Lời giới thiệu: Cách đây hơn 1 tháng, cả thế giới nhộn nhịp với lễ hội lớn nhất hành tinh: Olympic Paris 2024, tổ chức tại Pháp, một đất nước từng là cái nôi của nghệ thuật nhân loại.  Nhiều người cho rằng đây là một chương trình thành công và mãn nhãn nhưng cạnh đó cũng lan truyền những ý kiến trái chiều. Trong không khí vẫn còn nóng bỏng này, mời bạn theo dõi bài viết nhiều kỳ của Cổ Ngư, gởi từ Paris…

NHIỀU KỲ – KỲ 1

Sau hai tuần tranh tài, Thế vận hội mùa hè lần thứ 33 tại Paris vừa kết thúc vào tối Chủ Nhật 11.08.2024. Với tiêu chí đem tinh thần thể thao, đoàn kết, hoà bình của Thế vận hội đến với tất cả mọi người, trong số hàng chục ngàn diễn viên, tuyển thủ, điều hợp viên, tình nguyện viên, hướng dẫn viên tham gia vào hai buổi lễ Khai mạc và Bế mạc, có sự hiện diện đầy đủ của nam-phụ-lão-ấu, từ cụ già hơn trăm tuổi ngồi xe lăn trao đuốc Thế vận cho các tuyển thủ nam nữ tràn trề sức sống tới những thiếu niên đang tuổi lớn mạnh, từ người béo phì đến người gầy quắt, từ người chuyển giới, người đồng tính đến nhiều gia đình vợ-chồng-con-cái tay bồng tay bế hân hoan tham gia lễ hội, từ người da đen, da vàng, da nâu, da trắng đến… da xanh (!) Tinh thần này còn được ban tổ chức thể hiện qua nhiều hoạt động, hình thức khác nhau, trải dài suốt hai tuần lễ.

Trước toà thị chính Paris, những ngày JO 2024      

Lễ Khai mạc Thế vận hội (Jeux Olympiques / JO) 26.07.2024

Dưới cơn mưa tầm tã, điều mà không ai tiên liệu trước được cho một ngày cuối tháng Bảy ở Paris, lễ Khai mạc JO Paris 2024 đã diễn ra trọn vẹn, không gặp một trở ngại nào đáng kể. Sự lo sợ vì bị khủng bố từ phía người Nga (vụ 7 chiếc quan tài rỗng đặt trên đường phố Paris), người Ả-rập, hay các phần tử cực tả, cực hữu (một số đường xe lửa tốc hành trên toàn nước Pháp bị phá hoại ngay đúng ngày khai mạc JO) đã phần nào được giải toả. Nữ ca sĩ đảo Guadeloupe của Pháp Axelle Saint-Cirel một mình đứng trên nóc viện bảo tàng Grand Palais cất tiếng hát La Marseillaise vang dội khắp Paris, hợp cùng giọng của Lady Gaga, Aya Nakamura, nhóm death metal Gorija, Juliette Armanet, Sofiane Pamart, Philippe Katerine… trong các hoạt cảnh đầy màu sắc, giới thiệu lịch sử và văn hoá Paris, nước Pháp nói riêng và Âu châu nói chung từ thời cổ đại đến thời hiện đại, trải dài trên suốt 6 cây số của đoạn sông Seine chảy qua Paris. Lễ Khai mạc kết thúc bằng giọng kim chót vót của Céline Dion, vốn đã ngưng các buổi trình diễn từ 4 năm nay, qua ca khúc “Tụng Ca Tình Yêu / Hymne à l’Amour” bên nắp đàn dương cầm ướt nước mưa cùng phần trình diễn pháo bông, đèn và tia laser rực rỡ tại tháp Eiffel.

Xem thêm:   Hổ ăn thịt người

Nhưng chỉ ngay ngày hôm sau, nhiều ý kiến phản hồi chỉ trích một số tiết mục đã hâm nóng internet, các mạng xã hội và hệ thống truyền thanh, truyền hình.

Ca sĩ Axelle Saint-Cirel hát quốc ca Pháp trong lễ Khai mạc JO 2024 (nguồn internet)

Nhóm cực hữu, từng lớn tiếng chê bai nữ ca sĩ da đen gốc Mali Aya Nakamura nói tiếng Pháp không chuẩn, dù hiện nay, cô đang có các bài hát được nhiều người nghe nhất trong số các ca sĩ hát tiếng Pháp trên toàn thế giới, lại sôi sục trước hoạt cảnh cô ca sĩ này từ Hàn lâm viện Pháp bước lên Cầu Nghệ Thuật hát múa cùng đoàn Quân nhạc Cộng hoà (Garde républicaine). Để đáp trả, nhiều người Pháp và khách du lịch tham dự Thế vận hội đã dùng tên cô ca sĩ 29 tuổi này để gọi cây cầu nổi tiếng của Paris!

Hình ảnh hoàng hậu Marie-Antoinette ôm trên tay chiếc đầu của mình xuất hiện ở cửa sổ Conciergerie (nơi bà bị giam giữ trước khi bước lên máy chém ở quảng trường Concorde) trong tiếng nhạc death metal của nhóm Gorija cũng bị phản đối, vì bị cho rằng không thích hợp với tinh thần JO. Những người khác lại thấy đó giống hình tượng các thánh tử vì đạo thời Công Giáo bị đàn áp, biểu tỏ sự cảm thông của người thời nay trước những khổ hình của hoàng gia và quý tộc trong cuộc tàn sát đẫm máu những năm Cách mạng Pháp thế kỷ thứ XVIII.

Ca sĩ Aya Nakamura và đoàn quân nhạc Cộng hoà trên Cầu Nghệ Thuật (nguồn internet)

Nhưng hoạt cảnh gây tiếng vang, chịu nhiều áp lực nhất chính là tableau của ca sĩ Philippe Katerine. Ông xuất hiện gần như khoả thân, nằm trên mâm tiệc, chỉ quấn trên đầu và quanh thân một dải lá và quả nho, cùng với làn da xanh trời độc đáo. Người Bỉ phản hồi đầu tiên: “Lão Schtroumpf (*) mập thù lù này nằm chình ình ở đây để làm gì vậy?” Sau đó, bão táp nổi lên tứ phía, từ thông báo của Hội đồng Giám mục Pháp đến lời nhắn nhủ của Toà Thánh Vatican, cùng sự lên tiếng của nhiều chức sắc Công giáo ở Hoa Kỳ, Trung Đông và Phi châu. Thông báo của Hội đồng Giám mục Pháp ghi rõ: “rất tiếc khi thấy những tiết mục mang tính giễu nhại đạo Thiên Chúa”, nhưng cũng không tiếc lời khen ngợi: “những khoảnh khắc tuyệt vời tôn vinh cái đẹp, sự hoan hỉ, tràn ngập cảm xúc và được cả thế giới chào mừng”. Đức giám mục Emmanuel Gobillard, đại diện Giáo hội Công giáo Pháp chuyên trách JO, trong một bài phỏng vấn trên báo “Thánh Giá” (**), cho biết: “Tôi chỉ theo dõi phần cuối chương trình Khai mạc JO nên bản thân không xem qua tiết mục gây tranh cãi. Tôi chỉ biết điều này ngày hôm sau, qua những phản ứng dữ dội trên các mạng xã hội.” Ngài nhấn mạnh: “Quyền báng bổ thánh thần không có chỗ đứng trong khuôn khổ Thế vận hội”.

Xem thêm:   Nghệ thuật khen

Sau khi có lời giải thích của Thomas Jolly, giám đốc nghệ thuật cả hai chương trình Khai mạc và Bế mạc JO (***), báo “Thánh Giá” tiếp tục đưa tin về các hoạt động của Thế vận hội cũng như những nhận định mang tính khoan hoà hơn, của Đức Tổng giám mục Pascal Wintzer giáo phận Poitiers, hay của giáo sĩ Dòng Tên đang theo khoa Thần học Nghệ thuật Pierre Alexandre Collomb chẳng hạn. Ông Collomb viết rằng, nên biết lắng nghe tiếng nói của người nghệ sĩ, phải tìm hiểu tác phẩm, và không nên chỉ vì không yêu thích một vài điểm nhỏ mà lên tiếng công kích cả một công trình. Theo ông: “Nghệ thuật, ngay cả khi làm cho chúng ta chướng tai gai mắt, lại khiến chúng ta học cách gặp gỡ nhau”.

Ca sĩ Céline Dion trong lễ Khai mạc JO Paris 2024 (nguồn internet)

Vậy thì, vấn đề nằm ở đâu?

Bức tranh “Bữa tiệc Ly” vẽ lại bữa ăn cuối cùng của Chúa Giê Su và mười hai tông đồ trước khi Ngài chịu đóng đinh trên thập giá để cứu chuộc nhân loại. Có ít nhất 40 hoạ sĩ (từ Giotto (1300), qua Rubens (1632), Dalí (1955)… đến David LaChapelle (2003)) đã vẽ tranh về đề tài này, nhưng được biết đến nhiều nhất, chính là bức bích hoạ của Leonardo da Vinci ở thành phố Milan (Ý). Đó không phải là bức tranh đẹp nhất, nhưng được nhiều người lưu ý, một phần, vì tên tuổi của người tác tạo ra nó.

Theo lời đạo diễn 42 tuổi Thomas Jolly, bức tranh “Bữa tiệc Ly” không phải là nguồn cảm hứng để ông dựng nên tiết mục “tai tiếng” với sự tham dự của nhiều drag-queen. Ông cũng “lửng lơ con cá vàng”, không nêu rõ nguồn, mà chỉ đưa ra một thông tin có tính quyết định: Dyonisos. Ca sĩ chính của tiết mục gây tranh cãi này đóng vai ông thần rượu, biểu tượng dục lạc của đỉnh trời Olympe. Ngực xệ, bụng phệ, tương phản hẳn với nét đẹp thanh nhã hay kiêu hùng của các nam thần khác, Dyonisos/Bacchus do Philippe Katherine thủ diễn rất giống với nét vẽ của Walt Disney trong đoạn phim hoạt hoạ “Bản đàn thôn dã” dựa trên khúc Symphonie số 6 của Beethoven (“Fantasia”, 1940) hay trong bộ phim vẽ “Hercule” (1977) của cùng nhà sản xuất. Những người tò mò lục lọi tìm kiếm, và họ ngờ rằng Thomas Jolly đã lấy ý từ bức tranh “Bữa hoan tiệc của các vị thần” do hoạ sĩ Bijlert người Hoà Lan vẽ vào khoảng năm 1640. Trong tranh, ở tiền cảnh, nhân vật chính Dyonisos trần trụi với chỉ một mảnh vải che hạ thân, nằm ngả đầu uống nước chảy từ chùm nho đang bóp trên tay, phía sau có một dương thần satyre nhảy múa. Hậu cảnh, là bàn tiệc của các vị thần, với nàng Vệ Nữ để ngực trần, Hải Vương cầm chĩa ba… bao quanh thần Ánh Sáng Apollon với hào quang trên đầu.

Tháp Eiffel trong đêm khai mạc JO 2024 với ca sĩ Céline Dion (nguồn internet)

Cho đến ngày JO kết thúc, vẫn có những ý kiến trái chiều xoay quanh tiết mục này. Nhiều người ngả về “Bữa tiệc Ly” thậm chí còn dùng kỹ thuật AI (thông minh nhân tạo) để xoá hẳn nhân vật chính tròn ủn nằm dài trên bàn tiệc trước khi tung ảnh chụp lại hoạt cảnh lên mạng. Những người theo phe “Hoan tiệc các vị thần” lưu ý đến số diễn viên có mặt quanh bàn tiệc, đông gấp hai, ba lần con số mười ba của Chúa Giê Su và các vị tông đồ.

Xem thêm:   Cung thủ không tay

Rốt cuộc, được hưởng lợi trong chuyện này, chính là viện bảo tàng ở Dijon, một thành phố nhỏ của Pháp, nơi treo bức tranh của Bijlert: số người mua vé vào cửa tăng gấp bốn lần so với trước đây!

Tiết mục gây nhiều tranh cãi của ca sĩ Katherine Philippe (nguồn internet)

Các nhà tài trợ

Ngay sau sì-căng-đan này, chỉ duy nhất một trong 80 nhà tài trợ cho JO 2024 ngưng hợp đồng, đó là hãng C Spire của Hoa Kỳ, chuyên về liên lạc viễn thông. Ba trong số 79 nhà tài trợ còn lại nhận nhiều lời chỉ trích:

– VISA (nhà tài trợ Hoa Kỳ): chiếm độc quyền thẻ tín dụng ở các quầy hàng lưu niệm JO. Nếu người mua không có sẵn tiền mặt hoặc thẻ VISA, sẽ bị từ chối. Tất cả các loại thẻ tín dụng khác đều không được chấp nhận.

Quầy hàng lưu niệm JO 2024 trên đường phố Paris

– COCA-COLA (nhà tài trợ Hoa Kỳ): quảng cáo của hãng này trong dịp JO có quá nhiều hình ảnh bao bì, chai bằng nhựa, nên bị các tổ chức bảo vệ môi trường lên tiếng phản đối. Người đại diện Coca-Cola cho biết: tất cả plastic mà hãng này dùng đều được tái chế 100%.

– SODEXO (nhà tài trợ Pháp): cung cấp thức ăn, nước uống cho mọi người có mặt trong Làng Thế vận, bị các tuyển thủ than phiền về cả chất lượng lẫn số lượng thực phẩm tiêu dùng mỗi ngày.

(còn tiếp)

Chú thích:

(*) Schtroumpf: các nhân vật truyện tranh của hoạ sĩ Bỉ Peyo, sống trong những ngôi nhà hình nấm, có da xanh và đuôi tròn. Trước 1975, loạt truyện tranh này với tên “Tí Sì-trum” rất được trẻ em miền Nam yêu thích.

(**) Báo La Croix: tiếng nói chính thức của Giáo hội Công Giáo tại Pháp.

(***) Thomas Jolly: “Bức tranh “Bữa tiệc Ly” sao? Đó không phải là nguồn cảm hứng của tôi. Tôi nghĩ là hình ảnh Dionysos nằm trên bàn đã đủ nói rõ điều đó. Ông ta ở đó, vì là vị thần của lễ hội, của rượu nho, vì là cha của Sequana, nữ thần sông Seine.” Sau JO, Thomas Jolly cùng nhiều nghệ sĩ khác vừa đâm đơn kiện những người đã nhục mạ và đe doạ đến tính mạng của họ sau buổi lễ Khai mạc tối 26.07.

Tài liệu tham khảo:

https://www.beauxarts.com/grand-format/quelles-sont-les-references-artistiques-de-la-ceremonie-douverture-des-jo/

https://www.la-croix.com/a-vif/mgr-gobilliard-sur-les-jo-2024-le-droit-au-blaspheme-n-a-pas-sa-place-dans-le-cadre-de-lolympisme-20240728

https://www.la-croix.com/a-vif/ceremonie-d-ouverture-lart-meme-sil-nous-choque-nous-permet-de-nous-exercer-a-la-rencontre-20240731

https://fr.wikipedia.org/wiki/C%C3%A8ne

https://fr.wikipedia.org/wiki/Le_Festin_des_dieux_(Bijlert)

https://www.ouest-france.fr/jeux-olympiques/jo-2024-un-sponsor-se-retire-des-jeux-apres-la-polemique-autour-de-la-ceremonie-douverture-33d9eade-4d86-11ef-b8ce-b2976298b162