Tôi không hề biết bố làm việc gì, chỉ biết ngày nào bố cũng ra khỏi nhà từ sáng sớm khi chúng tôi chưa dậy, và trở về lúc trời chập choạng tối, trẻ con đã lên giường. Mẹ cho chúng tôi ăn trước, còn mẹ chờ bố về để ăn cùng, dù bố về muộn.

Chúng tôi chỉ (thức) gặp bố vào cuối tuần, nhưng mẹ bảo bố luôn luôn vào hôn từng đứa khi say ngủ, rồi mới ngồi vào bàn ăn cơm tối.

Hồi học trung học, một hôm bố gọi về bảo tối nay bố về nhà rất trễ, vì có nhiều trục trặc ở nhà máy. Mẹ và tôi phải mang phần ăn tối tới chỗ bố làm việc. Tôi thấy bố bước ra với bộ mặt lấm lem dầu mỡ, áo quần đầy bụi than, và mồ hôi ướt đẫm lưng áo.

Dường như Bố không muốn tôi biết bố làm gì, nên đã cằn nhằn chuyện mẹ để tôi thấy bố trong bộ dạng thiểu não như vậy. Bố nói với các con, công việc của bố nhàn hạ lắm, chỉ cắt đặt công việc cho mấy người thợ.

Công việc ở nhà máy điện khiến bố phải dùng sức rất nhiều, nên khi mới 48 tuổi bố đã phải mổ cả hai bên vai, rồi tới cổ tay và đầu gối, bác sĩ bảo bệnh do nghề nghiệp.

Tình cờ khi học xong đại học môn thống kê kế toán, tôi nhận được việc ở nhà máy, nơi chỗ bố làm khi trước. Bác Thịnh, người Ðốc Công già cùng làm với bố khi trước vẫn còn ở đó. Bác rất mừng khi biết tôi là con của bố. Mặc dù làm ở văn phòng, bác vẫn dẫn tôi đi khắp nhà máy, và giảng giải từng công đoạn. Tôi nghe chữ được chữ mất, giống như đang nghe một ngôn ngữ lạ.

Xem thêm:   Nhạc sĩ Văn Phụng đàn cùng ta reo khúc “Ô mê ly”

Bác Thịnh nói về nỗi nguy hiểm của công việc mà những người thợ của nhà máy phải đảm nhiệm, bố tôi là thợ giỏi nhất trong tất cả những người làm ở đây.

– Chúng tôi là những người mà nơi công cộng, không bao giờ ai thấy. Vì chúng tôi làm ở tít trên cao trong góc tối, hay trong những đường ống dưới mặt đất, thấp hơn mặt nước biển.

Tai tôi lùng bùng, có cái gì nghẹn nơi cổ họng, khi ông Thịnh cầm cái mỏ-lết nặng 12lbs đưa cho tôi và nói:

– Ðây là vật mà bố cháu dùng mỗi ngày.

Rồi chỉ lên phía tầng tháp cao, nơi mà có ngày nhiệt độ lên tới 140độ F. Giọng ông vẫn đều đều Bố cháu làm ở đó!

Trong xóm lao động biết bao nhiêu người như bố, từ bác thợ hồ, bà Năm bán rau, chú Bảy chạy xe ba gác, để kiếm những đồng tiền lương thiện, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, và chỉ ngừng khi không còn sức lực.

Những lời bố khuyên dạy và hình ảnh năm xưa bố trong bộ quần áo đầy dầu mỡ, đã theo tôi trong suốt cuộc đời:

Lương tâm là kim chỉ nam trong cuộc sống của mỗi con người.

Vu Lan năm nay, chắc bố đang mỉm cười nơi chín suối, khi thấy đàn con luôn luôn tâm niệm nghe theo lời bố dạy.

Con gái của bố.

Lại thị Mơ

LTM