(Kỳ 15d: The Federalist No 53)

Chúng ta tiếp tục theo dõi phần cuối của bản dịch The Federalist No 53. Trân trọng giới thiệu:

The Independent Journal

Thứ Bảy, 09 tháng 2. 1788*

Thưa Ðồng Bào Tiểu Bang New York:

…Làm sao có thể ấn định thuế một cách khôn ngoan và thu được thuế một cách hiệu quả nếu các đại diện không biết thông cảm với các luật lệ khác nhau và các điều kiện địa phương liên quan trong các Tiểu Bang khác nhau?

Làm sao có thể có chính sách thống nhất đúng đắn về quân sự nếu không có hiểu biết tương tự về các hoàn cảnh nội tại riêng biệt đã làm cho các Tiểu Bang khác nhau? Ðó là những mục tiêu trọng yếu của cơ quan lập pháp Liên Bang, và chúng cho thấy các đại diện của Liên Bang bắt buộc phải có vốn hiểu biết rất rộng. Những mục tiêu nội tại khác cũng sẽ yêu cầu phải có thêm những hiểu biết tương ứng.

Nhưng rồi tất cả các khó khăn này sẽ được giảm thiểu, từ từ và đáng kể.

Vậy nhiệm vụ vất vả nhất sẽ là làm sao phải tạo ra được một chính quyền đúng đắn và lập ra được một bộ luật tiên khởi cho liên bang. Rồi sau đó các cải tiến, sửa đổi hàng năm cho các thiết kế ban đầu sẽ dần dần dễ hơn và giảm bớt đi. Các hoạt động của chính quyền trong quá khứ sẽ là nguồn thông tin vừa sẵn sàng vừa chắc chắn cho các thành viên mới. Công việc của Liên Hiệp sẽ càng ngày trở thành chủ đề gợi trí tò mò và bàn luận của công dân ở khắp nơi. Sự tương tác gia tăng giữa các chính quyền Tiểu Bang sẽ đóng góp không nhỏ vào việc truyền bá hiểu biết lẫn nhau trong công việc giữa các Tiểu Bang và, hệ quả, làm cho phong tục, luật pháp giữa các Tiểu Bang trở nên gần gũi, hòa đồng với nhau. Nhưng với tất cả những thuận lợi đó, công việc lập pháp Liên Bang vẫn vượt quá xa công việc lập pháp của một Tiểu Bang, ở cả độ khó lẫn độ mới, và cho thấy sự đúng đắn cần phải tạo thời đoạn phục vụ dài hơn cho những người sẽ đảm trách công vụ này (ở đây tác giả ý thức được thực tế và tầm quan trọng trong việc đào tạo dần dần và lâu dài về các hiểu biết chính trị cho các đại diện của dân. ND).

Xem thêm:   Chu Trầm Nguyên Minh

Một nhóm tri thức cần cho người đại diện Liên Bang, vẫn chưa được đề cập, là nhóm kiến thức về ngoại giao. Ðể điều chỉnh các hoạt động thương mại của chính chúng ta, người đại diện này chẳng những phải biết các thỏa ước giữa Hợp Chúng Quốc với các nước khác lại còn phải thông thuộc cả chính sách thương mại và luật lệ của các nước đó nữa. Ông ta (đại từ “ông ta” (he) ở đây cho thấy sự phân biệt nam-nữ trong xã hội đương thời. ND) không thể mù tịt về luật pháp của các quốc gia khác; bởi chừng nào chúng còn là một mục tiêu đúng đắn của lập pháp địa phương thì chúng còn cần cho chính quyền Liên Bang.

Và dù Cơ quan Ðại diện không tham gia trực tiếp vào các bàn thảo, các thỏa thuận với nước ngoài, nhưng do sự liên đới tất yếu giữa các nhánh công vụ với nhau, những công việc đặc biệt này sẽ thường xuyên cần phải được chú ý trong tiến trình lập pháp và có lúc còn đòi hỏi phải được sự cho phép và hợp tác đặc biệt của cơ quan lập pháp nữa. Không còn nghi ngờ gì, một phần của tri thức này có thể có được qua sự tự học của cá nhân; nhưng phần còn lại chỉ có thể có được từ các nguồn tin công cộng; và tất cả các tri thức này sẽ được thủ đắc với hiệu quả tốt nhất khi chúng được vận dụng thực tế vào vấn đề trong quá trình phục vụ thực sự tại cơ quan lập pháp.

Còn một số vấn đề khác, có thể ít quan trọng hơn, nhưng không phải không đáng quan tâm. Khoảng cách địa lý mà nhiều đại diện sẽ phải di chuyển và các nhu cầu cần thiết do khoảng cách đó gây ra có thể sẽ trở thành những trở ngại lớn hơn cho những người đủ năng lực nhưng thời gian phục vụ có giới hạn chỉ là một năm thay vì được mở rộng lên hai năm. Vấn đề này không thể có sự phản đối từ các đại biểu trong Quốc Hội hiện nay. Bởi, đúng là họ được bầu hàng năm; nhưng việc tái cử của họ lại được các nghị hội lập pháp coi gần như là chuyện đương nhiên. Nhưng việc bầu ra các đại diện bởi nhân dân sẽ không bị khống chế bởi những nguyên tắc này.

Xem thêm:   Một chút cảm nhận

Như vẫn thấy trong mọi nghị hội vừa nói, một vài thành viên sẽ có những tài năng vượt trội và, bằng cách tái cử liên tiếp, sẽ trở thành các thành viên thường trực; họ sẽ là những người hết sức lão luyện về việc công, và có thể sẽ không do dự lợi dụng các lợi thế này. Trong khi đó nếu tỷ lệ các thành viên mới càng nhiều và nếu thông tin về toàn thể thành viên càng ít ỏi thì những thành viên mới sẽ càng dễ có nguy cơ rơi vào các cạm bẫy đã được giăng sẵn cho họ. Ðiều này không phải ít khả năng xảy ra cho mối quan hệ sẽ có giữa Cơ quan Ðại diện và Thượng viện.

Ðó là một bất tiện đi kèm với các ưu điểm trong các cuộc bầu cử thường kỳ của chúng ta, ngay cả đối với các Tiểu Bang rộng lớn và mỗi năm chỉ có một phiên họp lập pháp, khiến các cuộc bầu cử gian lận vẫn không thể bị điều tra và bác bỏ kịp thời để không gây tác hại. Và nếu có thể tái cử với bất kể mọi cách phi pháp, thì thành viên bất chính đã ngồi trong nghị hội chắc chắn sẽ giữ được ghế trong thời gian đủ cho việc thực hiện các ý đồ của họ. Thành ra, việc sử dụng cách thức phi pháp để được tái cử bất chính lại được khuyến khích một cách tai hại. Do đó, nếu cơ quan lập pháp liên bang phải bầu lại hàng năm, những cuộc bầu này sẽ dễ có khả năng trở thành các hoạt động đầy gian dối, đặc biệt ở các Tiểu Bang xa xôi.

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

Trong khi mỗi Viện (“house”, nghĩa là mỗi viện lập pháp, Cơ Quan Đại Diện (Hạ Viện) và Thượng Viện. ND) đang, như điều cần phải, là người phán xét về bầu cử, về các điều kiện và cả sự tái cử của các thành viên; và bất kể những cải tiến nào do kinh nghiệm đề xuất có thể làm đơn giản hóa và tăng nhanh việc giải quyết các tranh chấp thì vẫn không thể tránh được phải cần một khoảng thời gian rất lớn của cả một năm trước để có thể bãi ghế của thành viên phạm pháp, và chính điều này làm cho viễn cảnh có thể ngăn được các ghế gian lận, phi pháp trở nên quá bé nhỏ.

Như vậy, toàn bộ các xem xét vừa trình bày đang bảo đảm để chúng ta khẳng định rằng bầu cử chu kỳ hai năm sẽ vừa thiết thực cho việc công và, như chúng ta đã thấy, vừa an toàn cho tự do của nhân dân.

(còn tiếp)

* Bài này xuất hiện lần đầu ngày 09 tháng Hai 1788 trên The Independent Journal; 12 tháng Hai 1788 trên The New York Packet. Đây các tờ báo của New York lúc đó. Bài này được đánh số 52 trên các báo. Trong ấn bản sách tập 2 của Nhà McLean tháng Năm 1788, bài này được đánh số 53. Số của các bài trong bản dịch theo cách đánh số của Nhà McLean.

** Trong năm (5) nguồn người dịch tham khảo có ba nguồn (oll.libertyfund.org; www.constitution.org; bản dịch Pháp văn Le Fédéraliste của Anne Amiel, Paris Classiques Garnier, 2012) cho rằng bài này của James Madison. Hai nguồn kia vẫn để tồn nghi giữa Alexander Hamilton và James Madison. Người dịch theo sự tồn nghi này.