Nhiều kỳ – Kỳ 5C:

(The Federalist No 10)

Ngay trong những dòng đầu tiên của The Federalist No 10, James Madison đã nhấn mạnh một yêu cầu bức thiết đối với chính quyền tương lai của nước Mỹ độc lập là phải “kiểm soát và làm thuyên giảm được tính quá khích của nạn bè phái”. Trên cơ sở đó, ông kêu gọi mọi người, kể cả những người đối lập, hãy đưa ra các giải pháp khả dĩ đạt được yêu cầu này. Nhưng ông cũng nhấn mạnh một nguyên tắc nền tảng đối với mọi giải pháp: “chúng không phạm vào những nguyên tắc cơ bản của chính thể bình dân.” Nói theo ngôn ngữ hiện đại ngày nay, mọi giải pháp để giải quyết sự quá khích, bạo động của nạn phe nhóm, đảng phái, bè cánh đều được hoan nghênh miễn không phạm vào các nguyên tắc cơ bản của dân chủ.

Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy trong Kỳ 5a, 5b, Madison đã chứng minh không thể và không nên cấm sự tồn tại của các bè phái, phe nhóm trong xã hội. Không thể là bởi vì “những mầm mống của bè phái đã nằm sẵn ngay trong bản chất của mỗi con người chúng ta”. Không nên là do muốn triệt tiêu bè phái, phe nhóm thì chỉ có một cách duy nhất: phải triệt tiêu hết các tự do cơ bản của con người. Nhưng, theo Madison, chỉ có kẻ “điên rồ” mới “xóa bỏ các tự do”.  Ðây chính là điểm khác biệt căn bản giữa tư tưởng chính trị của Madison, The Federalist với các kẻ độc tài toàn trị sau này như Lenin, Stalin, Mao, Hồ.

Madison còn viết rõ: “… những nhóm quyền lợi khác nhau tất yếu phải có trong các quốc gia văn minh…

Không những bè phái, nhóm quyền lợi khác nhau luôn tồn tại trong xã hội và cần phải bảo tồn sự tồn tại này, Madison còn cho rằng ngay trong nội tại chính quyền, kể cả các chính quyền hiện đại nhất, cũng không thể tránh được đặc tính này. Ông viết:

Vì vậy, điều phối những quyền lợi vừa đa dạng vừa đối chọi nhau như thế trong xã hội chính là mục tiêu căn bản của một hệ thống pháp lý hiện đại và là điều cho chúng ta thấy các hoạt động thường ngày, thiết yếu của chính quyền sẽ luôn bị ảnh hưởng, bị xúi giục bởi đầu óc có tính bè nhóm, đảng phái.” (tô đậm bởi PHS)

Xem thêm:   Đi tìm lăng mộ Antoine & Cléopâtre

Những hục hặc, chia rẽ, xung đột, truy sát, thanh trừng nhau ngấm ngầm và rùng rợn ngay trong và giữa các chính thể “dân chủ nhân dân” sau này của Lenin, Stalin, Mao hay Hồ, Tập, Trọng không chỉ cho thấy sự cảnh báo tinh tường của một công dân mà còn cho chúng ta thấy sự chân thành, trung thực của một nhà tư tưởng, một chính trị gia có tên: James Madison.

Lý luận của Madison và The Federalist trong việc cổ xướng cho bản hiến pháp của một nước Mỹ độc lập mới đã được đặt trên nền tảng lợi ích chung và đa dạng của xã hội con người chứ không nhằm đề cao hay triệt hạ một giai cấp nào như mọi chính trị gia sau này của phong trào cộng sản.

Ðó chính là một lý do tại sao nước Mỹ đã có những chính trị gia, những xu hướng chống cộng cực kỳ quyết liệt ngay trong thời kỳ chủ nghĩa cộng sản có bộ mặt tử tế nhất và huy hoàng nhất ở mức độ toàn cầu. Cho dù Ðảng Cộng sản Mỹ vẫn được thành lập, vẫn tồn tại ngay tại Mỹ, nhưng các lãnh đạo của nó chưa bao giờ có một cơ hội nhỏ nhoi nào để mơ tưởng tới quyền lực. Thực ra, đây chỉ là một logic đơn giản: một xã hội có giới trí thức tinh hoa đã biết hoặc bị ảnh hưởng bởi tư tưởng kiểu The Federalist sẽ dung thứ cho mọi chính kiến, tư tưởng khác được tồn tại nhưng cũng chắc chắn sẽ không chấp nhận để những loại tư tưởng muốn “xóa bỏ các tự do” của người khác nắm quyền điều hành toàn xã hội.

The Federalist No 10 cũng cho chúng ta thấy một sự thẳng thắn, chính trực khác: Không ve vãn “nhân dân”. James Madison viết:

“[N]hững hiểu biết, quan điểm, tầm nhìn của xã hội sẽ được tinh lọc và mở rộng thêm khi chúng được duyệt qua một nhóm người đã được lựa chọn trên cơ sở có năng lực tốt nhất,… sẽ có xu hướng đưa được ra những quyết định cho cộng đồng tốt hơn là khi do chính người dân quyết định cho cộng đồng.

Xem thêm:   S.O.S.

Ðây là tư tưởng sẽ còn được đề cập nhiều lần trong các số khác của The Federalist: không đặt sự sáng suốt vào số đông, vào quần chúng hay nói cách khác, luôn cảnh giác các phản ứng, ý kiến của đám đông nhất là số đông thuộc giai tầng thấp trong xã hội. Thái cực tư tưởng này dĩ nhiên không hoàn hảo nhưng nó tránh được hai nguy hiểm cho chính quần chúng: công cụ đạo đức giả cho những kẻ mỵ dân; triệt tiêu động lực tiến hóa xã hội. Những kẻ độc tài cộng sản sau này luôn nhân danh “nhân dân”, ca tụng “nhân dân” và sẵn sàng thí mạng nhiều triệu “nhân dân”, vốn đã khốn khổ vì sự thụt lùi của xã hội, cho những sở thích, ham muốn riêng của chúng đều là những minh chứng hiển nhiên cho tầm nhìn xa rộng của James Madison và The Federalist.

Về việc chọn được người tài đức để lãnh đạo cộng đồng xã hội, các lập luận của The Federalist No 10 cũng gợi mở cho độc giả thấy được chính trị chẳng phải là vấn đề gì cao xa hay khó hiểu.

James Madison đưa ra một giả định rằng tỷ lệ người tài giỏi ở mọi xã hội là như nhau, nghĩa là chúng ta phải tự thừa nhận có sự bất bình đẳng phổ quát về tài năng của con người, vậy xã hội có dân số lớn hơn sẽ phải có số người tài giỏi nhiều hơn. Hệ quả là xác suất chọn được người tài giỏi ở xã hội có số dân lớn hơn sẽ lớn hơn. Nhìn bằng con mắt ngày nay, chúng ta sẽ thấy những quốc gia có dân số lớn như Trung Cộng, Ấn Ðộ sẽ có số người tài giỏi nhiều nhất và nhiều hơn cả Mỹ, Anh, Ðức, Pháp. Nhưng tại sao hai quốc gia đông dân số này không vượt trội về tính “tài giỏi” quốc gia?

Madison đã có ngay câu trả lời từ năm 1787:

Và nếu việc bỏ phiếu càng được tự do thì càng có cơ hội cho cử tri tập trung phiếu vào những người mà tài năng đã được thừa nhận, đức hạnh đã được thử thách.

Xem thêm:   Giọt lệ linh lan

Nếu thiếu Tự Do, tài năng-đức hạnh sẽ trở thành vô nghĩa đối với quốc gia. Ðây là một sự thực hiện tồn. Sự cải thiện kinh tế của Trung Cộng, Việt Cộng trong nhiều năm qua thực chất cũng chỉ là hệ quả của sự bắt buộc phải thả lỏng một số tự do.

Madison còn cho độc giả Việt Nam chúng ta, những người ít hay hoàn toàn chưa được thực hành dân chủ nhìn thấy một nét tinh tế về tính đại diện: khả năng quan tâm và hiểu biết của người lãnh đạo, người đại diện đối với nhu cầu, khát khao của cử tri địa phương và toàn quốc.

Nhưng chúng ta cũng phải nhận thấy trong bầu cử, cũng giống như ở nhiều vấn đề khác, đối với cả hai trường hợp, đã có sẵn những nhược điểm. Khi số lượng cử tri quá lớn sẽ có nguy cơ biến những vị đại diện trở thành những người xa lạ với địa phương và không biết tới những nhóm người thiểu số. Nhưng nếu số lượng cử tri quá ít cho một đại diện thì người đại diện lại dễ trở thành những người gần như chỉ biết tới các vấn đề địa phương nhưng lại rất thiếu hiểu biết ở tầm quốc gia.

Ðây chính là nguyên tắc cơ bản để thiết lập sự phân bổ số đại diện trong cơ quan lập pháp cho các địa phương theo tỷ lệ dân số để nhằm làm cho họ vừa gần dân tại địa phương nơi họ đại diện lại vừa có tầm nhìn, viễn kiến cho cả tổng thể quốc gia. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa đủ để thỏa mãn nhu cầu cân bằng về quyền lực công giữa các địa phương. Ðây chính là một trong những lý do để cần phải có thêm một nhánh thứ hai  của cơ quan lập pháp: Thượng viện (the Senate).

Chúng ta tạm dừng nói về The Federalist No 10 ở đây để còn dành chỗ cho những số khác cũng rất đáng để cho độc giả con dân nước Việt suy gẫm.

(còn tiếp)