1

Có một ngày cảm thấy lòng buồn mênh mông và trống trải. Thôi không viết và thôi không làm thơ.

Có một ngày muốn ngồi xuống nghe mưa thầm thì nơi căn nhà đang có triệu chứng già nua. Lá mùa Thu không biết ở đâu mà tụ nhiều trước sân, làm lay lắt một niềm vui mới vừa xanh hối hả.

Một ngày như vậy sáng nay, trái tim nghe yếu ớt vô cùng.

Tôi giả vờ mạnh mẽ để không nhìn lui một góc đường từng ghi xuống bao ký ức. Ðàng sau thùng thơ công cộng là một mờ mịt sương mù.

Hai mươi mấy năm – dù không nhiều – cũng thấy mình là một phần của nơi chốn – mà từng ngày chứng kiến những tiếng gió bạc lòng, những tin yêu mỏi mệt.

Vọng đâu đây, tiếng mưa như một lời giận dỗi. Mới ngày nào trên vai còn nghe mới cuộc tình buồn giờ đã thấy cũ rồi sao?

Nơi căn nhà này, tôi để cho ngòi viết đâm hoa và kết trái. Những nụ hoa như tiếng lòng và trái đang ngày đủ chín. Tất cả như một cầu chứng với đời. Những ngày vui hoặc chưa vui, rồi nỗi buồn ập đến. Tất cả gom đầy một cái tên.

Nơi căn nhà này, những người đàn bà đi bên đời hay đứng sau lưng – cười nói ngọt ngào hay nói ra những lời dao nhọn – những giọt lệ đầy vơi chờ tay người lau vội. Nhờ vậy, mà Thư Viết Từ Ðường Heatherglen ra đời.

Nếu cuộc đời chỉ là hư không và cuộc đời có lấy của tôi tất cả, thì những gì còn lại, vẫn là những trang đêm trang ngày được viết xuống từ màu đèn đường khuya hay sân vườn nắng sớm, trong đó, tình yêu vẫn chạm mặt với cô đơn để trôi về phía nào đó, dịu dàng.

Xem thêm:   Cụ bà 103 tuổi lái xe giữa đêm…

Nơi căn nhà này, tờ báo địa phương do tôi làm Chủ Bút sống thọ được 3 năm, 35 số báo. Bình yên cũng từ đây và giông bão cũng từ đây. Tình bạn và tình thù rực nắng. Những lòng người khiếm khuyết niềm tin và “thế nhân mắt trắng như ngân nhũ” (*)

Nhưng thành phố vẫn đẹp và trong lòng tôi vẫn đầy tràn giấc mơ cùng trái tim hơn một lần run rẩy.

Cũng nơi đây, 4 đứa con tinh thần được sinh ra. Có đứa thơ ngây có đứa từng trải hiểu đời. Có đứa đi qua biển dâu. Có đứa ngồi lại bóng đêm học biết câu gừng cay muối mặn. Những tình yêu nhuộm lời trách móc cùng những cơn mưa chưa từng ướt đời mình. Rồi những bình yên tạm bợ. Tôi tự hỏi có lẽ nào đó là những hạnh phúc được viết xuống từ một người đàn ông già — để tự dối lừa — vì chúng chưa từng tồn tại?

2

Mới đó đã hai mươi ba năm, kể từ ngày tôi dọn về đường Heatherglen, mùa Hè đầy tiếng ve trên các ngọn sồi non. Mỗi ngày lái xe đưa vợ đi làm qua những miền cỏ xanh khắc khoải. Cuối tuần tìm ra quán cà phê ngồi nghe nỗi đau va vào tim và nhìn đâu cũng thấy buồn, thấy hối tiếc những gì chưa kịp đủ.

Rồi những cơn gió làm vàng một mùa Thu. Tháng Mười năm 1998 tôi hay tin Má tôi mất ở VN. Cuộn băng video gởi sang từ Vũng Tàu, ghi lại hình ảnh đám tang, có lồng bài hát Tám Ðiệp Khúc của Anh Việt Thu, do Giang Tử ca. Tôi ngồi xem suốt đêm không nghĩ mình dư thừa nước mắt. Sau đó một năm, vợ tôi mất. Những bông cúc nhỏ đã ra đi.

Ðừng hỏi tôi còn lại gì? Chắc không nhiều hơn hai bài thơ viết cho hai người đàn bà nằm xuống. Những câu thơ dài lê thê và một cơn đau gọn gàng, tưới tắm.

Xem thêm:   Panatnikhom nhớ Bidong

Tôi nghĩ tôi có thể sống cạn kiệt đời mình với đứa con gái chưa kịp trưởng thành.

Tôi nghĩ tôi có thể trở về đúng trên chiếc ghế đã ngồi, căn phòng buổi chiều nhìn ra công viên sau nhà và giữ riêng cho mình một bầu trời. Một quá khứ…

Nhưng cuộc đời chật chội đến nỗi một chỗ ngồi cũng không đủ.

Người đàn bà hiện ra để nắm tay tôi băng qua vùng tâm bão. Ðàng sau những tàn phai là những giọt nắng yếu lòng. Ai giấu giấc mơ đêm vào đóa quỳnh nở muộn?

Những bậc thềm cũ trầy xước như những vết chân chim cư trú trên đuôi mắt người đàn ông già. (Một ngày nào đó hắn bước qua khỏi cánh cửa này, mới biết tình yêu chưa bao giờ là cũ!)

3

Có một ngày con gái tôi nói lên ý định rời bỏ chỗ này để tìm một chỗ khác. “Nhà này cũ quá Ba. Mình bán chỗ này và tìm một căn nhà mới. Có chỗ rộng rãi cho chúng ta và cho những bạn bè của Ba đến thăm.” Nó nói.

Suốt một mùa Lễ Tạ Ơn nó chạy đôn chạy đáo và đưa tôi tìm nhà. Những vòng bánh xe ngấu nghiến những đoạn đường. Những rét mướt đuổi hai bên xe, tôi quay đầu nhìn lại.

Cuối cùng nó cũng tìm ra một nơi chốn trong khi tôi còn chưa hết ngỡ ngàng.

Lâu lắm rồi, tôi cũng chẳng tin vào những điều vượt quá tầm tay mình.

Nhưng chỗ ở mới có đủ những gì cần thiết cho một người trót tin yêu vào sự lãng mạn. Nơi đó vẫn có bầu trời và có thêm một mặt hồ có vòi nước phun khi xe chạy qua. Những cây Maple cuối mùa có lá đang nửa vàng nửa đỏ. Chúng chuẩn bị rơi và sẽ mất dần khi Ðông đến thực sự. Nơi đó còn có những chú chim hót mang giai điệu dỗi hờn. Những con bướm bay lạc bên hàng rào. Có gì khác với căn nhà đường Heatherlgen đâu? Vậy mà tôi vẫn thấy buồn.

Xem thêm:   Cục sắt 2,000 năm

Khi xa nó, tôi thấy mình rõ nhất. Không có gì khác hơn, nhưng tôi thấy dường như tôi đã bỏ lại một cái gì đó không rõ ràng, cùng những câu chuyện ân oán thị phi, những tình yêu già hơn hai mươi năm. Tôi sẽ không nói về nó, bởi cái rét giữ trong lòng nhau hết còn bí mật. Cũng không muốn làm kẻ mộng du đuổi theo một sắc cầu vồng. “Tôi chia tay em rồi — Heatherglen —”. Tôi nói thầm trong đớn đau.

Hãy để trong lòng một cái tên. Vậy đi.

4

Chiều nay, có một kẻ rất buồn không biết từ đâu.

Một tấm ảnh chụp năm rồi, cũng mùa Thu. Trong đó trước sân nhà, ly cà phê chưa kịp uống và nụ hồng vừa hái. Tập truyện Ði Qua Mùi Hương Ngải gởi về từ Amazon. Hai chiếc khăn quàng che gần hết lưng ghế. Mới đó, người đã đi. Bối cảnh tầm thường nhưng có một người nhìn nó, mà khóc.

Một bài thơ tưởng chừng chấm hết lại là nỗi nhớ bắt đầu. Ðâu ai tắm hai lần trên một giòng sông, nên đôi chân đường dài không thể níu mình đứng lại. Cơn gió Tháng Chạp thổi tung một đường chiều mịt mùng. Những quá khứ gập ghềnh. Tóc ai đó đi bên cạnh tôi cũng tung tải một mùi hương. Làm sao giữ lại một con đường như giữ một mùi hương trong tóc?

PNY

(*) thơ Nguyễn Bính