Tương lai của Tân Ðảo (Nouvelle-Calédonie) lại bị thử thách trong những ngày tới.

Nếu không có sự trở ngại nào, ngày 12 tháng Mười Hai này dân Tân Ðảo lại tới phòng phiếu để bày tỏ ý nguyện có muốn tách ra thành một quốc gia độc lập hay vẫn tiếp tục ở trong nước Pháp. Ðây là cuộc trưng cầu dân ý lần thứ ba có cùng một mục đích kể từ năm 2018. Kết quả của hai lần trước là dân chúng không muốn độc lập đã thắng.

Tân Ðảo là một nhóm đảo có tổng diện tích khoảng 19,000 Km2 nằm ở Thái Bình Dương, cách bờ đông nước Úc khoảng 1,500 Km, với dân số khoảng gần 300,000 người. Ðây là một lãnh thổ thuộc chủ quyền của Pháp nhưng được hưởng một quy chế tự trị đặc biệt như có chính phủ riêng và cơ quan lập pháp riêng v.v.

Về cuộc sống vật chất và tinh thần nói chung, Tân Ðảo hiện đạt ở mức độ cao so với các quốc đảo trong vùng Thái Bình Dương, với thu nhập bình quân đầu người (GDP) khoảng trên 30,000 đô-la Mỹ một năm (Việt Nam khoảng 3,000); chỉ số IDH (phát triển vật chất và tinh thần con người) đạt khoảng trên 0.8 (Việt Nam khoảng 0.7).

Vậy tại sao nhiều người Tân Ðảo vẫn không thỏa mãn với hiện tại, lại đòi độc lập, tách rời khỏi một quốc gia hùng mạnh, nhân văn như Pháp, cũng đồng nghĩa tự rời bỏ quy chế là thành viên của một tổ chức liên quốc gia hết sức giàu có và văn minh EU – Liên Âu?

Ðể lý giải được phần nào câu hỏi này chúng ta nên xem lại lịch sử của Tân Ðảo.

Theo sử sách hiện có, người Âu đầu tiên tìm ra Tân Ðảo không phải là người Pháp mà là người Anh, nhà hàng hải, thám hiểm xuất sắc James Cook. Ngày 5 tháng Chín 1774, James Cook đã đặt chân lên hòn đảo xa xôi cách bản quán của ông gần 2 vạn Km. James Cook đã lấy tên Caledonia, một địa danh của quê ông tại Scotland để đặt tên cho xứ sở hoang dã này: New-Caledonia.

Xem thêm:   "20 ngày tại Mariupol"

Nhưng vùng đất mới này không hấp dẫn các nhà thuộc địa người Anh, họ đã nhường lại miễn phí cho các nhà thám hiểm và tìm kiếm thuộc địa người Pháp.

Người Pháp đã tiếp quản nguyên văn địa danh do người Anh lập, chỉ việc dịch sang tiếng Pháp: Nouvelle-Calédonie. Kể cả một địa danh khác cũng rất nổi tiếng là Iles Loyauté cũng chỉ là tên dịch từ Anh sang Pháp, Loyalty Islands.

Sau nhiều thập niên thám hiểm và thử thách, năm 1853 người Pháp mới thành công trong việc làm chủ vùng đất này bằng quy chế thuộc địa (colonie).

Tuy nhiên, khoảng 3000 năm trước khi người Âu lên đảo, Nouvelle-Calédonie đã là một nơi có người ở. Những người bản xứ thuộc giống người có tên (do người Âu định danh) là Melanesian (Mélanésien) – thủy tổ của người bản địa hiện có tên là Kanak.

Như ở khắp nơi trong công cuộc tìm kiếm thuộc địa, sự gặp gỡ giữa người Âu và người bản địa đã làm lộ ra những khác biệt rất lớn giữa hai «thế giới». Người bản địa tới lúc này vẫn sống trong tập quán theo chế độ dòng tộc; trang phục chỉ đơn giản ở trần truồng hoặc quấn khố. Một trong những kết quả-hậu quả của sự khác biệt này là các xung đột dữ dội có tính hủy hoại lẫn nhau với sự thắng thế cuối cùng thuộc về người Âu.

Sau Thế Chiến II, Nouvelle-Calédonie trở thành một lãnh thổ hải ngoại (TOM) của Pháp với hai cộng đồng chính: cộng đồng người gốc bản xứ Kanaks và cộng đồng thuộc gốc Âu-Pháp gọi là Caldoches. Xen giữa hai cộng đồng này là những người có xuất xứ từ nhiều vùng khác trong vùng như Polynésie hoặc thậm chí là Việt Nam và thành phần người lai giữa các chủng người khác nhau. Những cộng đồng nhỏ này, tùy thuộc ý thích, sẽ tự cho thuộc về Kanaks hoặc Caldoches.

Thập niên 1960, sự bùng nổ giá nguyên liệu Nickel trên thế giới đã tạo ra một cuộc di cư lớn từ Pháp và các vùng lân cận trong vùng Thái Bình Dương sang Nouvelle-Calédonie vì nơi đây có các mỏ Nickel với trữ lượng chiếm khoảng 25% toàn bộ trữ lượng thế giới.

Xem thêm:   Hoài cổ đầu Xuân

Cuộc di cư khiến người Kanaks càng trở thành thiểu số về số lượng và sức mạnh (học thức, sở hữu đất, mức phồn vinh vật chất …) so với cộng đồng Caldoches. Tuy nhiên, người Kanaks vẫn giữ tinh thần độc lập (hay bảo thủ, tùy cách gọi) trong các tập quán và lối suy nghĩ truyền thống có tính đơn sơ.

Tới năm 1975, cộng đồng Kanaks đã đạt được thành công trong việc được chính phủ Pháp thừa nhận là một cộng đồng có bản sắc riêng. Từ sự thừa nhận này đã phát sinh ra các ý tưởng và phong trào đòi độc lập cho người Kanaks, trong số này phải kể đến tổ chức rất nổi tiếng có tên viết tắt là FLNKS (Front de Libération Nationale Kanak et Socialiste – Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Kanak và Xã Hội Chủ Nghĩa). Qua tên gọi này chúng ta cũng có thể thấy phong trào của người Kanaks có chịu ảnh hưởng của phong trào cánh tả-cộng sản vào thập niên 1970, trong đó có chiến thắng của cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, cộng đồng Caldoches cũng thành lập tổ chức đối lập để chống lại ý tưởng đòi độc lập : RPCR (Rassemblement Pour la Calédonie dans la République – Tập Hợp Gìn Giữ Calédonie Trong Cộng Hòa Pháp).

FLNKS đã tiến hành các chiến thuật hỗn hợp giống như cộng sản Việt Nam, qua các hoạt động chính trị, dân sự-bất bạo động lẫn vũ trang-khủng bố-bắt cóc. Ðỉnh điểm của khủng bố giết chóc là vào năm 1988, ngay khi cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp đang diễn ra căng thẳng giữa hai ứng cử viên François Mitterrand và Jacques Chirac tại chính quốc, FLNKS đã tiến hành bắt cóc 27 hiến binh để mặc cả với nhà nước Pháp. Cuộc bắt cóc khiến lãnh đạo Pháp, lần đầu tiên kể từ khi kết thúc cuộc chiến tại Algérie, phải điều lực lượng quân đội chính quy ra ngoài nước Pháp. Cuộc giải vây làm 21 người thiệt mạng, trong đó có 19 chiến binh đòi độc lập và 2 hiến binh nhà nước.

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

Sau sự kiện này, lãnh đạo hai phong trào đã gặp nhau và cam kết chấm dứt bạo động, giải quyết bất đồng bằng đối thoại qua trung gian của nhà nước tại chính quốc.

Từ thập niên 1990, cộng đồng Kanaks được hưởng thêm nhiều quan tâm, hỗ trợ về tài chính, tinh thần từ nhà nước Pháp và cộng đồng châu Âu. Song ý chí đòi độc lập của lãnh đạo Kanaks vẫn tiếp tục. Tình trạng này đã đưa tới một thỏa thuận có tính quyết định: Accord de Nouméa (thỏa ước Nouméa) năm 1998. Thỏa ước này đưa ra các cam kết có tính thỏa hiệp cho cả hai xu hướng trong đó có việc quyết định độc lập hay không bằng trưng cầu dân ý.

Thỏa ước thể hiện sự thận trọng (của cộng đồng Kanaks) và sự rộng lượng (của cộng đồng Caldoches và nhà nước Pháp) tới mức: có thể trưng cầu dân ý ba lần nếu hai lần đầu có kết quả bác bỏ độc lập.

Vì hai lần đầu đa số dân chúng đã nói KHÔNG với độc lập, nên ngày 12 tới đây, theo kế hoạch đã định trong Accord de Nouméa, người dân Tân Ðảo sẽ đi bỏ phiếu lần cuối cùng để xác định ý chí về độc lập hay không. Tuy nhiên, theo những diễn biến gần đây, lãnh đạo phong trào đòi độc lập có vẻ muốn phá Accord de Nouméa vì sợ thất bại.

Diễn tiến tại Tân Ðảo sắp tới chưa rõ sẽ ra sao, nhưng người viết bài này, với thân phận (chứ không phải tư cách) là một người Việt Nam, có một mong ước: Dân Tân Ðảo không độc lập vì hai lý do:

Một, dẫu đầy khuyết tật nhưng Pháp là một trong số các quốc gia có chính thể tử tế nhất mở ra những cơ hội cho con người được đi lên cả về vật chất lẫn tinh thần.

Hai, «độc lập» là một từ thường cho cảm giác rất ngọt ngào nhưng lại là từ có thể mang lại cuộc sống thực rất cay đắng như… Việt Nam ngày nay.

PHS (12/11/2021)