Thời đi học, ít ai không biết bài Mùa Thi của Ðỗ Kim Bảng:

Hôm nay ngày thi, bao nhiêu người đi…

Thi ơi là thi, sinh mi làm chi…

Hôm nay còn thi, mai kia còn thi

Ôi ! Ðời đời, khóc cùng cười hòa theo mùa thi…

Bảo Huân  

Và bài Nỗi Buồn Hoa Phượng của Thanh Sơn: Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương… Sau, bị nhại thành: Mỗi năm đến hè thì ta nghỉ hè

Vậy chứ sao. Học hoài, thi mãi chịu gì thấu! Mà học và thi đâu chỉ dành riêng cho trẻ em dưới 18 tuổi! Lớn già đầu như Hai Quê vẫn học và thi mệt nghỉ. «Con đi trường học, mẹ đi trường đời» mà. Thành ra, sau khi rên rỉ ỉ ôi : Thi ơi là thi, sinh mi làm chi rồi thì người lớn, con nít gì cũng đều mong muốn làm luôn liên khúc Mỗi năm đến hè thì ta nghỉ hè…

Khác nhau ở chỗ trong lúc con nít hí hửng sắp được ngủ nướng, coi Tiktok, đọc Manga, tắm biển và ăn cà lem thỏa thích thì người lớn vẫn phải học và thi tiếp cho môn nghỉ hè.

Môn này viết thành sách được vì có không ít mục đáng nói, thí dụ: chọn nơi nghỉ hè, chọn thời điểm và thời lượng nghỉ hè, chọn người đi nghỉ hè cùng, chọn phương tiện di chuyển, chọn dịch vụ, chọn hãng máy bay, chọn quần áo, vật dụng đem theo, cách sắp xếp hành lý v.v. Thời Covid phải thêm chương «Những điều cần biết khi đi nghỉ hè mùa dịch».

Trong khuôn khổ một bài phiếm luận ngắn, Hai Quê chỉ xin viết về một mục rất nhỏ nhưng lại liên quan mật thiết đến mùa hè và việc đi nghỉ hè, đó là chuyện lông.

Vấn đề này không thành vấn đề với quý ông, vì xã hội cho phép các ông thoải mái phô bày lông nơi công cộng, từ lông mũi, lông tai, lông nách, lông tay, lông ngực, lông bụng, lông lưng, đến lông chân. Phần lông trời cho còn lại, để dành đi các bãi bể «Naturist», nơi người đến tắm tha hồ một trăm phần trăm lõa thể.

Các gánh lông này càng xum xuê càng đáng hãnh diện, cả phương Ðông lẫn phương Tây đều đồng ý. Ông bà ta đã chẳng có câu: «Ðàn ông không lông vô nghì, đàn bà không vú lấy gì nuôi con» đấy ru. Người Pháp có chữ viril, tạm dịch là «trông nam tính», manly, người Việt trong nước bây giờ gọi là «chuẩn men» để khen anh/ông nào thuộc tuýp «râu hùm, hàm én, mày ngài». Thời Ðệ nhất thế chiến, binh lính Pháp được đặt cho cái biệt hiệu rất nam tính là «Les poilus» (Lính lắm lông). Nguyên nhân không chỉ vì họ phải sống dưới chiến hào lâu ngày, không có phương tiện cạo râu, cắt tóc mà còn vì tiếng Pháp có nhiều thành ngữ dùng  lông để mô tả lòng can đảm, nhất là dũng khí nam nhi, thí dụ : Un brave à trois poils (Người hùng ba sợi),  Avoir du poil au ventre (Có lông bụng), hay đơn giản Avoir du poil (Có lông) để chỉ người hùng cường. Cho nên khỏe re, có sao để vậy, vừa phơi phới tự do vừa lồng lộng khí chất.

Xem thêm:   Cá đuối món nào gia vị đó!

Quý bà, quý cô khác, sức mấy mà dám «hữu xạ tự nhiên hương» vụ này! Ngoài sợ mập, phải nhịn ăn cả tháng trời trước khi đi nghỉ hè để mặc đồ tắm cho «chuẩn girl», phái nữ còn bị ba cái vụ lông lá ám ảnh. Mẹ con, chị em, bạn gái nhắc nhau lấy hẹn với dịch vụ tỉa lông. Mùa cao điểm, tháng 7, tháng 8, lấy hẹn rất khó vì ai cũng muốn trơn tru đi chơi cho yên tâm. Giá cả trung bình ở Paris đại khái như sau: Nửa chân giò hai chục, nguyên chân giò ba chục, nách mười lăm, cánh quạt hai chục (bạn đọc không hiểu cánh quạt nằm ở chỗ nào, xin mời đọc lại bài thơ Vịnh Cái Quạt của bà Hồ Xuân Hương). Tổng cộng, muốn láng o toàn tập thì phải chung chi trên dưới sáu chục euros. Một ngân sách không nhỏ. Chị em nào oải chè đậu vì vừa mới sáu chục đó, quay qua quay lại đã xanh tốt rồi, lại phải lấy hẹn, lại phải chi địa sáu chục thì chọn luôn giải pháp triệt lông bằng tia laser, tuy đắt nhưng yên thân luôn cho tới ngày chẳng ai thèm ngó nữa. Tất nhiên, cũng còn một cách khác, tiện, rẻ và không đau là tự chăm sóc bằng dao cạo râu. Các nhà sản xuất dao cạo cũng thông minh ghê lắm, họ làm dao cạo có cán màu hồng «girly» để đáp ứng nhu cầu này của các nàng. Nhưng kết quả không so được với đi tiệm. Làm gì có chuyện Ngon-Bổ-Rẻ dễ dàng ở cuộc đời này nhỉ! Muốn ngon khó rẻ, muốn rẻ khó bổ!

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/07/2024)

Tóm lại, rất nhiêu khê cho phái nữ, ba cái vụ hair or no hair này. Một số nàng say men nữ quyền, muốn làm cách mạng, kêu gọi nữ giới phản kháng quy tắc xã hội bất thành văn, cho đàn ông quyền phô lông và chê bai đàn bà bê bối vì không sạch lông bằng cách hô hào nhau để lông nách, mặc áo ba lỗ, ra đứng chỗ có gió. Số người theo phong trào này đếm trên đầu ngón tay. Họa may, nếu Frida Kahlo sống lại, bằng cặp chân mày sâu róm giao nhau, hàng ria mép xanh rì và cuộc đời dấn thân nhưng đầy thảm kịch bùng nổ trên tranh, bà có thể tạo ảnh hưởng để phụ nữ thế kỷ 21 đủ tự tin giải phóng mình khỏi ách thống trị của thẩm mỹ lông lá.

Có điều lạ, một trong những cliché về phụ nữ Pháp lại dính đến chuyện rừng rậm này. Khi được hỏi: «Nói về phụ nữ Pháp, bạn nghĩ đến điều gì?» nhiều người nước ngoài, nhất là người Mỹ tủm tỉm tố: «Phụ nữ Pháp thích để thân thể trong tình trạng hoang sơ!» Cũng chuyện cliché, cũng chuyện lông, đàn bà Bồ Ðào Nha mang tiếng bao nhiêu lông thiên hạ gom cả lên mình. Nếu bạn không sống ở Pháp, Bồ Ðào Nha, hay là hè này kiếm cái vé bay qua tận nơi xem thực hư thế nào?

Ðể nói cho hết, trong giai đoạn lockdown vì Covid, thống kê cho biết một trong những sản phẩm bán chậm hẳn lại là dao cạo. Bà con không ra đường, chẳng ai buồn cạo, dù là cạo cái gì. Thống kê cũng cho hay, mùa lạnh, các tiệm tỉa lông ế khách hơn mùa nóng. Dễ hiểu thôi, trời lạnh, có trưng bày được mấy đâu mà tỉa tót cho mệt. Từ đó suy ra, tỉa, cạo, nhổ lông là chuyện chẳng đặng đừng với nhiều người.

Mặt khác, liệu đây có phải là điều thuận tự nhiên? Tạo hóa nặn ra cái gì hẳn cho cái đó lý do tồn tại. Trời sinh sao để vậy cho rồi, bày đặt cải tạo, chỉ tổ làm giàu cho mấy trự sản xuất dao cạo, kem cạo, bọt cạo v.v. và rách việc cho bản thân. Trời nóng bức, muốn xỏ cái váy ra đường cho mát phải lo ngó xuống coi chân cẳng nhẵn nhụi chưa. Chưa thì đố dám!

Xem thêm:   Quả ngọt

Giáo sư Pháp kỳ cựu Christian Bromberger, chuyên gia nghiên cứu sắc tộc viết hẳn một cuốn sách về lông từng nhận định: «Chúng ta sống trong thời đại của ám ảnh vệ sinh (Hygénisme), ám ảnh tẩy mùi (désodorisation) và ám ảnh xóa bỏ thú chất (désanimalisation).» Cộng cả ba nỗi ám ảnh ấy lại, thêm vào việc bị chuẩn mực thẩm mỹ xã hội quy định đàn ông để lông thì đẹp, đàn bà để lông thì gớm, cánh phụ nữ chăm bẳm diệt lông. Nghịch lý thay, khoa học lẫn kinh nghiệm nhân gian đều xác nhận rừng rậm hoang sơ chính là những bụi bờ hạnh phúc. Người mình chẳng có câu: «đàn bà rậm lông, đàn ông được nhờ» đó sao? Lông không chỉ là dàn cận vệ giỏi việc ngăn chặn vi khuẩn, bụi bẩn, dị vật xâm nhập cơ thể, nhất là nơi kín gió mà còn là những thị nữ yểu điệu chuyên việc se tơ kết tóc. Cứ đua nhau vừa triệt thị nữ vừa hạ cận vệ thì thâm cung bí sử bất sử bất an, ráng chịu! Mà ngay chính các ông cũng thích lên rừng xuống biển cơ mà. Không tin, mời bạn mở bài Cỏ Hồng của Phạm Duy ra nghe lại.

Ngày xưa, mấy dì của Hai Quê được gửi vô trường nữ trung học Marie Curie ở Sàigòn học chương trình Pháp, về nhà mách nhau cách học tiếng Pháp sao cho mau giỏi bằng một số câu mẹo. Tuyệt nhất có câu này: Chị tôi (ma sœur) mu (moux) mềm, lông (long) dài. Ðọc xong thì cười phá lên. Ngặt nghẽo ấy mãi đi theo ký ức Hai Quê. Nay, được dịp, đem kể hầu bạn đọc, mua một tiếng cười mười thang thuốc bổ và, biết đâu có thể góp phần làm thay đổi quan niệm thẩm mỹ, giúp đàn bà tự tin để lông và đàn ông cởi mở chấp nhận để quyền bình đẳng phơi lông nam, nữ được thiết lập.

HQ