Tháng Bảy vừa qua, IDEA, tổ chức hỗ trợ và đánh giá dân chủ có trụ sở tại Stockholm, đã công bố báo cáo thường niên về tình hình dân chủ trên toàn thế giới với độ bao phủ 173 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ðây là bản báo cáo thường niên lần thứ 6 của IDEA (Institute For Democracy and Electoral Assistance). Như vậy, từ 6 năm qua, IDEA đã cung cấp thêm cho thế giới một bức tranh-soi rọi hàng năm về dân chủ bên cạnh các báo cáo thường niên khả tín và khách quan của những tổ chức lâu đời như Freedom House, Economist Intelligence Unit. Tuy nhiên, khác với hai tổ chức này, IDEA là một tổ chức liên chính phủ (intergovernmental) được thành lập từ năm 1995. IDEA hiện có 35 quốc gia thành viên trải trên khắp các châu lục. Quốc gia thành viên mới nhất là Luxembourg, gia nhập năm 2018. Mục đích tối hậu của IDEA là hỗ trợ, phát triển các nền dân chủ bền vững cho toàn thế giới bởi, theo IDEA, dân chủ là khát khao có tính phổ quát của toàn nhân loại và dân chủ là phương tiện để con người đạt được đời sống hạnh phúc hài hòa và vững bền nhất.

Báo cáo thường niên về dân chủ của IDEA có tên đầy đủ là The Global State Of Democracy Indices. Có hai điểm nổi bật trong báo cáo của IDEA: Một, Báo Cáo được xây dựng trên cơ sở đánh giá 116 tiêu chí (Freedom House: 25; Economist Intelligence Unit: 60); Hai, định dạng trình bày của Báo Cáo rất thông minh, tiện dụng, giúp người đọc nhanh chóng có cái nhìn bao quát hoặc chi tiết về một quốc gia trong sự so sánh với chính bản thân quốc gia này và /hoặc với các quốc gia lân cận/vùng/thế giới theo chiều thời gian có sự cập nhật liên tục từ năm 1975 tới nay.

Ví dụ, bấm vào hình Vietnam trên bản đồ, chúng ta sẽ thấy ngay xếp hạng năm 2021 thuộc dạng chính thể độc tài (authoritarian) kèm một biểu đồ hình tròn được chia thành 5 vùng lớn biểu thị cho 5 tiêu chí lớn (tính đại diện của chính quyền, mức độ tham gia chính trị của dân chúng, tính nghiêm minh của hành pháp, các nhân quyền cơ bản, các thiết chế kiểm soát chính quyền); mỗi vùng lớn này lại tỏa ra thành các vùng nhỏ ở ngoại vi hình tròn, số vùng nhỏ tùy thuộc vào các tiêu chí đánh giá cần thiết, ví dụ tiêu chí Nghiêm Minh Hành Pháp (impartial administration) tỏa ra thành hai vùng nhỏ là Hiệu Năng Thực Thi Pháp Luật (predictable enforcement) và Mức Ðộ Tham Nhũng (absence of corruption); tất cả các  vùng được tô màu tương ứng với mức độ đánh giá trong năm (Ðỏ: xấu; Vàng: trung bình; Xanh lá cây: tốt). Chỉ bằng một nhấp chuột chúng ta sẽ nhìn thấy sự biến đổi của từng tiêu chí qua từng năm kể từ 1975; với một hai thao tác, chúng ta cũng xem được ngay biểu đồ so sánh về tiến triển tổng quát so với các nước/vùng/toàn thế giới.

Bảo Huân 

Trong bài báo nhỏ này, chúng ta sẽ không đi sâu vào Báo Cáo IDEA nhưng sẽ dành để nói về một số điểm liên quan tới đất nước có tên: Việt Nam.

Xem thêm:   Bánh ít lá gai

Ðiểm tổng quát đầu tiên cần phải nói, Việt Nam luôn nhất quán thuộc chế độ độc tài (authoritarian), liên tục từ 1975 – 2021, 46 năm, gần nửa thế kỷ.

Ðiểm thứ hai, có hai vùng (tiêu chí lớn) của Việt Nam luôn hiện màu đỏ bất biến suốt từ năm 1975 đến nay là 2 vùng: Tính Ðại Diện Của Chính Quyền (representative government) và Kiểm Soát Chính Quyền (checks on government). Hai màu đỏ bất biến này phản ảnh thực tế là suốt từ 1975 tới nay nước Việt Nam thống nhất có một chính quyền không do người dân chọn ra và người dân không có bất cứ công cụ nào để kiểm soát/chống đối khi chính quyền làm mọi điều xằng bậy.

Trong tiêu chí Tính Ðại Diện Của Chính Quyền có vùng Ðảng Phái Chính Trị (free political parties) liên tục bị tô đỏ thể hiện đúng tình trạng Ðảng Cộng Sản luôn hậm hực và thù nghịch mọi đảng phái chính trị khác; nhưng lại có một vùng, ngược lại, có màu xanh lá cây suốt từ 1975 tới nay: Ðộ Rộng Của Quyền Bầu Cử (inclusive suffrage).

Trong tiêu chí Kiểm Soát Chính Quyền có hai vùng liên tục đỏ là: Tự Do-Khả Tín Của Truyền Thông (media integrity) và Ðộc Lập Tư Pháp (judicial independence). Trên thực tế, suốt từ 1945 tới nay, Ðảng Cộng Sản Việt Nam luôn thực hiện chính sách độc quyền truyền thông và độc quyền thống trị mọi tổ chức trong xã hội, kể cả tư pháp.

Xem thêm:   Nghề “The Squatter Hunter” - “Gậy ông đập lưng ông”

Chúng ta tạm gọi đó là “3 sọc đỏ, 1 sọc xanh dĩ bất biến” của chế độ do Hồ Chí Minh dựng nên để thấy tính độc đoán lỳ lợm, và tính giả trá liên tục qua trò “toàn dân đi bầu cử”. “Ba sọc đỏ, một sọc xanh” này cũng có giá trị làm tham chiếu cho những ai còn phân vân giữa hai phương thức: Kêu Gọi Tẩy Chay Bầu Cử hay Kêu Gọi Tham Gia Ứng Cử Tự Do trong các kỳ “bầu cử” tới đây do Ðảng Cộng Sản Việt Nam tổ chức.

Ðó là nhìn sự tiến triển theo thời gian so với chính Việt Nam trong gần nửa thế kỷ qua.

Nếu so với các nước khác, Việt Nam có hình ảnh ra sao ?

Chúng ta thử so với Thái Lan. Từ năm 2014 trở lại đây, Thái Lan bị xếp cùng hạng độc tài với Việt Nam. Song, về chi tiết, Thái Lan từ nửa thế kỷ qua là một nền chính trị luôn biến động, lúc dân chủ, lúc lai tạp và nhiều thời kỳ tụt xuống độc tài như hiện nay. Nhưng đồ thị so sánh mức độ dân chủ giữa Việt Nam, Thái Lan, vùng Ðông Nam Á và trung bình trên thế giới chỉ rõ đường biểu diễn của Việt Nam về “ba sọc đỏ” luôn luôn là các đường nằm dưới tất cả các quốc gia và vùng như vừa nêu. Nói dễ hiểu hơn, trong nửa thế kỷ qua, dân tộc Việt Nam là một dân tộc bất hạnh triền miên so với dân tộc Thái Lan, so với dân trong toàn vùng Ðông Nam Á và so với các dân tộc nói chung trên thế giới vì dân Việt Nam liên tục phải sống dưới một chế độ có những kẻ cầm quyền tự phong tùy ý hành xử nhưng người dân luôn phải bỏ tiền và công sức để tham gia vào màn kịch làm cho thế giới nghĩ rằng chính họ đã bầu ra những kẻ cầm quyền tàn ác này. So ngay với dân tộc Campuchia, Báo Cáo IDEA cho thấy hiện tại và tương lai của dân tộc Việt Nam u ám hơn: điểm trung bình cho Tự Do-Khả Tín Của Truyền Thông tại Campuchia gần gấp đôi Việt Nam trong giai đoạn 1992-2021 bất chấp truyền thông độc lập tại Campuchia bị đàn áp mạnh trong những năm gần đây.

Xem thêm:   Père Lachaise thành phố tĩnh lặng

Những con số và đồ thị khô khan này có thể lý giải một vài hiện tượng duy nhất chỉ có ở Việt Nam. Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới có hệ thống công quyền cùng nhau câu kết để đục khoét, trục lợi người dân ngay trong cơn hiểm nghèo của đại dịch Covid lịch sử. Việt Nam là quốc gia duy nhất trong vùng có phong trào thanh niên rủ nhau nhập cư trái phép vào các nước Tây Âu bằng những cách bất chấp tính mạng. Tuy nhiên, không có bản báo cáo nào có thể mô tả đủ các thống khổ dân tộc Việt Nam phải chịu từ hơn nửa thế kỷ qua.

PHS

(14/08/2022)