Năm tôi 11- 12 tuổi là chị của 3 đứa em mà tôi vẫn hay làm nũng và được mẹ yêu chiều. Tôi dám chắc tuổi thơ của tôi được ăn phở nhiều hơn những đứa trẻ khác cùng thời, mỗi lần tôi ốm là mẹ mua ngay cho bát phở bò, lại thêm một chai nước xá xị con cọp cho tôi nhâm nhi trong lúc ốm đau. Đây là thuốc chữa bệnh kỳ diệu cho tôi mà khỏi cần uống thuốc tây thuốc ta gì cả.
Thuở đó người ta không dễ dàng động chút nhức đầu sổ mũi là đi khám bác sĩ như bây giờ, mẹ tôi là “bác sĩ gia đình” luôn, thấy tình hình tôi ốm “nặng” cụ thể rõ ràng như nóng sốt, cảm ho … thì mẹ ra tiệm thuốc tây khai bệnh và mua thuốc về, nếu loàng xoàng hoặc không kiểm chứng được như nhức đầu, đau bụng thì mẹ dùng “thuốc bổ” là tô phở và chai nước ngọt xá xị.
Cho nên tôi thường xuyên… ốm, chơi nhảy dây với chúng bạn suốt cả buổi chiều xong, thấy đói bụng và thèm phở, tôi chạy về nhà nhăn nhó:
– Mẹ ơi con bị nhức đầu. Chắc con không ăn cơm nổi đâu.
Mẹ nhìn tôi và… chẩn bệnh:
– Nhảy nhót tung tăng cho lắm vào đầu tóc rối bù lên như tổ quạ, mặt mũi toàn mồ hôi, chứ ốm đau gì.
Tôi tiu nghỉu:
– Thế chiều nay nhà mình ăn cơm gì?
– Canh cua mồng tơi, cá nục kho.
Tôi lầu bầu:
– Con ngán canh mồng tơi, cá nục của mẹ luôn…ăn hoài à…
Mẹ mắng:
– Đừng có “Con nhà lính tính nhà quan” .

Bảo Huân
Hôm nào tôi bị ốm thật tôi… mừng lắm vì có lý do chính đáng để được chiều chuộng, không phải quét nhà rửa bát và không làm các việc vặt khác, tôi được mẹ âu yếm cho nằm nghỉ ngơi trên giường, kéo màn gió che lại kẻo gió máy tôi sẽ bệnh thêm. Mẹ sai thằng em kế thua tôi 2 tuổi mang tô ra hàng phở của ông Hùng trong xóm mua phở về cho tôi. Tôi đang nằm “tịnh dưỡng” trên giường vẫn cố vén màn gió ngoái đầu ra dặn dò nó:
– Đợi ông ấy chan nước phở xong thì xin thêm tí nữa về chị ăn cơm nguội luôn nha.
Giọng thằng em ganh tị:
– Biết rồi, lần nào cũng xin thêm nước phở.
Rồi nó lẩm bẩm:
– Ỷ mình ốm làm tàng. Lúc ốm thì xưng “chị” ngọt ngào sai “người ta” đủ thứ, lúc thường thì toàn ăn hiếp “người ta”.
Mẹ tôi an ủi đứa này và mắng yêu đứa kia:
– Kệ chị đi con, chị đang ốm mà. Con này hễ ốm đau mà nghe đến ăn phở là tỉnh như sáo.
Hàng phở ông Hùng trong xóm là một cái xe phở chứ có hàng quán gì đâu, người ta mua mang về hay nếu ăn tại chỗ thì ngồi ngay cái bàn kê ngoài sân với mấy cái ghế cạnh bên xe phở. Tôi không lạ gì cái xe phở ông Hùng, lâu năm nên ám khói, tô bát, ống đũa bày xung quanh cũ mèm, tất cả thành một màu… đen tối nhưng vẫn hấp dẫn với miếng thịt bò chín, bò tái, chùm hành lá treo lủng lẳng bày trong một tủ kính cũng ám khói bên cạnh thùng nước lèo nóng hổi luôn tỏa khói thơm mùi phở.
Bưng tô phở về nhà cho tôi xong mẹ lại sai thằng em:
– Con chạy sang nhà bác Chuông mua chai xá xị con cọp cho chị.
Ăn tô phở xong tôi lấy cơm nguội trộn nước phở… ăn tiếp rồi mới tráng miệng từng hớp nước xá xị mẹ đã rót ra ly, mỗi lần chỉ một phần ly nho nhỏ, còn lại đậy nắp chai để dành chứ không phải một lúc uống hết cả chai xá xị đâu, có lẽ mùi xá xị thơm ngon thoảng như mùi thuốc bắc nào đó nên tôi uống vô là đỡ bệnh chăng?
Những người mẹ trên khắp thế gian này ai cũng thương yêu con mình. Mẹ tôi cũng thế, lúc bấy giờ mẹ đã có 4 đứa con mà mẹ vẫn thương đứa con “già đầu” nhất là tôi. Nấu cơm bằng nồi gang với bếp củi, khi cơm cạn nước tắt lửa, cời than hồng đều ra, cơm chín ngon mà cơm cháy vàng đều cũng ngon, mỗi khi các con ăn cơm xong mẹ lại xới cơm cháy chia phần cho 4 đứa, tôi cũng được phần to bằng các em khỏi phải ganh tị.
Thế là tuổi bé thơ của tôi có 3 món tôi thương yêu nhất là phở bò chín, nước ngọt xá xị và cơm cháy.
Mẹ tôi kể rằng thuở tôi lên 8 suýt bị bắt cóc chỉ vì tôi ham đi xe Taxi. Khi ấy cha mẹ tôi sống trong một trại gia binh ở Hạnh Thông Tây, có vợ chồng nhà hàng xóm không con, chồng là binh sĩ đóng quân chốn xa thỉnh thoảng mới về nhà, người vợ ở nhà một mình vắng vẻ cô đơn rất thương yêu bé Bông là tôi, dì hay gọi tôi sang nhà dì chơi, cho ăn quà bánh, chải tóc cho tôi, nhiều khi hai dì cháu nằm nghe cải lương từ cái radio, tôi thường ngủ quên bên mấy câu đàn ca vọng cổ thắm thiết (nên sau này tôi cũng thích nghe cải lương luôn) .
Một hôm Dì rủ tôi có muốn đi Sài Gòn với Dì không, tôi nghĩ được ngồi xe taxi đi xa là thích và đồng ý ngay, Dì sang nhà xin phép cha mẹ tôi cho bé Bông đi theo Dì lên Sài Gòn thăm người họ hàng sáng đi chiều về. Ai ngờ Dì đi luôn một lèo 2 ngày trời làm cả nhà lo lắng không biết hỏi ai, mẹ tôi khóc sưng cả mắt cho là Dì đã lừa và bắt cóc bé Bông. Đến ngày thứ ba thì Dì cháu đi Taxi về, xe đậu ngay trước cửa nhà tôi, tôi chạy vào nhà trước, hí hửng ôm theo một con búp bế bằng nhựa và mấy gói quà Sài Gòn Dì mua và họ hàng Dì tặng cho tôi. Dì trả tiền Taxi xong vào sau, xin lỗi mẹ tôi, vì người họ hàng lâu lâu mới gặp đã năn nỉ níu kéo Dì ở lại chơi vài ba ngày mới cho về.
Có lẽ vì suýt mất tôi nên mẹ càng thương yêu tôi nhiều.
-oOo-
Sống ở Mỹ lâu nay, tôi giao lưu với bạn bè trên các diễn đàn và ngạc nhiên thấy có nhiều bạn cũng như tôi, ngày xưa còn bé thích bị ốm đau lặt vặt để được mẹ chiều chuộng mua cho tô phở và uống chai xá xị con cọp. Ông Thái Quang Đáng trong diễn đàn TTH khoe ngày nhỏ thường giả bệnh để được ăn hủ tíu mì. Tôi là “cao thủ” giả vờ ốm bệnh ăn nhiều phở thì ông Thái Quang Đáng cũng… chẳng vừa, đã từng ăn nhiều tô hủ tíu mì chẳng thua kém gì tôi.
Lạ thật, thời ấy không có internet, không có iPhone, không ai chỉ dẫn ai mà sao các bà mẹ chúng ta đều hành xử giống nhau? Chẳng lẽ tô mì, tô phở và chai xá xị con cọp đã là “công thức” là “thuốc chữa bệnh dân gian” cho đám con nít thời ấy nên ai cũng biết? và đám trẻ con chúng tôi nữa, có ai bảo ai đâu, đứa nào cũng biết khi ốm đau hoặc là giả vờ ốm đau đều được hưởng “đặc quyền” ấy.
Thời gian đầu khi mới sang Mỹ định cư, mỗi lần đi chợ Mỹ tôi đều tò mò tìm xem có xá xị con cọp không mà chẳng thấy đâu. Một hôm chồng muốn mua bia uống, khi chúng tôi thấy mấy lon “Root Beer” thì chắc chắn đây là “Bia” rồi nên mua mấy lon về uống thử xem bia Mỹ ra sao. Nào ngờ mở lon “Root Beer” ra chẳng thấy mùi “Bia” gì cả, mà lại bất ngờ thấy mùi vị nước ngọt xá xị. Tôi reo lên:
– Tìm thấy nước ngọt xá xị rồi.
Tôi vui mừng được nếm lại mùi vị xá xị ngày xưa còn chồng nhịn vì không phải là “Bia”.
Ở Mỹ, khu business nào của người Việt Nam cũng có những nhà hàng bán phở. Nào phở gà, phở bò chín, phở bò tái, phở bò sốt vang, phở “sang chảnh” với bò viên tái nạm gầu gân sách. Thường thì tôi vẫn chọn phở bò chín giống như tô phở mẹ vẫn mua về từ xe phở nhà ông Hùng trong xóm khi xưa.
Tôi có mua một cái nồi gang thỉnh thoảng tôi nấu cơm cố tình để có cháy, cơm cháy nồi gang trên bếp điện không ngon bằng cơm cháy nồi gang bếp củi của mẹ nhưng tôi ăn vẫn thấy ngon.
Tôi tìm lại những mùi vị của phở bò chín, của nước ngọt xá xị, của miếng cơm cháy không vì thèm thuồng háo hức như thuở bé thơ mà chỉ vì tôi nghĩ đến mẹ. Đó là những mùi kỷ niệm của mẹ.
NTTT (April.03, 2025)