại đội 1 Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân có hai người tên là Sanh đó là Hạ sĩ Lưu Sanh và Binh nhứt Ngô Sanh.

Lưu Sanh, vốn người xứ Sịa, Thừa -Thiên, là xạ thủ đại liên xuất sắc số một của tiểu đoàn.

Lưu Sanh có dáng dấp một tay anh chị, đô con, tháo vát, nhanh nhẹn, liến thoắng. Anh vác khẩu đại liên 30 trông nhẹ nhàng như người ta vác khẩu carbine M2. Lưu Sanh rất kỷ luật, nhưng cũng rất cứng đầu. Anh này còn có biệt danh là “Sanh Bi Ðông” vì lúc nào bên hông anh cũng kè kè một bi đông rượu đế.

Người tải đạn cho Hạ sĩ Lưu Sanh là Binh nhứt Ngô Sanh. Ngô Sanh quê quán Vĩnh-Ðiện, Quảng Nam.

Ngô Sanh nhỏ con, mặt chuột, răng hô. Thêm vào đó, miệng anh có ba bốn cái răng bịt vàng sáng chóa. Khi cười, miệng anh như có lửa.

Anh em trong đại đội gọi đùa anh là “Kim-Thành Công Tử” ý nói anh là công tử con chủ tiệm vàng Kim-Thành nổi tiếng khắp nước Việt-Nam.

Ngô Sanh cũng đoạt danh hiệu “Người Nhẹ Cân Nhứt” của Tiểu đoàn 11 Biệt Ðộng Quân thời bấy giờ.

Lạ một điều, trọng lượng của “Kim-Thành Công Tử” cân chưa tới bốn chục ký lô, vậy mà “Công Tử” có thể mang theo trên mình đầy đủ, súng đạn cá nhân, đồ ngủ, mười ngày gạo, cùng với hai thùng đạn đại liên, lội rừng hết ngày này qua ngày khác, không than mỏi.

Mặc dù rất xấu trai, nhưng ai cũng thương mến Ngô Sanh. Nếu ai đã sống chung với anh ít lâu, sẽ cảm ra rằng, có lẽ trên đời này, không ai lại hiền lành, tốt bụng như anh.

Chàng “Công Tử” này hiền như cục đất.

Trong doanh trại, ngoài hành quân, hai anh Sanh lúc nào cũng như bóng với hình, sát cánh bên nhau.

Tôi và Thiếu úy Ðặng Hữu Duyên đại đội phó sẽ mãi mãi không thể quên một kỷ niệm khôi hài giữa hai ông Sanh này.

Một đêm, bên đống lửa, trong rừng Núi Voi, Liên-Khương, Ðà-Lạt, cạnh hố đại liên, Lưu Sanh nói với Ngô Sanh,

Này Sanh ơi! Tau mắc cỡ vì trùng tên với mi. Mi đần độn quá mi ơi! Tau dạy hoài, mi chẳng khá. Ông già mi đẻ ra mi thiệt uổng công. Nếu ổng ỉa ra một cục cứt, cho chó nó “lủm” chắc còn có ích hơn!

Ngô Sanh ngây thơ nhìn Lưu Sanh,

– Anh nói chi lạ rứa? Nếu tui là cục cứt thì ai tải đạn cho anh? Lấy mô ra đạn cho anh bắn? Anh không cám ơn tui phụ giúp anh, anh còn chê bai này nọ. Ngày nào anh cũng la mắng, chửi bới tui. Tui chịu hết nổi rồi! 

Sau đó, Ngô Sanh quay mặt đi, đưa tay quệt nước mắt, nghẹn ngào,

– Thôi! Sáng mai tui trình với Thái Sơn cho tui ra trung đội. Tui không phụ tải đạn cho anh nữa! Anh kiếm người khác tải đạn cho anh đi…Hu! Hu! Hu!…

Ngô Sanh bật khóc. Tiếng thổn thức càng lúc càng lớn. Tiếng khóc não nuột rừng đêm.

Tôi thấy Lưu Sanh cuống quýt, vứt vội ca cà phê đang uống xuống đất,

– Ấy! Tau xin lỗi mi! Tau giỡn mi đó thôi! Vì hai đứa mình là anh em, tau mới dám giỡn. Nín đi! Ðừng khóc nữa! Mi ở lại tải đạn cho tau, giúp tau tiếp đạn lúc đánh nhau. Mi mà không tải đạn cho tau, tau cũng bỏ cây đại liên này cho đứa khác giữ. Chúng nó sẽ không bắn hay như hai đứa mình. Nếu gặp lúc Việt Cộng xung phong, đại liên không cản được Việt Cộng, Việt Cộng sẽ xông vào vị trí. Tụi nó sẽ bắt Thái Sơn, bắt tau, bắt mi!

Trung Úy Vương Mộng Long và Đại Đội 1 Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân – 1968

Rồi vừa vuốt lưng Ngô Sanh, Lưu Sanh vừa nhẹ giọng dỗ dành,

Tau xin lỗi mi! Thôi! Nín đi nhé! Cười lên đi! Cười lên … cho ánh …răng vàng…sáng chói…

Ngô Sanh đang thút thít cũng phải phì cười khi bạn nó xuống giọng pha trò.

Nó nhìn bạn, ánh mắt đầy tình mến thương, nó nhoẻn miệng cười (răng vàng sáng chói)

– Ừ! Thì thôi! Nhưng anh phải hứa, từ nay không gọi em là cục cứt nữa nhé!

– Tau hứa mà! Tau hứa từ nay sẽ không gọi mi là cục cứt nữa. Tau sẽ gọi mi là “Cưng của Liên” Chịu chưa?

Ngô Sanh gục gục đầu, tay nó cầm một khúc củi dài, cời cời những cục than hồng trong bếp, than hồng bắn ra những tia sáng “tí tách!”

Trong ánh lửa bập bùng, tôi nhìn thấy đôi mắt nó long lanh, đôi mắt nó đang cười long lanh…

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

“Cưng của Liên”  là tên anh em trong đại đội đặt cho Ngô Sanh.

Trong khu gia binh đại đội, khi đi ngang nhà vợ chồng Ngô Sanh, người ta thường nghe vợ anh gọi anh,

– Cưng của Liên ơi! Cưng của Liên đâu rồi? Cưng của Liên xách dùm em thau nước…Cưng của Liên nhóm bếp dùm em chút coi…Cưng của Liên…

Người ta gọi căn gia binh của vợ chồng Ngô Sanh là “Lâu Ðài Tình Ái”

Chị Liên là cư dân Biển Hồ từ lâu. Chị là con gái của ông Thượng sĩ Thường Vụ Tiểu Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân.

Chị Liên còn có tên là “Liên Mắt Biếc” vì đôi mắt của chị ta lúc nào cũng xanh, và lóng lánh sắc như dao cau.

Mười lăm tuổi, chị đã lấy chồng và chị đã hai lần lãnh tiền tử tuất của chồng.

Người chồng đầu tiên của chị là lính ở Tiểu Ðoàn 21 Biệt Ðộng Quân và tử trận từ thời Thiếu tá Sách làm tiểu đoàn trưởng. Vài tháng sau, chị tái giá.

Người chồng thứ nhì của chị là anh lính nấu cơm của Ðại úy Ðoàn Ngân Bài, Tiểu đoàn phó Tiểu Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân. Anh này cũng đền nợ nước trong trận Phù-Củ năm 1965.

Biến cố Phật Giáo Miền Trung năm 1966 đã đưa Tiểu Ðoàn 21 Biệt Ðộng Quân ra Ðà-Nẵng. Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân từ Ðà-Nẵng chuyển vào Biển Hồ, và Ngô Sanh khù khờ đã tới Pleiku.

Như có duyên có nợ, nhân một ngày dưỡng quân, trong chợ Biển Hồ, “Kim-Thành Công Tử” và “Liên Mắt Biếc” gặp nhau. Người góa phụ trẻ, chưa tiêu hết tiền tử của người chồng thứ nhì, thấy anh tân binh này hiền như cục bột, bèn thương.

Ngày tôi tới Ðại đội 1/11 thì cặp vợ chồng này đã dọn về ở khu gia binh Biển Hồ từ lâu.

Trong thời gian làm đại đội trưởng Ðại đội 1/11, tôi hay ghé trại gia binh, thăm viếng thân nhân binh sĩ dưới quyền, vào những ngày lễ Tết, hay sau những chuyến hành quân có tổn thất.

Tôi cũng nhiều lần tham dự những đám cưới nhà binh. Những đám cưới mà cô dâu chỉ có một bộ bà ba mới, không dây chuyền, không bông tai, không nhẫn vàng. Chú rể gọn gàng trong bộ rằn ri, không nơ, không cà vạt.

Tiệc cưới là một mâm hoa quả, một mâm xôi gấc, xôi đậu xanh, một rổ bún tươi, một chậu rau sống, một mâm thịt heo xắt lát, một đầu heo, một chồng bánh tráng sống, một chồng bánh tráng nướng, một tô mắm nêm rắc mè, một can nhựa hai mươi lít rượu đế, và một tô ớt tươi đỏ ối…

Ờ Biển Hồ, có những đám cưới giản dị nhứt trần gian…

Thuở đó, tôi còn độc thân, vậy mà cũng dám hai lần, đứng ra làm chủ hôn cho hai đứa đàn em, là chú Hạ sĩ Nguyễn Phượng Hoàng và chú Binh 1 Phạm Công Cường.

Có lẽ tôi cũng mát tay. Nhờ có tôi làm chủ hôn, mà hai gia đình này cứ “đầu năm sinh con giai, cuối năm sinh con gái” đều đều … chạy gạo bắt khờ luôn!

Năm tháng trôi qua, khẩu đại liên của hai ông Sanh luôn luôn là linh hồn của đại đội qua các cuộc hành quân.

Sau Tết Mậu-Thân ít lâu, khẩu đại liên 30 bị thu hồi. Hai ông Sanh được trang bị một khẩu M60 nhẹ nhàng hơn. “Con gà cồ” này lúc nào cũng đi bên tôi, để tôi có thể dễ dàng ban khẩu lệnh cho nó.

Trong lần đại đội tôi dừng quân ở Ðức-Trọng, khẩu đội đại liên này được mang cái tên “Thu Bình 1”, Thu Bình là tên cô cháu gái của ông chủ một xưởng cưa, nơi chúng tôi tá túc trong thời gian dài hành quân tăng phái cho Task Force South.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

o O o

Cuối năm Mậu Thân, tháng 2 năm 1969, Thiếu úy Ðặng Hữu Duyên thuyên chuyển về giữ chức Trưởng Ban 4 của liên đoàn, Thiếu úy Trần Dân Chủ được đề cử làm tân đại đội phó.

Sau chiến dịch Chư Pa, nhân dịp đơn vị ghé hậu cứ dưỡng quân, tôi xin Trung tá liên đoàn trưởng cho tôi năm ngày phép bằng Sự Vụ Lệnh để về Hội-An thăm mẹ.

Tôi mãn phép, trở về thì đại đội tôi đã hụt mất hai người vì Trung sĩ nhứt Tánh, Hạ sĩ quan thường vụ đại đội, đã bị Hạ sĩ Lưu Sanh bắn chết, sau một vụ cãi lộn. Lưu Sanh lãnh án, đi tù.

Không còn Lưu Sanh, Ngô Sanh trở nên u sầu ủ dột. Anh xin tôi cho anh về làm khinh binh dưới quyền Thiếu úy Vy Trung đội 1.

Trong trận Chư Pa, người mang đồ ngủ, lều võng cho tôi là Binh nhứt Trung đã bị thương nặng phải giải ngũ, tôi bèn giữ Ngô Sanh ở ban chỉ huy đại đội làm công việc của Binh nhứt Trung.

Từ khi về ban chỉ huy đại đội, nhận việc lều võng cho tôi, hình như Ngô Sanh không được vui. Nó thường luẩn quẩn, loanh quanh bên khẩu súng đại liên M60 của Hạ sĩ Trần Ðợi. Trần Ðợi là người thay thế Lưu Sanh, chỉ huy một trong hai khẩu súng chủ lực của đơn vị.

Khi rảnh rỗi, Ngô Sanh hay rã khẩu M60 ra thành nhiều mảnh, ngâm các bộ phận trong một thau dầu, rồi chùi khô, thoa nhớt, khẩu súng bóng loáng như vừa xuất kho.

Có một lần Ngô Sanh trình diện tôi; nó gãi đầu, gãi tai, lí nhí câu gì đó tôi nghe không rõ. Tôi bực mình nên to tiếng,

– Nói lí nhí trong miệng! Nghe không được thì ai biết mi muốn cái gì! Muốn chi thì gặp Thượng sĩ Thống thường vụ, nói với ông ấy, ông ấy giải quyết cho!

Thấy tôi có vẻ bực mình, Ngô Sanh bỗng cuống quýt, vừa run, vừa lắp bắp,

– Dạ! Không có chi! Không có chi Thái Sơn!

Sau đó, nó gãi đầu rồi lủi đi.

Mấy giờ sau Thượng sĩ Thống vừa cười, vừa nói với tôi,

-Thằng Sanh muốn xin Trung úy cho nó ra tải đạn cho thằng Ðợi. Nó sợ Trung úy la nên cứ ấp a ấp úng không dám nói. Nó nhờ tôi giúp nó, xin với Trung úy cho nó đi!

– Ừ! Hôm nào ông kiếm coi có đứa nào thay nó, rồi cho nó ra với thằng Ðợi.

Rồi ông Thống cười tủm tỉm,

– Trung úy có biết tại sao thằng Sanh mê khẩu súng đại liên không?

– Ai mà biết?

– Nó mê súng đại liên chỉ vì tên con vợ nó là “Ðại Liên” đó Trung úy ơi!

– ?????

Tiếp đó ông Thống giải thích,

– Bố vợ nó cùng thời với tôi. Ông ấy có ba đứa con gái đặt tên là Hoàng Thị Ðại Liên, Hoàng Thị Trung Liên và Hoàng Thị Tiểu Liên. Vợ nó là chị lớn trong nhà, tên Ðại Liên. Sau khi bố vợ nó bị thương và giải ngũ thì đưa gia đình về Qui Nhơn, đem theo hai con Trung Liên và Tiểu Liên. Nay chỉ còn mình con Ðại Liên ở Biển Hồ.

Nghe hết chuyện, tôi cũng bật cười,

– À ra thế!

o O o

Sáng Mồng Năm Tết năm Kỷ Dậu,1969, Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân làm lễ xuất quân.

Nghe đâu người vẽ phóng đồ hành quân của Phòng 3 Quân đoàn đã vẽ cho chúng tôi đi về hướng Tây Pleiku vì lịch chỉ hướng chính Tây là hướng Cát Thần.

Mục tiêu của Ðại đội 1/11 là một buôn Thượng tên là Plei Blo O’dung 3 bỏ hoang, cách Ðồi 37 Pháo Binh, Pleiku chừng bốn cây số.

Tôi đã dùng con lộ chính để làm trục tiến quân. Mười giờ sáng, chúng tôi tới mục tiêu, vô sự.

Tới trưa, cơm nước xong, có lệnh cho chúng tôi thu quân rút ra làng Plei Blang 3 để lên xe về hậu cứ.

Khi đi hành quân, tôi là một người rất cẩn trọng. Sợ bị địch phục kích, tôi cho đơn vị rút ra điểm tập trung bằng con đường khác.
Từ làng Plei Blo O’dung 3 tới làng Plei Blang 3 đường dài gần năm cây số. Vùng này là rừng cây thưa với những đường xe be đan nhau.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Chúng tôi đi theo đội hình hàng dọc hai bên đường. Chỉ nửa giờ sau tôi đã nhìn thấy làng Plei Blang 3 bên kia một thung lũng đầy cỏ dại, chạy dọc theo Tỉnh lộ 509.

Nơi đây chỉ còn cách làng Plei Blang 3 chừng hai cây số.

Bất thình lình“Choác! Choác!” súng nổ ran! Súng bắn từ hướng trước mặt, từ bụi cây ở giữa lòng đường!  Nơi này con đường chẻ làm hai, ở giữa đường có một cụm rừng như hòn đảo nhỏ.

Vì địch nằm ở giữa, nên quân đi bên phải sợ bắn nhầm quân đi bên trái, quân đi bên trái lại sợ bắn nhầm quân đi bên phải, chúng tôi lâm vào thế vô cùng lúng túng!

Ðã có vài người đi trước mặt tôi bị trúng đạn rồi. Trong số này hình như Trung sĩ 1 Nguyễn Khôi, trung đội phó Trung đội 2 bị địch bắn vỡ đầu.

Tôi cùng hai cố vấn Hoa Kỳ đi với hai anh lính truyền tin và một anh lính hộ tống bị kẹt giữa hai lằn đạn phải vội vàng nằm sát mặt lộ tránh đạn.

Tôi la to:

“Một nằm xuống! Hai bắn về bên phải! Xung phong bên phải!”

Lập tức mọi người hô theo:

“Một nằm xuống! Hai xung phong bên phải!”

Cũng may vì đã có nhiều lần quen tập luyện “Phản ứng cấp thời” nên vừa nghe tiếng la của tôi, các trung đội đã phản ứng rất nhanh và ăn khớp.

Ông Chuẩn úy Ðàm Quang Hạ Long, Khóa 27 Thủ Ðức, trung đội trưởng Trung đội 2, là một tân sĩ quan của đơn vị này nhưng cũng tỏ ra là một tay “Can trường khí phách”

Chuẩn úy Hạ Long một tay ôm khẩu M 16, tay kia giơ cao khoát lia lịa, miệng la oang oang:

“Xung phong! Xung phong bên này!’’

Sáu tên Việt-Cộng nằm trong bụi thì bốn tên bị giết, còn lại hai tên đã nhanh chân thoát chạy về bên kia đường rồi biến mất trong bụi rậm.

Bên kia bãi đất trống là rừng cỏ tranh cây thấp. Bãi đất trống này là một nương rẫy cũ, nằm song song với con đường xe be.

Cái nương này có chiều dài cỡ hai trăm mét, chiều ngang chừng một trăm mét.

Tôi lồm cồm ngồi dậy, anh Trung úy Mỹ cũng lồm cồm ngồi dậy. Anh ta là một Trung úy Pháo Binh Hoa-Kỳ, có nhiệm vụ làm tiền sát viên yểm trợ hỏa lực cho đại đội tôi.

Tôi được thông báo rằng, đơn vị Pháo Binh Hoa-Kỳ yểm trợ hỏa lực cho tôi hôm đó là một pháo đội 105 ly dã chiến, nhưng tôi không rõ súng đặt ở đâu.

Anh sĩ quan Mỹ đánh rơi cặp kính cận, hai tay anh ta đang quờ quạng trên mặt đường để tìm cặp kính.

Trung đội 1 nằm bên phải con đường lúc này vừa chuyển thành đội ngũ hàng ngang. Họ cố bắn với theo hướng hai thằng địch vừa thoát chạy.

Bất ngờ từ bên kia trảng trống, những tràng súng liên thanh tới tấp bắn sang.

Chúng tôi lại vội nằm sát mặt lộ để tránh.

Vì xe be chạy qua chạy lại nhiều năm, nên mặt con lộ bị lún xuống thấp hơn lề đường chừng ba tấc, do đó mà bìa đường trở thành bờ đất ngăn đạn, giúp đơn vị tôi không bị thiệt hại.

Thấy hỏa lực địch quá dữ dội, tôi không dám cho quân xung phong. Vì xung phong qua vạt ruộng trống trải này dưới những làn đạn đại liên thì chẳng khác gì tự sát.

Kỳ lạ một điều là, hỏa lực súng cộng đồng của Việt-Cộng rất hùng hậu, nhưng hình như địch không có ý nghênh chiến. Chúng chỉ bắn thị uy chừng mười phút rồi im.

Lợi dụng thời gian tiếng súng vừa ngừng, tôi chuyển toàn quân về bố trí nơi hướng Ðông trảng trống.

Ở vị trí này, nếu thấy địch mạnh quá, không đương cự nổi, tôi còn đường chạy thẳng ra làng Plei Blang 3.

(còn tiếp)