Gia đình đông con gái. Ông ngoại tôi làm nghề chẩn bệnh, bốc thuốc. Là người giỏi Hán Nôm, ông viết chữ Nho rất đẹp nên lúc xưa nhiều người hay đến nhờ ông viết câu đối để đi đám tân gia, chúc mừng này nọ hoặc viết liễn cho đám tang.

Bà ngoại sinh cho ông cả đàn con gái, chỉ có một cậu nhưng cũng qua đời khi còn rất nhỏ. Mấy chị em gái của má ai cũng trắng trẻo, đẹp gái.

Má tôi xinh xắn, mặt tròn, môi chẻ giống ông ngoại y tạc, lại là người thông minh lanh lẹ, ham học chữ. Ở cái làng quê Quảng Nam xa xôi gần miền núi, hình như con gái trong làng đồng lứa chỉ có má là chịu ôm tập đến trường học cho đến… hết lớp, thời đó chắc là xong bậc tiểu học.

Ðến lúc ông ngoại gả dì Hai cho con trai một gia đình nhà buôn ở Hội An thì má theo dì Hai học làm bánh trái, nấu ăn, thêu thùa may vá. Năm tròn mười tám tuổi, ông bà ngoại gả má cho con trai út một địa chủ trong làng. Chưa biết mặt, chỉ biết mọi người hay gọi người đó là cậu Mười. Dẫu không muốn, cũng không thể từ chối vì tục lệ ngày xưa “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”.

Cậu Mười làm rể nhà ông ngoại hai ba năm vẫn chưa cưới được má. Cho đến một ngày, má tôi khóc lóc xin bà ngoại: “Thôi, con không lấy chồng được không mẹ?”. Ông ngoại giận lắm, còn bà ngoại thì dỗ dành. Sau cùng mới biết lý do là má đã nhận thư tình của một cậu học trò nghèo, gia đình ở một làng bên kia sông tản cư qua.

Bà ngoại tôi biết người này vì những năm chiến tranh loạn lạc gia đình anh ta lánh nạn gần khu vườn nhà bà ngoại. Lúc ấy, bà ngoại có cảm tình với cậu thanh niên là con trai một ông giáo chết trẻ, mẹ con đùm túm về quê ngoại. Bà tôi hay nhờ cậu những việc lặt vặt và cho ít khoai bắp mang về ăn. Ai dè đây là người đã để ý má tôi thuở nhỏ.

Nói gì thì nói, má tôi cương quyết không chịu làm vợ con trai ông địa chủ.

Thế là má cặm cụi, thức khuya dậy sớm, ra sức đi làm thuê làm mướn kiếm đủ tiền mua sắm các lễ vật rồi tự ý má mang qua nhà ông địa chủ để “trả lễ” hay còn gọi là hồi hôn. Ông bà ngoại đành phải chịu mất mặt với làng xóm vì có đứa con gái bướng bỉnh. Sau đó, ba tôi nhờ mai mối đưa bà nội đến nhà xin hỏi cưới má. Ðám cưới thời Việt Minh tổ chức thầm lặng ban đêm nhưng cũng có đông đủ họ hàng của ba tôi từ các nơi về dự; có cả tấm hình chụp ba má ngày thành hôn đứng sau bụi chuối nhà ông ngoại.

Hình đám cưới má 1956 

Sau khi sanh được anh Hai và tôi thì má khăn gói giã từ quê mẹ, lặn lội theo ba đi khắp các nẻo đường. Với công việc là một Trắc họa viên xây dựng cầu đường, tốt nghiệp điểm cao ở trường Công chánh Liên khu 5, đời sống của ba má thời đó tương đối dễ chịu.

Xem thêm:   Ca sĩ Thanh Thúy

Mấy năm sau, khoảng năm 1961, ba má mua được căn nhà nhỏ tại Ðà Nẵng. Trải qua mười mấy năm có được đàn con tám đứa như mong muốn, bốn trai bốn gái. Ba vẫn chăm chỉ đi làm, má không giỏi buôn bán nên ở nhà lo nội trợ, làm đủ các nghề may vá, đan len và chăm đàn con. Nói về hát ru con thì má tôi có thể được xếp vào hàng “sư phụ”. Cho đến bây giờ, những câu hát ru từ ca dao hay những áng thơ tuyệt tác có hàm ý giáo dục: nhân lễ nghĩa trí tín… cho đến những câu chuyện tình chia xa thời chinh chiến mà má đã từng hát ru vẫn còn đọng lại trong lòng chúng tôi. Có khi tôi nghĩ đó cũng là một cách dạy con nên người qua thơ ca hay ca dao tục ngữ, rất độc đáo của các bà mẹ Việt Nam.

Khi em gái út chưa được một tuổi, cùng với vận nước suy sụp, gia đình tôi lâm vào cảnh nhà tan. Ba vào tù, mấy năm sau, vào sáng sớm, cả nhà tôi bị đánh thức. Tất cả đồ đạc và con cháu bị hốt lên xe đưa qua ở chung với một nhà khác bị trưng thu một nửa. Một mình má chạy ăn từng bữa cho đàn con, thêm gánh nặng lo thăm nuôi người chồng biền biệt phương xa. Ðây là khoảng thời gian đầy khổ ải… “ai chưa qua chưa phải là người…”.

Kể từ khi làm vợ ba tôi, trăm ngàn tính toán, nhà cửa, làm ăn đều một tay ba lo toan. Má đúng nghĩa là bà nội trợ đứng bên cạnh chồng trong sinh hoạt gia đình và xã hội. Tánh má rất rộng rãi, hay giúp đỡ bà con từ bên nội lẫn bên ngoại tôi. Ba vào tù, má như người mất phương hướng, phải cáng đáng trăm bề, từ con cái đến đối phó bên ngoài. Rồi một ngày hết sức chịu đựng, má đâm ra… liều mạng. Nhất là sau khi đứa em trai bị buộc đi nghĩa vụ quân sự ở biên giới Tây Nam rồi bỏ mạng nơi xứ người thì… như giọt nước tràn ly, má phát khùng phản đối tất cả; từ phường khóm đến Sở Thương binh Xã hội… má tôi chửi từ dưới lên trên. Bà nhất định không chấp hành bất cứ một chủ trương gì khi quan chức địa phương nhắc nhở. Ðúng là tức nước vỡ bờ! Má tôi là người lý lẽ, can trường, không chịu luồn cúi. Ðiều này chẳng có lợi gì mà còn làm cho người đời không ưa, tạo thêm nhiều khó khăn cho gia đình lúc đó.

Khi các con đủ lớn để phụ má chạy chợ kiếm cơm thì… lại một mình má đứng ra dựng vợ gả chồng. Niềm hạnh phúc của bậc cha mẹ ngày các con nên bề gia thất, má cũng phải đơn độc đem rượu trà, mâm trầu cau bé bé đi nhờ cậy bà con hai tộc nội ngoại dự lễ hỏi, lễ Chánh sính…  Má tôi rất trọng lễ xưa, có thể nói là người khó tánh.

Hình má 86 tuổi

Rồi thì cháu ngoại, cháu nội ra đời. Ba từ ngục tù trở về trong ốm yếu bịnh hoạn. Cũng may, nhờ những việc làm phúc thời trước mà có một số người còn nhớ ơn đền đáp. Ba tôi có thuốc chữa bệnh, có công việc làm, tuy lao động chân tay nhưng cũng góp phần cùng má đưa đẩy đàn con cháu bớt đói khổ.

Xem thêm:   Những điều lý thú của tháng Ba

Và chương trình định cư nhân đạo tạo cơ hội cho một nửa gia đình thoát khỏi cảnh lầm than. Vì những rắc rối giấy tờ nhà cửa, má chưa thể cùng đi. Mười năm sau đó ba má mới hội ngộ. Lúc đó cả ba má đều già. Khoảng thời gian chừng hơn mười năm tiếp, ba má sống chung với tôi. Ba thích làm vườn, má thích nấu ăn và đan len.

Những cái Tết có ba má bên nhau làm những món ăn ngày Tết luôn là hình ảnh đẹp trong ký ức anh em chúng tôi. Ba tôi là người giỏi giang và yêu thương vợ con hết mực.

Trước kia, ba là người thích đi du lịch nhưng từ khi má qua đây thì ba chẳng đi đâu cả, chỉ quanh quẩn ở nhà. Má thích hoa cúc vàng thì sân trước ba trồng đầy hoa cúc. Má thích ăn ớt, ăn khổ qua thì vườn sau ba trồng đầy khổ qua, còn ớt thì đủ loại. Má thích đan len thì ba là người mẫu áo len, mũ len, khăn choàng… Bất cứ dịp lễ nào ba cũng tặng cho má tôi những món quà giá trị. Chị em tôi thường nhỏ to: “Tụi mình tuy không tệ nhưng chắc chắn chưa có ai hạnh phúc như má”.

Thời gian như bóng chim bay qua cửa, thoáng chốc ba má đã già. Cho dù có thể quên hết cả thế gian nhưng ba tôi lúc nào cũng chỉ để ý và một lòng chăm sóc má, hỏi han từng li từng tí. Ba càng già càng hiền hậu bao dung thì má ngược lại. Má chướng đến độ không ai chịu nổi. Hình như chẳng có gì khiến má hài lòng.

Khoảng thời gian đầu thì thích nói không tốt, không đẹp về con cháu. Nghi ngờ đứa này lấy tiền của má, đứa kia mượn tiền mà không trả, suốt ngày để má phải nhịn đói… Sau này thì cả ngày má không mở miệng, không nói, không cười. Thèm ăn món này món kia, khi nấu xong, mời ăn, mời uống cũng không trả lời nhưng khi không ai nhìn thấy thì sè sự… ăn một mình. Than van nhớ con cháu mà khi con cháu đến thăm thì bỏ đi chỗ khác hoặc nằm dài ở sofa xem TV. Rên rỉ đau ốm, yêu cầu đi bác sĩ nhưng đến ngày hẹn thì không đi. Hỏi má, khỏe lại rồi hả má? Bà trả lời tỉnh bơ, không khỏe nhưng không thích đi (?). Ngay cả khi ngủ trưa không đắp mền, ông ba nhè nhẹ lấy mền mỏng đắp cho cũng bị “người đẹp” la lối om sòm. Nói tóm lại, tất cả đều là bịnh “truyền nhiễm” của một người già ưa gió chướng và thích được quan tâm.

Thật sự, khi má đã già thì đàn con cũng già. Tất cả cũng mệt mỏi khi phải nuông chiều mà không lúc nào má vui, hay nở nụ cười cho con cháu vui. Má hết trách đứa này thì trách đứa khác. Những đứa ở xa, vài tháng ghé thăm vội vã rồi đi về thì má quý lắm; còn những đứa ở gần, lui tới chăm sóc, lúc nào cần kêu là xuất hiện ngay má lại coi như… cọng cỏ!

Xem thêm:   Vui buồn tháng Tư

Anh chị em tôi nhiều khi cũng buồn nhưng ngồi lại nói chuyện, tôi thường nhắn nhủ các em: “Gần 90 tuổi, má còn đi đứng còn tự ăn uống, tự vệ sinh, tự lo cho bản thân được là phước nhà. Một đời má từ xưa đến nay chỉ là chồng và con. Những thú vui của má: nấu nướng may đan… cũng là phục vụ chồng con. Bây giờ tuổi cao mắt kém thì không còn hứng thú gì, thấy tội nghiệp! Cho nên má đâm ra chướng, khó chịu, xấu tánh xấu nết cũng là bịnh già. Người đời không bịnh này cũng bịnh khác, mấy ai tránh khỏi. Hãy nhìn dáng dấp nhỏ nhắn của má mà nên thương, đừng trách, tám anh chị em mình cũng từ xương thịt má mà ra”.

Năm nay má tôi gần 90, mắt mờ chân chậm nhưng rất giỏi là đã quyết tâm học để vượt qua buổi phỏng vấn và chính thức trở thành công dân Hoa Kỳ, tháng 2 năm 2020. Thật đáng ngưỡng mộ!

Cuộc đời má tôi từ một cô con gái ông thầy thuốc đến làm vợ một ông Ðốc công, kỹ thuật cầu đường… kiêm tù nhân 10 năm cải tạo là cả một chặng đường gian khổ. Ngày chồng đi tù, bà chỉ vừa 40. Nhà bị tịch thu, không nghề nghiệp vốn liếng. Ðàn con tám đứa, lớn nhất chưa xong lớp 12 và bé út chưa được 4 tuổi. Mà nay con của má đã làm ông nội bà ngoại, gian nan má trải qua thật không kể hết!

Nhờ hồng phúc tổ tiên cũng như vòng tay bao dung của đất nước và người dân Hoa Kỳ, cùng với sự trả giá là hơn 10 năm tù cải tạo của ba, đến nay, gia đình chúng tôi đã may mắn sum họp. Tất cả đều có nơi định cư với nhiều cơ hội cho một tương lai tỏa sáng. Các con, dâu, rể cũng như cháu trai gái của ba má tôi đều là những công dân tốt, không ăn bám xã hội, không hư hỏng hay làm phiền gia đình. Ba má bây giờ sống chung với gia đình em trai tôi; luôn được con gái đến chăm lo. Ba má xứng đáng được hưởng phước nếu so với nhiều ông bà cụ cùng hoàn cảnh.

Kết quả này của đại gia đình phải nhắc đến sự hy sinh thầm lặng nhưng vô cùng to tát của má tôi. Má tôi không phải là bà mẹ Việt Nam được ca tụng như trong thơ nhạc. Má ít nói lời dịu dàng với bất cứ ai, kể cả ba tôi, đừng nói gì đến con cháu. Má tôi là người khẳng khái và đầy nghị lực.

Tuy hiện nay bà chướng chướng, rất khó chiều chuộng, không dễ gì làm cho bà nở nụ cười nhưng trong lòng anh em chúng tôi, má là một người vợ chung thuỷ của ba. Một người mẹ đảm đang suốt đời vì chồng con.

Một hoa hồng hay vạn hoa hồng cũng không đủ để vinh danh những gì má đã vì ba và gia đình. Con cầu mong khoảng đời còn lại của má, bên cạnh ba, luôn bình an và thanh thản.

NDAT

(Atlanta)